khiến tranh thật gần gũi với người nông dân, với cuộc sống đời thường, “như một bài ca lao động” [19, trang 29-30].
2.2.2.2 Bộ tranh thế mạng và lễ cầu an
Xuất phát từ quan niệm linh hồn và thể xác đến sự tồn tại thế giới thần linh bên ngoài trong đó có những người thân đã khuất với những quyền năng nhất định chi phối đến cuộc sống thực tại không đơn thuần là tích cực mà cả tiêu cực buộc nhân thế phải có những cách ứng xử thích ứng: thờ cúng, hiến tế cầu an. Dân gian cho rằng, người chết vì thương con, nhớ cháu muốn bắt những người hạp với “căn” mình (trong tộc), hay những đứa bé chết lúc chưa hoặc mới sinh trở thành ma “con ranh” thường trở về quấy phá người sống nên dùng tranh
“con ảnh” (khác với hình nhân được làm mã như ngày nay về hình thức nhưng chức năng của nó lại tương đồng) như một hình thức chết thế (thế mạng) cho người sống. Không nhìn từ góc độ mê tín, hình thức thờ cúng và “con ảnh” phản ánh một nhu cầu tâm thức, sự ngưỡng vọng của người sống đối với ông bà gia tiên, những người đã khuất trong một ý nghĩa dung hòa mối quan hệ giữa hai thế giới hướng tới một cuộc sống an bình. Bởi thế, bộ tranh thế mạng gắn chặt với lễ cầu an trong các gia đình, cho ông bà “sống khôn chết thiêng”, cho con trẻ “hữu vị vô danh” không cảm thấy bị bỏ rơi, hay chịu cảnh vô gia cư. Nó không chỉ đáp ứng những đòi hỏi của người thân trong gia đình mà cho cả những hồn ma lạc lối. Sau lễ cúng, bao giờ chúng cũng được đốt đi, theo quan niệm làm như thế để người âm có thể nhận lấy.
Ở đây, đề tài muốn nói đến nét cũ của bộ tranh “thế mạng” bởi tranh “thế mạng” của làng Sình ngày nay đã có nhiều thay đổi so với thời trước. Trước những biến động của xã hội về mọi mặt, tranh Sình tất yếu không tránh khỏi những tác động, thực tế đó không chỉ diễn ra với bộ “thế mạng” mà cả với những thể loại khác của tranh Sình.
Thoạt nhìn bộ “thế mạng” như bày ra trước mắt chúng ta một cuộc “hành linh” với những nhiệm vụ hết sức quan trọng: giải cứu con người. Bộ tranh “thế mạng”
con “ngựa bay”, 1 bộ “khí dụng”, “cung tên” và “con Tiền” (100 quan tiền), tùy theo đối tượng được thế mạng mà có sự thay đổi các “con Ảnh”.
“Con Ảnh” thế mạng của đàn ông có đặc điểm: dáng hình chắc khỏe, mặt chữ điền, cằm có râu, mặc áo dài đen, vấn khăn, đi hài.
“Con Ảnh” thế mạng của phụ nữ có đặc điểm: dáng mềm mại, mặt trái xoan, tóc búi gọn, mặc áo dài màu lam, đi guốc.
“Con Ảnh” thế mạng cho em trai mang đặc điểm: dáng mập khỏe, mặt khôi ngô, mặc áo dài trắng và tay có cầm cây bút.
“Con Ảnh” thế mạng cho em gái mang đặc điểm: dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt dễ thương, mặc áo dài trắng và tay có cầm một bông hoa21.
Bộ “khí dụng” được bố cục làm hai phần: phần trên gồm có 2 ông điệu, 2 chiếc thuyền, 2 nhà kho, 2 con voi, 1 con ngựa22; phần dưới gồm những đồ dùng cần thiết cho người phụ nữ như gương, lược, trâm cài, hoa tai... Dưới bàn tay của các nghệ nhân Sình, hình ảnh các “ông Điệu” dáng nhanh nhẹn, mặt tươi cười như sẵn sàng dẫn “con Ảnh” về Địa phủ (mặc áo đen) đã thực sự tạo được cảm giác an tâm cho các gia chủ khi tế lễ cầu an [19, trang 30-32].
2.2.2.3 Tranh tượng Bà với tục cúng trừ giải bệnh tật, ốm đau và trong sinh đẻ
Trong dân gian Huế, người ta quan niệm rằng nữ giới có một vị thần bảo hộ riêng, đó là Tây Cung Vương Mẫu (hay còn được gọi là Đoài Cung Thánh Mẫu), một tập hợp các vị thần “bổn mạng” cho nữ giới. Mọi người phụ nữ, từ khi còn bé cho đến khi về già, trước khi ra lão đều thờ “trang Bà”, người trông coi 12 mạng (12 con giáp). Khác với những tờ tranh thế mạng, tranh “tượng Bà” sau khi cúng xong được thờ ở vị trí cao của gian tả ngôi nhà, quay về hướng Tây (Tây cung), để hàng đêm khi dâng hương đối diện với “Bà” họ luôn cảm thấy được tẩy rửa, được che chở, phù hộ. Tuy nhiên, khi phát nguyện thờ thì phải căn cứ vào tuổi của mình để chọn tranh thờ thích