19 Trước kia, người ta thường dùng lông đuôi trâu để tạo thành bút lông, sau này mới sử dụng bút lông thông dụng.
2.2 Nội dung và ý nghĩa tranh làng Sình trong đời sống tín ngưỡng
Từ nhiều nguyên do, hội họa Huế trong dòng chảy của mỹ thuật Huế không tránh khỏi những tác động của điều kiện lịch sử - xã hội của một vùng đất được hình thành trong quá trình Nam tiến, mà dấu ấn của nó đã tạo ra cho hội họa nơi đây những đặc trưng riêng, tiêu biểu. Từ những di tích, những tác phẩm hội họa, chúng ta dễ dàng nhận thấy ngành hội họa Huế mang tính chất thuần trang trí. Nhưng dù xét về mặt chức năng hay chất liệu, mỹ thuật Huế vẫn “không phản ánh sự bình quân của bộ môn hội họa với các loại hình nghệ thuật khác” [19, trang 23-24]. Có nghĩa là trong dòng mỹ thuật cung đình, hội họa dân gian Huế vẫn tìm được cho mình một con đường đi riêng với những giá trị nhất định được lịch sử ghi nhận, trong đó không thể không nói đến tranh dân gian thuần tín ngưỡng làng Sình. Tranh Sình là tranh giấy in từ mộc bản lấy nét và những mảng đen, có một số tranh in đen xong là đã hoàn chỉnh, một số tô mảng và để nguyên màu giấy mộc, còn lại hầu hết các tranh khác được tô màu khá đậm. Ngoài chất liệu, tính dân gian còn được thể hiện trên nét bút của các nghệ nhân. Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, tranh Sình “tuy chỉ là loại tranh mộc bản tín ngưỡng dân dã” nhưng qua “chất liệu, màu sắc, chủ đề, đường nét, bố cục, tranh Sình đã tạo nên một nét đặc thù không chỉ trong khía cạnh thẩm mỹ” hơn thế nội dung tranh Sình còn “biểu lộ một thái độ, một quan niệm, một nếp sinh hoạt của con người nơi đây trước thiên nhiên xã hội, lịch sử, văn hóa...”. Do vậy, “cái đáng quý cần bảo vệ không chỉ vì một làng tranh có truyền thống lâu đời mà còn vì bố cục và đề tài của tranh vẫn mang những yếu tố của một dòng hội họa đặc thù” [19, trang 24].
Xét về nguyên ủy, tín ngưỡng dân gian nói chung ra đời trước khi có tôn giáo, nhưng bởi vì nội hàm của tôn giáo rất cụ thể trong khi nội hàm của tín ngưỡng dân
gian lại khá mơ hồ và đa dạng, vấn đề tìm hiểu quá trình hình thành nên một tín ngưỡng mang tính chất đặc trưng Huế thực sự không dễ. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng, tín ngưỡng dân gian Huế là sự kết hợp có chọn lọc các yếu tố Việt - Chăm - Hoa. Trong các yếu tố Hoa, sự ảnh hưởng của Tam giáo (Phật, Nho, Đạo) là một tác động tổng hợp, toàn diện, “Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc nhất vào tín ngưỡng dân gian Huế, nhưng mức độ phổ biến không bằng Đạo giáo”, riêng “Nho giáo chỉ ảnh hưởng ở mức độ quan niệm và nguyên lý” [39, trang 53]. Tìm hiểu những vấn đề có tính nền tảng, căn đế đã chi phối đến tâm thức người dân xứ Thuận Hóa sẽ cho ta một cái nhìn chính xác về chức năng chính của tranh làng Sình. Điều đó được thể hiện khá rõ trong nội dung của tranh: bộ tranh “thế mạng” trong lễ tế cô hồn (Phật giáo); lễ nhương sao, giải hạn cầu an (Đạo giáo); tranh Ông, tranh Bà trong lễ cúng Bà, Tiên Ông... Cũng như tranh Sình đã góp phần làm tăng thêm sự phong phú đa dạng trong các hình thức tín ngưỡng dân gian.