19 Trước kia, người ta thường dùng lông đuôi trâu để tạo thành bút lông, sau này mới sử dụng bút lông thông dụng.
2.2.2 Khảo tả các loại tranh
Môi trường đích thực của tranh Sình là không khí trang nghiêm, hướng về cõi âm, nhưng bên cạnh cái chất trang trọng trong tranh hay trên khuôn mặt các “thần nhân” ta vẫn bắt gặp những nét hồn nhiên, vui tươi, khoan dung, vẫn cảm nhận được sự an ủi, được xoa dịu những khó khăn đầy rẫy trong cuộc sống đời thường. Tác giả nào đó đã có lý khi nói rằng: “dù là tranh tín ngưỡng dân gian nhưng khoảng cách giữa chúng với tranh sinh hoạt trang trí dân gian vẫn thật mong manh. Những bức tranh gia súc như heo, trâu, bò hoặc ngựa bạch với yên hồng, dây cương màu đơn với những dải lụa xanh nhẹ bay trong gió, tất cả đều có nét khắc thật ngộ ngĩnh, bình dị và nổi trên nền điệp trắng là những mảng màu nhẹ... Như vậy, cái đẹp mang tính trang trí của một tác phẩm đồ họa mỹ thuật trong tranh đã lấn át chức năng và ý nghĩa tín ngưỡng của nó” [19, trang 28].
2.2.2.1 Tranh bếp và việc thờ cúng táo quân
Từ câu ca dao cổ: “Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà” tìm về một truyền thuyết dân gian mà ý nghĩa của nó vượt ra ngoài cuộc sống đời thường trở thành biểu tượng phương diện tín ngưỡng thờ cúng tâm linh quan trọng trong các gia đình. Hai ông ở đây là Thổ Công (trông coi việc bếp núc) và Thổ Địa (trông coi việc nhà), một bà là Thổ Kỳ (trông coi việc chợ búa). Thổ Công được xem là “Định Phúc Táo Quân” vị vua định đoạt về tiền tài, sức khỏe cho các gia đình, ông có vị trí cao nhất trong các vị thần
của gia đình: “Đệ Nhất Chi Gia Chủ” mỗi khi cúng lễ gia tiên đều phải cúng Thổ Công trước, báo cáo với ông và xin phép cho gia tiên về dự lễ. Táo Ông vừa được thờ ở trang ông chính giữa nhà, vừa được thờ ở bếp. Theo tục lệ, hàng năm đến ngày 23 tháng chạp âm lịch, gia chủ làm lễ cúng tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng, ngoài đồ mã20 ra còn có tranh thờ, tranh thờ bao gồm 1 tờ “bếp”, bộ ba tờ “áo binh”, 1 tờ “ngựa bay” và 100 quan tiền.
Xét trên góc độ mỹ thuật, mảng bố cục chính của “tờ bếp” là hình ảnh ba vị Táo Quân nổi lên ở giữa như “ba ngọn lửa thiêng”, xung quanh là những sản phẩm mà gia chủ làm ra được sắp xếp theo bố cục đối xứng, tuần tự theo nội dung của một “bản báo cáo” mà ba vị Thổ Công sẽ trình lên Ngọc Hoàng.
Bố cục nội dung của tờ bếp, trên cơ sở dụng ý của nghệ nhân Sình muốn thể hiện sự tôn kính cũng như tầm quan trọng của ba vị thổ thần đối với gia chủ qua hình ảnh ba vị Táo Quân tư thế trang nghiêm, đồng thời gửi gắm những ước vọng về một cuộc sống đầm ấm, thuận hòa, sung túc qua hình ảnh các vật nuôi, mâm quả, các vật dụng sinh hoạt... Tuy nhiên, cũng qua bố cục của tranh “ba nhân vật, 1 nữ 2 nam nét mặt ôn hòa, an tọa trên một ngôi nhà bánh ú (một gian hai chái) lợp ngói, hai ngôi nhà phụ hai bên đăng đối với những bông hoa đang nở rộ, khoe sắc. Các đồ vật, sự vật, sinh vật được phân bố trong ba tầng, mỗi nhóm được đóng khung trong những ô hộc mang ý nghĩa riêng trong mối quan hệ chung. Ô bên trái (nam tả) là khí cụ và dụng cụ sinh hoạt của giới đàn ông (hai ông chồng bà bếp) thể hiện nguyên lý dương bằng dấu hiệu của chiếc quạt tròn, bình vôi, ly và bầu rượu; ở bên phải (nữ hữu) biểu tượng của nguyên lý âm qua chiếc gương vuông, quạt lông vuông và son phấn trang điểm. Vuông tròn của trời đất, của sự vẹn toàn, giao hòa và phát triển là mơ ước tất nhiên chứ không phải ngẫu nhiên của những gì mà hai ô tranh tả hữu thể hiện. Ô dưới cùng là hai người hầu, 1 nam 1 nữ đứng cạnh nhau, giữa là mâm trái cây đầy ắp tượng trưng cho thành quả của nông nghiệp trồng trọt. Hai bên là heo, ngựa, chó, dê, trâu, bò, gà, vịt đầy đàn tượng trưng cho thành quả chăn nuôi. Bố cục tranh tuy nhiều chi tiết nhưng không rối rắm, bởi mỗi cụm đều được khoanh trong một ô mang trình tự của những khám phá truyện tích”, điều ấy