22 Nhà kho để chứa những công cụ sản xuất, thuyền để vượt sông, ngựa voi để băng rừng.
3.2.5 Biến đổi về đề tài thể hiện
Sự biến đổi trong chức năng của tranh Sình, mà tiêu biểu là trang trí được biểu hiện rõ qua sự biến đổi của các đề tài, chủ đề thể hiện trên tranh Sình. Ngoài tranh thờ cúng là loại tranh chính thống cơ bản của dòng tranh thì tranh trang trí như đã giới thiệu ở trên được ra đời muộn hơn vào thời gian sau này. Các loại tranh này
đều được sáng tạo mới hoàn toàn, từ ý tưởng đến khuôn tranh và tô màu bởi nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Các đề tài thể hiện có thể kể đến qua các thời kỳ như sau:
Vào năm 2006 là sự xuất hiện của bộ tranh “Bát âm” (Nhạc cụ) bao gồm 8 bức tương ứng với 8 loại nhạc cụ khác nhau, đó là: Đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tì bà, đàn nhị, đàn bầu, sáo, trống, kèn.
Đến năm 2008, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước lại cho ra đời bộ tranh “Trò chơi dân gian” gồm 9 bức khác nhau, tên gọi của từng bức tranh đó là: Thế vật ngồi, thế vật quỳ, thế vật nằm, thế vật đứng, kéo co nam, kéo co nữ, bịt mắt nam, bịt mắt nữ và hội bài chòi.
Cho đến nay, năm 2014, ông lại sáng tạo thêm bộ tranh “Thời vụ” miêu tả chân thực cảnh sinh hoạt nông nghiệp ở thôn quê, nhưng chỉ mới dừng lại ngang công đoạn hoàn thiện mẫu tranh và đang trong quá trình đúc khuôn tranh, chưa có sản phẩm. Bộ tranh này gồm 4 bức, đó là: Đi cấy, đi cày, thu hoạch và tuốt lúa.
Đối với các loại tranh trang trí này, màu sắc của nó không bị gò bó và áp đặt theo một khuôn chung, mà người sản xuất có thể tùy ý sử dụng các mảng màu yêu thích lên các vị trí tương ứng cần được tô. Du khách về đây cũng khá thích thú với các loại tranh này, cũng trải nghiệm tự sản xuất, tô màu và mua sản phẩm về để trang trí trong nhà hoặc làm quà tặng.