phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn miền núi phía Bắc
Gia đình chính là thiết chế đầu tiên có chức năng giáo dục con người, là trường học đầu tiên đối với cuộc đời của mỗi con người. Những nghiên cứu của các nhà tâm lý học và giáo dục học cho rằng: trong những năm đầu của cuộc đời, hệ thần kinh của trẻ là mềm mại hơn cả, nên thường rất dễ hình thành những phản xạ có điều kiện, tức là những nét cơ bản của cá tính, những thói quen nhất định. Trên cơ sở đó, những phẩm chất tâm lý, những yếu tố nhân cách con người dần dần được định hình. Trong mỗi gia đình, phụ nữ có vai trò giáo dục to lớn, vì “phụ nữ vừa là người lao động, vừa là người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Khả năng và điều kiện lao động, trình độ văn hóa, vị trí xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ có ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển của thế hệ tương lai” [8, tr.3].
Để phát huy tốt vai trò “là người mẹ, người thầy đầu tiên”, phụ nữ phải là người tiến bộ và gia đình chính là nơi bắt đầu cho sự tiến bộ của phụ nữ. Việc loại bỏ sự phân biệt đối xử về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ DTTS, sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ hoàn thành tốt vai trò, góp phần tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cao đáp ứng được đòi hỏi của quá trình CNH, HĐH.
Thực hiện BĐG trong lao động gia đình, tức là phụ nữ được tiếp cận và hưởng lợi các nguồn lực như nam giới, trong đó có quyền được tiếp cận và hưởng thụ thành quả của giáo dục. Giáo dục nói chung và giáo dục cho phụ nữ nói riêng là chìa khóa để phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Nghiên
cứu của Ngân hàng thế giới cho rằng, có mối quan hệ thuận chiều giữa trình độ học vấn của người mẹ và năng lực trí tuệ của con, trình độ học vấn của người mẹ càng cao, thì thành tích trí tuệ của con cái càng lớn. Bình đẳng của phụ nữ và hạnh phúc của trẻ em có thể nói luôn song hành cùng nhau, khi phụ nữ được trao quyền để giành lấy cuộc sống ấm no và hạnh phúc, thì trẻ em sẽ được phát triển đầy đủ, hạnh phúc của người phụ nữ là nền tảng mang lại hạnh phúc cho con cái của họ. Vì vậy, người ta thường nói: nhìn vào trẻ em để biết tương lai cho một dân tộc, nhưng liền theo đó người ta cũng thấy rằng: nhìn vào sức khỏe, học vấn, văn hóa của phụ nữ, ta có thể biết cả quá khứ, hiện tại và tương lai của một quốc gia.
Sự thấp kém của phụ nữ trong mọi lĩnh vực không chỉ đẩy giới nữ vào vị trí của người chịu thiệt thòi, phải còng lưng cúi mặt, sống một cuộc đời không có ánh sáng của văn hóa, của niềm vui, của niềm hãnh diện làm Người, của tâm hồn dám cất cánh đến những ước mơ cao đẹp. Mà điều nguy hại số một, chính là khi người phụ nữ bị thấp kém về mọi mặt, phụ nữ sẽ không hoàn thành tốt chức năng thiên bẩm của mình, truyền thụ cho thế hệ con mình những tầm nghĩ rộng mở, những tính cách sáng tạo, những rung động cao cả. Trong khi con người ở thế hệ hôm nay và mai sau tất yếu phải là những con người của trí tuệ, những con người luôn luôn khám phá những cái mới tràn đầy tính nhân bản.
Ngoài ra, khi thực hiện BĐG trong lao động gia đình, đồng nghĩa với việc người phụ nữ được tạo điều kiện để phát triển bản thân, đầu tư cho giáo dục, nên chắc chắn trình độ của họ được nâng cao, có thể đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH. Khi phụ nữ có sức khỏe, có kiến thức sẽ đóng góp nhiều hơn cho phát triển bền vững.
Những năm qua nông thôn MNPB đã có những bước tiến quan trọng, nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đời sống nông dân được cải thiện. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng chậm phát triển, phát triển thiếu bền vững, cơ cấu kinh tế còn thuần nông, công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chưa tương xứng với lợi thế của vùng. Cho nên CNH, HĐH nông nghiệp,
nông thôn vừa là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, vừa là con đường ngắn nhất để đưa nông nghiệp, nông thôn MNPB thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, để phát triển sản xuất hàng hóa, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của cư dân nông thôn.
Yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đặt ra đối với vùng MNPB hiện nay là phải xây dựng được kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật hiện đại, như giao thông, thông tin liên lạc, thực hiện cơ khí hóa, hiện đại hóa, thủy lợi hóa, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi, tạo lập thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng hóa. Rõ ràng, đây là bài toán khó đối với một vùng kinh tế nghèo, phức tạp về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và đặc biệt chất lượng nguồn nhân lực còn rất thấp kém như MNPB.
Về mặt thể lực, đa số đồng bào DTTS có chiều cao, cân nặng nhỏ bé hơn mức trung bình của cả nước. Nguyên nhân là do những thiếu thốn trong chế độ dinh dưỡng, hậu quả của những thủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết...
Về mặt trí lực, nguồn nhân lực ở MNPB đã từng bước được cải thiện, do các chính sách ưu đãi trong giáo dục để thu hút trẻ em tới trường và theo học các cấp, bậc học cao hơn. Song chất lượng giáo dục của vùng, nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, đến đầu năm 2014, tỷ lệ mù chữ vẫn trên 12%, trong đó, có những tỉnh đặc biệt cao như Lai Châu hơn 50%, Hà Giang 35%, Điện Biên trên 30%, đặc biệt, có tới 90% người La Hủ chưa từng đi học [48, tr.65]. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ năm 2014 là thấp nhất trong cả nước 89,0%, trong khi trung bình của cả nước là 94,7% [75, tr.30]; tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo năm 2014 cũng rất thấp (15,5%) so với của cả nước (18,2%) [75, tr.146].
Về mặt tâm lực, do đặc điểm địa hình xa xôi, cách trở, điều kiện sống ít giao thiệp với bên ngoài và khó khăn về mặt ngôn ngữ, nên phần lớn nhân lực
DTTS MNPB chưa có nhiều kỹ năng sống trong môi trường hiện đại cần hợp tác, trao đổi.
Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng không tốt đến quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH của vùng, Lênin cho rằng: “Việc điện khí hóa không thể do người mù chữ thực hiện được, mà chỉ biết chữ không thôi thì không đủ. Phải hiểu rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở một nền học vấn hiện đại và nếu họ không có nền học vấn đó, thì chủ nghĩa Cộng sản vẫn chỉ là một nguyện vọng mà thôi” [36, tr.364-365].
Như vậy để tiến hành CNH, HĐH ở MNPB, chúng ta phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đó là căn cứ, cơ sở để chuyển giao, phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào MNPB và để làm được điều này thì một trong những giải pháp quan trọng chính là thực hiện BĐG trong lao động gia đình nói chung và gia đình DTTS nói riêng. BĐG trong lao động gia đình DTTS MNPB sẽ tạo ra “lợi ích kép” cho cả phụ nữ và trẻ em DTTS - nguồn nhân lực tương lai của một dân tộc, nâng cao chất lượng không chỉ nguồn nhân lực hiện tại mà cả nguồn nhân lực tương lai cho vùng MNPB.