Phát huy vai trò nỗ lực vươn lên của phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 150 - 157)

miền núi phía Bắc

V.I.Lênin từng chỉ ra rằng: Phụ nữ chỉ được giải phóng, được phát triển khi họ tự nhận thức được vị trí, vai trò của mình và có quyết tâm đấu tranh vì sự nghiệp cao cả ấy, việc giải phóng lao động nữ phải là việc của bản thân phụ nữ. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhắc nhở: phụ nữ phải vươn lên để bình đẳng với nam giới về trình độ, về năng lực quản lý kinh tế và quản lý xã hội, chủ động quyết tâm khắc phục khó khăn, phải tự tin, tự lực, tự cường, không nên tự ti, “ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình”. Theo Người, hơn tất cả mọi điều chính là bản thân chị em phụ nữ phải tự phấn đấu vươn lên để thoát khỏi tâm lý tự ti, bó hẹp, để đấu tranh giải phóng đòi quyền lợi cho chính mình và giới mình, góp công sức, trí tuệ của mình trong xây dựng đất nước. Để có thể xóa bỏ tâm lý tự ti, phụ nữ DTTS MNPB cần:

Thứ nhất, phải cố gắng học tập, nâng cao trình độ

Sự nghiệp đổi mới đang đòi hỏi bên cạnh việc kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của phụ nữ DTTS như: chân thật, giản dị, chăm chỉ, nhân hậu, khéo léo, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội, thì nay cần hình thành những phẩm chất mới như: năng động, sáng tạo, bản lĩnh, tự tin, tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm đem lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng, tác phong lao động linh hoạt, nhanh nhẹn, để ứng phó được những tình huống mới liên tục xuất hiện trong xu thế cạnh tranh, giao lưu, hợp tác.

Để có thể khẳng định được vị thế xã hội của mình trong gia đình, đòi hỏi phụ nữ DTTSMNPB phải nâng cao hiểu biết, năng lực, phải có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân đạo, để tự tin khẳng định mình. Việc phụ nữ có đủ năng lực và sự chủ động trong việc ra các quyết định quan trọng về các mặt trong gia đình, sẽ là điều kiện quan trọng để tiến tới bình đẳng giới thực sự trong gia đình.

Muốn vậy, gia đình và các các tổ chức xã hội cần phải tạo những cơ hội và điều kiện thuận lợi để phụ nữ DTTS có điều kiện và cơ hội tham gia

các lớp tập huấn, các khoá đào tạo ngắn hạn và dài hạn liên quan đến hoạt động sản xuất, giúp họ tham gia và trực tiếp ra các quyết định liên quan đến kinh tế hộ gia đình như đối với hoạt động vay vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh và các hoạt động khác. Có chính sách thoả đáng đối với họ khi tham gia học tập tại các trường lớp, nâng cao trình độ trên các địa bàn này, tiến tới xoá bỏ dần khoảng cách và sự chênh lệch kiến thức, trình độ giữa phụ nữ các dân tộc và giữa phụ nữ và nam giới.

Cần đặc biệt chú ý tới việc tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội, tự học hỏi, tự đào tạo để nâng cao kiến thức văn hoá và khắc phục mặc cảm tự ti, xóa bỏ định kiến, để tiến tới chủ động và tích cực phấn đấu nâng cao sự công bằng giới trong các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội. Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ DTTS về chăm sóc sức khoẻ, nuôi dạy con, dân số và kế hoạch hoá gia đình, kỹ năng sống và tổ chức cuộc sống gia đình. Xây dựng phụ nữ DTTS MNPB có “ sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Hội phụ nữ cần nêu gương người tốt, việc tốt của phụ nữ DTTS trong các lĩnh vực. Họ là những con người có những phẩm chất cao quý trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt và học tập, là những tấm gương sáng về sự kết hợp giữa hài hoà giữa ý chí kiên cường, lòng dũng cảm đức hi sinh, nghị lực sống và tài năng sáng tạo không ngừng. Những tấm gương đó không chỉ thôi thúc mỗi người phụ nữ noi theo, mà còn góp phần thay đổi những nhận thức chưa đầy đủ về vị trí và vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Tổ chức các lễ hội tôn vinh phụ nữ DTTS nhằm tạo dư luận xã hội rộng rãi ủng hộ, khuyến khích các hành động tích cực chăm lo cho sự phát triển của phụ nữ đồng thời phê phán, loại bỏ những hành vi tiêu cực, những phong tục tập quán, tâm lý, thói quen coi thường, hạ thấp nhân phẩm của phụ nữ,giúp cho phụ nữ nhận thức rằng vị thế xã hội thấp kém của họ so với nam hiện nay, không phải chỉ là do những khác biệt về mặt thể chất tự nhiên, mà là bắt nguồn từ những yếu tố xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay,ở MNPB còn nhiều định kiến với phụ nữ, công cuộc đổi mới đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực nữ. Sự nghiệp đổi mới đã tạo điều kiện và đòi hỏi phụ nữ phát huy ý thức, ý chí, khả năng của cá nhân cho sự phát triển của cộng đồng.Vì vậy, muốn đấu tranh xoá bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu coi thường phụ nữ, thì bản thân phụ nữ phải biết vươn lên, không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực, trình độ về mọi mặt để có một nền tảng tri thức vững chắc có thể chủ động, tự tin giải quyết các vấn đề của bản thân, gia đình và xã hội.

Thứ hai, cần nâng cao tính tích cực xã hội của phụ nữ

Tham gia vào các hoạt động mang tính xã hội, phụ nữ DTTS MNPB không chỉ được phát huy khả năng, mà hơn thế nữa họ được hoàn thiện chính bản thân mình. Tâm lý tự ti, mặc cảm của họ chắc chắn sẽ dần được khắc phục, nếu họ được tham gia vào một môi trường hoạt động giàu tính năng động, sáng tạo, luôn có sự giao lưu đa chiều tôn trọng nhu cầu, khả năng và nguyện vọng của mỗi cá nhân.

Để thực hiện BĐG trong lao động gia đình, không chỉ dừng lại ở việc xoá bỏ những định kiến bảo thủ lạc hậu đối với phụ nữ DTTS, mà quan trọng hơn là phải bằng những hành động thiết thực tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ DTTS thông qua việc tiếp cận với giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, chống tệ bạo hành, buôn bán phụ nữ, các tệ nạn xã hội từ trong gia đình.

Kết luận chương 4

Quá trình thúc đẩy thực hiện BĐG trong lao động gia đình DTTS MNPB, cần phải quán triệt những quan điểm cơ bản như: phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chủ trương xây dựng nông thôn mới; phải gắn với Chiến lược Quốc gia về BĐG, kế hoạch hành động BĐG của các tỉnh trong vùng; thực hiện BĐG trong lao động gia đình DTTS MNPB là sự kết hợp sức mạnh tổng thể của các

cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và bản thân người phụ nữ. Đặc biệt, thực hiện BĐG trong lao động gia đình DTTS MNPB cần phải xuất phát từ điều kiện đặc thù của vùng và đặc điểm riêng của từng dân tộc.

Việc thực hiện BĐG trong lao động gia đình DTTS ở MNPB hiện nay, đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: kinh tế lạc hậu, trình độ dân trí và nhận thức của người dân còn thấp, trong đời sống xã hội còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Để giải quyết được những mâu thuẫn này, thúc đẩy BĐG trong lao động gia đình, đòi hỏi MNPB cần thực hiện một hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ. Trước tiên các tỉnh MNPB cần phát triển kinh tế để cải thiện đời sống cho nhân dân, thông qua việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa để phát huy lợi thế cạnh tranh của vùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế và đẩy mạnh việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phải triển kinh tế. Thứ hai, các tỉnh MNPB cần phải có giải pháp để nâng cao trình độ học vấn và nhận thức về BĐG cho đồng bào DTTS, với những hình thức và nội dung phù hợp với đặc thù vùng và đặc điểm của dân tộc. Thứ ba, các tỉnh MNPB cần phải đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa bằng nhiều hình thức khác nhau, để đẩy lùi ảnh hưởng tiêu cực của các hủ tục, vì con đường nhận thức và hành động vì BĐG bắt đầu từ gia đình và ngay trong gia đình. Thứ tư, cần có những chính sách giải pháp tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, nâng cao tính tích cực xã hội, để phát huy vai trò vươn lên của phụ nữ DTTS.

KẾT LUẬN

Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu toàn cầu, mà Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác từ lâu đã vận động và thúc đẩy. Quyền bình đẳng nam nữ trên mọi lĩnh vực đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (1948), Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên hợp quốc (1979) và nhiều văn kiện pháp lý quốc tế khác, cũng như đã được khẳng định trong pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Bình đẳng giới là mục tiêu vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa có tính cấp bách trong sự nghiệp đổi mới của đất nước ta. Thực hiện mục tiêu này, nam giới và nữ giới có thể có những điều kiện bình đẳng để phát huy đầy đủ các tiềm năng của họ, có cơ hội để tham gia, đóng góp trong công cuộc phát triển đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Thực tiễn đời sống đã chứng minh, bất kỳ một sự phân biệt đối xử nào cũng đều dễ gây nên những căng thẳng và xung đột xã hội. Bất BĐG không chỉ hạn chế sự phát triển của phụ nữ, mà còn cản trở tiến trình phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt là với các nước đang phát triển.

Vấn đề BĐG được đề cập rất sớm ở Việt Nam, các quan điểm về BĐG không chỉ được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, được cụ thể hóa bằng các văn bản, những chỉ thị, nghị định, mà quan trọng hơn, ở một mức độ nhất định, đã và đang được thực thi trong cuộc sống nhằm phát huy vai trò, vị trí và tiềm năng của phụ nữ trong xã hội.

Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đã làm thay đổi nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Gia đình là một thiết chế xã hội, cũng có những biến đổi theo xu hướng tích cực tiến bộ, đặc biệt các mối quan hệ trong gia đình ngày càng hướng tới sự dân chủ, bình đẳng hơn. Có thể nói gia đình và sự tiến bộ của phụ nữ là hai vấn đề có quan hệ khăng khít với nhau. Trong gia đình, phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng, là người thầy đầu tiên của con người, là linh hồn

của một gia đình, là người tạo dựng nền tảng tâm hồn và nhân cách cho con người ngay từ thuở lọt lòng cho đến khi trưởng thành. Để phát huy tốt vai trò của mình, người phụ nữ phải là người tiến bộ và gia đình là nơi bắt đầu sự tiến bộ của phụ nữ. Người phụ nữ không thể nâng cao vị trí của mình khi gia đình thiếu sự bình đẳng, sự chia sẻ vai trò của mình cùng với các thành viên trong gia đình và sự ủng hộ của xã hội. BĐG trong lao động gia đình có ý nghĩa to lớn, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy thực hiện công bằng xã hội.

Miền núi phía Bắc là vùng đất có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển về kinh tế, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng, lãnh đạo trong 30 năm qua đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người DTTS được nâng cao.

Trong gia đình DTTS hiện nay đã có sự biến đổi theo hướng tích cực trong mối quan hệ giữa các thành viên, đặc biệt trong phân công lao động trong gia đình. Tuy nhiên trên thực tế thấy rằng, việc thực hiện BĐG trong lao động gia đình của DTTS MNPB còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách. Trong gia đình DTTS MNPB hiện nay, về cơ bản vẫn còn mang nhiều định kiến giới, phân công lao động vẫn tuân theo quan điểm truyền thống “việc đàn ông”, “việc đàn bà”. Sự phân công này xuất phát từ quan niệm nam giới là “phái mạnh” phải đảm nhận những “việc nặng”, cần “tính toán” và “kỹ thuật,” còn phụ nữ thuộc “phái yếu” nên phụ trách những “việc nhẹ”, “công việc không tên”. Sự phân biệt “việc đàn ông” và “việc đàn bà” trên thực tế đã làm giảm giá trị lao động của phụ nữ, chính điều này đã cản trở họ trong việc tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực để phát triển, hạn chế quyền quyết định trong lao động gia, cản trở quá trình thực hiện BĐG trong lao động gia đình đồng bào DTTS.

Thực hiện BĐG trong lao động gia đình DTTS MNPB đòi hỏi phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò lao động của người phụ nữ trong gia đình ở các địa phương này, cần phải vận động tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để

mọi người thay đổi cách nhìn thiên lệch về vai trò của phụ nữ đặc biệt là phụ nữ DTTS trong thời đại ngày nay. Cần phải phát triển kinh tế hàng hóa ở MNPB để tạo điều kiện thúc đẩy năng suất lao động, đa dạng hóa sinh kế, giải phóng sức lao động. Ngoài ra các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị và các thành viên trong gia đình cần tạo điều kiện cho chị em phụ nữ DTTS có cơ hội học hành, có công ăn việc làm, được đảm bảo tốt về mặt sức khỏe…, để họ có thể vừa hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ, mà vẫn đảm bảo tốt mọi trọng trách mà xã hội giao phó. Đặc biệt để thực hiện được BĐG trong lao động gia đình thì bản thân người phụ nữ DTTS cũng phải nỗ lực vươn lên vì BĐG không phải là làm giúp cho phụ nữ mà là tạo cơ hội, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy được năng lực bản thân, BĐG không phải là tạo chỗ dựa, mà là giúp phụ nữ đứng vững trên đôi chân của mình để họ góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Muốn thực hiện được BĐG trên các lĩnh vực khác, thì trước hết phải thực hiện được BĐG trong gia đình, vì gia đình là “tế bào” của xã hội. Và trong gia đình để có BĐG thì thực hiện BĐG trong lao động gia đình lại có ý nghĩa quyết định. BĐG trong lao động gia đình không những là chìa khóa để đảm bảo cho sự ổn định bền chặt, êm ấm của gia đình, mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của cả nam và nữ về mặt xã hội, cải thiện dần địa vị của mỗi giới, đặc biệt là địa vị của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 150 - 157)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(179 trang)
w