trạng trình độ dân trí thấp, nhận thức về bình đẳng giới trong lao động gia đình của cộng đồng xã hội nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng còn chưa cao
Nhiều nhà kinh tế học và các nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đều thống nhất: xét đến cùng thì tài nguyên sức người quyết định tốc độ phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia hay khu vực. Trình độ học vấn là chìa khóa mở đường cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, là một biện pháp hàng đầu nhằm thực hiện BĐG nói chung và giải phóng phụ nữ thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu, bất bình đẳng.
Trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào MNPB đã có nhiều thay đổi, trình độ học vấn đã được nâng lên, nhưng so với trình độ dân trí và phát triển giáo dục, đào tạo với các vùng trong cả nước thì khoảng cách chênh lệch còn lớn. Ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội thấp, điều kiện học tập thiếu thốn, thì trình độ dân trí của đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế. Theo kết quả chủ yếu điều tra dân số và nhà ở giữa nhiệm kỳ thời điểm 1.4.2014, thì MNPB có tỷ lệ dân số từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đi học cao nhất cả nước (9,0%) [74, tr.4]. Tỷ lệ đi học chung chia theo cấp học của MNPB rất thấp so với các vùng khác trong cả nước chỉ đạt 89,9% (chỉ cao hơn Tây Nguyên) [71, tr.75]. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ của vùng MNPB thấp nhất so với cả nước (89,5%), hai tỉnh có tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên biết chữ thấp nhất nước là Điện Biên (71,4%) và Lai Châu (64,3%), trong khi trung bình của cả nước năm 2013 là 94,8% [72, tr.123]. Số học sinh người DTTS học tới cấp 3 trong tổng số những học sinh DTTS đang học là rất thấp cụ thể tính đến thời điểm 30.9.2013 Tỉnh Hà Giang có 124.855 học sinh DTTS đang học thì chỉ có 10612 học sinh cấp 3 (chiếm 8,49%), Cao Bằng 15,9%; Lào Cai 10,2%; Lạng Sơn 20,17%; Điện Biên 12,2%; Lai Châu 7,8%. Tỷ lệ phụ nữ từ 15 -24 tuổi biết chữ ở khu vực MNPB cũng thấp nhất cả nước 87,3% [76, tr.190].
Trình độ dân trí thấp cản trở sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và hạn chế thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, cản trở việc khai thác các tiềm năng của vùng đồng bào dân tộc. Trình độ học vấn thấp đã hạn chế việc tiếp thu các kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, làm chậm quá trình thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án của Nhà nước, của các tổ chức quốc tế đối với miền núi và vùng đồng bào DTTS.
Trình độ học vấn của cả nam và nữ đều ảnh hưởng đến thực hiện BĐG, tuy nhiên trình độ học vấn của phụ nữ ảnh hưởng lớn hơn đến việc thực hiện
BĐG trong gia đình, cũng như ngoài xã hội. Phụ nữ vừa là người vợ, người mẹ, người thầy, ảnh hưởng của họ rất lớn, không chỉ đối với việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn lực con người trong tương lai của đất nước. Một khi người phụ nữ được giáo dục, đào tạo đầy đủ, trình độ được nâng lên, họ sẽ nhận thức và thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, có kiến thức và biết nuôi dạy con tốt, thực hiện quyền bình đẳng tốt hơn trong gia đình.
Với xuất phát về học vấn thấp hơn nam giới, khi lập gia đình điều kiện học hành vươn lên của phụ nữ lại càng khó khăn, họ phải chịu những thiệt thòi mới. Trình độ học vấn ảnh hưởng lớn đến cơ cấu nghề nghiệp của phụ nữ DTTS, đa số họ làm việc trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, với lao động thủ công là phổ biến. Năm 2014, tỷ lệ đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật của lao động nữ DTTS chỉ là 7,2% so với lao động nữ dân tộc Kinh - Hoa là 17,6%. Trình độ của phụ nữ Mông thấp nhất trong các DTTS, chỉ có 1,4% đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật [88, tr.4]. Điều tra Lao động - Việc làm năm 2014 cho thấy, tỷ lệ nữ DTTS có công việc làm công ăn lương là 37,9% so với tỷ lệ 43% của nữ Kinh - Hoa. Những nhóm nữ DTTS có công việc làm công, ăn lương chiếm tỷ lệ thấp nhất là nữ dân tộc Mông. Do khả năng tiếp cận giáo dục còn hạn chế, phụ nữ DTTS ít cơ hội có việc làm được trả lương hoặc các công việc phi nông nghiệp, hơn 77,1% phụ nữ DTTS ở khu vực nông thôn là lao động tự làm hoặc lao động gia đình không hưởng lương trong nông nghiệp. Những dân tộc có tỷ lệ nữ là lao động tự làm trong nông nghiệp trên 90% như: dân tộc Mông 98,7%, dân tộc Thái gần 92%, dân tộc Nùng 90,5% và dân tộc Mường 90%. Tình trạng này đã tạo cho họ nhận thức chỉ cần làm với kinh nghiệm cổ truyền, không sáng tạo, vì thế không thúc đẩy lao động nữ học tập văn hoá, nâng cao trình độ chuyên môn. Họ chấp nhận bớt giờ ngủ, nghỉ, hạn chế đến mức thấp nhất việc hưởng thụ văn hoá, việc giao tiếp, tham gia các hoạt động tinh thần để làm thêm việc đồng
ruộng và việc gia đình, dẫn tới phụ nữ ít có điều kiện được tiếp cận với giáo dục, đào tạo để nâng cao trình độ văn hóa, càng không có điều kiện để tiếp cận các phương tiện thông tin, họ trở nên lạc hậu với thực tế, nhận thức xã hội bị hạn chế, gặp nhiều khó khăn trong cơ chế thị trường.
Thực tiễn đời sống đã chứng minh, để thực hiện BĐG trong cộng đồng dân cư, thì điều có ý nghĩa quan trọng là tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức các hoạt động cũng như kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, có tính định kỳ. Để vấn đề BĐG được hiện thực hóa trong cuộc sống, đặc biệt là đối với khu vực MNPB, nơi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, cũng như các hủ tục lạc hậu, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc triển khai, chỉ đạo các chủ trương, chính sách về BĐG, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”. Tuy nhiên, số liệu điều tra cho thấy, sự hiểu biết của đội ngũ cán bộ cơ sở ở MNPB về vấn đề này còn hết sức hạn chế và bất cập. Có tới 80,4% cán bộ trong diện khảo sát, trả lời chưa từng được nghe và tiếp cận với chương trình lồng ghép giới, tỷ lệ cán bộ trả lời đúng Luật BĐG có bao nhiêu lĩnh vực lại hết sức khiêm tốn (9,2%) và có tới 58,8% trả lời không biết Luật có mấy lĩnh vực. Điều này cho thấy, việc nghe đến Luật và nắm được các lĩnh vực mà Luật quy định đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đang có một khoảng cách khá lớn. Đây là một trong những chỉ báo phản ánh mức độ quan tâm của cán bộ cơ sở tại MNPB với chính sách BĐG còn hết sức mờ nhạt. Kết quả phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cũng đã phản ánh thực tế vẫn còn một số tổ chức cấp cơ sở chưa quan tâm đến việc đưa vấn đề BĐG vào các chương trình, kế hoạch hoạt động của địa phương mình, nếu có đưa cũng chỉ dừng ở mức chung chung, mang tính “hô khẩu hiệu”, mà chưa thực sự coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương.