Tiếp cận các nguồn lực sản xuất

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 74 - 80)

- Đất đai

Nghề chủ yếu của đồng bào DTTS MNPB là nông nghiệp, nên đất đai là nguồn lực thiết yếu đối với mỗi hộ gia đình. Việc tiếp cận đất đai có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, nhằm đảm bảo đời sống kinh tế cho gia đình. Theo Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình (2014), Luật Đất đai (2013) và các chính sách đất đai gần đây của Đảng và Nhà nước, thì phụ nữ và nam giới có vị thế bình đẳng về tài sản và của cải.

Trong gia đình DTTS MNPB hiện nay, mặc dù tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng đứng tên sở hữu trong sổ đỏ chỉ chiếm 13,8%, phụ nữ đứng tên tuy mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ 9,0%, nhưng điều này đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng về quyền sở hữu tài sản, phần nào cũng đã thể hiện được vị thế bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình. Khả năng tiếp cận quyền sở hữu đất đai có

nội hàm sâu xa hơn đối với việc tăng cường quyền năng kinh tế như tiếp cận tín dụng, quyền hợp pháp đối với tài sản, nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên. Với vai trò là người đứng tên trong sổ đỏ, các loại giấy tờ quan trọng khác, thì phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện hơn trong việc ra các quyết định liên quan đến việc sử dụng và chuyển nhượng đất sản xuất, kinh doanh, trong thế chấp vay vốn hơn.

Nếu xét theo tương quan dân tộc, ta thấy tỷ lệ hai vợ chồng cùng có tên trong sổ đỏ của dân tộc Thái, Tày là tương đương nhau(14,5%, 14,2%), cao hơn so với dân tộc Mông, La Hủ (13,1%, 13,2%). Tỷ lệ người vợ đứng tên trong sổ đỏ của dân tộc La Hủ 5,3% là thấp nhất trong 4 dân tộc, điều này được lí giải do trình độ của phụ nữ La Hủ và mức độ bình đẳng trong gia đình La Hủ thấp hơn so với ba dân tộc còn lại (Phụ lục 2).

Như chúng ta đã biết, các quy định pháp lý dù hoàn hảo đến đâu, cũng mới chỉ là công cụ, việc các công cụ này được vận dụng như thế nào, có bảo vệ được lợi ích của những đối tượng cụ thể không, trên thực tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có nhận thức của bản thân các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Chẳng hạn, trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhận thức của phụ nữ và nam giới rất quan trọng, họ có yêu cầu cơ quan đăng ký ghi tên cả hai vợ chồng hay không, họ có muốn đổi giấy chứng nhận từ một tên sang hai tên hay không…, tất cả phụ thuộc vào hiểu biết pháp luật, nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề trên, ý thức về quyền mà pháp luật đã trao cho từ phía người vợ và người chồng.

Kết quả khảo sát của tác giả luận án cũng đã cho thấy, thực tế việc tiếp cận quyền sở hữu đất của phụ nữ DTTS ở MNPB là rất thấp. Trong số người được hỏi, có tới 75,5% cho rằng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất là do người chồng đứng tên, người vợ chiếm tỷ lệ khiêm tốn là 9,0% và cả hai vợ chồng chiếm khoảng 13,8% (Phụ lục 2). Chỉ có một số ít người dân (trong số phỏng vấn), biết rằng pháp luật hiện có quy định các tài sản này phải do cả vợ

và chồng đứng tên và một số hộ gia đình làm sổ đỏ đất đai, đã có cả tên vợ và chồng theo quy định của pháp luật.

Kết quả khảo sát của tác giả, cũng không khác nhiều so với kết quả của UN Women khi nghiên cứu về tình hình phụ nữ và trẻ em gái DTTS ở Việt Nam năm 2015. Theo UN, tỷ lệ hộ gia đình DTTS có nam giới là chủ sở hữu quyền sử dụng đất duy nhất là 74,2%; giấy chứng nhận có tên cả vợ và chồng của gia đình DTTS chỉ là 21%; trong nhiều trường hợp, phụ nữ còn không nhận thức được quyền lợi hợp pháp của mình là được cùng có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất [88, tr.6].

Có thể thấy có sự chênh lệch lớn trong việc đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa nam và nữ. Mặc dù pháp luật đã có quy định cụ thể về việc đứng tên trên giấy chứng nhận tài sản do hai vợ chồng cùng tạo dựng, song nhận thức của một bộ phận phụ nữ và nam giới, thì chưa phù hợp để tạo điều kiện cho việc thực hiện các quy định của pháp luật. Có lẽ việc xây dựng pháp luật bảo vệ quyền của phụ nữ và nam giới trên cơ sở BĐG, dù quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu. Các bước tiếp theo, có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả thực thi pháp luật là nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong quan niệm của cả phụ nữ và nam giới và nhóm cần được quan tâm đặc biệt là phụ nữ và nam giới DTTS. Rõ ràng là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới và phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS cần được đặt ra một cách cấp bách.

- Vốn

Vốn là yếu tố hết sức quan trọng để có thể thay đổi cơ cấu kinh tế, ngành nghề, cơ cấu lao động, cơ cấu vật nuôi, cây trồng - nghĩa là sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho các gia đình nông dân. Hơn thế, đầu tư vốn sẽ góp phần làm thay đổi mục đích nền kinh tế nông thôn từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa - thị trường.

Kết quả xử lý câu hỏi “Nếu gia đình có nhu cầu vay vốn bên ngoài thì ai là người đi vay”, cho thấy xu hướng cả hai vợ chồng cùng đi vay chiếm tỷ

lệ cao nhất 39,9% (Phụ lục 3). Dù là dân tộc ở trình độ phát triển cao, trung bình hay thấp thì xu hướng cả hai vợ chồng cùng đứng tên vay vốn đều chiếm tỷ lệ cao, điều này đã thể hiện được tính bình đẳng, dân chủ hơn trong quan hệ gia đình và cơ hội tiếp cận nguồn lực sản xuất của phụ nữ.

Tuy nhiên, cơ hội tiếp cận vốn của nam giới vẫn cao gần gấp đôi so với nữ giới, có tới 39,6% là do người chồng đi vay, còn do người vợ đi vay là 20,5%. Có thể lý giải điều này là do bản thân các nguồn vốn cho vay hiện nay, chưa tạo được cơ hội cho người phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS MNPB nói riêng tiếp cận, vì để có thể vay vốn thường đòi hỏi tài sản thế chấp, nhất là đất hoặc bất động sản, trong khi phụ nữ ít đứng tên trong giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, họ cũng không giữ vai trò chủ hộ.

Theo kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2012, khu vực MNPB có 94,5% hộ có vay vốn ở ngân hàng chính sách; 0,4% vay ở quỹ hỗ trợ việc làm; 2,9% vay quỹ giảm nghèo; 1,8% vay các tổ chức chính trị xã hội khác [71, tr.357]. Dựa vào nguồn vốn vay, không chỉ nhận biết được tính chất giàu nghèo của người vay, mà còn nhận biết được giới tính của người này. Những người vay vốn của quỹ Hội phụ nữ phải là hội viên Hội phụ nữ, đối với các nguồn vốn từ Hội Phụ nữ thực tế còn phụ thuộc vào phong trào hoạt động của Hội cơ sở, ở đâu Hội hoạt động mạnh, thì ở đó thường thu hút được nhiều nguồn vốn cho hội viên vay, ngược lại ở đâu phong trào Hội kém phát triển, thì ở đó thu hút được ít nguồn vốn hơn. Những người vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp, do phải thế chấp tài sản, nên thường là các chủ hộ đứng ra vay. Với Ngân hàng chính sách dành cho người nghèo, dĩ nhiên, người đi vay cũng phải là chủ hộ, mà chủ hộ thường không phải là phụ nữ.

Xét theo tương quan dân tộc, thì có thể thấy khả năng tiếp cận vốn của phụ nữ Thái là cao nhất (21,1%) sau đó là phụ nữ Tày (21,0%), thấp nhất là phụ nữ La Hủ (19,7%). Trong gia đình dân tộc Tày, Thái xu hướng cả hai vợ chồng cùng đi vay vốn cũng cao hơn so với gia đình Mông, La Hủ. Điều này

đã thể hiện rõ mức độ phát triển, bình đẳng hơn của gia đình Tày, Thái so với gia đình dân tộc Mông, La Hủ.

- Dịch vụ khuyến nông

Hiện nay, trong gia đình DTTS MNPB có 25% phụ nữ có cơ hội tiếp cận với dịch vụ khuyến nông, có lẽ đây cũng là bước tiến mới, thể hiện sự phát triển của người phụ nữ. Do nông nghiệp là ngành chính để phát triển kinh tế gia đình vùng DTTS, nên việc tiếp cận dịch vụ khuyến nông có ý nghĩa rất lớn, nói lên những cơ hội của phụ nữ trong vấn đề tiếp thu những thành tựu khoa học kĩ thuật để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống. Kết quả khảo sát cho thấy, trên 90% những người tham gia các lớp tập huấn khuyến nông đều có nhận định rằng việc tham gia các lớp tập huấn là rất hiệu quả.

Tuy nhiên, việc tiếp cận dịch vụ khuyến nông giữa nữ và nam có sự khác biệt đáng kể, người được tiếp cận với dịch vụ khuyến nông nhiều nhất vẫn là nam giới (60%). Tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ khuyến nông còn hết sức hạn chế chiếm 25%, gần bằng ½ so với nam giới. Thực trạng về sự khác biệt giữa vợ và chồng trong tiếp cận với dịch vụ khuyến nông trong gia đình DTTS ở các tỉnh MNPB, cũng phản ánh phần nào tình trạng chung về sự bất bình đẳng trong cơ hội, điều kiện tiếp cận của nữ giới và nam giới với dịch vụ này trên phạm vi toàn quốc. Các nghiên cứu gần đây của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng thấy rõ thực trạng này, “mặc dù phụ nữ chiếm phần đông (1/2 - 3/4) lực lượng lao động trong lĩnh vực chăn nuôi, nhưng chỉ có 20% các khóa tập huấn khuyến nông về chăn nuôi có phụ nữ tham gia. Tương tự như vậy, mặc dù 80% phụ nữ nông thôn tham gia trồng trọt, nhưng họ chỉ chiếm 10% số người được tập huấn về trồng trọt” [95, tr.8].

Việc phụ nữ ít có cơ hội, điều kiện để tham dự các lớp tập huấn khuyến nông, sẽ là một thiệt thòi lớn cho họ trong việc nâng cao trình độ hiểu biết trong sản xuất, chăn nuôi và nâng cao vốn hiểu biết của mình về dịch vụ này. Hầu như các hộ gia đình DTTS có tình trạng chồng “đi học” -

tiếp thu kiến thức về khoa học kỹ thuật còn vợ ở nhà “thực hành”. Phải chăng đây là một nghịch lý “nữ làm nam học”, làm ảnh hưởng đến hiệu quả và năng suất lao động ở MNPB.

Nếu so sánh giữa các dân tộc, thì dân tộc Thái, Tày có nhiều cơ hội tiếp cận với dịch vụ khuyến nông hơn dân tộc Mông, La Hủ và cơ hội của phụ nữ Tày, Thái cũng nhiều hơn so phụ nữ Mông, La Hủ, vì họ có trình độ cao hơn, trong gia đình có sự bình đẳng hơn, ngoài ra do sống ở vùng thấp nên có cơ hội tiếp cận cao hơn, nhưng nếu so với nam giới thì phụ nữ vẫn ít có cơ hội hơn.

Khi được hỏi lý do tại sao phụ nữ tham dự các lớp học khuyến nông thấp hơn nam giới, nhóm cán bộ xã tại địa phương nghiên cứu cho biết: “phụ nữ không đi được vì phải chăm sóc gia đình”, “phụ nữ học vấn thấp hơn nam giới, đàn ông luôn làm tốt hơn trong các vấn đề kỹ thuật, học hỏi tiếp thu nhanh hơn, vì thế sau khi học rồi thì việc áp dụng và thực hành luôn tốt hơn phụ nữ. Phụ nữ cho đi học về cũng không làm nổi”. Có thể thấy, đồng bào DTTS MNPB vẫn còn mang nhiều “định kiến giới” về vai trò, năng lực của phụ nữ trong việc tiếp thu kiến thức khoa học, chính vì định kiến giới này mà trong quá trình lập danh sách đề cử người đi tập huấn, đi học khuyến nông số lượng phụ nữ tham gia rất thấp.

Hơn nữa do trình độ hiểu biết và học vấn của phụ nữ hạn chế hơn nam giới, thậm chí nhiều chị không biết chữ, không biết tiếng Kinh, nên khả năng tiếp nhận kiến thức rất khó khăn. Đa số nam giới người DTTS có thể nói và viết thành thạo tiếng phổ thông (tiếng Việt), trong khi đó, phụ nữ DTTS đặc biệt là phụ nữ Mông, La Hủ do rào cản trong phong tục tập quán, ít được giao lưu rộng rãi ngoài gia đình, nên khả năng hiểu và giao tiếp bằng tiếng phổ thông rất hạn chế, chỉ có 33,3% phụ nữ Mông, 25,3% phụ nữ La Hủ từ 15 tuổi trở lên biết đọc [93, biểu 40], đặc biệt tâm lý rụt rè, tự ti, an phận, xem ra đã ăn sâu trong nếp nghĩ thói quen và hành vi của phụ nữ, nên ảnh hưởng tới quyết định ai sẽ là người đi dự các lớp tập huấn về khuyến nông.

Có thể khẳng định tiếp cận, quản lý, kiểm soát và sử dụng các nguồn lực phát triển của gia đình một cách tự chủ, không chỉ là điều kiện mà còn là cơ hội để phụ nữ phát huy được những tiềm năng vốn có của mình, để phát triển kinh tế gia đình và đó cũng là cơ hội để phụ nữ từng bước khẳng định vai trò của mình, qua đó mà thiết lập đúng vị thế của họ trong đời sống gia đình và đời sống xã hội.

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 74 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(179 trang)
w