Quan niệm về lao động gia đình

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 37 - 39)

Trong lời tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất cuốn sách Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước năm 1884, Ph.Ănghen viết:

Theo quan điểm duy vật, nhân tố quyết định trong lịch sử, quy đến cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp... Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt: thực phẩm, quần áo, nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó; mặt khác là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống [38, tr.44].

Từ quan điểm này của Ph. Ănghen, có thể thấy để tồn tại và phát triển, mỗi gia đình (tế bào của xã hội) phải tiến hành hai loại lao động, đó là lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất và lao động “sản xuất ra bản thân con người”.

Theo Trần Vân Anh và Lê Ngọc Hùng, có thể chia lao động gia đình thành hai loại: một loại gồm những hoạt động kinh tế tạo ra sản phẩm hàng hóa hay thu nhập; một loại lao động gồm những công việc không trực tiếp tạo ra hàng hóa hay thu nhập bằng tiền mà phụ nữ thường đảm đương trong gia đình [2, tr.219].

Nguyễn Linh Khiếu cho rằng: đời sống gia đình có rất nhiều hoạt động phong phú và đa dạng khác nhau. Nhưng nhìn chung, các hoạt động đó thường xoay quanh 3 lĩnh vực sinh sống chủ yếu của gia đình, đó là: sản xuất, tái sản xuất và hoạt động cộng đồng [30, tr.220].

Dương Thị Minh thì nhận định rằng:

Dù trong điều kiện nào, dưới bất cứ hình thức nào, gia đình cũng phải đảm bảo những nhu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần của các thành viên. Để thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu ấy, gia đình đồng thời tiến hành hai loại lao động chủ yếu: các lao động nhằm trực tiếp tạo ra của cải vật chất và các loại lao động đảm bảo tái sản xuất ra sức lao động [43, tr.29-30].

Theo giáo sư Lê Thi:

Lao động gia đình là một gánh nặng trên vai người phụ nữ từ xa xưa đến nay. Nó làm tiêu hao sức lực của phụ nữ, làm cho người phụ nữ không còn thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, nâng cao trình độ. Mặc dù hết sức vất vả, lao động gia đình vẫn chưa được xã hội và gia đình nhìn nhận đúng. Đó là loại lao động có giá trị tái sản xuất sức lao động của con người, nhưng chưa được đánh giá và bù đắp [67, tr.28].

Nguyễn Hữu Minh cho rằng:

Công việc trong gia đình thường được chia thành một số loại như nội trợ, sản xuất kinh doanh hộ gia đình, chăm sóc thành viên trong gia đình (con nhỏ, người già, người đau ốm), giao tiếp (cụ thể như tiếp khách đến, đại diện gia đình giao tiếp với chính quyền). Các nhóm công việc này, đến lượt mình lại được phân ra chi tiết hơn. Chẳng hạn, công việc nội trợ thường được hiểu là công việc tái sản xuất liên quan đến việc chăm sóc và duy trì hộ gia đình như: nấu ăn, giặt giũ, mua thức ăn, dọn dẹp nhà cửa... Công việc sản xuất, kinh doanh cũng được chia ra thành các loại hình trồng trọt, chăn nuôi, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ [44, tr.44]. Như vậy, có nhiều quan điểm khác nhau về lao động gia đình, có quan điểm cho rằng lao động gia đình nghĩa là làm công việc nội trợ trong gia đình, có quan điểm lại cho rằng lao động gia đình không chỉ là làm công việc nội

trợ, mà còn gồm nhiều loại công việc khác nhau trong gia đình như hoạt động sản xuất, tham gia hoạt động cộng đồng.

Tác giả luận án tiếp cận khái niệm lao động gia đình với nội hàm sau đây: Lao động gia đình là hoạt động có mục đích của các thành viên trong gia đình, nhằm thực hiện các chức năng của gia đình, để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển ổn định của gia đình. Lao động gia đình gồm: hoạt động sản xuất, hoạt động tái sản xuất và hoạt động cộng đồng.

Hoạt động sản xuất: là loại hoạt động được trả công hay tạo ra thu nhập, liên quan đến sản xuất hàng hóa, dịch vụ, trao đổi hàng hóa và mua bán, làm ruộng, làm thuê, tự tổ chức công việc.

Hoạt động tái sản xuất: là những hoạt động liên quan đến việc chăm sóc và duy trì gia đình như: nấu ăn, lấy nước, lấy củi, đi chợ, trông nom nhà cửa, chăm sóc sức khỏe cho gia đình…Tái sản xuất là loại hoạt động thiết yếu để duy trì cuộc sống của con người, song lại thường khó quy đổi thành giá trị kinh tế, vì vậy vẫn được coi là loại lao động không được trả công, là công việc dành riêng cho phụ nữ.

Hoạt động cộng đồng: là những công việc thể hiện quan hệ của gia đình với cộng đồng và thiết chế xã hội. Người thực hiện những công việc này là người đại diện cho gia đình giao tiếp và giải quyết các vấn đề quan trọng của gia đình với chính quyền và cộng đồng. Hoạt động cộng đồng bao gồm nhiều nội dung khác nhau như: tham gia các lễ hội tại địa bàn sinh sống, họp thôn bản, tập huấn, vệ sinh thôn xóm, làm đường, hiếu hỉ....

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(179 trang)
w