Phân công lao động

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 68 - 74)

Phân công lao động theo giới trong sản xuất là lĩnh vực cơ bản nhất biểu thị vai trò của hai giới, là nền tảng để lý giải địa vị xã hội và sự bất bình đẳng trong cộng đồng từ góc độ kinh tế. Quá trình mở rộng và phát triển các hoạt động phi nông nghiệp trong thời gian qua như: tiểu thủ công, du lịch, buôn bán đã là một động lực, tác động mạnh đến sự chuyển đổi kinh tế của các DTTS ở MNPB, mang theo một luồng sinh khí mới xâm nhập sâu vào xã hội truyền thống. Kết quả khảo sát của tác giả luận án cho thấy, trong tất cả các lĩnh vực của hoạt động sản xuất nhằm tạo thu nhập, làm ra của cải vật chất trong gia đình DTTS MNPB đều có sự tham gia của cả người vợ và người chồng, người phụ nữ ngày càng tự chủ trong các hoạt động kinh tế. Thậm chí hiện nay phụ nữ DTTS MNPB có ưu thế hơn nam giới về những công việc mang lại thu nhập thường xuyên cho gia đình như làm nghề thủ công, buôn bán nhỏ, sự chia sẻ giữa vợ và chồng trong hoạt động sản xuất có xu hướng ngày càng tăng.

Trong nông nghiệp, tác giả luận án khảo sát 8 loại hình công việc (từ 1 -8) trong bảng 3.1), thì có tới 6 hoạt động mà trong đó tỷ lệ tham gia của cả hai vợ chồng là cao nhất, cụ thể: Gieo trồng, cấy: 45,5%; thu hoạch 41,8%; bảo quản sản phẩm 68,7%; chăm sóc gia súc gia cầm: 50,2%, thậm chí nhiều công việc sản xuất trước đây vốn được xem là “công việc riêng” của phụ nữ như gieo trồng, cấy, chăm sóc gia súc gia cầm, thì hiện nay tỷ lệ cả hai vợ chồng tham gia cũng chiếm tỷ lệ cao nhất. Điều này cho thấy, xu hướng hợp

tác, bình đẳng hơn trong hoạt động nông nghiệp giữa vợ và chồng trong gia đình DTTS MNPB.

Bảng 3.1: Vai trò của vợ và chồng trong hoạt động sản xuất

Người thực hiện Vợ Chồng Cả hai Người khác Loại hình công việc Tỷ lệ % Tỷ lệ % Tỷ lệ % Tỷ lệ %

1. Cầy bừa 5,2 58,8 30,2 5,8

2. Gieo trồng, cấy 35,4 15,7 45,5 3,4

3. Chăm sóc, làm vườn 46,6 19,2 28,7 5,5

4. Phun thuốc sâu 10,3 61,2 17,7 10,8

5. Thu hoạch 33,6 17,5 41,8 7,1

6. Bảo quản sản phẩm 20,1 7,3 68,7 3,9

7. Làm chuồng nuôi gia súc 4,5 63,2 30,2 2,1

8. Chăm sóc gia súc, gia cầm 27,2 15,3 50,2 7,3

9. Buôn bán, dịch vụ 40,5 35,4 19,4 4,7

10. Nghề dệt, đan lát 60,6 6,5 13,1 19,8

11. Nghè rèn, mộc 3,4 75,2 11,6 9,8

12. Làm thuê (bốc vác, phụ xây) 17,7 37,7 31,7 12,9

Nguồn: Khảo sát của tác giả luận án

Dệt là nghề thủ công phổ biến ở tất cả các DTTS MNPB. Người Mông nổi tiếng với nghề trồng lanh và dệt vải, họ tự hào nói: “Ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông”, còn cây bông là cây gắn liền với phụ nữ Thái, Tày. Dệt vải, thêu may được coi là công việc của phụ nữ, con gái từ 10 -12 tuổi đã được mẹ, chị chỉ bảo, hướng dẫn, làm quen với những công việc liên quan đến dệt vải. Hơn thế nữa, sự thông thạo trong nghề dệt được coi là một tiêu chí, một phẩm hạnh con gái. Người ta không thể tính được số ngày công lao động của phụ nữ trong công việc này, các sản phẩm dệt đã chứng tỏ sức bền bỉ và nghệ thuật tài hoa của người phụ nữ DTTS MNPB. Kết quả khảo sát của luận án cho thấy, nghề dệt có tới 60,6% phụ nữ tham gia. Ngoài làm sản phẩm phục vụ nhu cầu của gia đình và đồng bào trong vùng, hiện nay có nhiều gia

đình còn nhận cả đơn đặt hàng của khách du lịch nước ngoài, thu nhập từ các sản phẩm dệt vải, thêu may chiếm một phần quan trọng trong kinh tế hộ, vài năm trở lại đây nghề dệt truyền thống trở thành lối thoát nghèo cho đồng bào dân tộc.

Trong khi đó, rèn - chủ yếu nam giới tham gia 75,2% - là nghề thủ công lâu đời và đạt đến trình độ khá cao của nhiều tộc người như: Tày, La Hủ, Mông, đang đứng trước nguy cơ mất dần, do người dân mua công cụ dưới xuôi đưa lên rẻ hơn, thu nhập từ nghề rèn của nam giới, có lẽ hiện giờ không thể bằng được so với nghề dệt, làm đồ thủ công của phụ nữ.

Những năm gần đây ở MNPB, do du lịch phát triển nên có một bộ phận gia đình DTTS chuyển sang làm nghề mới như: hướng dẫn viên du lịch, làm dịch vụ du lịch tại nhà - hình thức đón khách nghỉ lại qua đêm hoặc dài ngày trong gia đình và thu tiền các dịch vụ như ăn, ngủ, tắm thuốc… (cho thuê chỗ ngủ với giá 1 đô la/tối tại nhà). Bình quân thu nhập từ việc phục vụ khách du lịch có thể đem lại cho các gia đình khoảng 1 triệu đồng/tháng, đây là nguồn thu không phải nhỏ đối với hộ nông dân. Ở huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai, một số phụ nữ năng động ở các xã thường ra hẳn thị trấn Sa Pa để thuê nhà trọ và bán hàng lưu niệm cho khách du lịch nước ngoài. Và đặc biệt là, người làm ra hầu hết các sản phẩm cho khách du lịch, từ các sản phẩm thổ cẩm cho đến các mặt hàng khác như tre đan chính là phụ nữ. Có thể thấy với công việc này, phụ nữ đang có đóng góp ngày càng lớn cho kinh tế gia đình và cũng làm cho phụ nữ DTTS ngày càng năng động hơn.

Tại các xã biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, khi việc buôn bán ở khu vực biên giới được thông thương, thu nhập của khá nhiều gia đình dân tộc ở tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai phần lớn từ các hoạt động buôn bán hàng hóa qua biên giới và theo sự công nhận của các cán bộ địa phương thì phụ nữ đã đóng góp vào thu nhập của gia đình không hề kém, mà thậm chí còn cao hơn nam giới. Có thể thấy, trong các hoạt động dịch vụ buôn bán, phụ nữ có nhiều lợi thế hơn so với nam giới, những công việc của đàn ông đòi hỏi phải có sức

khỏe, nhưng lại thiếu ổn định vì không phải lúc nào cũng có việc như: bốc vác, xe ôm.

Nếu xét theo tương quan dân tộc, thì trong gia đình dân tộc Tày, Thái mức độ tham gia của cả hai vợ chồng vào công việc sản xuất là phổ biến và cao hơn so với dân tộc Mông, La Hủ. Trong hầu hết các công việc sản xuất nông nghiệp, người vợ trong gia đình dân tộc Thái, Tày tham gia đảm nhiệm ít hơn nhiều so với người vợ trong gia đình Mông, La Hủ. Ngược lại mức độ tham gia của người chồng trong nhiều công việc vốn được coi là của phụ nữ trong gia đình Thái, Tày ngược lại cao hơn nhiều so với dân tộc Mông, La Hủ (Phụ lục 1). Cường độ lao động của các dân tộc cũng có sự khác biệt. Theo số liệu điều tra bảng hỏi, việc sử dụng máy móc (máy cày, máy bừa) trong các khâu làm đất của người Thái, Tày là khá phổ biến, các hộ gia đình chủ yếu thuê máy cày, bừa, tỉ lệ khoảng 80%; đã mua sắm, sử dụng máy tẽ ngô không động cơ, máy tuốt lúa có tỷ lệ khoảng 15,2%; phương tiện vận chuyển sản phẩm chủ yếu là phương tiện cơ giới, điều này đã đem lại năng suất lao động cao, đồng thời góp phần giải phóng sức lao động. Trong khi đó sản xuất nông nghiệp của người Mông, La Hủ vẫn chủ yếu dựa vào sức mạnh của cơ bắp, ngoài ra do họ thường canh tác trên đất dốc, nên tốn nhiều sức lao động và gặp nhiều khó khăn hơn trong canh tác, vì vậy cường độ làm việc của dân tộc Mông, La Hủ cũng nhiều hơn so với dân tộc Tày, Thái. Ngoài ra, dân tộc Tày, Thái, Mông có nhiều ưu thế hơn so với dân tộc La Hủ trong việc đa dạng hóa sinh kế, chuyển đổi cơ cấu lao động. Do phát triển du lịch và các dịch vụ du lịch ở Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, nên có nhiều gia đình DTTS chuyển sang làm nghề mới như hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ cho thuê nhà hoặc làm tiểu thủ công (thổ cẩm) cao hơn so với đồng bào dân tộc ở Sơn La, Lai Châu.

Tóm lại, nghiên cứu phân công lao động theo giới trong sản xuất của gia đình DTTS MNPB cho thấy, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn chưa phát triển, trình độ sản xuất còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, người phụ nữ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sản xuất, đem lại nguồn lợi kinh

tế và đảm bảo nhu cầu lương thực cho gia đình và cộng đồng. Họ tham gia hầu hết và khá bình đẳng với nam giới trong các công việc sản xuất của gia đình, có ưu thế về những công việc mang lại thu nhập thường xuyên hơn nam giới cũng được khẳng định.

Tuy nhiên kết quả khảo sát của luận án cũng cho thấy, khuôn mẫu giới (nguyên tắc bất thành văn) vẫn ngự trị trong suy nghĩ và hoạt động của người dân nơi đây khi tham gia công việc sản xuất. Tùy từng gia đình mà các hoạt động sản xuất có thể do người chồng, người vợ hoặc con cái đảm nhận chính, nhưng thông thường lao động sản xuất trong các gia đình DTTS MNPB được phân công theo “việc đàn ông”, “việc đàn bà”. Sự phân công lao động này xuất phát từ quan niệm nam giới là “phái mạnh”, phải đảm nhận những “việc nặng”, cần “tính toán”, “kỹ thuật”, còn phụ nữ thuộc “phái yếu” nên phụ trách những “việc nhẹ”, “công việc không tên”.

Có thể thấy nam giới thường đảm nhận những việc được coi là quan trọng và nặng nhọc hơn trong nông nghiệp như: phun thuốc sâu 61,2%, cầy bừa 58,8%, làm chuồng 63,2%. Trong khi đó phụ nữ đảm nhận chính trong các công việc, được coi là “nhẹ nhàng”: gieo trồng 35,4%, chăm sóc 46,6%, thu hoạch 33,6%, bảo quản sản phẩm 20,1%, bán/trao đổi sản phẩm 32,5%, chăm sóc gia súc, gia cầm 27,2%.

Trong nghề thủ công, nam và nữ thường tập trung với tỉ lệ cao ở các ngành được xem là phù hợp với mình, ví dụ nghề dệt vải, đan lát là nghề mà có tới 60,6% phụ nữ tham gia, chỉ có 6,5% là người chồng tham gia. Xét theo tương quan dân tộc thì phụ nữ dân tộc Mông có tỷ lệ tham gia nghề dệt nhiều hơn cả so với 3 dân tộc còn lại. Với nghề mộc và rèn thì chủ yếu dành cho nam giới, có tới 75,2% người khảo sát cho rằng đó việc của nam giới. Trong hoạt động dịch vụ, mô hình phân công lao động theo giới cũng thể hiện rõ nét. Nam giới chủ yếu làm các dịch vụ đòi hỏi cơ bắp, hoặc làm việc với máy móc như cày bừa, chuyên chở, xay xát, bốc vác hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, còn việc buôn bán và dịch vụ ăn uống chủ yếu do phụ nữ đảm nhận.

Không thể phủ nhận nhiều công việc do nam giới thực hiện đòi hỏi sức cơ bắp nhiều hơn, nhưng trên thực tế những công việc mà phụ nữ đảm nhận, được coi là những việc “nhẹ nhàng” lại tốn rất nhiều thời gian, công sức và phải thực hiện liên tục hàng ngày như: chăm sóc, làm vườn, dệt vải, kiếm thức ăn. Điều đáng lưu ý là, mặc dù đa số họ đều cho rằng phụ nữ có thể làm được những công việc như chặt cây to hoặc lái máy cày và ngược lại nam giới có thể làm những công việc như làm cỏ, bón phân, song theo họ không nên thay đổi, vì như vậy sẽ đánh mất những đặc điểm nam tính hay nữ tính và quan trọng nhất là sợ người khác chê cười. Họ cũng nhấn mạnh thêm, việc phân công lao động như thế đã có từ lâu đời, đã trở thành chuẩn mực, cho nên khi được hỏi thì có tới 76% người được hỏi cho rằng việc phân công trong hoạt động sản xuất như hiện nay là hợp lý và không cần thay đổi.

Vậy là, cả phụ nữ và nam giới đều coi đây là sự phân công lao động hợp lý, là chuẩn mực phải tuân theo và không cần phải thay đổi. Tại sao lại như vậy? Để hiểu được nguyên nhân thì ngoài những lý do bên trên, có lẽ ta phải nhìn nhận, đánh giá từ khía cạnh văn hóa tộc người.

Đồng bào DTTS MNPB không có quan niệm về sự “bình đẳng” như cách hiểu của truyền thông và luật pháp hiện nay, thay vào đó quan niệm của họ về gia đình bình đẳng là sự “cùng nhau” và thương nhau. Việc “ai làm gì” trong gia đình, không được họ quan niệm là “phân công lao động” như chúng ta thường nói đến, mà mang ý nghĩa là chia sẻ lao động, ai làm việc gì phù hợp nhất thì làm. Người chồng cho rằng họ gánh trách nhiệm làm việc nặng (chặt cây, phát rẫy, cày bừa, đào ao, xẻ gỗ), để nhường việc nhẹ cho vợ (nuôi lợn gà, lấy củi …). Do đảm nhận việc nặng, nên người chồng có thể làm ít, điều này được phụ nữ thừa nhận như lẽ đương nhiên, hợp lý và công bằng, cần tuân theo để đạt được mục tiêu gia đình hòa thuận.

Có thể thấy, định kiến giới về phân công lao động trong sản xuất, không chỉ tồn tại trong nhận thức của nam giới, mà có ở ngay trong chính nữ giới - những người đã được dạy dỗ và nuôi dưỡng theo mô típ của người mẹ,

người bà trước đây và đến lượt họ cũng sẽ “góp phần” dạy dỗ con gái như vậy. Chính theo tinh thần đó, mà đời người phụ nữ (nhất là phụ nữ Mông) như một vòng tròn khép kín, ngay từ khi còn nhỏ đã phải hy sinh cho kinh tế và phúc lợi gia đình, đến khi lớn trở thành người vợ, người mẹ, họ lại tiếp tục lầm lũi hy sinh quyền lợi của bản thân cho chồng con và gia đình nhà chồng.

Kết quả nghiên cứu của tác giả một lần nữa đã chứng minh rằng: không chỉ phụ nữ ở đồng bằng, ven biển mà ngay cả các phụ nữ DTTS ở MNPB cũng đóng vai trò quan trọng trong sinh kế gia đình và cộng đồng của họ. Những đóng góp của phụ nữ trong sản xuất chứng tỏ rằng khả năng của họ không hề thua kém nam giới. Tuy nhiên vẫn còn sự bất bình đẳng trong phân công lao động sản xuất, phụ nữ phải lao động quá nhiều trong nông nghiệp - một lĩnh vực nhọc nhằn, tốn thời gian nhưng kỹ thuật không mấy cải tiến và thu nhập không cao, có những lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp người chồng còn ít chia sẻ công việc với người vợ, dẫn tới người phụ nữ ít có thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ.

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 68 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(179 trang)
w