Quyền ra quyết định trong hoạt động liên quan tới tái sản xuất

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 95 - 104)

xuất

- Quyết định các khoản chi trong gia đình

Kết quả khảo sát của luận án cho thấy, vai trò quyết định của phụ nữ ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống gia đình, thể hiện qua tỷ lệ cả hai cùng quyết định các khoản chi tiêu lớn trong gia đình như: mua sắm đồ đạc

đắt tiền, xây dựng nhà cửa, việc học hành của con là chỉ số cao nhất, có thể thấy quan hệ dân chủ đang từng bước được tạo lập trong các gia đình, đây là một bước tiến bộ lớn trong quan hệ giới của gia đình DTTS MNPB.

Mặc dù có được quyền ra quyết định đối với việc chi tiêu các công việc quan trọng trong gia đình và có được phương tiện tài chính trong tay nhưng trên thực tế người giữ tiền, quản lý tiền trong gia đình DTTS MNPB, không đồng nghĩa với việc họ có quyền quyết định sử dụng tiền theo ý muốn chủ quan của mình. Phần đông phụ nữ trong gia đình DTTSMNPB chỉ là người giữ tiền, được quyền chi tiêu cho các “món lặt vặt” của cuộc sống thường ngày như đi chợ mua những đồ dùng, vật dụng ít tiền, thậm chí quyền quyết định của phụ nữ trong việc đi chợ mua những vật dụng ít tiền của vợ cao gấp 5 lần so với người chồng. Còn những khoản chi tiêu lớn, có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống kinh tế của các gia đình, thì vai trò quyết định của người đàn ông là chủ yếu, cao gấp hơn 2 lần so với phụ nữ, cụ thể: nếu mua sắm đồ đắt tiền thì do người chồng quyết định chiếm 34,5% cao gấp đôi so với người vợ 14,7%; nếu xây sửa nhà cửa thì quyền quyết định của chồng cũng cao hơn gấp đôi so với người vợ (34,5 với 12,7) (Phụ lục 7).

Theo tương quan dân tộc, người chồng trong gia đình Mông có quyền quyết định cao hơn các dân tộc khác, tuy nhiên xu hướng cả hai vợ chồng cùng quyết định cũng chiếm tỷ lệ rất cao.

- Quyết định số con

Trong các gia đình được khảo sát tại địa bàn nghiên cứu, đối với việc quyết định số con đều do cả hai vợ chồng cùng quyết định. Quyền quyết định số con, do cả 2 vợ chồng cùng quyết định chiếm tỷ lệ cao 33,6%. Đây là một bước tiến bộ rất lớn của sự bình đẳng nam nữ và qua đây ta cũng thấy rằng nhận thức của đồng bào DTTS về kế hoạch hóa gia đình đã có nhiều sự thay đổi theo hướng tích cực.

Tuy nhiên thực tế ở MNPB cũng cho thấy, có 49,3% người chồng là người quyết định cuối cùng về số con trong gia đình, quyền quyết định cao

gấp 3 lần so với người vợ (Phụ lục 7), người vợ tuy là người mang nặng đẻ đau nhưng lại không phải là người quyết định chính về việc sinh con, nên tỷ lệ gia đình có đông con đang là một thách thức của gia đình DTTS MNPB hiện nay trong cuộc đấu tranh xóa bỏ nghèo đói.

Kinh tế truyền thống của đồng bào DTTS là kinh tế nương rẫy, đòi hỏi cường độ lao động cơ bắp rất cao, nên sức lao động trở thành nguồn tài sản quan trọng nhất. Gia đình nào có nhiều lao động, thì số lương thực thu về càng nhiều, vì vậy đã hình thành tâm lý cần đông con nhiều cháu. Tâm lý này càng được củng cố ở các làng dân tộc còn du canh du cư và vẫn chi phối số đông dân tộc còn sản xuất nương rẫy.

Với dân tộc Mông, vai trò của dòng họ cũng như vị trí của mỗi gia đình đối với cộng đồng, phụ thuộc rất nhiều vào số lượng con trai trong gia đình và dòng họ đó. Gia đình, dòng họ nào càng có nhiều con trai, thì càng được xem là gia đình và dòng họ có sức mạnh và uy tín trong quyết định những công việc chung của cộng đồng. Người Mông quan niệm con trai là trụ cột của gia đình, con gái chỉ là người nội trợ. Do đó khi sinh, nếu đẻ con trai, nhau thai sẽ được chôn dưới cột chính với ý nghĩa con trai là trụ cột. Nếu đẻ con gái, nhau thai chôn ở gầm giường với ý niệm con gái là người quán xuyến việc nhà. Người Mông còn cả hệ thống tục ngữ ca ngợi việc sinh con trai, ca thán việc sinh con gái: “Đẻ con gái như gáo nước đổ đi rồi không lấy lại được”, “Con gái chỉ giúp nhà một thời, con trai giúp nhà cả đời”. Qua phỏng vấn có tới 84% nam nữ thanh niên được hỏi đều mong muốn có cả con trai, con gái, trong đó 89% số người được hỏi cho rằng gia đình hạnh phúc là phải có con trai. Con trai không chỉ là niềm tự hào cho cả gia đình, mà còn là niềm tự hào với cả dòng họ. Trước sức ép của nhiều phía, buộc người phụ nữ phải sinh nhiều con, mặc dù chính họ không muốn điều đó. Một số nghiên cứu khác cũng đã đưa ra các kết luận cho rằng, việc sinh cho bằng được con trai để có người nối dõi, có người thừa hưởng tài sản dòng họ, thực sự là một vấn đề gây ra những ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý,

hạnh phúc gia đình của rất nhiều phụ nữ. Luật tục của một số dân tộc quy định chỉ có con trai mới được thừa kế tài sản, nhà cửa đất đai và luật tục này vẫn còn duy trì mạnh mẽ trong đời sống của người dân trong các bản. Nếu không có con trai, người phụ nữ phải đồng ý cho chồng tìm kiếm người khác để có con trai, hoặc phải đi tìm con trai nhà khác để có thể nhận làm con nuôi. Ngoài ra, đối với người La Hủ, vì trông chờ gạo cứu đói của Nhà nước với tiêu chuẩn 15kg/khẩu/tháng, nên cho rằng “càng đẻ nhiều con, cán bộ càng cho nhiều gạo”.

3.1.2.4. Thụ hưởng lợi ích

- Chăm sóc sức khỏe

Sức khoẻ là một tài sản hết sức quan trọng đối với con người, là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của cộng đồng, vì nó không chỉ làm tăng khả năng lao động, mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của chúng ta. Vì thế, quan tâm và cải thiện sức khoẻ cho đồng bào các DTTS từ lâu đã là một phần quan trọng trong chính sách của Chính phủ nhằm quan tâm, giúp đỡ vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa tiến kịp cùng với đồng bằng và thành phố. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn đồng bào các DTTS nói chung, trong đó có DTTS MNPB chưa được hưởng lợi nhiều từ những chính sách này.

Với câu hỏi “Trong 12 tháng qua, ông/bà có đi khám bệnh không?”, kết quả là chỉ có 45% trả lời là có. Có thể thấy, tự điều trị khi ốm đau là hình thức phổ biến của đồng bào DTTS MNPB, tỷ lệ sử dụng các dịch vụ y tế công là rất thấp, trừ khi người dân mắc phải bệnh nặng. Vì mỗi dân tộc đều có phương thuốc truyền thống của mình, đồng bào DTTS dùng rất nhiều loại thảo mộc để chữa các triệu chứng như sốt, tiêu chảy, đau đầu và những bệnh thông thường khác. Trong số những người trong năm qua có đi khám bệnh, thì 76% lựa chọn đến cơ sở y tế ở địa phương, chỉ có 24% lựa chọn đến các cơ sở y tế xa hơn ở tỉnh và trung ương, với điều kiện trang thiết bị tốt hơn. Có sự khác biệt nhất định giữa phụ nữ và nam giới trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phụ nữ thường sử dụng những dịch vụ ở gần, ít tốn kém,

trong khi nam giới sử dụng các dịch vụ y tế ở xa, cần nhiều chi phí vật chất và thời gian của các thành viên trong gia đình nhiều hơn phụ nữ. Vậy là, nam giới có xu hướng được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, hiện đại hơn so với nữ giới.

Xét theo tương quan dân tộc, thì dân tộc Thái, Tày có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với các bệnh viện tuyến trên, cả về khả năng tài chính, khoảng cách và phương tiện đi lại. Dân tộc Tày, Thái, do cư trú ở vùng thấp, có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi hơn, kế hoạch hóa gia đình cũng thực hiện sớm hơn, đời sống kinh tế hộ gia đình ổn định, nên nhóm cư dân này dễ dàng tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, dân tộc Mông, La Hủ thường cư trú ở các làng xa xôi, hẻo lánh, kinh tế hộ gia đình còn nhiều khó khăn, nên việc chăm sóc sức khỏe chưa được quan tâm đúng mức, số lượng người đi khám chữa bệnh là rất ít. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS thì, khoảng cách trung bình từ nhà tới trạm y tế của dân tộc Tày là 2,9km; Thái là 4,1km; Mông 7,3km; La Hủ 9,1km; khoảng cách trung bình từ nhà tới bệnh viện của các dân tộc Tày, Thái, Mông, La Hủ tương ứng là 15km, 20,5km, 27,8km, 39,2km [93, biểu 23].

Đối với chị em phụ nữ Mông, La Hủ, việc khám bệnh chỉ được thực hiện khi trạm y tế xã tiến hành các chiến dịch khám phụ khoa và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ngay tại bản. Ngoài ra trình độ học vấn, khả năng dùng tiếng Kinh chính là yếu tố làm tăng nhận thức của phụ nữ trong chăm sóc sức khỏe sản phụ, khi nhóm phụ nữ có học vấn cao hơn đi khám thai nhiều lần có tỷ lệ cao hơn.

Tác giả luận án không có số liệu cụ thể chứng minh cho sự bất BĐG trong chăm sóc sức khỏe giữa nam và nữ trong gia đình DTTS ở MNPB, tuy nhiên theo nhận định chủ quan của tác giả luận án thì phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới trong chăm sóc sức khỏe. Dù phụ nữ là người có trách nhiệm chính trong chăm sóc sức khỏe cho các thành viên gia đình, nhưng họ

lại ít được chăm sóc, kể cả khi mang thai, thậm chí phải lao động cho đến tận giờ sinh và sinh con trên nương rẫy.

Theo khuyến cáo của UNICEF và WHO trong suốt thời kỳ mang thai, phụ nữ phải khám thai tối thiểu 4 lần. Khám thai sớm rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai để phòng ngừa và phát hiện các vấn đề có thể ảnh hưởng đến bà mẹ và thai nhi, việc khám thai cần được duy trì trong suốt thời kỳ mang thai. Nhưng số phụ nữ mang thai không đi khám thai lần nào của vùng MNPB chiếm tới 16,8% cao nhất cả nước [76, tr.151]. Tỷ lệ phụ nữ từ 15 - 49 tuổi được khám thai bởi bác sỹ là 71,2%; được chăm sóc bởi cán bộ y tế được đào tạo chuyên môn của vùng MNPB thấp nhất cả nước (82,7%) thấp hơn 15,9 điểm so với đồng bằng sông Hồng [76, tr.150].

Tăng tỷ lệ sinh con tại cơ sở y tế là một yếu tố quan trọng, làm giảm các rủi ro cho sức khỏe bà mẹ và trẻ nhỏ. Chăm sóc y tế đúng cách và điều kiện vệ sinh trong khi sinh, có thể làm giảm những rủi ro về tai biến hoặc nhiễm trùng có thể dẫn đến bệnh tật hoặc tử vong cho mẹ hoặc bé. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con tại nhà ở MNPB cao nhất nước, chỉ có 72,6% được đỡ đẻ bởi nhân viên y tế (đồng bằng sông Hồng là 92,9%), có tới 16,6% do người quen đỡ đẻ và 0,9% không ai đỡ đẻ cho họ [76, tr.156].

Kết quả nghiên cứu của tác giả cho thấy, trong khi hầu hết phụ nữ Tày, Thái đã đến trạm y tế hay những cơ sở y tế khác, thì phụ nữ La Hủ đẻ ở nhà vẫn chiếm tỷ lệ cao, khi sinh nở thường chỉ do sản phụ tự đỡ, tự cắt dây rốn bằng cật nứa. Tìm hiểu nguyên nhân tình trạng trên, ngoài vấn đề tập quán còn do tâm lý xấu hổ, ngại tiếp xúc với người lạ, không muốn người khác sờ vào người và biết được “cái riêng của họ”, một số thì cho rằng đẻ ở nhà đỡ tốn kém, không phải đi xa, đường sá cách trở và không biết tiếng kinh.

Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hạn chế trong nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nên nhiều phụ nữ đã không được nghỉ ngơi. Công việc của họ không hề giảm đi trong suốt thời kỳ mang thai, họ vẫn phải gánh vác nặng,

leo núi, đi rừng… Họ cho rằng phải làm cố để khi đẻ có cái mà ăn, có củi mà sưởi. Họ thường tự an ủi “cái khó nó bó cái khôn, không làm lấy gì mà ăn”, hoặc né tránh vấn đề này theo hướng lạc quan “lao động nhiều nên rất dễ đẻ, có khi đang làm việc thấy có dấu hiệu muốn đẻ, thì chỉ trong vòng 1 giờ sau là cháu bé đã ra đời”. Trước thực trạng này, vấn đề đặt ra là cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, để người dân hiểu được sự cần thiết của việc giảm cường độ lao động nặng nhọc đối với phụ nữ khi mang thai, giúp họ thấy rõ cái được và cái mất trong việc thu xếp thời gian nghỉ ngơi một cách hợp lý cho người phụ nữ khi họ mang thai và trước khi sinh đẻ.

Vấn đề dinh dưỡng cho thai phụ cũng rất quan trọng, tuy nhiên do đời sống khó khăn, nên việc bổ sung dinh dưỡng cho thai phụ thực sự không dễ dàng. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc nghỉ ngơi sau đẻ cũng rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều chị em phụ nữ DTTS MNPB chỉ một tuần sau đẻ đã trở dậy làm việc nhà, thậm chí có trường hợp người mẹ lên nương sau khi đẻ 3 ngày. Thực tế này, vô cùng bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Theo số liệu thống kê, thì việc phụ nữ của MNPB được kiểm tra sức khỏe sau sinh là thấp nhất nước, tỷ lệ phụ nữ không có ai chăm sóc sức khỏe sau sinh trong vòng 2 ngày là 24,2% gấp 3 lần so với trung bình của cả nước [76, tr.173].

Phần trăm trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn của MNPB là 41,0% cao nhất nước, trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ chủ yếu của vùng là 55,3% cao hơn nhiều vùng trong cả nước. Có thể thấy, trẻ em DTTS MNPB sinh ra được nuôi dưỡng chủ yếu bằng nguồn sữa mẹ, thậm chí đến khi đứa bé lên bốn, năm tuổi mới được mẹ cai sữa. Trong khi phần lớn các bà mẹ này luôn phải lao động nặng nhọc, không có thời gian nghỉ ngơi sau khi sinh nở và cũng không có bất cứ sự bồi dưỡng ăn uống đặc biệt nào dành cho bà mẹ cho con bú, thì việc đảm bảo cung cấp đủ nguồn sữa cho con bú là một điều rất khó khăn đối với họ, cũng như họ có thể có đủ dinh dưỡng để phục hồi lại sức khỏe của mình.

- Giải trí

Hiện nay, phương tiện nghe nhìn ngày càng hiện đại, phong phú, nhiều hộ gia đình DTTS MNPB đã sắm được ti vi, đài,…, theo kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2012 ở MNPB có 83,6% hộ dân có ti vi; 4,1% có dàn nghe nhạc; 48,9% có đầu video; 8,9% có vi tính [71, tr.295], nên sau một ngày làm việc vất vả, người dân MNPB nói chung và đồng bào DTTS nói riêng có thể thưởng thức những chương trình mình ưa thích ngay tại nhà. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Kết quả khảo sát của luận án về sự hưởng thụ văn hóa hoặc sử dụng thời gian ngoài lao động sản xuất, cho thấy phụ nữ và nam giới có sự khác biệt trong việc sử dụng thời gian rỗi. Nam giới có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hưởng thụ lợi ích tinh thần hơn phụ nữ (Phụ lục 9). Kết quả khảo sát của tác giả phần nào cũng tương ứng với số liệu của MICS 2014 về phần trăm phụ nữ từ 15 - 49 tuổi được tiếp cận hàng tuần với các phương tiện truyền thông, ở MNPB chỉ có: 26,7% phụ nữ đọc báo ít nhất 1 lần/tuần; 22,4% nghe đài ít nhất 1 lần/tuần; và có tới 9,1% không đọc báo, không nghe đài, không xem ti vi ít nhất 1 lần/tuần, cao nhất so với các vùng được khảo sát [76, tr.266]. Có thể thấy một nghịch lý đang diễn ra ở đây, mặc dù xã hội bùng nổ thông tin,

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 95 - 104)