Mâu thuẫn giữa yêu cầu về tiền đề kinh tế để thực hiện bình đẳng giới trong lao động gia đình với thực trạng kinh tế nghèo, lạc hậu ở

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 111 - 114)

miền núi phía Bắc hiện nay

Thực tế cho thấy khi kinh tế - xã hội phát triển sẽ mở rộng cơ hội việc làm, tăng thu nhập, giảm đói nghèo, tạo điều kiện các gia đình đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho con cái, nhờ đó bất bình đẳng giới cũng sẽ được thu hẹp. Ngược lại, trong điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập thấp buộc các gia đình phải tính toán, cắt giảm các khoản chi tiêu, đầu tư trước hết là giáo dục, y tế, dinh dưỡng… trong bối cảnh đó, phụ nữ và trẻ em gái thường chịu thiệt thòi hơn nam giới do phụ nữ không có quyền quyết định, có trình độ học vấn thấp hơn và có ít cơ hội hơn và những điều đó khiến họ trở thành những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Nghèo đói không chỉ ảnh hưởng đến cơ hội phát triển, hưởng thụ của phụ nữ, mà nó còn làm gia tăng thêm gánh nặng cho họ trong lao động sản xuất và tái sản xuất để duy trì cuộc sống gia đình.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế

- xã hội nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở MNPB, theo kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2012 của Tổng cục Thống kê, có 29,8% hộ gia đình MNPB tự đánh giá mức sống đã cải thiện hơn nhiều, 57,8% hộ nhận xét cuộc sống đã cải thiện hơn một ít [71, tr.348]. Tuy nhiên, nghèo đói vẫn là vấn đề nan giải của khu vực này, tỷ lệ hộ nghèo của vùng là cao nhất nước, gấp đôi so với trung bình của cả nước [72, tr.739]. Thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hành, của vùng MNPB thấp nhất trong cả nước, cụ thể trung bình cả nước năm 2010: 1.387.000; 2012: 2.000.000, thì vùng MNPB chỉ đạt tương ứng là 905.000; 1.258.000 [72, tr.720]. Nghèo đói, thu nhập thấp dẫn đến con người ta ít có cơ hội nghĩ đến việc hưởng thụ cuộc sống và dường như cũng không có thời gian quan tâm tới nhiều vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề BĐG trong lao động gia đình. Song song với tình trạng kinh tế kém phát triển, sẽ là sự kém phát triển về xã hội, trong đó có vấn đề bất BĐG, mà biểu hiện là phân công lao động bất hợp lý giữa nam và nữ.

Nghèo đói là sự phản ánh trực tiếp trình độ lực lượng sản xuất, khoa học - kỹ thuật lạc hậu, phân công lao động xã hội còn kém phát triển. Trong các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất, công cụ lao động là yếu tố động, căn bản nhất, quyết định tới sự phân công lao động, đồng thời nó cũng đóng vai trò quan trọng quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất. Tính chất thô sơ, thủ công của công cụ lao động trong gia đình DTTS MNPB, là sự thể hiện trình độ thấp kém của lực lượng sản xuất - một trong những nguyên nhân trực tiếp của nghèo đói. Do những điều kiện, đặc điểm tự nhiên ít phù hợp với các loại máy móc cơ giới, do hoàn cảnh lịch sử để lại, nên các công cụ sản xuất ở MNPB chưa phải là hiện đại, vẫn mang nhiều nét thô sơ tiền công nghiệp như cái cuốc, cái cày, cái bừa… và sử dụng sức kéo của trâu bò là chính, nhiều biện pháp thủ công còn phổ biến như: gặt lúa nương

từng bông, giã gạo bằng tay, gieo trồng bằng chọc lỗ tra hạt…, nên cường độ làm việc của phụ nữ rất cao (vì phụ nữ là người đảm nhiệm chính trong những công việc này). Cường độ lao động cao, khiến phụ nữ ít có thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ văn hóa, mất cơ hội học tập, nâng cao trình độ, thiếu cơ hội tiếp cận thông tin. Hoàn cảnh đói nghèo và thu nhập của gia đình thấp, đã tăng gánh nặng cho phụ nữ trong việc kiếm sống cho gia đình, tạo nên hình ảnh người phụ nữ DTTS cam chịu, sẵn sàng hy sinh cho chồng con, chấp nhận bất BĐG.

Chính vì công cụ sản xuất thô sơ, năng suất lao động thấp, nên trong quá trình sản xuất, gia đình cần sử dụng đến nhiều lao động, nên trẻ em DTTS có xu hướng tham gia lao động rất sớm, nhất là trẻ em gái. Đến 15 tuổi nhiều em gái DTTS MNPB đã tham gia làm việc như người trưởng thành, trong khi ở độ tuổi này, em gái dân tộc Kinh, dân tộc Hoa phần lớn còn đang đi học trung học phổ thông và sau đó tiếp tục học nghề, cao đẳng, đại học. Do vậy, tỷ lệ tham gia thị trường lao động của nữ DTTS là 82,9%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ này của nữ dân tộc Kinh - Hoa là 70,2%. Tỷ lệ nữ dân tộc Mông tham gia thị trường lao động cao nhất với 94,2%, dân tộc Mường 89,8% và dân tộc Thái là 88,5% [88, tr.5].

Từ các đặc điểm trên của lực lượng sản xuất, tất yếu dẫn đến những đặc điểm riêng biệt về quan hệ sản xuất của vùng MNPB. Với một lực lượng sản xuất lạc hậu, kém phát triển, thì các quan hệ sản xuất cũng mang những hình thức lạc hậu, thể hiện ở tình trạng manh mún trong sản xuất, đời sống du canh, du cư, nền kinh tế mang tính tự cung, tự cấp. Hình thức kinh tế phổ biến nhất của đồng bào DTTS MNPB là kinh tế hộ gia đình, tự cung tự cấp, chứ không phải theo kiểu kinh tế hộ gia đình ở vùng đồng bằng để sản xuất hàng hóa. Dạng thức kinh tế hộ gia đình loại này chứa đựng quan hệ giữa những người sản xuất là quan hệ huyết tộc, đàn ông là lực lượng sản xuất chính, phụ nữ sinh con và hái lượm, trồng trọt. Đồng bào dân tộc chủ yếu

sống bằng nương rẫy, kinh tế mang nặng tính tự cung, tự cấp. Với loại hình kinh tế nương rẫy, trong cơ chế sản xuất tự cung tự cấp khép kín, nên phân công lao động trong mỗi gia đình rất chặt chẽ, bố mẹ và con cái, đều có công việc cụ thể, không thể thiếu hoặc vắng mặt một lao động nào. Do đó điều kiện đi học của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, gặp nhiều khó khăn. Phụ nữ ở khu vực này, thường làm những công việc không mang lại giá trị kinh tế cao, hoặc những công việc mà không được tính công như công việc tái sản xuất lao động. Do đó tiếng nói của họ ít có trọng lượng, thường không có vai trò quyết định trong những vấn đề lớn của gia đình. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc người phụ nữ ít có cơ hội, điều kiện để phát huy tiềm năng bản thân, dẫn đến bất BĐG. Điều này cần phải được nhận thức rõ, từ đó có giải pháp thiết thực để phát triển kinh tế, từng bước xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho phụ nữ. Thực chất, đây chính là một trong những điều kiện cần thiết để giải phóng phụ nữ khỏi đói nghèo và bất BĐG, vì những điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau sẽ là nhân tố quyết định sự khác biệt của các hình thức hôn nhân, gia đình, cũng như xác định vị thế của các thành viên nam, nữ trong gia đình.

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 111 - 114)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(179 trang)
w