- Thay đổi hướng sản xuất của gia đình
Trong đời sống của các gia đình hiện nay, người vợ đã thực sự trở thành người có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng đời sống kinh tế của gia đình. Họ cũng tạo ra thu nhập không kém gì nam giới, thậm chí ở không ít lĩnh vực sản xuất họ là người tạo ra nguồn thu nhập chính. Chính từ thực tế này, mà vị thế kinh tế của người phụ nữ trong các gia đình ngày càng được nâng cao, điều này thể hiện rõ trong quyền ra quyết định đối với việc sản xuất kinh doanh. Số liệu khảo sát cho thấy, quyền quyết định đối với các công việc sản xuất kinh doanh trong gia đình, giờ đây không chỉ dành riêng cho người chồng mà còn dành cho cả người vợ. Cả hai vợ chồng cùng quyết định trong hoạt động này chiếm tỷ lệ cao nhất 40,5%, cụ thể trong gia đình dân tộc Thái là 42,7%, dân tộc Tày là 40,5%, dân tộc Mông là 38,8%, dân tộc La Hủ là 39,5%, (Phụ lục 4), ta thấy có sự chênh lệch không quá nhiều giữa các nhóm dân tộc. Với việc tham gia vào quyền quyết định trong hoạt động sản xuất hiện nay, đã nâng cao vị trí của người phụ nữ lên ngang tầm nam giới, khiến họ có vai trò quan trọng cùng chồng ra quyết định và thực hiện chức năng kinh tế của gia đình.
Tuy nhiên, trong thực tế phụ nữ không phải là người quyết định chính trong việc thay đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, phân công lao động, mua vật tư, công cụ sản xuất, kinh doanh và bán sản phẩm, xét ở khía cạnh nào đó thì vai trò của họ bị giới hạn ở người thực hiện, phục tùng những quyết định của chồng. Số liệu khảo sát cho thấy, quyền quyết định các công việc sản xuất
trong các gia đình người DTTS MNPB hiện nay, người vợ chỉ chiếm một tỷ lệ (20,5%) thấp hơn so với người chồng (34,3%) (Phụ lục 4), thậm chí vai trò quyết định của người chồng cao gấp hơn so với người vợ trong gia đình dân tộc Mông, La Hủ. Qua số liệu nhận thấy, phụ nữ Tày, Thái có quyền quyết định chính cao hơn người phụ nữ Mông, La Hủ và trong gia đình Tày, Thái cả hai vợ chồng cùng thảo luận, bàn bạc đưa ra quyết định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình, cũng cao hơn nhiều so với gia đình Mông, La Hủ, điều này phản ánh rõ tính chất bình đẳng hơn trong gia đình của người Tày, Thái, tiếng nói của người phụ nữ Tày, Thái trong gia đình cao hơn phụ nữ Mông, La Hủ.
Như vậy, đối với việc chuyển hướng sản xuất của gia đình, người phụ nữ DTTS có một vai trò quan trọng, tuy nhiên quyền quyết định chưa thực sự thuộc về họ, quyền lực chính vẫn thuộc về nam giới, phụ nữ DTTS vẫn là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và ít được đưa ra quyết định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng bàn bạc cao, cho thấy xu hướng ngày càng bình đẳng trong quan hệ gia đình.
- Vốn
Người phụ nữ DTTS MNPB trong cơ chế thị trường đã ngày một chứng tỏ tính năng động, tháo vát của mình trong sản xuất kinh doanh nâng cao thu nhập, phát triển đời sống gia đình. Đối với việc vay vốn và sử dụng vốn vay như thế nào trong quá trình sản xuất, đầu tư cho sản xuất, thì vai trò của người vợ tỏ ra ngang bằng so với người chồng. Cả hai vợ chồng cùng thảo luận bàn bạc mới đi đến quyết định cuối cùng trong việc sử dụng vốn đã trở thành xu hướng phổ biến trong gia đình DTTS hiện nay, chiếm tỷ lệ lớn tới 45,6%. Điều đó chứng tỏ quan hệ giới trong gia đình có những khía cạnh tiến bộ, dân chủ và bình đẳng hơn trước đây.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự khác biệt giữa hai giới và các dân tộc trong việc quyết định sử dụng vốn vay đó như thế nào. Số liệu khảo sát cho thấy 34,6% người được hỏi đã khẳng định việc quyết định sử dụng vốn vay là
do chồng, chỉ có 19,8% là do vợ quyết định. Đối với gia đình dân tộc Thái, Tày thì vai trò người vợ trong việc quyết định sử dụng vốn cao hơn, tương ứng là 22,3% và 25,4%, còn dân tộc La Hủ đa số không vay vốn để sản xuất trong khoảng thời gian qua.