Thụ hưởng lợi ích

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 82 - 88)

Cơ hội tiếp cận, kiểm soát của phụ nữ DTTS MNPB đối với kinh tế gia đình ngày càng tăng lên, vai trò kinh tế của họ ngang bằng với nam giới và thậm chí cao hơn nam giới khi phụ nữ tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, trong gia đình họ vẫn là những người có ít cơ hội bình đẳng nhất. Cho đến nay, nhiều phụ nữ vẫn chưa thoát khỏi thân phận lệ thuộc vào gia đình nhà chồng, dường như họ không thể chống lại quan điểm cho rằng: “Đàn bà làm chủ nhà thì nghèo, gà mái gáy thì gở”, tiếng nói của họ trong gia đình ít trọng lượng hơn so với nam giới, cơ hội thụ hưởng lợi ích của phụ nữ so với nam giới vẫn còn nhiều hạn chế.

- Thừa kế tài sản

Về quyền thừa kế tài sản (luận án chỉ đề cập tới đất đai), để tìm hiểu nhận thức của người dân tại các xã khảo sát về vấn đề thừa kế, chúng tôi đặt câu hỏi “dự định của ông bà về việc phân chia tài sản (đất đai) sau này như thế nào?” và kết quả là có 63,4% dự định chỉ chia con trai; 2,2% chỉ chia cho con gái; 13,9% chia đều cho các con; 20,5% chia cho con trai nhiều hơn con gái (Phụ lục 5).

Mặc dù, việc quyết định chia đều cho các con chỉ chiếm tỷ lệ là 13,9%, chỉ chia cho con gái chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn là 2,2%. Tuy nhiên, theo tác giả luận án đây cũng là sự biến đổi tích cực trong nhận thức của đồng bào DTTS MNPB về quyền thừa kế của con gái, vì như ta đã biết gia đình MNPB là theo chế độ phụ quyền, còn tồn tại nhiều tư tưởng trọng nam khinh nữ, nên dù chỉ tỷ lệ nhỏ nhưng cho thấy xu hướng cha mẹ đối xử bình đẳng hơn giữa con trai và con gái trong gia đình và cơ hội được bình đẳng trong thừa kế của phụ nữ.

Nếu xét theo tương quan dân tộc, thì ta nhận thấy trong gia đình dân tộc Tày, Thái có xu hướng bình đẳng hơn, khi mà dự định chỉ chia tài sản thừa kế cho con gái gấp đôi so với gia đình dân tộc Mông, La Hủ. Dự định chia cho con trai nhiều hơn của các gia đình là không có sự khác biệt nhiều.

Có thể thấy rằng, câu trả lời chỉ thừa kế cho con trai chiếm tỷ lệ cao nhất, số liệu này vừa phản ánh nhận thức, vừa phản ánh thực trạng về quyền thừa kế tài sản xét trên khía cạnh giới trong gia đình DTTS MNPB hiện nay. Mặc dù pháp luật quy định sự bình đẳng trong thừa kế của cả nam lẫn nữ, nhưng luật pháp chưa thể xóa đi những tập tục cũ, làm cho nam nữ bình đẳng hơn trong các lĩnh vực của đời sống. Đối với đồng bào DTTS MNPB, đất đai không chỉ là tài sản, mà còn là hiện thân vật chất của dòng họ, là sự nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy, đất đai được lưu truyền theo dòng họ để đảm bảo cuộc sống và sự thỏa nguyện của cả người sống và người chết. Người tiếp nối dòng họ phải đảm nhiệm việc chăm sóc tuổi già cho cha mẹ và thờ cúng tổ tiên. Ở dòng họ phụ hệ, gia đình và cộng đồng mong đợi con trai sẽ là người thờ cúng tổ tiên, nuôi dưỡng cha mẹ, họ thuộc về dòng họ đó, trong khi con gái thì “lấy chồng thì phải theo chồng”, nên việc thừa hưởng đất của ông bà tổ tiên giống như một đặc quyền của người con trai. Theo họ, để người con trai được hưởng phần đất hương hỏa là “phù hợp” với đạo lý và có làm như vậy mới được xem là “giữ được nề nếp gia phong”. Mảnh đất do gắn với việc thờ cúng gia tiên, dòng họ, gắn với sự sinh sống của các thế hệ (thường được gọi là đất hương hỏa, đất ông bà...), vì vậy nó không đơn thuần mang giá trị cư trú, giá trị kinh tế, mà còn mang giá trị tinh thần, giá trị biểu tượng đậm nét. Việc coi trọng giá trị biểu tượng của đất đai, đã hạn chế quyền thừa kế đất đai của người phụ nữ. Phụ nữ thường bị gạt ra khỏi thừa kế tài sản của gia đình cha mẹ đẻ của mình, bởi quan niệm văn hoá cho rằng họ sẽ được hưởng lợi từ tài sản của nhà chồng. Tuy nhiên,

ở gia đình nhà chồng, họ lại bị gạt ra vì quan niệm cho rằng đó là tài sản của gia đình chồng, không phải là tài sản của người phụ nữ. Có thể thấy theo luật

tục, đất đai và ruộng nương của bố mẹ chỉ dành quyền thừa kế cho những người con trai trong gia đình và bản thân người phụ nữ các DTTS ở đây coi đó là điều hiển nhiên, không đòi hỏi. Chính những điều này đã dẫn tới, dù phụ nữ như đã thấy là người đóng vai trò hơn hẳn nam giới trong sản xuất nông nghiệp, thế nhưng họ lại không phải là chủ sở hữu, người được giao quyền sử dụng đất, các quyền ấy đa số thuộc về người đàn ông. Tất nhiên, khi khảo sát các hộ gia đình, ta thường nhận được câu trả lời rằng, mọi quyết định lớn trong sản xuất và kinh doanh đều được bàn bạc giữa các thành viên trong gia đình, nhất là sự bàn bạc giữa vợ và chồng, thế nhưng người chồng

- nam giới rõ ràng bao giờ cũng có ưu thế hơn trong quá trình trao đổi, dù có bàn bạc dân chủ đến đâu thì người quyết định cuối cùng thường là nam giới. Đứng trên quan điểm giới mà xét, thì vai trò quyết định của người vợ trong gia đình khá thấp so với người chồng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho người phụ nữ chịu nhiều áp lực, cản trở trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.

- Giáo dục

Có một thực tế là người dân đều ý thức khá rõ tầm quan trọng của việc học để xóa mù chữ, thoát khỏi nghề nông (làm ruộng, làm nương) vất vả, khổ nhọc. Dù là người Thái, người Tày, người Mông hay người La Hủ đều nói “học để biết chữ đỡ vất vả, đời bố mẹ đã không biết chữ rồi, đến đời con cháu phải khác”; “đi học mới có kiến thức, biết tính toán”. Đơn thuần như học cộng trừ nhân chia con số trong mua bán giao dịch là tiêu chí mà người Mông coi thế mới ‘biết làm ăn.’ Người Thái mong muốn “có học, có kiến thức sẽ chủ động đi lại khắp nơi trong nước”. Với nam giới người Mông thì biết chữ còn gắn với nhu cầu thiết thực để lấy bằng lái xe (máy), vì rằng có bằng lái xe máy mới đến xã, đi ra huyện hoặc lên thành phố, mới kết nối với thế giới bên ngoài, không biết chữ không được thi lấy bằng lái xe, không được đi đâu chỉ quanh quẩn ở bản sẽ mất nhiều cơ hội, trong khi đó phụ nữ thì mong muốn học để “biết chữ nhận được mặt đồng tiền”.

Hầu hết các ông bố, bà mẹ người DTTS trong địa bàn được phỏng vấn, đều nghĩ rằng con gái và con trai cần phải có quyền bình đẳng trong giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế, con trai có nhiều cơ hội được đi học hơn con gái, theo kết quả khảo sát của tác giả luận án có tới 55% người được hỏi cho rằng cần đầu tư cho con trai học hết bậc trung học phổ thông, đối với con gái là 38%. Trong gia đình dân tộc Tày, Thái, có vẻ bình đẳng hơn, khi các gia đình cho rằng cần cho con gái học hết trung học phổ thông, một số muốn con học đến đại học và số còn lại muốn con học hết trung học cơ sở hoặc đi học nghề. Hầu hết trẻ em các dân tộc Tày, Thái đều được đến trường và theo học các cấp 2, cấp 3. Riêng người Mông, La Hủ, do cư trú ở vùng sâu, vùng xa đi lại còn nhiều khó khăn, địa bàn thôn bản lại cách xa trường học, nhu cầu lao động trong gia đình rất cao, đặc biệt vào mùa vụ trồng trọt hoặc thu hoạch, nên tỷ lệ trẻ em bỏ học và nghỉ học còn nhiều. Phần lớn các em chỉ theo học đến hết cấp 1, phổ biến là lớp 3 và 4, nhất là các em gái. Đặc biệt đối với việc lựa chọn cho người con nào tiếp tục học, thì có tới 16% lựa chọn và ưu tiên cho con trai, trong khi đó con gái chỉ chiếm 1%, có tới 12% cho rằng “con gái không cần học cao” là phù hợp. Hầu hết các bà mẹ đều cho rằng, nếu thu nhập của gia đình thấp và họ thiếu lao động, thì con gái của họ ít khả năng đến trường, mặc dù họ rất muốn cho chúng đi học. Trong khi nếu con trai của họ muốn đi học, thì gia đình sẽ cố gắng giúp chúng được đi học. Điều này phù hợp với đánh giá chung của Liên hiệp quốc về tình hình giáo dục ở Việt Nam, “trẻ em gái và phụ nữ là những người ít có khả năng tham gia và hưởng lợi từ các chương trình giáo dục” [82, tr.17].

Vậy là, việc đầu tư nâng cao học vấn cho con cái, có sự khác biệt đáng kể giữa con trai và con gái, dù chỉ trong dự định, nhìn chung các gia đình mong con trai học cao hơn con gái, nên tại một số tỉnh ở MNPB khoảng cách giới trong tỷ lệ nhập học chung lên tới 30%, ví như tại Điện Biên, tỷ lệ nhập học chung của nữ giới là 55,3% so với 78,5% ở nam giới, tại Sơn La là 55% ở nữ giới so với 71,3% ở nam giới và tại Lai Châu là 51,4% so với

65,6% [83, tr.71]. Ở Lai Châu tỷ lệ biết chữ ở phụ nữ là 48% so với 75,5% ở nam giới, ở Điện Biên là 60,5% so với 83,4% và ở Hà Giang là 62,7% so với 84,1% [83, tr.71].

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc tỷ lệ phụ nữ biết chữ thấp hơn rất nhiều so với nam giới ở các tỉnh MNPB, trong đó có nguyên nhân do định kiến giới, sự thiên lệch trong đầu tư giáo dục cho trẻ em trai và trẻ em gái của cha mẹ, kinh tế gia đình khó khăn.

Trong nhiều hộ nghèo, lao động của trẻ em nhất là của trẻ em gái có giá trị hơn nhiều so với việc tới trường. Lợi ích dài hạn của giáo dục không thể bù đắp được những tổn thất về thu nhập trong ngắn hạn. Những hộ gia đình nghèo nhất không thể đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng hiện tại, nếu không có nguồn thu nhập do lao động trẻ em mang lại, vì vậy học vấn của trẻ em và triển vọng thoát nghèo phải nhường chỗ cho sự tồn tại trước mắt. Các chi phí cơ hội của việc không có lao động trẻ em làm việc gia đình, ngăn cản các hộ gia đình nghèo đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là cho con gái - những người mà các chi phí cơ hội này lớn hơn. Hộ gia đình có mức sống càng thấp, thì con cái càng hay bỏ học và đi học muộn hơn so với tuổi, mức sống và khoảng thời gian đi học của trẻ em có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, điều này có nghĩa rằng việc tiếp cận và duy trì học vấn của trẻ em, nhất là trẻ em gái phụ thuộc nhiều hơn vào điều kiện kinh tế gia đình. Ngoài lý do kinh tế thì các em gái DTTS thiệt thòi hơn em trai trong việc học hành, do những quan niệm truyền thống về vai trò giới và hiện tượng tảo hôn ở nhiều địa phương. Có quan niệm cho rằng, con gái khi ở nhà với bố mẹ chủ yếu là để đi làm nương, khi lấy chồng phải làm nương nuôi chồng, con, phải chăm sóc gia đình, không cần phải đi học cao.

Chính sự thiên lệch trong hướng đầu tư giáo dục cho con cái của nhiều hộ gia đình, do quan niệm truyền thống, dẫn tới thực trạng trẻ em gái là những người chịu thiệt thòi trong cơ hội đến trường, cơ hội tìm kiếm việc làm và cơ hội hòa nhập xã hội. Điều này đã làm gia tăng thêm khoảng cách bất BĐG

trong cơ hội hưởng thụ các thành quả giáo dục của nam giới và nữ giới, là mối nguy hiểm khiến sự chênh lệch về trình độ học vấn giữa hai giới, quá trình tiến tới BĐG ở Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn lâu dài.

Dù nguyên do của tỷ lệ bỏ học cao là gì, thì cũng để lại một hệ lụy là tỷ lệ mù chữ ở người DTTS, đặc biệt phụ nữ DTTS rất cao (75% không biết chữ) [82, tr.11], chỉ có 7,2% lao động nữ DTTS đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, trình độ của phụ nữ Mông là thấp nhất trong các DTTS, chỉ có 1,4% đã được qua đào tạo chuyên môn [88, tr.4], việc này không chỉ là sự bất hạnh của bản thân các em gái mà còn để lại hậu quả cho thế hệ sau. Trong tương lai các em sẽ làm vợ, làm mẹ và với một người mẹ ít học thậm chí thất học, thì việc sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc và giáo dục con cái tốt, là điều gần như phải bỏ ngỏ và sẽ trở thành đối tượng thiệt thòi nhất trong việc tiếp cận những cơ hội việc làm phi nông nghiệp. Với hoạt động cạnh tranh trong phát triển kinh tế thị trường, thì đa số những người có trình độ học vấn cao hơn sẽ có nhiều lợi thế, cơ hội và điều kiện để thoát ly lao động chân tay, để phát triển kinh tế gia đình cũng như có điều kiện và cơ hội để tiếp cận và thụ hưởng những phúc lợi khác của gia đình và xã hội. Đối với trẻ em bỏ học sớm phải trả giá đắt bằng năng suất lao động sau này, thu nhập bị mất và thiếu tích lũy kĩ năng sẽ làm cho một người khó có thể thoát nghèo đói khi trưởng thành. Khi trưởng thành, đã lập gia đình, thì cơ hội được học tập, để nâng cao trình độ của bản thân, đối với phụ nữ là một công việc không hề đơn giản, có nhiều nguyên nhân cản trở việc họ có thể học tập, như đã thấy khi phân tích về vấn đề tiếp cận dịch vụ khuyến nông.

Tóm lại, trong hoạt động sản xuất của gia đình DTTS MNPB, vai trò của phụ nữ là vô cùng to lớn, họ tham gia vào hầu hết tất cả các công việc, đảm nhận chính nhiều loại công việc, vị thế, vai trò của người phụ nữ trong tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực sản xuất của gia đình được nâng lên. Tuy nhiên quan niệm truyền thống, định kiến giới vẫn chi phối nhiều đến việc

phân công lao động, tiếp cận các nguồn lực sản xuất và thụ hưởng lợi ích. Việc tiếp cận, kiểm soát và ra quyết định, hưởng thụ lợi ích trong hoạt động sản xuất của người phụ nữ còn gặp nhiều hạn chế và vẫn còn bất bình đẳng so với nam giới.

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 82 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(179 trang)
w