Bình đẳng giới trong lao động gia đình dân tộc thiểu số sẽ góp phần phát triển kinh tế vùng miền núi phía Bắc

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 47 - 51)

phần phát triển kinh tế vùng miền núi phía Bắc

Thứ nhất, bình đẳng giới trong lao động gia đình thúc đẩy tăng năng suất lao động

Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ, xã hội loài người tồn tại và phát triển là do hai loại sản xuất quyết định, sản xuất ra con người và sản xuất ra của cải vật chất. Bởi vậy, hoạt động kinh tế là chức năng của gia đình trong mọi thời đại (tất nhiên với mức độ không giống nhau), làm cho gia đình không những là đơn vị kinh tế tiêu dùng, mà còn là đơn vị sản xuất ra của cải vật chất để thoả mãn nhu cầu của mọi thành viên trong gia đình và làm giàu cho xã hội. Cùng với quá trình xã hội hoá lực lượng sản xuất ở từng lúc, từng nơi, kinh tế gia đình biến đổi phong phú và có vị trí khác nhau: có thể là một đơn vị kinh tế cơ sở chủ động và tự chủ dưới dạng kinh tế hộ gia đình, hay gia đình làm kinh tế không hoạt động như một đơn vị kinh tế độc lập tự chủ, mà các thành viên của gia đình sản xuất làm việc ở các đơn vị quốc doanh, tập thể hay xí nghiệp tư nhân. Dù trong điều kiện nào, dưới bất kỳ hình thức nào gia đình vẫn đảm bảo nhu cầu sinh hoạt vật chất, tinh thần của các thành viên trong gia đình, làm giàu cho xã hội.

Bình đẳng giới trong lao động gia đình đồng nghĩa với việc nữ giới và nam giới có cơ hội được tiếp cận, ra quyết định đối với các nguồn lực sản xuất bình đẳng như nhau. Việc cải thiện khả năng tiếp cận của người phụ nữ với các nguồn lực trên, có thể đem lại các tiềm năng sản xuất mới, nâng cao hiệu quả quản lý, phân phối đều thu nhập hơn, phát triển nguồn nhân lực, những tác động tích cực này sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh nền kinh tế.

C.Mác từng nhận định: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi. Hay Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói:

Bây giờ toàn dân ta ai cũng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải làm gì? Nhất định phải tăng gia sản xuất thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phân nửa của xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa [40, tr.110].

Tổ chức Nông Lương (FAO) đã ước tính rằng, nhờ bình đẳng hóa mức tiếp cận với các nguồn lực sản xuất giữa nam và nữ ở nông thôn, sẽ tăng sản lượng nông nghiệp ở các nước đang phát triển lên tới 2,5% - 4%. Xóa bỏ những rào cản khiến phụ nữ không thể tham gia một số ngành nghề nhất định, cũng đem lại kết quả tương tự, giảm cách biệt về năng suất giữa nam và nữ công nhân tới 1/3 - 1/2 và tăng năng suất lên 3% - 25% ở một loạt các quốc gia [100, tr.17].

Báo cáo quốc gia về phát triển con người năm 2011, chỉ ra có mối liên hệ chặt chẽ trong việc xếp hạng GDI và GDP của các tỉnh MNPB. Những tỉnh có chỉ số phát triển giới (GDI) cao, là tỉnh có thứ hạng cao về HDI và chỉ số tổng sản phẩm nội địa. Các tỉnh xếp hạng dưới cùng về GDI cũng là những tỉnh nghèo nhất, như Điện Biên, Lai Châu ở Tây Bắc và Hà Giang ở Đông Bắc [83, tr.55]. Có thể nhận định rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng đói nghèo của MNPB, chính là do bất BĐG, chưa phát huy được sức lao động sáng tạo của phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng, cho nên MNPB hiện nay vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước.

Ở MNPB, kinh tế hộ gia đình là một bộ phận đông đảo có tiềm năng to lớn, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế vùng. Hoạt động kinh tế hộ gia đình có những mức độ và hình thức khác nhau ở mỗi dạng gia đình cụ thể, nhưng đều vì mục đích tăng thu nhập làm giầu chính đáng, tạo lên nhiều loại sản phẩm vật chất để thúc đẩy sự phát triển của gia đình và xã hội. Trong kinh

tế hộ gia đình DTTS, vai trò của người phụ nữ là rất to lớn, họ không chỉ tham gia các hoạt động lao động sản xuất ra của cải vật chất, góp phần quan trọng vào bảo đảm các nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của gia đình, mà còn đóng góp to lớn vào sự phát triển sản xuất, phát triển kinh tế xã hội của vùng. Thực hiện BĐG trong lao động gia đình DTTS, tạo điều kiện giải phóng sức lao động của phụ nữ, nâng cao cơ hội tiếp cận, quyền ra quyết định của phụ nữ với các nguồn lực sản xuất của gia đình là một trong những việc làm cần thiết hiện nay ở MNPB. Thực hiện BĐG trong lao động gia đình, phụ nữ DTTS có cơ hội nâng cao trình độ, có nhiều cơ hội được tiếp cận với các nguồn lực, được bình đẳng trong việc thụ hưởng các lợi ích, sẽ làm thay đổi vị thế, tạo ra những cơ hội để họ thoát khỏi những cản trở, đem hết khả năng của mình cống hiến cho sự phát triển gia đình, vì lợi ích, tiến bộ của xã hội, trong đó có nam giới, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, thúc đẩy kinh tế của vùng phát triển.

Có thể thấy, khi lao động của phụ nữ bị lãng phí hay sử dụng sai mục đích, mà lý do là sự phân biệt đối xử trên thị trường, hay các thể chế xã hội khiến phụ nữ học hành dang dở, phải làm một số nghề nhất định, không có được thu nhập như nam giới, thì kết quả là sẽ làm thất thoát kinh tế, kìm hãm sự phát triển kinh tế. Vì vậy, BĐG trong lao động nói chung và trong lao động gia đình nói riêng có tác động to lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, bình đẳng giới trong lao động gia đình ảnh hưởng gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế thông qua việc giảm tỷ lệ sinh

BĐG một mặt được coi là mục tiêu chủ yếu của những nỗ lực phát triển xã hội, mặt khác nó lại chính là nguyên lý cơ bản của phương pháp phát triển trên cơ sở thực hiện quyền bình đẳng. BĐG trong lao động gia đình làm tăng cơ hội học tập, việc làm và phát triển bản thân cho phụ nữ, đồng thời làm thay đổi nhận thức cộng đồng xã hội, những tiến bộ này thường gắn liền với việc giảm mức sinh, tăng cường sức khỏe của trẻ em và phụ nữ và vì vậy sẽ gián tiếp tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Khi trong lao động gia đình có sự bình đẳng, phụ nữ sẽ có điều kiện để nâng cao trình độ, chi phí cơ hội thời gian của họ sẽ tăng lên, đồng thời họ cũng có khả năng thương thuyết trong gia đình hơn, hai yếu tố này đều góp phần làm giảm tỷ lệ sinh. Số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2013 cho thấy, tỷ lệ phần trăm phụ nữ sinh con thứ ba trở lên trong năm của những phụ nữ chưa đi học là 45,4%, giảm dần xuống còn 27,4% đối với phụ nữ chưa tốt nghiệp tiểu học, 21,1% đối với phụ nữ tốt nghiệp tiểu học, 16,2% đối với phụ nữ tốt nghiệp trung học cơ sở và chỉ còn 5,7% đối với phụ nữ có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên [73, tr.41]. Giữa trình độ học vấn của người mẹ và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên có mối quan hệ tỷ lệ nghịch: trình độ học vấn càng cao, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên càng thấp.

Tỷ lệ sinh giảm sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế, vì tỷ lệ sinh thấp hơn sẽ làm giảm gánh nặng nuôi con, tăng tỷ lệ tiết kiệm, chính tỷ lệ tiết kiệm cao hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ sinh thấp hơn, đồng nghĩa với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng lên và nếu tất cả các lao động gia tăng thêm đều có việc làm, thì thu nhập tính trên đầu người tăng lên, cho dù năng suất lao động và lương không tăng, điều đó có thể đạt được là do số người ăn theo đã giảm. Tỷ lệ sinh giảm, phụ nữ sẽ có điều kiện hơn, có nhiều cơ hội hơn tham gia vào hoạt động sản xuất nâng cao thu nhập, sức khoẻ phụ nữ nâng lên, khả năng tham gia lực lượng lao động nhiều hơn, thúc đẩy năng suất lao động của họ trên thị trường.

Mặc dù hiện nay tỷ suất sinh của DTTS MNPB đã giảm, nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó do định kiến giới, bất BĐG mà tỷ suất sinh của phụ nữ DTTS MNPB là cao nhất nước 2,56 con/phụ nữ, tỷ lệ phụ nữ mang thai và có con trước 15 tuổi của vùng cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước. Trong khi đây là vùng mà các dịch vụ an sinh xã hội chưa phát triển, nên khi quy mô gia đình lớn, đồng nghĩa với khối lượng công việc mà người phụ nữ phải đảm nhận là rất lớn, tốn nhiều thời gian và sức lực. Điều này đã cản trở quá trình phát triển của phụ nữ và cũng chính là nguyên nhân dẫn tới đói nghèo.

Cho nên, thực hiện BĐG trong lao động gia đình DTTS MNPB, tạo điều kiện để nâng cao vị thế, cơ hội tiếp cận nguồn lực, khả năng ra quyết định của phụ nữ trong việc kế hoạch hóa gia đình là một trong những giải pháp làm giảm tỷ lệ sinh ở MNPB, góp phần phát triển kinh tế vùng MNPB hiện nay, qua đó nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Một phần của tài liệu LA _ Thu _nop QD_ (Trang 47 - 51)