Chính sách xã hội là một công cụ quan trọng của quản lý nhà nước, nhằm thực hiện và điều chỉnh các mối quan hệ của con người, xoay quanh mối quan hệ lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội.
Chính sách xã hội đúng đắn là động lực to lớn khơi dậy tiềm năng của con người, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động phát huy được năng lực sáng tạo của mình, đóng góp cho sự phát triển của cá nhân và cộng đồng xã hội.
Trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách riêng để phát triển kinh tế xã hội, nhằm cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS nói chung và DTTS MNPB nói riêng, có thể khái quát ở một số lĩnh vực như sau:
Về kinh tế: có chính sách về miễn, giảm thuế doanh thu, thuế lợi tức, ưu đãi thuế đối với loại hình hợp tác xã; chính sách hỗ trợ hộ DTTS đặc biệt khó khăn (Nghị quyết số 15/2003/QH11 Về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 10 năm cho nhân dân); chính sách phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào DTTS, chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng; chính sách về vốn, tín dụng (Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4-10-2002 Về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác) - đã tạo nên nguồn lực đáng kể cho hàng triệu hộ nông dân, hộ nghèo và hộ ở những vùng khó khăn mở rộng phát triển sản xuất,
nâng cao đời sống. Ngoài ra, có thể kể tên các chương trình lớn như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 800/2010/QĐ-TTg, ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ - đây là chương trình khung về phát triển có tính toàn diện trên các lĩnh vực: hạ tầng, thương mại, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn, đã tạo nên diện mạo mới về kinh tế xã hội vùng nông thôn và vùng DTTS; Chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo - là chương trình lớn và quan trọng, có tác động mạnh đến giảm nghèo và nâng cao điều kiện sống của người nghèo. Chương trình này đã lồng ghép một loạt các hạng mục phát triển kinh tế xã hội như: phát triển cơ sở hạ tầng, tín dụng cho người nghèo, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, vệ sinh môi trường và các chương trình khuyến nông. Với chính sách toàn diện thúc đẩy mọi khía cạnh quan trọng của đời sống và ảnh hưởng đến nhóm dân cư dễ bị tổn thương, thiệt thòi nhất ở vùng sâu, vùng xa, chương trình này đã đạt được mục tiêu chung là giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nhóm cư dân. Đặc biệt ngày 8/7/2013 Thủ tướng Chính phủ, đã phê duyệt QĐ số 1064/QĐ/TTg, công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8%, GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 2000USD; phấn đấu mỗi năm giảm 3,4% hộ nghèo, văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng để tạo ra liên kết trong phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và MNPB, đồng thời góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực này trong thời gian tới.
Về văn hóa - xã hội: có các chính sách cử tuyển, ưu tiên con em DTTS vào học các trường cao đẳng, đại học; chương trình và chính sách các trường phổ thông dân tộc nội trú, giảm học phí ở các trường công lập, chính sách hỗ trợ gạo hàng tháng cho gần 50 vạn học sinh ở vùng xa trên mọi miền tổ quốc (Quyết định 36/2013/ QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ), chính sách trợ giá
vận chuyển thuốc chữa bệnh, miễn nộp một phần phí khi khám, chữa bệnh ở cơ sở y tế của Nhà nước, chính sách hỗ trợ tiền sinh con cho phụ nữ DTTS (Nghị định số 39/ 2015/ NĐ ngày 27/4/2015 của chính phủ).
Theo Ủy ban Dân tộc đánh giá, với tổng số 24 báo, tạp chí cấp miễn phí cho vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 2472 và 1799 của Thủ tướng Chính phủ, công tác thông tin tuyên truyền đã có trọng tâm, bao quát đầy đủ mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái. Các báo, tạp chí được cấp đã góp phần tuyên truyền kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đây là kênh thông tin quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Thông qua các thông tin trên báo, tạp chí, bà con tiếp thu được kiến thức để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, có thêm kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, kiến thức về BĐG.
Như vậy có thể thấy, chính sách đối với đồng bào DTTS hiện nay khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực. Bộ mặt nông thôn vùng DTTS đã được thay đổi rõ nét, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm nhanh 3 - 4%/năm, lĩnh vực văn hóa giáo dục y tế có bước phát triển tích cực. Với những chính sách này, cuộc sống của đồng bào DTTS MNPB đã có những thay đổi tích cực, chắc chắn cả nam giới và phụ nữ DTTS đều được hưởng lợi từ những chính sách này.
Kết luận chương 2
Bình đẳng giới là vấn đề có tính toàn cầu, mà mọi quốc gia đã rất quan tâm giải quyết, trong đó BĐG trong lao động gia đình có tầm quan trọng đặc biệt. Gia đình DTTS MNPN là thiết chế cơ bản của xã hội ở MNPB, có những đặc điểm riêng biệt so với gia đình DTTS ở các vùng dân tộc khác trong cả nước, vì vậy mà lao động gia đình DTTS ở MNPB cũng có những nét đặc thù.
Bình đẳng giới trong lao động gia đình DTTS MNPB với nội hàm là việc nam giới và nữ giới trong gia đình DTTS MNPB có vị trí, vai trò ngang nhau, có cơ hội, điều kiện để tham gia vào mọi hoạt động sản xuất, hoạt động tái sản xuất, hoạt động cộng đồng, để được phát huy hết khả năng, năng lực của mình nhằm đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển ổn định của gia đình và được hưởng lợi như nhau từ kết quả của sự đóng góp đó. Để đánh giá được thực trạng BĐG trong lao động gia đình DTTS, thì cần phải làm rõ được nét đặc thù của lao động gia đình ở MNPB và dựa vào các công cụ phân tích giới như: phân công lao động theo giới, tiếp cận các nguồn lực, ra quyết định và thụ hưởng lợi ích từ lao động gia đình.
Việc thực hiện BĐG trong lao động gia đình DTTS có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh MNPB. BĐG trong lao động gia đình DTTS không chỉ góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn MNPB mà BĐG trong lao động gia đình còn là tiền đề để thực hiện bình đẳng xã hội ở MNPB hiện nay.
Những đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước Việt Nam là cơ sở lý luận, phương pháp luận quan trọng để nhận thức và thực hiện BĐG ở nước ta nói chung và trong gia đình DTTS MNPB nói riêng. Việc thực hiện BĐG trong lao động gia đình DTTS ở MNPB hiện nay chịu sự tác động như: yếu tố tự nhiên, kinh tế, văn hóa, chính sách xã hội. Những yếu tố tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến việc thực hiện BĐG trong lao động gia đình DTTS MNPB. Khắc phục những mặt tiêu cực và phát huy tác động tích cực của các yếu tố này là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy BĐG trong lao động gia đình DTTS ở MNPB.
Chương 3