Xét riêng số lần tham gia tập huấn ở nhóm nam, nữ, số liệu cũng cho thấy, tỷ lệ nam giới tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cao hơn nữ giới. Tỷ lệ nam giới đã nhiều lần dự tập huấn là 21,1% trong khi tỷ lệ này ở nữ là 15,7%. Trước hết nam giới thường là chủ hộ nên họ được mời đi họp. Nam giới là người đóng vai trò quyết định trong việc điều hành, đối nội và đối ngoại của gia đình. Vẫn còn nhiều dân tộc còn giữ phong tục cản trở phụ nữ tham gia các sinh hoạt cộng đồng như tang ma, cưới xin, hội
họp, hiện tượng này được gọi là “đi họp đội mũ, ra đồng đội nón”, có nghĩa là nam giới thì đi họp còn phụ nữ thì đi đồng. Các số liệu cho thấy, nam giới vẫn là nhân vật chính trong các hoạt động cộng đồng, nhưng cũng đang có sự chia sẻ và chuyển dịch vai trò giữa nam và nữ.
Nếu theo tương quan nhóm dân tộc, có thể thấy nhóm dân tộc Tày, Thái đánh giá cao sự tiến bộ phụ nữ, vai trò cộng đồng của phụ nữ lớn hơn so với nhóm Mông, La Hủ. Do vậy địa vị của phụ nữ Thái, Tày cao hơn, họ được bình đẳng, tự do tham gia các hoạt động xã hội. Ngoài ra phụ nữ Tày, Thái có trình độ học vấn cao hơn, thông thạo tiếng phổ thông hơn phụ nữ dân tộc Mông, La Hủ, nên họ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động tuyên truyền. Do canh tác lúa nước, ruộng gần bản, nên phụ nữ Thái, Tày không cần phải đi nương liên tục như phụ nữ Mông, nên họ cũng tham gia họp đội sản xuất hoặc phụ nữ, được thường xuyên tiếp xúc với các nhóm chị em, bạn bè. Trong khi đó phụ nữ Mông, khi lập gia đình sống lệ thuộc hoàn toàn vào người chồng và hầu như không tham gia các hoạt động xã hội, chế độ gia trưởng phụ quyền còn tồn tại mạnh mẽ. Phụ nữ Mông hoàn toàn lệ thuộc vào đàn ông, công việc trong gia đình đều do đàn ông quyết định.