Quan hệ của Hội đồng xét xử với Kiểm sát viên

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Địa vị pháp lý của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm trong tố tụng hình sự (Trang 40 - 42)

Theo quy định của pháp luật hiện nay, Kiểm sát viên là người thay mặt Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa hình sự. Việc tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên là bắt buộc, nếu Kiểm sát viên vắng mặt hoặc bị thay đổi mà không có người thay thế HĐXX phải hoãn phiên tòa.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên thực hiện chức năng công tố và chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử. Chức năng công tố là chức năng quan trọng nhất của Kiểm sát viên, họ phải đưa ra chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội và mức độ phạm tội của bị cáo, đề nghị HĐXX áp dụng các quy định của pháp luật để xét xử bị cáo. Kiểm sát viên cũng có quyền đề nghị thay đổi những người tiến hành tố tụng. Kiểm sát viên có quyền và trách nhiệm tranh luận, đối đáp với những người tham gia tố tụng, đặc biệt là với bị cáo và người bào chữa.

Chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Kiểm sát viên cũng được thể hiện khi phát hiện có vi phạm pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên có quyền kiến nghị HĐXX áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoặc những biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên cũng phải tuân theo nội quy phiên tòa và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Kiểm sát viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi có căn cứ không vô tư khách quan khi làm nhiệm vụ. HĐXX là người có có quyền quyết định việc thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Pháp luật tố tụng hình sự hiện nay giao cho Kiểm sát viên hai chức năng là chức năng công tố và chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử là không phù hợp. Kiểm sát viên thay mặt Viện kiểm sát thực hành quyền công tố là chức năng buộc tội. Tại phiên tòa HĐXX xem Kiểm sát viên như một bên "đương sự", nhưng HĐXX cũng lại phải chịu sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Kiểm sát viên. Điều này dễ dẫn tới HĐXX có sự "thỏa hiệp ngầm" theo hướng "tôi tạo điều kiện cho anh thì anh tạo điều kiện cho tôi", HĐXX có thể dễ dàng chấp nhận những tài liệu, căn cứ của Kiếm sát viên đưa ra hơn so với những người tham gia tố tụng khác. Khi quyết định hình phạt, HĐXX cũng có thể phải ra một mức án phù hợp với đề

nghị của Kiểm sát viên với tâm lý không muốn bản án, quyết định của mình bị kháng nghị.

Về vị trí ngồi của Kiểm sát viên tại phiên tòa theo cách thức tổ chức các phiên tòa hiện nay ở nước ta cũng chưa phù hợp. Kiểm sát viên là người đại diện cho bên buộc tội được bố trí ngồi ngang với HĐXX ở trên bục cao hơn những người tham gia tố tụng. Người bào chữa, đại diện cho bên gỡ tội phải ngồi bên dưới khi muốn tranh luận, đối đáp với Kiểm sát viên phải ngước lên. Điều này cũng ảnh hưởng đến vị thế của HĐXX, không thể hiện được rõ vị trí của HĐXX là người phán xét, đưa ra phán quyết tại phiên tòa. Thậm chí đối với những người ít hiểu biết pháp luật, người dân ở một số vùng sâu, vùng xa còn có thể hiểu lầm là Kiểm sát viên là thành viên của HĐXX. Đây là những vấn đề cần quan tâm nghiên cứu khi sửa đổi BLTTHS.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Địa vị pháp lý của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm trong tố tụng hình sự (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)