Giới hạn xét xử sơ thẩm

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Địa vị pháp lý của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm trong tố tụng hình sự (Trang 48 - 51)

BLTTHS quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự đồng thời cũng có các quy định đảm bảo việc xử lý vụ án được chính xác, khách quan đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Hoạt động tố tụng hình sự là một quá trình từ khởi tố đến điều tra, truy tố và xét xử, quá trình đó nối tiếp nhau. Theo quy định của BLTTHS nước ta, một vụ án chỉ có thể đưa ra xét xử khi nó đã trải qua giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố. Giữa giai đoạn này và giai đoạn khác của hoạt động tố tụng luôn có

mối quan hệ với nhau. Mối quan hệ giữa giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử được thể hiện qua giới hạn của việc xét xử.

Theo Từ điển Luật học "Giới hạn xét xử hình sự là phạm vi Tòa án cấp sơ thẩm được xem xét và quyết định về vụ án" [31, tr. 309].

BLTTHS năm 2003 quy định về giới hạn xét xử BLTTHS tại Điều 196 như sau:

Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.

Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố [15].

Quy định của BLTTHS về giới hạn xét xử chứa đựng hai nội dung chính: Nội dung thứ nhất thể hiện: Tòa án chỉ có thể xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố. Đây là quy định phù hợp bảo đảm quyền con người, đảm bảo cho những người trước khi bị đưa ra xét xử biết rằng mình bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hành vi nào để họ thực hiện quyền bào chữa của mình. Tòa án không thể đưa một người ra xét xử khi họ chưa bị khởi tố, điều tra, truy tố và Tòa án cũng không thể xét xử bất kỳ hành vi nào của người đó mà không bị Viện kiểm sát truy tố.

Nội dung thứ hai thể hiện: Tòa án chỉ xét xử những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Tòa án có thể xử bị cáo theo khoản khác với khoản Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật hoặc chuyển sang một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội Viện kiểm sát truy tố. Quy định này giới hạn HĐXX khi xét xử chỉ được xử bị cáo theo điều luật Viện kiểm sát truy tố hoặc chuyển sang xét xử bị cáo theo tội danh bằng hoặc nhẹ hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố bị cáo đó. Ví dụ như: Bị cáo bị truy tố về tội cướp giật tài sản (theo khoản 2 Điều 136 BLHS),

HĐXX có thể xử bị cáo theo tội danh, điều luật đúng như truy tố của Viện kiểm sát. HĐXX cũng có thể xử bị cáo cùng tội đấy nhưng theo khung hình phạt khác nặng hơn hoặc nhẹ hơn khung hình phạt mà Viện kiểm sát truy tố bị cáo, như xử theo khoản 1 Điều 136 hoặc khoản 4 Điều 136 BLHS; Hoặc HĐXX cũng có thể xét xử bị cáo theo tội Trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS) là tội nhẹ hơn, hoặc chuyển sang một tội khác bằng tội Cướp giật tài sản. Tuy nhiên theo giới hạn xét xử, HĐXX không thể xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố, trong ví dụ như trên HĐXX không thể xử bị cáo theo Cướp tài sản vì đây là tội nặng hơn tội Cướp giật tài sản. Đây chính là nội dung có rất nhiều ý kiến trong những người làm công tác thực tiễn và các nhà nghiên cứu pháp lý. Có hai luồng quan điểm chính là:

+ Quan điểm thứ nhất, cho rằng quy định hiện tại là phù hợp bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trước Tòa án. Viện kiểm sát truy tố bị cáo theo tội danh bị truy tố nếu HĐXX thấy bị cáo phạm một tội phạm khác nặng hơn cũng không được xét xử bị cáo theo tội nặng hơn đó vì đã làm xấu đi tình trạng của bị cáo và không bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trước Tòa án.

+ Quan điểm thứ hai, cho rằng luật quy định như vậy là không phù hợp. Trong thực tiễn xét xử có không ít bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới đã bị Tòa án cấp trên hủy do xác định tội danh không chính đúng. Trong khi đó ngay tại giai đoạn chuẩn bị xét xử, cũng như tại phiên tòa HĐXX cấp sơ thẩm đã phát hiện ra tội danh của bị cáo mà Viện kiểm sát truy tố nhẹ hơn tội mà đáng ra bị cáo phải bị kết tội. Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa và HĐXX đã nhiều lần trả hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị cáo đúng với hành vi

của bị cáo nhưng Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố. Theo giới

hạn xét xử, HĐXX vẫn phải xét xử bị cáo theo tội danh Viện kiểm sát truy tố. HĐXX cũng không thể tuyên bị cáo không phạm tội Viện kiểm sát truy tố bởi lẽ nếu tuyên án như vậy có thể gây bức xúc trong xã hội, bị cáo được tuyên không phạm tội phải được trả tự do có thể sẽ bỏ trốn gây khó khăn cho hoạt

động tố tụng sau này… Ngoài ra HĐXX còn phải thực hiện theo Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 8/12/1998 giữa TANDTC Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong đó quy định trong trường hợp này vẫn phải xét xử theo tội danh Viện kiểm sát truy tố và không được tuyên là bị cáo không phạm tội.

Trong các trường hợp trên HĐXX phải tuyên bố bị cáo phạm tội theo cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố rồi kiến nghị lên Tòa án cấp trên xem xét lại tội danh đối với bị cáo. Điều đó tức là HĐXX phải tuyên bị cáo phạm một tội mà HĐXX biết rõ bị cáo không phạm tội đó.

Trong thực tế xét xử còn có trường hợp sau khi đã có bản án, quyết định của Tòa án cấp trên xử hủy bản án cấp dưới vì xác định sai tội danh, vụ án được xét xử lại nhưng Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên tội danh đã truy tố ban đầu. Cách giải quyết này làm cho vụ án bị hủy đi hủy lại nhiều lần, quá trình giải quyết vụ án bị kéo dài, công lý không được thực thi, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, gây bức xúc cho nhân dân và tốn kém cho xã hội.

Để đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đảm bảo mọi phán quyết của HĐXX phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ… để đảm bảo tính độc lập của HĐXX. Theo quan điểm của tác giả nên nghiên cứu mở rộng giới hạn xét xử theo quy định của điều 196 BLTTHS cho phù hợp.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Địa vị pháp lý của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm trong tố tụng hình sự (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)