tại phiên tòa
Từ sau khi có Nghị quyết 08-NQ/ TWngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và của Tòa án nói riêng đã được nâng lên rõ rệt. Tại phiên tòa các HĐXX hoạt động có trách nhiệm hơn, việc xét hỏi tại các phiên tòa nhìn chung đã diễn ra tương đối khách quan, toàn diện bảo đảm yêu cầu của BLTTHS. Tuy nhiên trong thực tiễn xét xử cũng còn không ít các vướng mắc, hạn chế trong áp dụng pháp luật, cũng như những bất cập của BLTTHS về phần xét hỏi tại phiên tòa cần phải xem xét nghiên cứu.
Thứ nhất: Về trách nhiệm xét hỏi và trình tự xét hỏi: Tham dự rất nhiều phiên tòa trong thực tế, tác giả nhận thấy tại hầu hết các phiên tòa hoạt động xét hỏi thường tập trung vào chủ tọa phiên tòa, chủ tọa phiên tòa là người hỏi đầu tiên và là người hỏi chủ yếu, các Hội thẩm thường ít tham gia xét hỏi. Kiểm sát viên không hỏi nhiều, thậm chí có Kiểm sát viên còn không hỏi gì vì cho rằng HĐXX đã hỏi hết các vấn đề cần hỏi. Trừ một số vụ án phức tạp, trong các vụ án bình thường người bào chữa cũng ít tham gia xét hỏi (đặc biệt là các vụ án người bào chữa bào chữa theo chỉ định của Tòa án). Do quy định tại Điều 10, Điều 207 và các điều luật khác trong phần thủ tục xét hỏi của BLTTHS, HĐXX phải chịu trách nhiệm chính về phần xét hỏi, HĐXX phải làm thay cho cả Kiểm sát viên trong việc tìm căn cứ buộc tội và làm thay cả người bào chữa đi tìm căn cứ gỡ tội. Quy định hiện nay dễ dẫn tới HĐXX mải thực hiện nhiệm vụ xét hỏi mà không chú trọng vào chức năng
chính của mình là xem xét, đánh giá các chứng cứ, tài liệu của các bên đưa ra để ra bản án, quyết định.
Thứ hai: Do đặc điểm tố tụng hình sự nước ta hiện nay theo mô hình tố tụng thẩm vấn nên trước khi xét xử, HĐXX đã được nghiên cứu hồ sơ vụ án, xem xét các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ do Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thu thập. Các Thẩm phán, Hội thẩm đã bị ảnh hưởng ít hoặc nhiều về chứng cứ do bên buộc tội đưa ra theo hướng bị cáo có tội. Do vậy có một số HĐXX có định kiến với bị cáo là đã có tội. Điều đó thể hiện qua các thuật ngữ Thẩm phán, Hội thẩm sử dụng tại phiên tòa như bị cáo "chối tội" hay "phản cung". Có HĐXX còn có những câu hỏi mang tính dồn ép, áp đặt mớm cung bị cáo hoặc bắt bị cáo đi chứng minh tội phạm như: "Bị cáo không lấy trộm thì ai lấy?" Hay câu nói mang tính dụ bị cáo: "Bị cáo nhận tội thì sẽ được giảm nhẹ hình phạt". Cách xét hỏi này thể hiện người hỏi đó có định kiến với bị cáo, việc xét xử không đảm bảo khách quan.
Thứ ba: BLTTHS quy định trách nhiệm của những người tham gia tố tụng phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, tuy nhiên trong thực tiễn xét xử tình trạng những người tham gia tố tụng như người bị hại, người làm chứng, người giám định…vắng mặt tại các phiên tòa hiện nay rất phổ biến. Điều đó đã hạn chế HĐXX xét xử trong việc xét hỏi, làm cho việc xét hỏi có phần phiến diện. Theo quy định của BLTTHS, HĐXX phải công bố lời khai, báo cáo, tài liệu, kết luận giám định có trong hồ sơ của những người tham gia tố tụng khi họ vắng mặt tại phiên tòa và sử dụng làm căn cứ trong việc xét xử. Điều này khó đảm bảo tính khách quan cho hoạt động xét vì Cơ quan điều tra khi thu thập tài liệu, chứng cứ thường thiên về hướng buộc tội. Trong thực tế có không ít trường hợp người làm chứng, người bị hại… tại phiên tòa có lời khai khác rất nhiều so với lời khai tại Cơ quan điều tra.
Chúng ta đang nghiên cứu tổ chức mô hình tố tụng theo hướng đề cao tính tranh tụng tại phiên tòa, nếu không có những quy định tố tụng đủ hiệu
lực, hiệu quả để đảm bảo những người tham gia tố tụng có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án thì không thể đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu tranh tụng tại phiên tòa.
Thứ tư: Tại phiên tòa, Hội thẩm ít khi xét hỏi, nhiều trường hợp hỏi không đúng trọng tâm vụ án, có Hội thẩm hỏi lại những nội dung Thẩm phán đã xét hỏi. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân như năng lực, trình độ của Hội thẩm còn hạn chế hoặc có thể do Hội thẩm còn chưa độc lập dựa vào ý kiến Thẩm phán, thậm chí có Hội thẩm chưa tập trung trong quá trình xét xử, chưa nắm vững vụ án.
Thứ năm: BLTTHS quy định HĐXX có quyền hạn, trách nhiệm trong việc xem xét vật chứng trong phần thủ tục xét hỏi. Tuy nhiên trong thực tế rất ít khi HĐXX xem xét vật chứng trong quá trình xét xử. Thậm chí có trường hợp có mâu thuẫn về lời khai của các bên về vật chứng nhưng HĐXX cũng không yêu cầu đưa vật chứng ra xem xét tại phiên tòa hoặc xem xét tại chỗ. HĐXX thường chỉ dựa trên các tài liệu có trong hồ sơ mô tả về vật chứng làm căn cứ xét xử. Việc làm này không đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp, mọi chứng cứ tài liệu phải được xem xét công khai tại phiên tòa.
Đây là những hạn chế trong phần thủ tục xét hỏi theo quy định của pháp luật và trong thực tiễn áp dụng đối với hoạt động của HĐXX đòi hỏi phải được nghiên cứu điều chỉnh trong qua trình hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự.