Thẩm quyền theo đối tượng

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Địa vị pháp lý của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm trong tố tụng hình sự (Trang 46 - 48)

Thẩm quyền xét xử theo đối tượng được xác định bởi đối tượng phạm

tội. Đây là loại thẩm quyền được phân định giữa TAND với TAQS dựa trên

tiêu chí là người phạm tội và thiệt hại xảy ra. Thẩm quyền xét xử của TAQS được quy định trong Pháp lệnh Tổ chức TAQS. Điều 3, Điều 4 Pháp lệnh tổ chức TAQS năm 2002 quy định các đối tượng sau đây đều thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS mà không phụ thuộc vào việc họ phạm tội gì và phạm tội ở đâu: Quân nhân tại ngũ bao gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và quân nhân chuyên nghiệp được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; công chức quốc phòng bao gồm những công dân được tuyển dụng vào phục vụ trong quân đội hoặc từ sĩ quan chuyển sang và do các đơn vị doanh nghiệp quân đội trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Công nhân quốc phòng bao gồm những công nhân được tuyển dụng thuộc biên chế của các đơn vị doanh nghiệp quân đội, những công nhân có hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, nếu họ phạm tội khi đang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo hợp đồng; Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập hoặc kiểm tra

tình trạng sẵn sàng động viên, tình trạng sẵn sàng chiến đấu theo quy định của pháp luật về lực lượng dự bị động viên; dân quân tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu theo quy định của pháp luật về dân quân, tự vệ; Những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý, bao gồm những công dân do nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc do nhiệm vụ quân sự khác được các đơn vị quân đội trưng tập và trực tiếp quản lý để đáp ứng các nhu cầu đó.

Những người không thuộc đối tượng trên mà phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội cũng thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS. Bí mật quân sự được quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh tổ chức TAQS là bí mật của quân đội về an ninh quốc phòng được xác định là bí mật quân sự và được quy định trong các văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Gây thiệt hại cho quân đội được hiểu là gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, uy tín của những người được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Pháp lệnh hoặc tài sản của những người này được quân đội cấp phát để thực hiện nhiệm vụ quân sự, gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của quân đội. Tài sản của Quân đội là tài sản do quân đội quản lý, kể cả trường hợp quân đội giao tài sản đó cho dân quân tự vệ hoặc bất kỳ người nào khác quản lý, sử dụng đến chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự. Cũng được coi là gây thiệt hại cho quân đội trong trường hợp người đang bị tạm giữ, tạm giam và đang chấp hành hình phạt từ trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam do quân đội quản lý mà lại tiếp tục phạm tội. Những người không còn phục vụ trong quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trong thời gian phục vụ trong quân đội hoặc những người đang phục vụ trong quân đội mà phát hiện tội phạm mà họ thực hiện trước khi vào quân đội theo Điều 4 Pháp lệnh tổ chức TAQS thì TAQS xét xử những tội phạm có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội. Những tội phạm khác do TAND xét xử.

Trường hợp trong cùng vụ án vừa có người phạm tội hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS, vừa có người phạm tội hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND thì TAQS xét xử những người phạm tội và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của mình theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Pháp lệnh tổ chức TAQS, người phạm tội và tội phạm khác thuộc thẩm quyền xét xử của TAND, cụ thể như sau:

Chỉ được tách vụ án để điều tra, truy tố, xét xử riêng, nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

Khi xét xử HĐXX phải đảm bảo xét xử vụ án đúng thẩm quyền của Tòa án nơi mình thực hiện nhiệm vụ. Khi thấy vụ án đang xét xử không thuộc thẩm quyền xét xử của mình, HĐXX phải ra quyết định chuyển vụ án. Tuy nhiên theo quy định của Điều 174 BLTTHS, HĐXX chỉ được ra quyết định chuyển vụ án khi vụ án đó thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp trên hoặc TAQS. Trong thực tiễn xét xử hiện nay, cũng có trường hợp tại phiên tòa HĐXX phát hiện ra vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án mình mà thuộc thẩm quyền của Tòa án khác cùng cấp nhưng không có quyền ra quyết định chuyển vụ án. Hoặc có trường hợp HĐXX của TAQS sau khi mở phiên tòa, phát hiện vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS nhưng không có quyền ra quyết định chuyển vụ án cho TAND cùng cấp. Đây là một nội dung cần nghiên cứu, xem xét khi sửa đổi bổ sung BLTTHS.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Địa vị pháp lý của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm trong tố tụng hình sự (Trang 46 - 48)