đồng xét xử trong phần nghị án và thực tiễn áp dụng
Nghị án là việc HĐXX thảo luận tại phòng nghị án, thông qua bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án. BLTTHS quy định sau khi kết thúc phần tranh luận HĐXX vào nghị án. Chỉ có thành viên của HĐXX mới có quyền nghị án. Phần nghị án là hoạt động rất quan trọng của HĐXX, tại đây HĐXX thể hiện rõ nhất quyền hạn, trách nhiệm của mình khi ra bản án, quyết định. HĐXX phải thảo luận và biểu quyết khi ra bản án, quyết định. Việc thảo luận và biểu quyết phải được lập biên bản. Khi nghị án, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, biểu quyết theo đa số, Thẩm phán là người biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền bảo lưu ý kiến của mình. Quan điểm của các thành viên của HĐXX khi nghị án là thông tin mật [19]. Tại phần nghị án HĐXX thảo luận về các vấn đề của vụ án như: tội danh, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, xử lý vật chứng, bồi thường dân sự…
Quy định của pháp luật về hoạt động nghị án nhìn chung là đầy đủ, bảo đảm chặt chẽ trong việc ra bản án, quyết định của HĐXX. Thẩm phán, Hội thẩm thể hiện được ý kiến, quan điểm và quyết định của mình trong việc giải quyết vụ án.
Trong thực tế xét xử nhìn chung các HĐXX đều thực hiện tốt quyền hạn và trách nhiệm của mình trong việc nghị án. Nhiều HĐXX rất có trách nhiệm trong việc ra bản án hoặc các quyết định, các bản án, quyết định ban hành có chất lượng tốt, đúng pháp luật, bảo đảm khả năng thi hành. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều HĐXX chưa thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của mình trong nghị án, có những bản án quyết định của HĐXX có nhiều thiếu sót, đánh giá vụ án chưa đúng pháp luật, vẫn còn những quyết định của HĐXX không thi hành được. Thậm chí còn có những vụ án xử oan người vô tội hoặc xét xử sai. Có một số Hội thẩm chưa phát huy được tính độc lập khi nghị án, vẫn còn dựa vào quan điểm, ý kiến của Thẩm phán để biểu quyết, mặt khác cũng còn có Thẩm phán khi nghị án thể hiện sự áp đặt đối với các Hội thẩm, có những HĐXX vào nghị án chủ yếu là để thông qua bản án, quyết định do Thẩm phán chuẩn bị từ trước, sau khi nghị án khoảng từ 5 đến 10 phút sau đó ra tuyên bản án rất dài. Điều này tạo cảm giác cho những người tham gia phiên tòa là đã có "án bỏ túi" việc xét xử chỉ mang tính hình thức.
Bản án là kết quả quan trọng nhất của quá trình xét xử vụ án. Theo Từ
điển Luật học: "Bản án hình sự là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án
sau khi xét xử một vụ án hình sự" [31]. HĐXX là chủ thể duy nhất có quyền nhân danh Nhà nước để ra bản án. Bản án là phán quyết của Tòa án đối với mỗi vụ án. Khi ra bản án, HĐXX phải căn cứ các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa để đưa ra đánh giá nhận định và quyết định của bản án. Bản án phải đúng pháp luật, rõ ràng, mạch lạc, có khả năng thi hành. Bản án phải có chữ ký của các thành viên trong HĐXX.
HĐXX có thể ra bản án kết tội bị cáo hoặc bản án tuyên bố bị cáo không phạm tội. Nếu ra bản án kết tội bị cáo, HĐXX phải xác định bị cáo
phạm tội thì tội gì; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo; Mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo; các biện pháp tư pháp (nếu cần thiết); trách nhiệm dân sự, mức bồi thường; án phí…; nếu ra bản án tuyên bố bị cáo không phạm tội HĐXX phải giải quyết việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo; xác định trách nhiệm bồi thường (nếu có); xử lý vật chứng; án phí..; Hội đồng thẩm phán TANDTC đã có Nghị quyết số 04/2004 ngày 5/11/2004 hướng dẫn về cách viết bản án và mẫu bản án hình sự sơ thẩm. Tuy nhiên trong thực tế xét xử, vẫn còn những bản án còn viết chưa rõ ràng, chưa phân tích được các chứng cứ, tình tiết của vụ án cũng như các yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo do đó thiếu sức thuyết phục. Nhiều bản án còn có thiếu sót như áp dụng điều luật không đúng, không tuyên về vật chứng, án phí dân sự của vụ án, tuyên án không rõ ràng dẫn tới khó thi hành. Điều này thể hiện các HĐXX xét xử các vụ án đó chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Cùng với việc ra bản án HĐXX có thể ra một số quyết định như: Quyết định khởi tố vụ án; Quyết định trả tự do cho bị cáo; Quyết định tạm giam bị cáo; Quyết định bắt tạm giam bị cáo; HĐXX cũng có thể ra Kiến nghị khắc phục sửa chữa những khuyết điểm trong công tác quản lý.
Về quyết định khởi tố vụ án hình sự của HĐXX, theo quy định tại
khoản 1 Điều 104 BLTTHS "Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu
cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra" [15]. Hiện nay có ý kiến cho rằng không nên giao cho HĐXX quyền khởi tố vụ án bởi một số lý do như sau:
Thứ nhất: HĐXX là chủ thể có chức năng xét xử, vai trò của HĐXX là "trọng tài" xem xét bị cáo có tội như truy tố của Viện kiểm sát không. Nếu bị cáo có tội thì áp dụng hình phạt hoặc xử lý như thế nào, chứ HĐXX không phải là chủ thể có chức năng buộc tội. Mặt khác tại phiên tòa luôn luôn có mặt
đại diện Viện kiểm sát là cơ quan thực hành quyền công tố nhà nước, nếu HĐXX khởi tố vụ án tại phiên tòa sẽ "lấn át" chức năng của Viện kiểm sát. Pháp luật còn quy định sau khi HĐXX khởi tố vụ án lại giao cho Viện kiểm sát xem xét quyết định việc điều tra. Nếu Viện kiểm sát không thống nhất ý kiến với quyết định khởi tố vụ án của HĐXX lại phải kháng nghị lên Tòa án cấp trên hoặc Viện kiểm sát không tiến hành điều tra theo quyết định của HĐXX thì sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của HĐXX.
Thứ hai: Trong quá trình diễn biến phiên tòa, HĐXX phải tập trung xét xử hành vi của bị cáo đang bị truy tố, HĐXX không thể có đủ điều kiện làm rõ những tội phạm mới hoặc người phạm tội mới. Hơn nữa có nhiều trường hợp cần phải xác minh, kiểm tra thông tin trước khi khởi tố vụ án, do vậy việc giao cho HĐXX trách nhiệm khởi tố vụ án có thể có trường hợp căn cứ chưa vững chắc.
Thứ ba: Nếu HĐXX khởi tố vụ án sẽ có thể ảnh hưởng đến tính khách quan khi vụ án được đưa ra xét xử. Khi xét xử vụ án do HĐXX trước đó khởi tố sai, HĐXX sau của cùng Tòa án đó có thể bị ảnh hưởng đến tính độc lập ở mức độ nhất định nào đó.
Tác giả cũng đồng ý với ý kiến không nên giao cho HĐXX quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo các lập luận trên. Chỉ nên quy định tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới hoặc người phạm tội mới HĐXX có quyền yêu cầu Viện kiểm sát xem xét khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm hoặc người phạm tội đó.
BLTTHS quy định HĐXX có quyền ra các Quyết định trả tự do cho bị cáo; Quyết định tạm giam bị cáo; Quyết định bắt và tạm giam bị cáo là các quyết định nhằm đảm bảo bản án được thi hành nhanh chóng và kịp thời. Các quy định này là cần thiết để đảm bảo hiệu lực của bản án. Quy định về việc HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo đang bị tạm giam sau phiên tòa đã khắc
phục được hạn chế của BLLLHS năm 1988 về việc giam bị cáo theo quyết định bản án chưa có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên về thời hạn tạm giam bị cáo sau khi tuyên án quy định tại khoản 2 Điều 228 có điểm còn chưa phù hợp. Theo quy định của khoản 2 Điều 228 BLTTHS thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam của HĐXX là 45 ngày kể từ ngày tuyên án. Nhưng trong thực tiễn xét xử có bị cáo bị xử phạt tù, tính từ ngày tuyên án đến khi bị cáo chấp hành xong hình phạt tù còn lại chưa đến 45 ngày, nếu ra quyết định tạm giam 45 ngày sẽ quá hạn tù của bị cáo. Điều này đã tạo ra sự lúng túng cho một số HĐXX khi ban hành quyết định tạm giam. Vì vậy tại điểm 4 Phần IV Nghị quyết 04/2004 của Hội đồng thẩm phán
TANDTC đã hướng dẫn: "Nếu thời hạn hình phạt tù còn lại dưới 45 ngày thì ghi
thời hạn tạm giam bằng thời hạn hình phạt tù còn lại…" [21]. Hướng dẫn này là phù hợp với thực tiễn đã khắc phục được hạn chế của khoản 2 Điều 288 BLTTHS, tuy nhiên cũng cần xem xét sửa đổi điều luật này cho phù hợp với thực tiễn.
BLTTHS còn quy định, HĐXX còn có quyền ra kiến nghị sửa chữa những khuyết điểm trong công tác quản lý. Quy định này là phù hợp và cần thiết thể hiện vai trò của cơ quan tư pháp với việc quản lý xã hội, nâng cao vị thế của HĐXX. Tuy nhiên, trong thực tế rất ít khi HĐXX ra kiến nghị này, đây cũng là một vấn đề cần xem xét nghiên cứu.