BLTTHS căn cứ vào tính nghiêm trọng và phức tạp của tội phạm để phân định thẩm quyền xét xử giữa Tòa án cấp trên và Tòa án cấp dưới. Theo BLTTHS hiện nay có hai cấp Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các loại vụ án hình sự đó là: TAND cấp huyện, TAQS cấp khu vực là cấp xét xử sơ thẩm thấp nhất; TAND cấp tỉnh, TAQS cấp quân khu có thẩm quyền xét xử sơ thẩm mức độ cao hơn.
Điều 170 BLTTHS quy định về thẩm quyền theo cấp (theo vụ việc) theo đó TAND cấp huyện, TAQS khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án, TAND cấp tỉnh và TAQS cấp quân khu chỉ xét xử sơ thẩm các vụ án là tội phạm đặc biệt nghiêm trong và những vụ án phức tạp xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm chống lại loài người, chống hòa bình, tội phạm chiến tranh, các tội phạm quy định tại các điều 93, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 222, 223, 224, 225, 226,
263, 293, 294, 295, 296, 322, 323 của BLHS và các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện mà Tòa án cấp tỉnh lấy lên để xét xử. Điều 173
BLTTHS còn có quy định khi bị cáo phạm nhiều tội trong đó có tội thuộc
thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp trên, thì Tòa án cấp trên xét xử toàn bộ vụ án. Theo quy định của BLTTHS năm 2003 TANDTC không thực hiện xét xử sơ thẩm.
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của TAND cấp huyện, TAQS khu vực trong BLTTHS năm 2003 đã được mở rộng nhiều hơn so với quy định của BLTTHS năm 1988. Theo BLTTHS năm 1988 TAND cấp huyện, TAQS khu vực chỉ được xét xử sơ thẩm những tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt chỉ đến 7 năm tù. BLTTHS năm 2003 tăng thẩm quyền của TAND cấp huyện, TAQS khu vực được xét xử cả tội phạm rất nghiêm trọng, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù.
2.1.1.2. Thẩm quyền theo lãnh thổ
Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ là thẩm quyền căn cứ vào nơi tội phạm được thực hiện hoặc nơi kết thúc điều tra vụ án, Điều 171, Điều 172 BLTTHS chia làm bốn trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi tội phạm thực hiện
Trường hợp 2: Nếu tội phạm được thực hiện tại nhiều địa điểm khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.
Trường hợp 3: Nếu bị cáo phạm tội ở nước ngoài đưa về xét xử tại Việt Nam thì TAND cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo trước khi ra nước ngoài xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng của bị cáo trước khi ra nước ngoài thì Chánh án TANDTC giao cho TAND thành phố Hà Nội hoặc TAND Thành phố Hồ Chí Minh xét xử. Nếu thuộc thẩm quyền
xét xử của TAQS thì TAQS cấp quân khu xét xử theo sự phân công của Chánh án TAQS trung ương.
Trường hợp 4: Nếu bị cáo phạm tội trên tàu bay, tàu biển của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc lãnh hải Việt Nam thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam nơi có sân bay hoặc
bến cảng trở về đầu tiên hoặc nơi tàu bay, tàu biển đó được đăng ký.
Quy định về thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ này là phù hợp vì sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí cho hoạt động tố tụng, đảm bảo việc giải quyết vụ án được kịp thời, đảm bảo sự giám sát của nhân dân nơi xảy ra tội phạm với hoạt động xét xử của Tòa án.