Nghiêm chỉnh thực hiện nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Địa vị pháp lý của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm trong tố tụng hình sự (Trang 91 - 93)

và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là một nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử. Nguyên tắc này đã được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong nhiều quy định của BLTTHS. Tuy nhiên trong thời gian qua việc thực hiện nguyên tắc này chưa tốt, việc can thiệp vào hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm diễn ra còn phổ biến, thậm chí có nơi nguyên tắc này còn bị vi phạm nghiêm trọng. Nguyên nhân của việc vi phạm đó có nhiều, như chưa có cơ chế rõ ràng để Thẩm phán và Hội thẩm thật sự độc lập khi xét xử, trình độ năng lực của Thẩm phán và Hội thẩm chưa cao, chế độ chính sách đối với Thẩm phán chưa phù hợp... Tất cả các yếu tố này đều tác động không nhỏ đến tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử. Chất lượng xét xử của Tòa án có được nâng lên hay không phụ thuộc nhiều vào việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Vì vậy, để thực hiện tốt nguyên tắc này tác giả xin nêu ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất: Sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ những quy định của pháp luật không còn phù hợp gây tác động tiêu cực đến tính độc lập khi xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm. Ban hành những quy định mới bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong hoạt động xét xử.

Thứ hai: Kéo dài nhiệm kỳ Thẩm phán, trước mắt có thể bổ nhiệm Thẩm phán theo nhiệm kỳ 10 năm sau đó tiếp tục nghiên cứu thực tiễn áp dụng, nếu phù hợp có thể tiến tới bổ nhiệm Thẩm phán đến tuổi nghỉ hưu. Thẩm phán chỉ bị bãi nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật, nguyên tắc nghề nghiệp hoặc không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ. Điều này sẽ tạo tâm lý vững vàng cho Thẩm phán khi xét xử, hạn chế áp lực từ những người có chức vụ, quyền hạn vào hoạt động xét xử.

Thứ ba: Quan tâm đến chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ với Thẩm phán và Hội thẩm. Đất nước ta còn nghèo, truyền thống pháp lý của nước ta chưa có bề dầy nên hiện nay việc quan tâm tới chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ với Thẩm phán và Hội thẩm chưa được coi trọng. Trong thực tế hiện nay, tiền lương của đội ngũ Thẩm phán còn rất thấp. Ví dụ mức lương của Chánh án TAND cấp huyện hiện nay khi đã đạt mức thâm niên cao nhất cũng chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/ 1 tháng. Các Thẩm phán có mức lương thấp hơn phụ thuộc vào thâm niên công tác khoảng từ 3 - 4,5 triệu đồng/ 1 tháng. Với mức lương như vậy, việc đảm bảo cuộc sống là khá khó khăn nhất là tại các tại các thành phố

lớn. Họ luôn phải lo toan "cơm áo, gạo tiền"cho mình, cho gia đình nên Thẩm

phán không chuyên chú vào công việc xét xử. Chế độ đãi ngộ với Hội thẩm cũng không khác gì. Theo quy định hiện hành 1 ngày xét xử một Hội thẩm chỉ được nhận khoản bồi dưỡng ít ỏi là 50.000 đồng. Điều đó làm các Thẩm phán, Hội thẩm không tích cực tham gia hoạt động xét xử, không tập trung trau dồi kiến thức, kinh nghiệm xét xử nên không phát huy được vai trò khi xét xử.

Xét xử là một hoạt động đặc thù, khó khăn, phức tạp. Chính sách tiền lương và đãi ngộ như hiện nay thực sự chưa thúc đẩy được sự cố gắng và

trách nhiệm của các Thẩm phán và Hội thẩm. Bên cạnh đó mức tiền lương thấp còn là một trong những nguyên nhân gây ra nạn tham nhũng, sách nhiễu gây khó khăn cho cho người tham gia tố tụng ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm.

Thứ tư: Quán triệt những người có thẩm quyền như Chánh án, Phó Chánh án, Ủy ban Thẩm phán và các cấp ủy Đảng trong việc không can thiệp vào hoạt động xét xử của HĐXX. Tách bạch hoạt động quản lý với hoạt động tố tụng. Đảng lãnh đạo bằng việc ban hành đường lối chính sách, giới thiệu nhân sự vào những vị trí quan trọng chứ không làm thay và không can thiệp cụ thể vào việc xét xử của HĐXX trong từng vụ án. Lãnh đạo Tòa án và Tòa án cấp trên không can thiệp vào hoạt động xét xử của HĐXX đặc biệt là không đánh giá chứng cứ thay HĐXX, không áp đặt mức án… khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Thứ năm: Tuyên truyền phổ biết trong xã hội để mọi người dân đều biết và nghiêm chỉnh thực hiện nguyên tắc này. Hạn chế tới mức tối đa mọi tác động tiêu cực đến hoạt động xét xử của HĐXX. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật của những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng khi có hành vi tiêu cực có liên quan đến hoạt động xét xử.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Địa vị pháp lý của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm trong tố tụng hình sự (Trang 91 - 93)