CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ CẤP SƠ THẨM
Nước ta đang hướng tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN. Hành trang không thể thiếu của sự nghiệp đó là một nền tư pháp minh bạch, công bằng và dễ tiếp cận. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm công lý cho xã hội. Thấy được điều đó, Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành cải cách tư pháp một cách toàn diện, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật mới. Đặt ra mục tiêu nhằm bảo đảm hệ thống tư pháp là chỗ dựa vững chắc cho Nhà nước và cho xã hội trong việc bảo vệ công lý. Một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp hiện nay là nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2/1/2008 của Bộ Chính trị về một số
nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ rõ:
Phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi hợp pháp để đưa ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định [4],
Tiếp theo đó, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng nêu rõ:
Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham
gia tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp [6].
Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 cũng đặt ra yêu cầu:
Trọng tâm là hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, bảo đảm Tòa án xét xử độc lập, đúng pháp luật, kịp thời và nghiêm minh...; cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận tiện, bảo đảm sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp, bảo đảm chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp [5].
BLTTHS năm 2003 đã ra đời trong bối cảnh bắt đầu sự nghiệp cải cách tư pháp tại Việt Nam, trải qua hơn 6 năm thi hành, Bộ luật đã góp phần quan trọng trong xử lý, ngăn ngừa tội phạm, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, làm rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng.
Hoạt động xét xử của Tòa án là hoạt động trung tâm của quá trình tố tụng. HĐXX thay mặt Nhà nước xem xét đánh giá mọi chứng cứ, tài liệu một cách khách quan từ đó đưa ra phán quyết trên cơ sở pháp luật. Tuy nhiên do biến đổi của đời sống xã hội, do yêu cầu cải cách tư pháp của đất nước BLTTHS đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Trong đó có các hạn chế ở quy định về quyền hạn, trách nhiệm của HĐXX cấp sơ thẩm đòi hỏi phải sửa đổi bổ sung cho hoàn thiện hơn. Từ các lý do trên và các nội dung đã nghiên cứu, tác giả xin đưa ra một số ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định
của pháp luật tố tụng hình sự về quyền hạn, trách nhiệm của HĐXX cấp sơ thẩm cho phù hợp với yêu cầu của đất nước và xã hội.
Hoàn thiện pháp luật về địa vị pháp lý của HĐXX là yêu cầu khách quan, nhằm đảm bảo chất lượng xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất oan, sai trong tố tụng hình sự. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đảm bảo các điều kiện khác để nâng cao vị thế cũng như hiệu quả hoạt động của HĐXX. Trên cơ sở những nội dung đã nghiên cứu, phân tích tại Chương 1 và Chương 2 luận văn này, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị về hoàn thiện pháp luật và một số kiến nghị khác để hoạt động của HĐXX có hiệu quả cao hơn.