Thư ký Tòa án là người làm thư ký tại phiên tòa. Tại phiên tòa Thư ký Tòa án có trách nhiệm phổ biến nội quy phiên tòa, báo cáo với HĐXX sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia tố tụng được triệu tập đến phiên tòa và ghi biên bản phiên tòa. Trong quá trình xét xử Thư ký Tòa án thực hiện các yêu cầu của HĐXX như cách ly bị cáo, cách ly những người làm chứng, chuẩn bị, bảo quản vật chứng phải xem xét tại phiên tòa. Trong trường hợp HĐXX tiến hành xem xét tại chỗ Thư ký Tòa án cũng là người ghi biên bản phản ánh hoạt động đó của HĐXX. Biên bản phiên tòa do Thư ký Tòa án lập phải phản ánh chính xác, đầy đủ mọi diễn biến phiên tòa, mọi câu hỏi và câu trả lời, ý kiến tranh luận và đối đáp của các bên đều phải được ghi vào biên bản. Lời khai của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có thể là chứng cứ để HĐXX làm căn cứ đưa ra phán quyết do đó khi kết thúc phiên tòa Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản phiên tòa và cùng Thư ký Tòa án ký vào biên bản. Hoạt động của Thư ký Tòa án góp phần bảo đảm cho HĐXX trong việc thực hiện kế hoạch xét xử và ra bản án có căn cứ. BLTTHS
hiện nay quy định, Thư ký Tòa án là người tiến hành tố tụng, họ cũng có quyền hạn, trách nhiệm cụ thể. Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án về hành vi tố tụng của mình. Do vậy, Thư ký Tòa án cũng có sự độc lập nhất định đối với HĐXX. Họ phải ghi biên bản phiên tòa trung thực, chính xác, không thể phản ánh sai diễn biến phiên tòa để "hợp pháp hóa" chứng cứ hay làm sai lệch nội dung vụ án. Thư ký Tòa án phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu có căn cứ họ không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ. Việc thay đổi thay đổi Thư ký tại phiên tòa do HĐXX quyết định.
Tuy nhiên, hiện nay việc bố trí vị trí ngồi cho Thư ký Tòa án tại các phiên tòa cũng chưa hợp lý dễ gây hiểu lầm Thư ký Tòa án cũng là thành viên của HĐXX, cần phải nghiên cứu để bố trí lại vị trí ngồi của Thư ký Tòa án cho phù hợp, qua đó cũng thể hiện rõ vị trí trung tâm của HĐXX.
Chương 2