I. Những ưu điểm và những tồn tại trong hoạt động kinh doanh nhập khẩu cũng như trong kế toán nhập khẩu
1. Về hoạt động kinh doanh nhập khẩu hàng hoá
Trước hết, đó là môi trường kinh doanh nhập khẩu hàng hoá có nhiều điều kiện thuận lợi và Công ty đã tận dụng được để tìm kiếm thị trường, bạn hàng kinh doanh, mặt hàng kinh doanh theo quy định của Nhà nước. Thị trường nhập khẩu của Công ty bao gồm cả các nước Châu á (Nhật, Lào, Campuchia, Indonexia, Malaysia…), Châu Âu (Liên Xô, Anh, Bỉ…), Mỹ, thị trường tiêu thụ hàng nhập khẩu trải rộng tại nhiều tỉnh thành cả nước.
Công ty đã có chi nhánh giao dịch, tiếp nhận hàng hoá tại các thành phố lớn là cửa ngõ buôn bán giữa nước ta với quốc tế là một thuận lợi nữa giúp cho việc điều hành tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng hoá được nhanh chóng, an toàn và mang tính hiệu quả cao.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Công ty là các thiết bị viễn thông, tin học và CNTT. Đó là sản phẩm của các công ty, các tập đoàn công nghiệp nổi tiếng trên thế giới có chất lượng, kiểu dáng, có khả năng cạnh tranh lớn trên thị trường như: máy PC và các phụ kiện của IBM, HP Compaq, Olivetti, Toshiba; các thiết bị mạng 3COM, CISCO; điện thoại di động Samsung, Nokia,...Hàng hoá nhập khẩu của công ty mang tính chất độc quyền, có chất lượng và đáp ứng được nhu cầu trong nước nên tốc độ tiêu thụ nhanh.
Ngoài ra, công ty còn có một đội ngũ cán bộ hoạt động trong công tác nhập khẩu hàng hoá nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, hăng say, có trách nhiệm với công việc và có khả năng tiếp thu các kỹ năng, kỹ thuật hiện đại, đây là nguồn vốn vô cùng quý giá của Công ty.
Bên cạnh những ưu điểm trên, trong hoạt động kinh doanh hàng hoá nhập khẩu của Công ty còn tồn tại những nhược điểm sau:
Trong công tác tiêu thụ hàng nhập khẩu, với lợi thế là đại lý độc quyền Công ty chưa áp dụng bán hàng có giảm giá, chiết khấu cho khách hàng, đặc biệt chất lượng dịch vụ hậu mãi còn chưa tốn. Đây là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tiêu thụ hàng hoá.
Công ty chưa có kế hoạch lập dự phòng cho hàng hoá để đề phòng trong những trường hợp có những nhân tố khách quan làm giảm giá hàng hoá gây thiệt hại cho Công ty. Điều này sẽ làm cho Công ty kém chủ động về tài chính và lúng túng trong xử lý khi có những thiệt hại xảy ra.