Di tích lịch sử địa điểm cơ quan Liên tỉnh ủy Cần Thơ thuộc xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Gọi tắt là Liên tỉnh ủy (1938-1940). Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, Xứ ủy Nam Kỳ cũng được thành lập và trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng cơ sở Đảng và tổ chức lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Nam kỳ. Trải qua bao gian lao thử thách đầy gian khổ hy sinh, các cấp lãnh đạo Đảng vẫn tồn tại. Để kịp thời lãnh đạo và chỉ đạo phong trào cách mạng ở từng nơi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, Xứ ủy Nam Kỳ đã thành lập 4 tổ chức Đảng lấy tên là" Liên tỉnh ủy". Đó là: - Liên tỉnh ủy Gia Định
- Liên tỉnh ủy Mỹ Tho - Liên tỉnh ủy Long Xuyên - Liên tỉnh ủy Cần Thơ
Vào những năm 1936- 1939, vùng Hậu Giang, Cần Thơ là nơi xứ ủy quan tâm vì đây là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của miền tây Nam Bộ nên tăng cường các đồng chí chính trị phạm được thả, số đồng chí vượt ngục trở về và số cán bộ đã qua thử thách, có nhiều kinh nghiệm. Đồng chí Tạ Uyên, Phạm Văn Bảy, Quảng Trọng Hoàng, Đặng Văn Quang và Thái Văn Đấu được xứ ủy điều động về Cần Thơ. Cuối năm 1936, phong trào đấu tranh công khai đang phát triển và lan nhanh khắp cả nước. Ơở Hậu Giang, Cần Thơ phong trào đại hội Đông Dương đang phát triển rầm rộ. Đến năm 1938, đồng chí Tạ Uyên đứng ra thành lập tổ chức Đảng để lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai và bí mật ở miền Hậu Giang, tổ chức đó lấy tên là Liên tỉnh ủy Cần Thơ. Phạm vi họat động của liên tỉnh ủy gồm các tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Rạch Giá, Bạc Liêu, Sa Đéc, Cà Mau....
Địa điểm của cơ quan Liên tỉnh ủy Cần Thơ năm 1938 đặt tại nhà bà Ngô Thị Lụa ở rạch Ngã Lá, xã Phú Hữu, huyện Phụng Hiệp (nay là huyện Châu Thành, Hậu Giang). Mặt tiền di tích, từ mé rạch lên nhà cách 50m, trồng nhiều cây ăn trái như sầu riêng, cam, quýt che khuất căn nhà ba gian cỏ thỏa bạc ở trước. Vì vậy người đi dưới sông nhìn lên không thể thấy rõ được nhà và cũng không nghe được tiếng động ở bên trong, hàng ngày các đồng chí cán bộ lãnh đạo vẫn có thể làm việc bình thường như hội họp, triển khai nghị quyết công tác, mở lớp huấn luyện cán bộ, in ấn truyền đơn, tài liệu. Trong khi làm việc đều có phân công người canh gác, chủ yếu là giao cho bà Ngô Thị Lụa canh ở mặt tiền, mặt hậu của cơ quan là rừng hoang dày đặc.
Bên trong căn nhà được chia làm 3 gian và một nhà bếp, rộng khoảng 116m. Gian giữa dùng để cúng tổ tiên. Mỗi gian đều có vách ngăn làm buồng riêng biệt. Khi cơ quan Liên tỉnh Cần Thơ về đóng ở đây, các đồng chí cán bộ được bố trí làm việc trong các buồng. Nếu có khách thì chủ nhà báo động và tiếp ở trước thảo bạc, nếu cần thiết thì có thể rút luôn vào phía rừng già ở phía sau.
Phía trong buồng có kê 2,3 cái bàn nhỏ để làm việc, 1 bàn dài để in truyền đơn, tài liệu học tập của cán bộ tuyên huấn. Chính trong căn buồng này, lãnh đạo tỉnh uỷ đã phổ biến nghị quyết quan trọng của Xứ ủy về Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940 chủ trương về đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ thời kỳ mặt trận bình dân.
Việc chi phí ăn uống của cơ quan đều do gia đình bà Lụa lo liệu. Đồng chí Ngô Thị Hụê (vợ đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt nam khóa VII) lúc đó là cán bộ liên tỉnh, có kể lại: "Gia đình bà Lụa không khá lắm, nhưng rất yêu nước, thương anh em, không tiếc tiền gạo nuôi cả cơ quan..."
Với tinh thần đùm bọc, che chở cho cán bộ của gia đình bà Lụa và bà con xóm Ngã Lá, cơ quan liên tỉnh ủy Cần Thơ đã hoạt động bình yên suốt từ đầu năm 1938 đến tháng 11 - 1940. Khi khởi nghĩa ở Nam Kỳ ở Phú Hữu bị thất bại, địch ra sức khủng bố, cơ sở kịp thời chuyển đi nơi khác.
Hiện nay ngôi nhà này đã bị hư hỏng nhiều. Năm 1956 khi bà Lụa qua đời, con cháu của bà dựng lại một căn nhà nhỏ trên một phần nền của ngôi nhà cũ. Phần nền cũ còn lại trồng cây ăn quả.
Mặc dù ngôi nhà, nơi làm việc của cơ quan liên tỉnh ủy Cần Thơ đã bị hư hại nhưng trên mảnh đất này trong suốt gần 4 năm là nơi diễn ra những họat động cách mạng quan trọng có liên quan tới phong trào cách mạng của toàn bộ các tỉnh ở miền Hậu Giang. Vì vậy nơi đây là một điạ điểm lịch sử có ý nghĩa hết sức to lớn, xứng đáng được công nhận là một di tích của nhà nước ta.