Hổ quyền - Trường đấu đặc biệt thời triều Nguyễn
Ơở Tây Ban Nha có môn đấu bò tót hấp dẫn và nguy hiểm, nhưng lại quá phổ biến vì có nhiều đấu trường. Còn đấu hổ thì có lẽ châu Aá và cả thế giới nữa chỉ có một đấu trường duy nhất ở Huế. Đấu trường đó gọi là Hổ Quyền. Hổ Quyền là một di tích Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Đấu hổ đã có ở Phú Xuân từ thời các chúa Nguyễn (1558-1775) kéo dài đến trận đấu cuối cùng được tổ chức dưới thời vua Thành Thái vào năm 1904. Còn Hổ Quyền (trường đấu hổ) được xây dựng vào năm Canh Dần (1830) theo lệnh vua Minh Mạng. Biển đá khắc gần ở tường còn ghi câu chữ Hán nội dung là: "Xây dựng vào ngày tốt tháng giêng năm Minh Mạng thứ II" (tức tháng 2/1830). Hổ Quyền được sửa chữa và xây cao thêm dưới thời Thành Thái. Hiện nay và chắc chắn còn nhiều năm sau nữa di tích Hổ Quyền vẫn tồn tại như khuôn viên xây dựng ban đầu. Hổ Quyền được xây dựng ở đồi Long Thọ (khu vực Nhà máy xi măng Long Thọ hiện nay) ở tây nam kinh thành Huế.
Theo nhà Huế học Phan Thuận An, các trận đấu giữa voi và hổ trước khi chưa xây Hổ Quyền thường diễn ra ở cồn Dã Viên (đảo trên sông Hương) hoặc trên khoảng đất bên bờ sông trước kinh thành. Một người Pháp thuật lại trong một bài viết của mình là vào năm 1750, chúa
Nguyễn Phúc Khoát và các quan trong triều đã đi trên 12 chiếc thuyền, đến đậu gần cồn Dã Viên để xem đấu hổ. Trận này, 40 con voi chiến của triều đình đã giết chết 18 con hổ dữ.
Một người Pháp khác tên là Michel Đức Chaigneau trong hồi ký của mình cũng thuật lại chuyện đấu hổ ở Huế nhưng vào thời Gia Long (1802-1829). Trận đấu diễn ra ở khoảnh đất trước kinh thành. Triều đình bắt lính cầm khí giới đứng thành vòng tròn, làm hàng rào đấu trường. Con hổ hôm đó đã bị bẻ răng nanh buộc dây vào cọc rất chặt. Nhưng khi thấy voi xông vào nó chồm lên làm sợi dây đứt tung. Con hổ làm cho nhiều lính làm hàng rào bị thương, vua tôi đến xem bị một phen thất kinh hồn vía.
Trận đấu hổ năm 1829 diễn ra rất nguy hiểm cho tính mạng của vua Minh Mạng. Hôm đó là lễ Tứ tuần Đại Khánh nhà vua. Trận đấu tổ chức trên bờ sông Hương trước kinh thành. Nhà vua ngự xem trên thuyền rồng sát bờ. Con hổ cũng đã được "thắt dây bảo hiểm" trước khi đấu với voi. Vào trận quyết chiến, mãnh hổ đã giật tung sợi dây lao xuống sông Hương và bơi như tên về phía thuyền vua ngự. Quan quân hốt hoảng, mặt cắt không còn hột máu. Vua Minh Mạng lúc đó không có vũ khí trong tay, liền vớ vội cây sào chống trả và đẩy lùi con thú dữ. Sau trận đấu hổ thất kinh đó, nhà vua mới xuống chiếu xây dựng Hổ Quyền vào năm sau (1830).
Hổ Quyền là một đấu trường lộ hiên vòng tròn gồm hai lớp tường. Tường trong cao 5,9 m; tường ngoài cao 4,75 m xây bằng gạch vồ, đá thanh, vôi vữa ở giữa hai lớp tường là lớp đất dày 4 m ở đỉnh. Chu vi vòng ngoài Hổ Quyền 140 m, đường kính lòng chảo 44 m.
Khu di tích Hổ Quyền hiện bị thời gian tàn phá nhiều nhưng vẫn còn nguyên vẹn, nếu đầu tư phục chế sẽ là nơi tham quan rất hấp dẫn khách du lịch mỗi khi đến Huế.
(Thương mại - Xuân 1997)
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một di tích của nghìn năm van hiến