Đặc trưng của quản lý nhà nước chuyên ngành HKDD

Một phần của tài liệu giáo trình khái quát về hàng không dân dụng (Trang 45 - 47)

1. Tổng quan về quản lý nhà nước về HKDD

1.3.2.Đặc trưng của quản lý nhà nước chuyên ngành HKDD

Đặc trưng chủ yếu của quản lý nhà nước chuyên ngành HKDD được thể hiện thông qua 2 chính sách vận tải hàng không là chính sách điều tiết và bảo hộ vận tải hàng không.

a) Chính sách điều tiết vận tải hàng không

Chính sách điều tiết vận tải hàng không được thực hiện bằng công cụ chủ yếu là qua quyền vận chuyển. Quyền vận chuyển hàng không (thường gọi là thương quyền) là quyền khai thác thương mại vận chuyển hàng không với các điều kiện về hãng hàng không, đường bay, tàu bay khai thác, chuyến bay và đối tượng vận chuyển.

Thương quyền là yếu tố rất quan trọng của một quốc gia, thể hiện chủ quyền của quốc gia đó đối với việc khai thác thương mại lãnh thổ của mình bằng đường hàng không. Thông qua quyền vận chuyển nhà nước có thể điều tiết vận tải hàng không của quốc gia mình nhằm hạn chế hoặc thúc đẩy cạnh tranh để vừa bảo hộ hợp lý các hãng hàng không trong nước, vừa tạo điều kiện phát triển giao lưu quốc tế bằng đường hàng không và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Hiện nay phần lớn các quốc gia đều chỉ cấp quyền vận chuyển nội địa cho các hang hàng không trong nước, còn quyền vận chuyển quốc tế được trao đổi qua các hiệp định song phương và đa phương theo nguyên tắc bảo đảm sự công bằng, bình đẳng về cơ hội khai thác, về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các hãng hàng không trong nước và các hãng hàng không nước trao đổi thương quyền.

Ở nước ta, đến năm 2008, đã ký kết Hiệp định hàng không với 56 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có tất cả các cường quốc kinh tế trên thế giới. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng các hãng HKVN và các nước liên quan mở đường bay thỏa thuận. Bên cạnh các hiệp định hàng không song phương, Việt Nam cũng tham gia các hiệp định hàng không đa phương như Hiệp định đa phương về vận tải hàng không Cămphuchia, Lào, Miama, Việt Nam (CLMV). Phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước, trong những năm qua Việt Nam, bắt đầu áp dụng chính sách vận tải hàng không theo hướng tự do hóa ở trong nước cũng như với các nước khu vực trên cơ sở song phương cũng như đa phương, từng bước nới lỏng các hạn chế cạnh tranh, thực hiện phi điều tiết có lộ trình đảm bảo vừa bảo hộ một cách hợp lý vừa thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải HKVN phát triển, tiến tới từng bước mở cửa bầu trời theo xu thế khu vực và trên thế giới.

b) Chính sách bảo hộ vận tải hàng không

Chính sách bảo hộ vận tải hàng không chủ yếu được các quốc gia thực hiện với vận tải hàng không quốc tế. Sự hội nhập quốc tế trong lĩnh vực vận tải hàng không đòi hỏi từng bước phải tự do hóa cạnh tranh trên thị trường vận tải hàng không quốc tế. Đối với các hãng hàng không còn có những khoảng cách tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp thì việc mở cửa hoàn toàn bầu trời sẽ đe dọa trực tiếp đến khả năng tồn tại và phát triển của hãng. Vì vậy, các quốc gia cần phải có chính sách cạnh tranh và bảo hộ hợp lý để vừa thúc đẩy các hãng hàng không của mình phát triển và cạnh tranh một cách hiệu quả. Các chính sách bảo hộ đối với vận tải hàng không quốc tế thường được các quốc gia xem xét gồm:

- Bảo hộ nhà nước đối với thị trường và giá cước vận tải hàng không quốc tế, chủ yếu qua hiệp định vận tải hàng không song phương. Trên cơ sở hiệp định song phương, bảo hộ nhà nước về thị trường và giá cước vận tải hàng không quốc tế đảm bảo cơ hội bình đẳng và công bằng cho 2 quốc gia, thể hiện qua các nội dung như: Chỉ định một hoặc một số hãng hàng không được quyền khai thác trên thị trường vận tải hàng không; xác định tổng số tải được phép cung ứng và quyền khai thác thương mại cho các hãng hàng không được chỉ định, qua đó khống chế đối thủ cạnh tranh trực tiếp cung ứng lượng tải quá mong muốn, lịch cất hạ, cánh…; thiết lập và điều tiết mức giá cước vận tải hàng không quốc tế giữa các hãng hàng không…

- Bảo hộ nhà nước về giá thành vận tải hàng không quốc tế qua các ưu đãi về giá/phí về các dịch vụ tại sân bay (phí cất hạ cánh, điều hành bay, nhà ga, sân đậu…) cho các hãng hàng không cần được bảo hộ nhằm giúp hãng này giảm được giá thành để cạnh tranh được với đối thủ của mình.

Một phần của tài liệu giáo trình khái quát về hàng không dân dụng (Trang 45 - 47)