Lịch sử hình thành và phát triển ngành HKVN

Một phần của tài liệu giáo trình khái quát về hàng không dân dụng (Trang 29 - 32)

2. Tổng quan về ngành hàng không Việt nam

2.1.Lịch sử hình thành và phát triển ngành HKVN

Sau khi miền Bắc được giải phóng trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, ngày 15/1/1956 Chính phủ đã thành lập Cục HKDD theo Nghị định 666, đánh dấu sự ra đời của ngành HKVN. Quá trình xây dựng và phát triển ngành HKVN được chia làm 3 giai đoạn sau đây:

1) Giai đoạn từ năm 1956 đến năm 1975

Giai đoạn này ngành HKVN được tổ chức thành Cục HKDD, trực thuộc Bộ quốc phòng và được xây dựng trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Bộ quốc phòng thực hiện đồng thời 3 chức năng: Quốc phòng, quản lý nhà nước và kinh doanh vận tải hàng không. Trong những năm đầu thành lập toàn ngành chỉ có một vài máy bay cánh quạt hạng vừa và nhẹ như: IL-14, AN-2, Aero-45… Cũng trong thời gian này một số đường bay đã được khai thác ở Bắc Việt Nam như từ Gia lâm đi Quảng bình, Sơn la… nhưng Nhà nước bao cấp hoàn toàn. Nhiệm vụ chính của ngành HKVN là phục vụ quốc phòng, kinh doanh vận tải hàng không chỉ là nhiệm vụ thứ yếu.

2) Giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1989

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và quốc phòng sau thống nhất đất nước, ngày 11/2/1976, Tổng cục hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) được thành lập theo Nghị định 26/CP, trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Tuy nhiên trên thực tế Tổng Cục HKDDVN vẫn đặt dưới sự lãnh đạo của Quân ủy trung ương, Bộ quốc phòng và được tổ chức như một đơn vị quân đội. Mặc dù là một tổ chức có chức năng chính là kinh doanh vận tải hàng không nhưng giai đoạn này Tổng cục HKDDVN hoạt động hoàn toàn theo cơ chế bao cấp. Đội máy bay của Ngành thời gian này đã được bổ sung thêm một số loại máy bay như: IL-18, IL-62, DC-4, DC-6, TU134… Các đường bay quốc tế lần lượt được mở đi Lào, Cămphuchia, Trung quốc, Thái lan, Malaysia, Singapore… Song hoạt động kinh doanh vận tải hàng không trong giai đoạn này vẫn đạt hiệu quả thấp do thực hiện trong bối cảnh cơ chế bao cấp và thị trường hạn hẹp, sản lượng đạt trung bình khoảng 250.000-300.000 hành khách/năm. Ngày 12/4/1980 HKDDVN chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

3) Giai đoạn từ năm 1990 đến nay

Đây là giai đoạn đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ của ngành HKVN cả về tổ chức lẫn SXKD trong sự nghiệp đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước.

Về mặt tổ chức, để phù hợp với đường lối phát triển kinh tế trong từng thời kỳ, từ năm 1989 đến nay ngành HKVN đã trải qua nhiều lần thay đổi về tổ chức và cơ chế quản lý qua các sự kiện chính sau đây:

- Ngày 22/8/1989 Tổng công ty hàng không được thành lập lần thứ nhất theo Quyết định số 225/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, là một đơn vị

kinh tế quốc doanh được tổ chức theo điều lệ liên hiệp xí nghiệp, trực thuộc Tổng Cục HKDDVN.

- Tháng 4/1993 Chính phủ đã thành lập Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) và một loạt các doanh nghiệp khác trực thuộc Cục HKDDVN. Thời gian này ngành HKVN được tổ chức thống nhất, trong đó Cục HKDDVN - Trực thuộc bộ giao thông vận tải, là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không thực hiện chức năng điều tiết, quản lý các doanh nghiệp trong ngành gồm Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, các Cụm cảng hàng không sân bay, Trung tâm quản lý bay và các doanh nghiệp khác.

- Ngày 27/5/1996 Chính phủ thành lập Tổng công ty HKVN theo mô hình Tổng công ty 91 tại quyết định số 328/TTg trên cơ sở lấy Vietnam Airlines làm nòng cốt và liên kết 20 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong ngành HKDDVN. Thời gian này Cục HKDDVN trực thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không đối với Tổng công ty HKVN và trực tiếp quản lý các Cụm cảng hàng không sân bay, Trung tâm quản lý bay và các đơn vị hành chính sự nghiệp. Năm 2001 Cục HKDDVN được chuyển về trực thuộc Bộ giao thông vận tải và đến năm 2003 được đổi tên thành Cục hàng không Việt Nam (Cục HKVN).

- Từ năm 2006, Tổng công ty HKVN tổ chức theo mô hình công ty mẹ – công ty con, Công ty mẹ là Vietnam Airlines, theo Quyết định số 372/QĐ- TTg ngày 4/4/2003 của Chính phủ. Các đơn vị hạch toán độc lập được chuyển đổi thành Công ty TNHH 1 thành viên hoặc Công ty cổ phần. Trong quá trình chuyển đổi, năm 2004 Chính phủ đã chuyển toàn bộ 86,49% cổ phần của Tổng công ty HKVN tại Pacific Airlines sang Bộ tài chính quản lý và năm

2006 chuyển Công ty dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) sang trực thuộc Cụm cảng hàng không sân bay miền Nam.

- Cùng với chính sách đổi mới kinh tế, từ 1/1/2007 Luật HKDD sửa đổi có hiệu lực, đã cho ra đời nhiều hãng hàng không tư nhân và doanh nghiệp kinh doanh khác trong ngành HKDD. Phù hợp với Luật HKDD, trong năm 2008 các Cụm cảng Hàng không sân bay miền Bắc, Trung, Nam được tổ chức lại thành Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, Trung, Nam trực thuộc Bộ giao thông vận tải và các Cảng vụ hàng không miền Bắc, Trung, Nam trực thuộc Cục HKVN. Cũng trong thời gian này Tổng công ty đảm bảo hoạt động bay Việt nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt nam, trực thuộc Bộ giao thông vận tải.

Về SXKD, Trong giai đoạn này đội máy bay của ngành đã được chuyển đổi từ dòng công nghệ máy bay Liên xô (cũ) sang các loại máy bay hiện đại của Mỹ và phương Tây như Boeing, Airbus, ATR, Foker. Mạng đường bay từng bước được mở rộng đến các châu lục trên thế giới, thị trường có những bước tăng trưởng cao. Các cảng hàng không sân bay và dịch vụ quản lý không lưu cũng được đầu tư hiện đại hóa phục vụ yêu cầu phát triển của vận tải hàng không. Đến năm 2007, ngành HKVN khai thác khoảng 50 máy bay, với mạng đường bay đến 41 điểm của 26 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và 23 đường bay đến 16 tỉnh thành trong cả nước, vận chuyển trên 8,3 triệu khách, phục vụ trên 20 triệu lượt khách qua các cảng hàng không và điều hành hơn 0,3 triệu lần chuyến bay. Đây là những con số đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ của ngành.

Một phần của tài liệu giáo trình khái quát về hàng không dân dụng (Trang 29 - 32)