Qua quá trình phát triển một số cảng hàng không quốc tế trên thế giới không chỉ đóng vai trò là cửa ngõ hàng không của quốc gia mà từng bước trở thành điểm dừng chân trung gian trên chặng đường bay từ quốc gia đến một quốc gia khác. Vì vậy hình thành xu thế tạo lập và cạnh tranh giữa các trung tâm trung chuyển hàng không. Xu thế này diễn ra ở tất cả các khu vực như giữa Pa-ri, Luân-đôn, Am-stéc-đam, Phrăng-phuốc ở châu Âu; giữa Tô-ky-ô, Xê-un, Hồng kông, Đài Loan ở bắc Á; Băng Cốc, Xinh-ga-po, Kua-la-lăm-pơ ở Đông Nam Á...
1.4.4. Hợp nhất, liên minh, liên kết, chuyên môn hóa các hãng hàng không không
Hợp nhất và liên kết các hãng hàng không vừa là hiện tượng chung của quá trình tích tụ tư bản, vừa là hậu quả tất yếu của quá trình tự do hóa vận tải hàng không. Trong điều kiện tự do hóa cạnh tranh, các hãng hàng không nhỏ và vừa nhanh chóng bị lâm vào tình trạng phá sản hoặc buộc phải hợp nhất hoặc liên kết lại để tồn tại, hoặc bị sát nhập vào các hãng hàng không lớn mạnh hơn, từ đó hình thành các hãng hàng không khổng lồ có tính toàn cầu (Global Mega-Camers).
Ở Canada trong năm 1984 hãng hàng không quốc gia CPAir hợp nhất với 3 hãng hàng không phân vi vùng là EPA, Nordair và Quebecair thành hãng hàng không CPAir. Năm 1986, hãng hàng không này lại hợp nhất với 2 hãng khác trong nước là CAI và PWA - thành Canadian Airlines Intemational. Đến năm 1992, 3 hãng hàng không lớn nhất nước là Air Canada, Canadian Airlines Int’l và WardAir hợp nhất thành hãng hàng không Mapleflot. Trong năm 1993 quá trình này được diễn ra ở Mêhicô (hợp nhất giữa Aeromexico và Mexicana), Phần lan (Finair “thôn tính” các thành viên của mình là Finnaviation và Karair), Úc (Australian Airlines trở thành bộ phận của Qantas), ở Trung quốc sát nhập 10 hãng hàng không để kiện toàn thành 3 tập đoàn hàng không lớn là China Airlines, Eartern Airlines và Southern Airlines… Quá trình liên kết các hãng hàng không cũng diễn ra ngoài khuôn khổ một quốc gia thông qua việc bán cổ phần cho nước ngoài. Đặc biệt, gần đây sự sát nhập giữa hai tập đoàn hàng không Air France của Pháp và KLM của Hà lan để thành lập tập đoàn hàng không mới mang tên Air France – KLM lớn nhất châu Âu thông qua quy chế chuyển đổi cổ phần giữa 2 tập đoàn. Theo đó, Air France – KLM sẽ hoạt động theo phương thức vẫn duy trì mạng lưới, thương hiệu và cơ sở kinh doanh của 2 tập đoàn, trong đó chính phủ Pháp và Air France sẽ nắm giữ 81% cổ phần và 19% cổ phần còn lại thuộc về KLM.
Việc liên kết, hợp nhất các hãng hàng không là điều kiện để phát triển thành các tập đoàn hàng không, có sự chuyên môn hóa vận tải hàng không. Trong tập đoàn hàng không, công ty mẹ thường là hãng hàng không lớn. Để chuyên môn hóa hoạt động vận tải hàng không và hỗ trợ nhau trong chiến
lược cạnh tranh của tập đoàn, công ty mẹ thành lập hoặc tách ra thành các hãng hàng không con là các hãng hàng không chuyên bay khu vực hoặc chuyên vận tải hàng hóa… Đặc biệt là trong thời gian gần đây các tập đoàn hàng không lớn thường cho ra đời các hãng hàng không bán vé giá rẻ – LCC (Low Cost Carier). Việc tổ chức các hãng hàng không này là chia sẻ bớt thị phần của các hãng hàng không lớn vốn được tổ chức quy mô, phục vụ hành khách đến nơi đến chốn khiến chi phí khai thác và chi phí quản lý khá cao. Hình thức này là để khai thác đường bay có hiệu quả, mà đối tượng khách là những người không đòi hỏi bất cứ một tiện nghi nào khác ngoài một chỗ ngồi khiêm tốn trên máy bay để đến đúng nơi mình muốn. Ví dụ: Qantas Airways có Autralian Airlines, Garuda Indonesia có City Link, Japan Airlines có Japan Express, All Nipon Airways có Air Japan, Malaysia Airlines có Air Asia, Thai Airways có Nok Air, Singapore Airlines có Tiger Airways…
Cùng với sự liên kết, hợp nhất, các hãng hàng không lớn còn tham gia liên minh mạng đường bay, hỗ trợ khai thác, bảo dưỡng… Trong đó, rõ nét nhất là liên minh đường bay như liên minh Star Alliance của 22 hãng hàng không lớn với mạng đường bay đến 842 điểm của 152 quốc gia trên thế giới; liên minh sky team Aillance của 10 hãng hàng không lớn với mạng đường bay đến 728 điểm của 149 quốc gia trên thế giới.
Ngoài những liên kết, sát nhập trong vận tải hàng không còn có những xu thế liên kết, sát nhập các hoạt động kinh doanh thương mại hàng không với vận tải hàng không, lấy vận tải hàng không làm nòng cốt. Sự liên kết về mặt hoạt động được gắn liền với sự hợp nhất về mặt tổ chức (“cứng”- hợp nhất về hành chính hoặc “mềm”- hợp nhất trên cơ sở quyền sở hữu), tạo nên mô hình
tập đoàn kinh tế hàng không. Những kiểu mô hình như vậy rất phổ biến ở nhiều nước có ngành HKDD phát triển trên thế giới.