Nghĩa của rừng PHCSLB và sự cần thiết phải QLBV chúng

Một phần của tài liệu Bài giảng TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÁC LOẠI RỪNG 2013 (Trang 46 - 48)

Nhờ vai trò chắn sóng, chống sạt lở, lắng phù sa, làm giảm độ muối và độ phèn trong đất và cải thiện khí hậu mà vai trò của rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển rất lớn.

(1)- Bảo vệ được các công trình trọng yếu nhờ đó mà bảo vệ được tài sản ven bờ, đồng ruộng, làng mạc và cả sinh mạng con người (gồm cả người dân địa phương và du khách,...) ở bên trong đất liền khi triều cường, sóng biển dâng cao, sóng thần... Rừng ngập mặn giúp giảm 50% - 90% năng lượng của sóng thần.

Hộp 3. Tác dụng bảo vệ của rừng ngập mặn

Ai cũng biết vai trò của rừng ngập mặn (RNM) trong việc bảo vệ môi trường, là “lá phổi xanh” rất quan trọng đối với các thành phố, nhưng vai trò của RNM còn nhiều hơn, nó còn như những “bức tường xanh” có tác dụng phòng hộ trước gió và sóng biển. Theo nhóm khảo sát của GS-TSKH Phan Nguyên Hồng (Trung tâm Nghiên cứu hệ sinh thái RNM, ĐH Sư phạm Hà Nội), độ cao sóng biển giảm mạnh khi đi qua dải RNM, với mức biến đổi từ 75% đến 85%, từ 1,3m xuống còn 0,2m - 0,3m.

Để xây mới 1km đê biển cần đầu tư tới 100 tỷ đồng, chi phí bảo dưỡng, tu sửa là 5 tỷ đồng/năm. Trong khi đó chi phí để tạo một đai rừng chắn sóng bảo vệ 1km đê biển tốn khoảng 50 triệu đồng và khi phát huy tác dụng có thể làm giảm được trên 50% chi phí tu sửa hàng năm. Đặc biệt là chúng góp phần giảm thiểu những thiệt hại khó lường do sự cố vỡ đê gây ra. (Nguồn: ĐTHVN; Đánh giá những thiệt hại do các cơn bão gây ra trong năm 2005). Nhiều cơn bão lớn đổ bộ vào nước ta những năm qua, nơi nào RNM được trồng và bảo vệ tốt thì các đê biển vùng đó vẫn vững vàng trước sóng gió lớn, dù là đê biển được đắp từ đất nện, trong khi những tuyến đê biển được xây dựng kiên cố bằng bê tông hoặc kè đá nhưng RNM bị chặt phá để chuyển sang nuôi tôm như Cát Hải (Hải Phòng), Hậu Lộc (Thanh Hóa) thì bị tan vỡ. Hậu quả từ cơn bão số 7 năm 2005 còn cho thấy những đoạn đê biển có rừng ngập mặn bảo vệ 46

đều không bị vỡ, trong khi đó ở những nơi không có rừng tổng chiều dài đê bị vỡ là 3,12km và bị sạt lở, hư hỏng nặng là 116,62km (Theo Bộ TNMT, Hiện trạng môi trường VN năm 2005).

Tương tự, đợt sóng thần khủng khiếp ngày 26/12/2004 khiến hơn 2 triệu người ở 13 quốc gia châu Á và châu Phi bị thiệt mạng, môi trường bị tàn phá nặng nề, nhưng kết quả khảo sát của IUCN (Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới) và UNEP (Chương trình Môi trường thế giới) cùng các nhà khoa học cho thấy, những làng xóm ở phía sau “bức tường xanh” RNM với băng rừng rộng gần như còn nguyên vẹn vì năng lượng sóng đã được giảm từ 50% đến 90%, nên thiệt hại về người rất thấp hoặc không bị tổn thất… RNM ở Ấn Độ, khoảng từ làng xóm ra bờ biển 1 km, so với nơi không có rừng thiệt hại giảm 50% - 80%. Ở Phuket (Thái Lan) cũng vậy.

(2)- Mở rộng được diện tích đất liền và diện tích đất canh tác (Ở các cửa sông lớn, rừng ngập mặn có thể cố định phù sa để mỗi năm lấn dần ra biển từ 100-150m; Diện tích đất phía trong được rửa mặn và phèn chuyển dần thành đất canh tác cũng tăng lên).

(3)- Thu nhập từ các nguồn tài nguyên sinh vật khác đi kèm cũng rất lớn. Chủng loại và sản lượng hải sản tăng nhờ có nơi cư trú, nơi sinh sản và nguồn thức ăn dồi dào ("Con Tôm mà ôm cây Đước, cây Đước mà rước con Tôm"); Nguồn lợi từ mật ong, chim và các loài động vật rừng khác có giá trị nhiều mặt.

(4)- Tạo ra cảnh quan, môi trường tốt thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch, nghỉ dưỡng; Là đối tượng tốt cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; Lá chắn tốt cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng.

(5)- Cho sản phẩm trung gian, LSNG và sản phẩm chính khi đến kỳ khai thác.

Theo Phan Nguyên Hồng (2004), ở cửa sông Hồng có 111 loài cây ngập mặn có thể làm thuốc, thực phẩm; 13 loài cho thức ăn gia súc; 33 loài có tác dụng bảo vệ đê biển, chắn song, gió, xói mòn đất.

(6)- Có tác dụng tốt trong bảo vệ môi trường: Hạn chế lũ lụt cho các vùng lân cận; Nạp và tiết nước ngầm; Lắng đọng trầm tích độc tố; Cố định chất dinh dưỡng, hạn chế hiện tượng phú dưỡng; Điều hòa vi khí hậu: cân bằng O2 và CO2 trong khí quyển, điều hòa khí hậu địa phương, giảm hiệu ứng nhà kính. Theo Jim Enright, Yadfon Association (2000), RNM có thể tích lũy CO2 ở mức độ cao, 1ha RNM 15 tuổi giảm được 90,24 tấn CO2/năm.

(7)- Sản xuất sinh khối và duy trì đa dạng sinh học.

Tuy có nhiều giá trị kinh tế và sinh thái nhưng rừng ngập mặn bị suy giảm nhanh chóng (Từ chỗ VN có gần nửa triệu ha RNM tự nhiên vào năm 1943, đến năm 2000 diện tích RNM chỉ còn khoảng hơn 150.000ha, trong đó gần 80% là rừng mới trồng). Trong khoảng 20 năm qua (từ 1985), diện tích RNM bị mất khoảng gần 200.000ha, phần lớn là RTN có giá trị cao. Trong khi đó diện tích nuôi trồng thủy sản đã tăng thêm 1,1 triệu hécta vào năm 2003; Diện tích đất trồng lúa ở ĐBSCL tăng từ 2,062 triệu ha (1976) lên 3,815 triệu ha (2004) thông qua hoạt động khai hoang từ đồng cỏ và rừng ngập nước.

Mất rừng ngập mặn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng: Mất nguồn ĐDSH phong phú của HST; mất nơi cư trú của nhiều loài; giảm năng suất nhiều loài cây cho 47

quả và khả năng tái sinh của nhiều loài cây khác ở phía trong đất liền; gây phèn và mặn hóa, ô nhiễm môi trường, gây xói lở vùng bờ biển và cửa sông.

Hộp 4. Một số dẫn chứng minh họa về hậu quả mất rừng phòng hộ

Ở Tây Nam Cà Mau, sau một năm khoanh đầm nuôi tôm đã làm giảm khoảng 20 loài động vật đáy, các loài chim ở sân chim Bạc Liêu, Đầm Dơi di cư đi nơi khác.

Ở Tiền Hải (Thái Bình) việc phá 2.500ha RNM làm đầm nuôi tôm đã gây tác hại lớn cho môi trường: hàm lượng H2S, COD vượt quá tiêu chuẩn cho phép, gây nhiễm mặn trên diện tích lớn, xói lở các vùng xung quanh và mất nơi cư trú của chim di cư; Đời sống của người dân ở đây bị suy giảm, nhiều dân chài nghèo không có công ăn việc làm.

Cùng với việc mất RNM, năng suất nuôi tôm theo phương thức quảng canh cũng bị giảm sút nhiều: Từ 200-250kg/ha/vụ (năm 1980) xuống còn 70-80kg/ha/vụ (2004-2005). Năm 1980-1985, ước tính có thể khai thác 700-1000kg thủy sản các loại trên 1ha RNM, đến nay chỉ thu được 1/20 so với trước đây (Nguồn: Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Thủy sản, 2005).

Theo số liệu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nay các khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long chiếm trên 50% diện tích toàn vùng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này do mất hệ thống rừng ngập mặn ven biển.

Ở Malaysia, việc phá các cánh rừng đước để lấy đất xây dựng, cùng với phá các núi đá vôi làm vật liệu xây dựng đã làm suy thoái các cánh rừng sầu riêng (là nguồn sống quan trọng của cư dân địa phương). Nguyên nhân là những hoạt động đó đã làm mất nơi cư trú và nguồn thức ăn bổ sung cho một loài dơi chuyên ăn mật hoa và là đối tượng chính thụ phấn cho cây sầu riêng.

Một phần của tài liệu Bài giảng TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÁC LOẠI RỪNG 2013 (Trang 46 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(119 trang)
w