Một số giải pháp nhằm thực hiện quản lý rừng bền vững ở Việt nam

Một phần của tài liệu Bài giảng TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÁC LOẠI RỪNG 2013 (Trang 117 - 119)

- Các hoạt động phát triển cộng đồng Hoạt động bảo vệ và phát triển rừng

4.Một số giải pháp nhằm thực hiện quản lý rừng bền vững ở Việt nam

(1) Cần nhà quản lý rừng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn

Nhân tố cơ bản góp phân thành công trong quản lý rừng nhiệt đới là những nhà quản lý rừng được đào tạo rất cơ bản và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Thực tế cho thấy, sự yếu kém trong quản lý gây tác hại nhiều hơn bất kỳ nhân tố nào khác trong việc quản lý rừng nhiệt đới. Kiến thức tốt về kỹ thuật, tổ chức, điều phối, lập kế hoạch, lập dự toán và theo dõi giám sát các hoạt động là các nhân tố quan trọng giúp nhà quản lý có thể ra quyết định và ứng phó với những biến động thường xuyên của quá trình phát triển.

(2) Xây dựng lâm phận ổn định để bảo vệ rừng tự nhiên

Một yêu cầu đặc biệt quan trọng giúp quản lý rừng bền vững thành công là xây dựng lâm phận ổn định, cho cả mục tiêu phòng hộ và mục tiêu sản xuất. Việc thành lập lâm phận ổn định sẽ giúp thường xuyên kiềm chế được mức độ khai thác và có thể đảm bảo cung cấp một lượng gỗ thường xuyên cố định cho ngành công nghiệp. Sự ổn định đó cũng củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, giúp họ có những quyết định đầu tư dài hạn để phát triển sản xuất.

Xác định ranh giới rừng ổn định lâu dài, rõ ràng trên hiện trường là rất cần thiết, là bước đi quan trọng trong việc xác định và lập bản đồ lâm phận ổn định. Đây là yếu tố quyết định đến hiện trạng rừng. Thực tế cho thấy là không thể xác định được diện tích rừng được quản lý bền vững hoặc diện tích, vị trí, hình dạng của khu rừng dự định khai thác hàng năm nếu không có ranh giới rõ ràng trên hiện trường.

(3 Trao quyền sử dụng đất rừng lâu dài cho chủ sử dụng

Trao quyền sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng lâu dài cho các cơ quan quản lý lâm nghiệp, các hợp tác xã, các công ty lâm nghiệp tham gia vào thực hiện, quản lý các chương trình lâm nghiệp, không chỉ là nguyên tắc chính sách cơ bản mà còn là bước đi mang tính thực tiễn cao cần phải thực hiện để thúc đẩy quản lý rừng bền vững. Sự cam kết chính sách rõ ràng là rất cần thiết để các chủ rừng có quyền sử dụng đất rừng lâu dài, yên tâm đầu tư kinh doanh sản xuất gỗ hoặc bảo vệ đầu nguồn và đa dạng sinh học, đồng thời giúp các cộng đồng địa phương, những người có cuộc sống phụ thuộc vào rừng, phát triển các loài cây thuốc và các loại lâm sản ngoài gỗ khác một cách ổn định lâu dài. 117

Đối với những nơi đã có sự cam kết về mặt chính sách cho mục tiêu quản lý rừng bền vững, bước đi tiếp theo trong việc cụ thể hóa chính sách là xây dựng các hình thức trao quyền sử dụng rừng và đất rừng hợp lý đáng tin cậy. Ban hành chính sách lâm nghiệp là một bước đi quan trọng nhằm: (i) Xác định loại rừng và quyền sử dụng là tư nhân hay công cộng, quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ rừng đối với từng loại rừng; (ii) Bảo vệ rừng và hệ sinh thái rừng tự nhiên để duy trì năng suất lập địa, sự đa dạng sinh học, cảnh quan và tạo cơ sở cho phát triển kinh tế xã hội; (iii) Xây dựng, phê duyệt và thực hiện các kế hoạch quản lý rừng; (iv) Xây dựng và hỗ trợ phát triển kinh tế rừng đa chức năng trong sự kết hợp giữa bảo tồn hệ sinh thái và sử dụng tài nguyên cho mục tiêu kinh tế.

(4) Cân bằng giữa mục tiêu sản xuất gỗ, môi trường và xã hội

Rừng cho rất nhiều lợi ích cho cả cấp địa phương và quốc gia. Sản xuất gỗ là mục tiêu chính mang lại thu nhập cho Chính Phủ, công ty và chủ sử dụng rừng và đó cũng là động lực chính của việc khai thác rừng nhiệt đới. Thu nhập từ khai thác gỗ cũng là nguồn lực tài chính để tái đầu tư lâu dài trong quản lý rừng bền vững.

Lâm sản ngoài gỗ như mây, các loài cây làm thuốc, cây thực phẩm, nhựa cây và thú hoang dã cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Rừng nhiệt đới là nguồn sống cho hàng triệu người dân nông thôn có cuộc sống phụ thuộc vào rừng và cũng là nguồn cung cấp năng lượng cho cộng đồng. Rừng còn là nơi điều tiết nguồn nước vùng đầu nguồn cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện. Rừng cũng là nơi lưu giữ các giá trị đa dạng sinh học, là nơi vui chơi, giải trí, tham quan nghỉ dưỡng cho dân.

Chính vì vậy, khi xây dựng kế hoạch quản lý rừng cần có cái nhìn lâu dài, cân bằng được giữa các mục tiêu lấy gỗ, bảo vệ môi trường và xã hội. Cụ thể là, các nhà lập kế hoạch và quản lý rừng phải nhận ra giá trị của rừng đối với nhiều thành phần xã hội và làm thế nào đó để lập và thực hiện các kế hoạch, các chương trình trong mối cân bằng và phải đảm bảo tính bền vững của một tổng thể.

(5) Quản lý rừng bền vững phải theo kế hoạch rõ ràng

Mục tiêu của bản kế hoạch quản lý là cụ thể hóa các chính sách quốc gia để điều phối và thực hiện các hoạt động tác nghiệp đểđạt được mục tiêu cụ thể, cho một địa phương cụ thể và, trong một giai đoạn cụ thể. Đối với rừng sản xuất, một bản kế hoạch cần phải tính được sản lượng gỗ có thể khai thác là bao nhiêu, khai thác ở đâu, khi nào, với điều kiện nào. Đối với các khu rừng bảo vệ, một bản kế hoạch phải thể hiện được các biện pháp quản lý rừng tự nhiên cho mục tiêu điều tiết nguồn nước, bảo vệ đa dạng sinh học, hoặc cho mục tiêu nghỉ dưỡng, du lịch. Quá trình lập kế hoạch cần chỉ ra các yêu cầu kỹ thuật, xác định cụ thể các hoạt động ưu tiên, và trả lời câu hỏi làm cái gì, ở đâu, khi nào, làm như thế nào và ai làm là tốt nhất.

Bản kế hoạch cần xác định rõ mục tiêu, hoạt động nhưng phải có tính linh hoạt, mềm dẻo nhằm thích ứng với các hoàn cảnh đổi thay còn chưa lường trước được. Kế hoạch có thể được lập bằng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng thường có những tiêu chuẩn: (i) Kế hoạch phải tránh được những vấn đề trước đó gặp phải, bằng cách đưa ra những giải pháp có thể thực hiện được; (ii) Bản kế hoạch không nên lập cho một giai đoạn quá dài nhằm tránh những gì đưa ra không phù hợp với thực tiễn; (iii) Trong bản kế 118

hoạch, mục tiêu cần được nêu thật rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu. Không nên đưa ra quá nhiều mục tiêu để rồi cuối cùng không thực hiện được; (iv) Tránh đưa ra quá nhiều ưu tiên cần hành động. Kế hoạch cần xác định những hoạt động phù hợp với thực tiễn nhưng cũng cần cân nhắc trên cơ sở kinh phí có thể sử dụng.

(6) Cần điều tra rừng liên tục. Điều tra rừng liên tục là cơ sở để lập kế hoạch quản lý rừng, và đặc biệt quan trọng trong lập kế hoạch quản lý rừng bền vững cho mục tiêu sản xuất gỗ. Xu hướng gần đây, người ta còn chú ý đến việc điều tra lâm sản ngoài gỗ.

(7) Xác nhận vai trò và giúp đỡ cộng đồng. Như một nguyên tắc cơ bản, quản lý rừng bền vững đòi hỏi những người và các tổ chức tham gia quản lý rừng cần xác nhận vai trò và quyền lợi của cộng đồng trong quản lý rừng nhiệt đới, chia sẻ kiến thức chuyên môn và lợi ích với người dân địa phương, nằm hỗ trợ họ phát triển cuộc sống. Quản lý rừng dựa vào cộng đồng cũng là cách cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt cho những người có cuộc sống phụ thuộc vào rừng. Như vậy, cộng đồng dân cư địa phương và các chủ rừng là những người đầu tiên hưởng lợi trong các hoạt động quản lý rừng bền vững. Đối thoại giữa đại diện của cộng đồng và các chủ rừng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình thương thảo, hiểu biết lẫn nhau, tìm hiểu nguyện vọng của mỗi bên trong việc quản lý và sử dụng rừng.

(8) Quản lý rừng cần có sự phối hợp liên ngành và gắn với phát triển nông thôn. Trước hết phải thấy rằng có rất nhiều nguyên nhân gây ra mất rừng, xuyên suốt nhiều ngành khác nhau trong nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, không nên nhìn nhận lâm nghiệp trên quan điểm tách rời với các ngành khác. Ví dụ, chính sách nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sức ép vào tài nguyên rừng; ngành công nghiệp tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho dân; ngành giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ rừng.

(9) Bảo vệ hệ sinh thái cần hài hòa với sinh kế bền vững. Bảo vệ hệ sinh thái cần được thực hiện hài hòa với việc xây dựng sinh kế bền vững. Điều kiện sống tại nhiều quốc gia Châu Á đã được cải thiện nhiều nhưng cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo đẳng trên diện rộng và việc cải thiện đời sống của người dân nông thôn mà không tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên vẫn còn là thách thức trong những năm tới. Vậy rõ ràng là các chính sách bảo vệ hệ sinh thái mà chưa chú ý đến nhu cầu sinh kế của người dân/cộng đồng dân cư địa phương là không công bằng, và thực tế cho thấy các chính sách đó là chưa hiệu quả. Sinh kế thông qua việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như nông lâm kết hợp, xây dựng vườn rừng được xem là có nhiều tiềm năng và nên được mở rộng và phát triển. Huy động người dân tham gia hướng dẫn du lịch sinh thái cũng là một phương pháp tiếp cận mới cần được nghiên cứu, ứng dụng.

(10) Theo dõi và giám sát các hoạt động quản lý rừng. Một nhiệm vụ quan trọng trong quản lý rừng là duy trì việc theo dõi thường xuyên liên tục kết quả thực hiện các hoạt động đã được xác định trong bản kế hoạch. Các báo cáo theo dõi giám sát là cơ sở kiểm soát các hoạt động có được thực hiện như kế hoạch một cách minh bạch hay không và cũng là cơ sở để điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết

Một phần của tài liệu Bài giảng TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÁC LOẠI RỪNG 2013 (Trang 117 - 119)