Tranh dân gian có lịch sử lâu dài và thực sự là vốn báu tạo hình được các thế hệ cả xưa và nay đều yêu thích, nếu chỉ vì giá trị nội dung thì khi xã hội thay đổi nó không thích hợp nữa, do đó phần quan trọng chính là giá trị nghệ thuật.
Giá trị này biểu hiện ở bố cục, ở đường nét, ở bảng màu, ở quan niệm tỷ lệ giữa các hình. Tranh dân gian xây dựng các hình ảnh không phụ thuộc vào mẫu trong tự nhiên, mà cốt gây ấn tượng mạnh theo yêu cầu của chủ dề, vì thề cả ánh sáng, không gian, con người và cảnh vật đều được ước lệ. Tờ tranh điệp với nền màu trắng hay vàng ho ặc đỏ thì đều thể hiện không gian rực sáng, trong trẻo và rộng rãi. Không gian ước lệ ấy đòi hỏi mọi hình ở trên nó cũng phải ước lệ để làm sao gợi được nhiều nhất vì thể lình được thể hiện nhìn từ nhiều góc độ, từ nhiều khoảng cách để có thể phô diễn được đầy đủ nhất. Con lợn muốn rõ nhất phải được vẽ ở thế nhìn ngang, nhưng mồm lại như nhìn từ phía trước. Cảnh"Hứng dừa" cây dừa được thù nhỏ lại để tương ứng với người trèo và người hứng. Trong cảnh chuột vinh quy sau khi đỗ cao cưới vợ, chuột tiến sĩ cưỡi con ngựa cũng chỉ nhấp nhỉnh với nó mà thôi. Tất cả các hình trên tranh đều được dàn ra choán cả mặt tranh, chúng không che khuất nhau mà cùng phơi bày rõ ràng. Nếu theo ngoài đời, cảnh phải diễn ra trên một hàng ngang dài, tỷ lệ dài/ rộng của tranh sẽ quá chênh lệch, thì nghệ nhân có thể cắt đôi cảnh rồi chồng lên nhau như ở bức "Chuột đỗ cao cưới vợ”. Từng hình trong tranh được cường điệu có khi đến ngoa ngoắt, song đều thu về những hình cơ bản. Bé ôm gà như hình quả trứng, con lợn như hình chữ nhật, các cặp đô vật trong tranh “Đánh vật” lại chỗ hình tam giác, chỗ hình thang, chỗ nửa hình tròn. Các nhân vật trong tranh "Hứng dừa" và "Đánh ghen" vừa hài hước vừa táo tợn. Cái thế giới ở trong tranh dân gian gồm đủ cả ba tầng trời - trần và dưới đất, chỉ cần vài chi tiết là gợi ra cái không gian cần cho sự việc xảy ra. Tình trạng này rõ nhất ở trong tranh liên hoàn về Thạch Sanh.
Với bố cục ấy, trừ tranh thờ thì các nhân vật Thần, Phật được vẽ to ở giữa, các nhân vật phụ nhỏ hơn và ở hai bên, các người thường dân và sinh vật lại nhỏ nữa và ở dưới . Tỷ lệ này phụ
thuộc vào quan hệ xã hội, tùy theo địa vị của từng nhân vật để phóng to hay thu nhỏ. Trái lại ở những tờ tranh Tết thông thường, các nhân vật và cảnh vật dù ngoài đời hết sức chênh lệch nhau, nhưng với quan niệm bình đẵng, tất cả đều được trình ra trên mặt tranh với một độ lớn tương đương nhau. Lối viễn cận phản ánh tư tưởng bình quân của nông dân, tất cả đều được tôn trọng. Về đường nét, tranh dân gian dựng hình chủ yếu bằng dường nét dược in, có những bức in nét xong là được bức tranh, nhiều tranh sau khi in nét đen mới dựa vào đó mà tô màu cho
tươi và động. Cả những tranh được in màu kín thì nét được in sau nên rất rõ, nét bao lấy các mảng màu khiến mảng nào cũng tách bạch rõ ràng. Nét tùy từng dòng tranh mà có sự khác nhau. Nét ở tranh Đông Hồ đậm chắc, ít chi tiết vụn; nét ở tranh Hàng Trống mảnh mai, có phần tham lam nên hơi rối.
Còn về bảng màu dù mầu thuốc cái ở tranh diệp hay màu hóa chất ở nhiều dòng tranh khác, thì cũng đều đằm thắm, chỉ rất ít màu, thiên về sáng, hầu như không cần đến màu ghi trung gian. Những màu ấy dù in hay vẽ cũng thật khiêm tốn, chỉ vài màu nhưng do cách chế biến, kỹ thuật in chồng, in lệch lại tạo thêm màu mới.
Tranh dân gian Việt Nam cũng như những nghệ thuật dân gian khác trước hết phải có nguồn gốc ở bản địa, nhưng phải được tham gia vào cuộc giao lưu văn hóa của khu vực và của thế giới thì mới học tập thêm để nâng mình lên.
Trong quan hệ giao lưu ấy, tranh dân gian Việt Nam đặc biệt có quan hệ với tranh dân gian Trung Quốc, liên hệ cơ bản theo chiều bên dưới, do chính những người bình dân hai nước đã chuyển tải nó. Hoa kiều ở Việt Nam đông, nhiều thế hệ trộn máu có nơi đã trở thành người Việt, họ vẫn chơi tranh dân gian Trung Quốc, họ còn bán cả tranh dân gian Trung Quốc trên thị trường Việt Nam. Nghệ nhân Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với tranh Trung Quốc và đã học ở đó được cả ý, cả kỹ thuật và nghệ thuật. So sánh tranh dân gian hai nước, chúng ta đều thấy có đủ bốn mảng đề tài như nhau, có không ít tranh còn chung cả đề tài, chung cả họa phẩm. Song học nhưng không sao chép mà có sự sáng tạo riêng để hợp với tâm lý người Việt, với hoàn cảnh xã hội Việt Nam . Chủ đề quan hệ mèo - chuột ở mỗi nước được diễn tả với những đề tài khác nhau và những cách quan niệm, cách thể hiện khác nhau là một ví dụ điển hình.
Chúng ta yêu quý tranh dân gian, và do nó có nhiều , vẫn còn đang được sản xuất, nên cần được đưa vào hoạt động kinh tế - văn hóa với kế hoạch cụ thể. Còn về tranh cổ và ván in tranh thì cần giữ gìn như một thứ tài sản quý hiếm không để suy suyển nữa. Kỹ thuật làm tranh - nhất là với tranh điệp Đông Hồ - cần được giừ như một thứ gia truyền từ nguyên vật liệu đến các khâu in ấn. Ngày nay tranh dân gian không chỉ có giá trị lịch sử, vẫn hàm chứa đầy đủ giá trị của một loại hình nghệ thuật đích thực. Trong điều kiện "nhà đã cao, cửa đã rộng”, tranh dân gian cần được đổi mới cách chơi sang trọng như một thứ đồ họa đặc biệt mà mọi người đều có thể dùng làm đẹp căn nhà của mình. Các họa sĩ khai thác tranh dân gian ở các chất liệu và quan niệm thẩm mỹ, cho nó thăng hóa vào tác phẩm, thì hồn dân tộc và chất thời đại sẽ là lẽ sống vĩnh hằng.