1. Kiến trúc kinh thành Huế
Gia Long thành lập vương triều mới thì cũng các lập kinh đô mới của Huế trên cơ sở thành Phú Xuân xưa được xê dịch và mở rộng hơn nhiều. Kinh đô Huế có hoàng thành của triều đình và phố xá của nhân dân ở vùng đồng bằng hạ lưu sông Hương, đồng thời có các lăng tẩm của vua và hoàng hậu ở vùng đồi thượng nguồn sông Hương. Đây là nét mới khác với các kinh đô trước đó, và là nghệ thuật cung đình duy nhất của Việt Nam còn lại đến nay.
Chính Gia Long đã chỉ huy khảo sát thực địa, sau đó giao cho Nguyễn Văn Yến và Đỗ Phúc Trạch thiết kế. Đây là vị trí lý tưởng cả về phong thủy và khí hậu. Nhìn rộng phía Tây là Trường Sơn trùng điệp, phía đông là biển đông mênh mông, phía bắc là đồng ruộng, phía nam là gò đồi, thảm thực vật hai miền Bắc – Nam hội tụ lại phong phú. Trong phạm vi trực tiếp, kinh thành hướng nam là hướng ngồi của thánh nhân nghe thiên hạ tâu bày, hơi chếch đông để song song với đoạn sông Hương ngoặt dòng theo thế “chi huyền thủy” chảy gần sát phía nam thành, và nhìn thẳng vào núi Ngự Bình làm tiền án ở đằng xa. Trên sông Hương đoạn này có cồn Dã viên phía tây làm Bạch Hổ, và cồn Hến phía đông làm Thanh Long để cùng chầu vào. Xác định vị trí rồi, triều đình cho sắp xếp lại mặt bằng: di dân, lấp một số đoạn của sông Kim Long và Bạch Yến là những chi lưu tả ngạn sông Hương, giữ lại một số đoạn phù hợp với thiết kế làm Ngự hà ở trong thành để vua du ngoạn, và làm Hộ thành hà ở sát chân kinh thành phía ngoài làm hào bảo vệ.
Kinh đô Huế do Gia Long xác định và khởi công năm 1804, song trong đời ông việc xây dựng còn giản đơn, quy mô chưa bề thế. Minh Mạng sau khi lên ngôi đã quy hoạch lại hoàng thành, sửa sang cung điện như mặt bằng ngày nay còn thấy. Kinh thành Huế gồm ba vòng thành gần vuông lồng vào nhau lệc về phía trước, cùng trên một trục chính từ núi Ngự Bình chạy về vuông góc với sông Hương. Vòng ngoài là phòng thành chu vi chừng 10 km, mặt trước trên đường trục dựng Kỳ Đài, xung quanh trổ mười cửa, có hào sâu bao quanh, nặng tính quân sự, bên trong có trụ sở các cơ quan của triều đình và vườn cảnh để vua tiêu dao. Vòng giữa là hoàng thành, trên đường trục có Ngọ Môn là cửa chính, ở phía trước và cửa Hòa Bình ở phía sau, ngoài ra bên phải có cửa Chương Đức giành cho nữ, bên trái có cửa Hiển Nhơn giành cho nam, chu vi gần 2500m, sát chân phía ngoài có hào sâu, cũng như ở Phòng thành, ứng với các cửa có cầu xây dựng để ra vào. Hoàng thành là nơi làm việc của triều đình và sinh hoạt của hoàng gia, đồng thời là nơi thờ phụng tôn nghiêm; tất cả có 9 khu vực nằm trong hai phân khu ở hai bên đường nối cửa Hiển Nhơn với cửa Chương Đức. Ở giữa khu nam là điện Thái Hòa thiết đại triều, bên trái là Thái miếu – Triệu miếu thờ các chúa Nguyễn và Nguyễn Kim, bên phải là Thế miếu – Hưng miếu thờ các vua Nguyễn và cha của Gia Long. Ơ giữa khu bắc là Cấm thành, bên trái là kho nội vụ và vườn Cơ hạ, bên phải có điện Phụng Tiên để các bà trong hoàng gia thờ cũng, cung Diên Thọ dành cho mẹ vua và cung Trường Sanh dành cho bà nội vua. Vòng trong cùng là Cấm thành hình vuông cạnh dài 300 m, trên đường trục có các điện để vua ở và làm việc thường ngày, bên trái có các viện - sảnh – lâu – đường phục vụ sinh hoạt của vua, bên phải có những cung của các vợ vua, có hành lang để vua sang thăm mẹ và bà. Khi thịnh nhất, trong hoàng thành có trên 100 công trình kiến trúc. Mỗi quần thể kiến trúc là một sự kết hợp hài hòa giữa nhà cửa với vườn cây, vườn cảnh tạo ra một phong cảnh kiến trúc, nó dàn trải rộng, chỉ có vài điểm đột khởi như Ngọ môn và Hiển lâm cách, song cũng chỉ cao vừa độ, không tách mình ra khỏi xung quanh, luôn gắn bó với toàn cảnh.
Ngoài Phòng thành là khu sinh hoạt của nhân dân, có phố xá và làng mạc chủ yếu ở hai bên sông Hương; cũng có một số công trình của Nhà nước như Nghinh lương đình, Phu Văn Lâu, Văn Miếu, Võ miếu, đàn Nam giao, Hổ quyền.
Kiến trúc cả kinh thành Huế cũng như từng công trình cụ thể đều là những tác phẩm văn hóa nghệ thuật, nó dàn ra, cân đối mà không lặp lại, gắn bó với nhau và hòa nhập với cảnh quan để nâng lên chân giá, chỗ thì trang trọng, thâm nghiêm, đường bệ, chỗ thì thanh thoát, thơ mộng, khiêm nhường … tùy theo tính chất công trình và yêu cầu xây dựng. Trong điều kiện
tâm lý và kinh tế Việt Nam, dù có to lớn vẫn không đồ sộ để nạt nộ, mà giữ tỷ lệ vừa phải với con người. Từng đơn nguyên kiến trúc chỉ nhấp nhỉnh các đình, đền, chùa ở các địa phương, nhưng – như điện Thái Hòa và Thế miếu do kết cấu theo lối “trùng thiềm điệp ốc”, hai nhà song hành kề sát được gắn lại bởi dẫy “trần mai cua” mà tạo ra một không gian thống nhất rộng cả hai chiều ngang và dọc. Hai tòa nhà này, tòa trong là chính điện có trần ván gỗ treo đèn kết hoa, tòa ngoài là tiền điện thông lên tận mái để lộ ra các bộ vì giả thủ như cánh tay giớ lên đỡ hoành và các ván liên ba đố bản chia ra các ô trang trí thi và họa xen nhau. Kiến trúc Huế có thân cao, mái ngắn hơn so với đình, chùa ngoài Bắc nên có cảm giác nhẹ, không cần đến các hoa đao ở góc mái nữa; mặt trước thường lắp thêm kẻ cổ ngỗng để kéo dài mái tạo ra cái hiên làm không gian chuyển tiếp, khi không cần có thể tháo bỏ mà không ảnh hưởng gì đến cấu trúc chung.
Những kiến trúc ấy bên cạnh khối hình còn được nghệ thuật trang trí bổ trợ ở cả màu và hình. Các cung điện đều lợp ngói ống hoặc ngói mái âm – dương tạo thành những làn sóng đan xen cao thấp chạy từ bên này sang bên kia, hữu hạn mà như lan vào không gian để rồi lại hiện lên ở mái nhà khác. Những ngói ấy lại đều được tráng men ngọc màu vàng hoặc xanh gọi là “hoàng lưu ly” hay “thanh lưu ly”, làm cho cả bộ mái rực rỡ trong ngần, thanh tao, quý phái. Các mảng tường cổ diêm và bờ nóc đắp cao lại được chia ra những ô hộc vuông và chữ nhật đan xen nhau để đắp, vẽ tranh màu về hoa quả và cảnh sắc đất nước, có khi xen kẽ ô hình với ô thơ. Trên các bờ nóc, bờ dải còn đắp và gắn mảnh sứ thành con giao, con rồng, con lân, con phượng … Men pháp lam cũng được đưa vào trang trí các hình trên, và nhất là để làm đám mây ngũ sắc đỡ mặt trời hoặc một bầu to có hình như nậm rượu ở giữa bờ nóc. Nội thất những kiến trúc chính cũng phần nhiều được sơn song với nhiều hình trang trí thếp vàng, sang trọng và vui mắt.
2. Lăng tẩm các vua nhà Nguyễn
Theo truyền thống, các vua Lý – Trần – Lê khi mất đều đưa về vùng quê cũ an táng và xây lăng. Với các vua nhà Nguyễn , quê gốc ở Thanh Hóa, nhưng ngay từ năm 1558 khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa đã có ý xây dựng quê hương mới ở đây, và thựuc tế cho đến trước khi bị phong trào Tây Sơn lật đổ đã có 9 đời chúa nối tiếp nhau cai quản Đàng Trong. Vì thế Huế vừa là kinh đô, mở rộng ra cũng là quê hương nhà Nguyễn, các vua an táng ở Huế cũng là trở về quê cha đất tổ. Ở An Sinh (Quảng Ninh) và Lam Sơn (Thanh Hóa), mỗi vua Trần và mỗi vua Lê có một lăng mộ riêng, nhưng tất cả các vua của một vương triều có một tẩm thờ chung. Thậm chí các lăng vua Trần còn không có cả bia và tường bao. Đến thời Nguyễn, mỗi vua có một lăng mộ và một tẩm thờ riêng, kết hợp với nhau thành lăng tẩm chiếm một khuôn viên lớn, trong đó dựng bia Thánh đức thần công rất lớn để biểu dương công trạng.
Sông Hương với hai dòng chính Tả trạch và Hữu trạch chảy len lỏi vùng đồi núi phía tây nam, nhập làm một ở Bến Tuần chạy về phía đông bắc để đổ ra biển. Vì thế kinh đô ở hạ lưu, cũng là ở phía mặt trời mọc dành cho người sống, thì thượng nguồn sông đồng thưoif là phía mặt trời lặn dành cho người chết sẽ xây lăng mộ. Dựa theo thuyết phong thủy, mỗi lăng xây trên một quả đồi, nhưng thật ra chiếm cả một quần thể đồi núi xung quanh: có núi án ở mặt trước làm bình phong, có núi chăn ở hai bên làm tay ngai, và ngay sát trước khu lăng phải có ngòi lạch chảy lượn “chi huyền thủy” từ trái sang phải. Chẳng hạn lăng Gia Long có 36 ngọn núi chầu vào, gồm núi Đại Thiên Thọ ở phía trước làm tiền án, mỗi bên sườn có 14 ngọn dăng hàng làm tay ngai “tả Thanh long – hữu Bạch hổ”, đằng sau có 4 ngọn làm hậu án. Cả cùng rộng lớn trong mỗi lăng được gọi là “quan phòng” coi như rừng cấm, lăng Gia Long rộng tới 28 km2. Ngay chỉ khuôn viên mỗi khu lăng và tẩm cũng có chu vì dài cả nghìn mét, bức tường bao lăng Minh Mạng dài tời 1732m, chiếm một vùng đồi rộng với bố cục rõ ràng và có ý nghĩa sâu sắc. Điển hình cho các lăng tẩm ở Huế là bốn lăng vua đầu khi đất nước còn độc lập, tự chủ: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và tàn dư của nghệ thuật Nguyễn là lăng Khải Định ở đầu thế kỷ XX. Dựa trên mặt bằng khuôn viên có thể chia ra 3 dạng:
- Dạng thứ nhất là lăng Gia Long (1814 – 1820) và lăng Thiệu Trị (1848): hai khu lăng và tẩm tách riêng ra, đặt sóng đôi, cùng nhìn một hướng. Mỗi khu lăng hoặc tẩm có một đường trục riêng, các kiến trúc cân đối với nhau ở hai bên trục, chạy hút về sau với độ sâu vừa phải. Bên lăng có Bái đình với các hàng tượng đá voi – ngựa – quan võ – quan văn ở hai bên chầu vào giữa, cao to bằng người và thú thật, tận cùng là Bửu thành với mộ vua, ngoài ra còn Bi đình
và hai trụ biểu để biểu dương công đức và uy lực vua. Bên tẩm chủ yếu là điện thờ gồm hai nhà gắn nhau theo kiểu :trùng thiềm điệp ốc”, trong có bài vị, án thờ và đồ ngự dụng lúc bình sinh. Trên tổng thể chung ấy, phần cụ thể ở mỗi lăng giải quyết theo một cách: Lăng Gia Long lăng ở bên trái, tẩm ở bên phải, Bửu thành vuông có hai mộ đá vua và hoàng hậu song hành. Lăng Thiệu trị thì lăng ở bên phải, tẩm ở bên trái, Bửu thành tròn quây lấy núi đất có mộ ngầm bên trong, Ở lăng Gia Long, Bi đình xây bên cạnh lăng, hai trụ biểu xây mãi xa ở trên quả đồi bên kia hồ nước. Trái lại, ở lăng Thiệu trị cả Bì đình và hai trụ biểu đều ở gần trước Bửu thành.
- Dạng thứ hai là lăng Minh Mạng (1840 – 1843) và lăng Khải Định (1920 – 1931): cả lăng và tẩm đều trên một trục, tạo độ sâu hun hút, phần tẩm chen vào giữa, các kiến trúc đăng đối hai bên trục. Ở lăng Minh Mạng, dọc theo đường trục, các độ cao thấp uốn lượn nhịp nhàng, tất cả trên 30 công trình, cứ hiện ra bất ngờ, luôn đổi mới. Ngay từ đầu, sau cổng lăng là Bái đình mênh mông với hai hàng tượng trang nghiêm, tiếp đến Bi đình trên nền cao đột khởi. Từng phần cứ ngắt ra, điểm cao và khu trũng đan xen để tôn nhau, cuối cùng vượt qua hồ nước sang khu Bửu thành tròn chứa phần một là cấm địa. Cùng với kiến trúc, cây cao bóng cả và gương nước cứ hòa quyện, ấm cũng mà thiêng liên. Còn ở lăng Khải Định, tất cả cứ trườn lên sườn núi cao dần, lớp lang ngắt quãng dứt khoát, không hồ nước không cây xanh, lớp sân trên cùng dàn ra những bốn hàng tượng, hai trụ biểu và Bi đình, để rồi chế ngự là điện Khải Thánh vừa là tẩm thờ, vừa là lăng mộ, còn đặt tượng đồng ngay phía trên phần mộ. Khu lăng này sùng bái chất liệu xi măng, trang trí ngoại thất đắp nổi nhiều hình xa lạ, nhưng các mảng tường nội thất được gắn kính sứ thành tranh phong cảnh tinh tế như vẽ và có độ mát dịu.
- Dạng thứ ba là lăng Tự Đức (1864 – 1867): ở đây có gò đồi cao thấp lô nhô ở về một phía và hồ nước uốn lượn rộng hẹp ở về một bên, tất cả như một công viên lớn có sự cân bằng mà không đăng đối, các đường đi vòng vèo mở ra những bất ngờ liên tiếp. Hai phần chính là tẩm và lăng đặt cạnh nhau nhưng so le, và xen kẽ nhiều công trình giành cho người sống dạo chơi, xem hát, làm việc, nhà ăn, vườn nuôi hươu … Đặc biệt khu lăng quan tâm đến thế đăng đối để tạo không khí nghiêm túc, có những kiến trúc bất ngờ quá cỡ như hai trụ biểu, như tòa Bi đình với tấm bia cao nhất nước (cao 4m, rộng 2m). Ở đây toàn cảnh quy mô, tổng thể phong phú, có nhiều cây cối các loại cũng chan hòa với kiến trúc. Nhiều người đã nhận ra ở lăng Tự Đức có nhiều chất thơ, là sự thể nghiệm thành công một kiểu mô hình lăng tẩm mà cái sống với cái chết hòa hợp, thanh thản.
Trong sân Bái đình của khu lăng mộ luôn nổi bật những tượng quan văn, quan võ, ngựa, voi và ở lăng Khải Định còn có nhiều tượng lính hầu. Trừ tượng ở lăng Đồng Khánh (1889) đắp bằng vôi vữa có dáng mảnh gầy, còn ở các lăng khác đều bằng đá là chất liệu điêu khắc ngoài trời, được làm theo quy định chặt chẽ, dáng nghiêm túc, chú ý nghiên cứu đến từng chi tiết, có tỷ lệ hợp lý giữa các bộ phận, phần dưới bụng thú được cậy đục càng làm cho con vật rất thực. Tượng ở những lăng đầu (Gia Long, Minh Mạng) được tạc trau truốt, hình chuẩn mực hóa, rất sống động; sang giai đoạn muộn (Tự Đức) do không câu nệ vào tỷ lệ lại có vẻ vui hài.
Ở một số lăng, nhất là lăng Minh mạng và lăng Tự Đức, trong tẩm thờ còn treo nhiều tranh vẽ trên mặt sau của kính. Có tranh đặt họa sĩ Trung Quốc vẽ theo tứ thơ của vua nhà Nguyễn được vẽ tỷ mỉ, hoặc mua của dân gian Trung Quốc cũng có phần chi li, nhưng những tranh do người Việt vẽ đã mang theo sự phóng túng với những mảng màu chân chất gần với tranh Sình, tranh Đông Hồ. Riêng ở vách gỗ điện Ngưng Hy của lăng Đồng Khánh có 24 bức vẽ gộp lại thành bộ “Nhị thập tứ hiếu”, nhiều nhóm hình được sắp xếp theo kiểu đồng hiện, nét vẽ thanh thoát lại gợi đến tranh Hàng Trống, có thể thuộc lần tu sửa năm 1916 – 1917.
Những thành tựu của nghệ thuật cung đình ở Huế đã được phát triển, nâng cao từ nghệ thuật truyền thống, nó quen thuộc nhưng tinh tế, gắn với triều đình nhưng cũng gần gũi nhân dân, là trí tuệ của nghệ sĩ Việt Nam góp vào di sản văn hóa thế giới như đã được UNESSCO xác nhận.