PHÂN LOẠI TRANH DÂN GIAN

Một phần của tài liệu Lịch sử mỹ thuật Việt Nam (Trang 81 - 83)

Phân loại là chia tranh dân gian ra thành từng nhóm để tiện tìm hiểu. Có thể phân loại theo phong cách để phân ra các dòng tranh , tìm hiểu các trung tâm sản xuất tranh.

Cũng có thể phân loại theo kỹ thuật in vẽ, thậm chí theo kích thước tranh. Nhưng thông thường người ta dựa vào nội dung để phân loại tranh theo tính chất.

Trước đây nhiều người nghiên cứu tranh dân gian Việt Nam đã phân loại thành 8 nhóm là: - Tranh chúc tụng

- Tranh tôn giáo thờ cúng - Tranh cảnh vật

- Tranh lịch sử - Tranh truyện

- Tranh sinh hoạt xã hội - Tranh châm biếm đả kích - Tranh tuyên truyền cổ động

Nhưng xem kỹ thuật không tránh khỏi khiên cưỡng: tranh dân gian là tranh Tết dán nhà dân vào ngày vui nhất, hoặc tranh thờ dán nơi trang nghiêm trong các đền điện hay nơi thờ cúng của gia đình, thì không thể có ác ý châm chọc hay đả kích ai. Nếu đả kích cổ động cho cuộc đấu

tranh thì tờ tranh phải được dán ở nơi công cộng, đông người qua lại, dán vào ngày thường để kích thích mọi người vào cuộc chiến. Mặt khác chia ra nhiều nhóm sẽ bị xé vụn.

Để có sự khái quát và dễ nhớ, chúng tôi muốn chia tranh dân gian Việt Nam làm 4 nhóm: - Tranh thờ

- Tranh chúc tụng - Tranh sinh hoạt

- Tranh minh họa văn học và lịch sử

1. Tranh thờ:

Các trung tâm làm tranh dân gian, nếu không phải toàn bộ thì cũng phải dành một tỷ lệ lớn cho tranh thờ. Ở nhiều chùa, đền, điện, Phủ cũng có những ván in bùa nhằm trừ tà, yếm quỷ. Phổ biến nhất là những tranh ông tướng canh cửa vẽ hai vị võ quan uy nghiêm, được ghi kèm tên là "Vũ Đinh” và “Thiên At” song nhiều người còn gọi là Thân Thư và Uất Luật hay Chung Quỳ đều có tài bắt ma, nuốt quỷ ; cũng có khi lịch sử hóa, người ta gắn với hai vị võ tướng Trung Hoa là Tần Thúc Bảo và Kính Đức đa canh gác cho vua Đường Thái Tông khỏi bị ma quỷ ám. Tranh này được dán ngay ở cổng nhà. Còn cửa nhà thường dán bộ tranh “Tiến Tài - Tiến Lộc" vận triều phục quan văn, hy vọng sẽ mang cho chủ nhà sự thịnh vượng. Khái quát hơn là bộ tranh gà “Đại Cát - Nghinh Xuân" cũng nhằm xua đuổi ma tà và cầu may. Vào trong nhà có bộ tranh "Tử Vi trấn trạch - Huyền Đàn trấn môn" để giữ yên lành cho gia chủ. Rồi bộ tranh “Táo quân – Thổ công” và cả “Tiên sư vị” cũng được mọi nhà cung kính thờ.

Trong khi đó nhiều chùa có bộ tranh cổ Thập điện Diêm Vương khuyên mọi người ăn ở hiền lành, tránh điều bạc ác. Các điện Mẫu luôn có các bộ tranh Tam Thánh, Tam Tòa, Tứ Phủ hay tách ra vẽ các Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, rồi thêm các quan Tuần Tranh, ông Hoàng, cậu Quận. Dưới bàn thờ Mẫu là hạ ban thường có các tranh Ngũ hổ, hay Hổ xám trấn giữ các phương. Còn các tranh Sình và Đồ Thế Nam Bộ thì tất cả đều là tranh thờ thế mạng cho người sống.

2. Tranh chúc tụng

Tranh Tết xưa thường được gọi nôm là "Tranh Gà – Lợn”. Hình gà trống ngoài dấu hiệu xua đuổi ma tà còn là biểu trưng của sự thịnh vượng với 5 đức tính tốt của con người

là : văn - võ - dũng - nhân - tín, do đó còn là lời chúc tốt ho " Đại cát” hình gà Thư hùng còn nói rõ sự chúc mừng “Đông con nhiều cháu ... no vợ đủ chồng ..."

Ngày xưa “đông con nhiều cháu” quả là khát vọng của nhân dân ta. Trong nhiều hình về em bé luôn toát ý đồ đó được nói rõ trong lời và hình kèm theo. Nào là "Đào hiến thiên xuân", "Lựu khai bách tử”, nào là “Liên sinh quý tử”, “Tử tôn vạn đại", rồi còn "Thất đồng” còn “Lục hợp đồng xuân"... Một hướng chúc tụng khác là nhằm vào người cao tuổi, mà ở đây điển hình là tờ tranh Tam Đa với ba ông già được hưởng Phúc của tổ tiên, Lộc của vua ban và tuổi Thọ trời cho . Cả đến tranh cảnh vật cũng không thuần túy chỉ là cái đẹp, mà thông qua đó còn cả lời chúc mừng hạnh phúc lớn lao cho cả dân tộc. Chẳng hạn như tranh Công múa thì chừ đề trên tranh đã nói rõ mong một xã hội "Quốc gia thịnh trị - Thiên hạ thái bình".

3. Về mảng tranh sinh hoạt

Mảng tranh này khá phong phú và vui. Trước hết tranh dân gian phản ánh những trò vui xuân như "Nghinh Long” – “Phụng Lân". Bộ tranh về thời tiết bốn mùa được gọi là "Tứ quý”, mỗi mùa được gợi lên bằng một thứ hoa quý với một con vật đẹp, vạn vật như cũng đang sinh hoạt. Nhưng nổi lên là hoạt động của con người. Bộ tranh “Tứ dân" miêu tả 4 lớp người có thân phận thấp kém là Ngư - Tiều – Canh - Mục, trong đó người nông dân được miêu tả khá kỹ. Tờ tranh "Công việc nhà nông” mang tính liên hoàn dựng lại quá trình lao động từ cày cấy cho đến khi xay thóc và giã gạo.

Đặc sắc nhất trong loại tranh sinh hoạt là những hoạt cảnh, hoặc trực tiếp lấy con người kể chuyện hoặc kể chuyện thông qua những con vật quen thuộc. Tiêu biểu là các bức Đánh ghen, Hứng dừa, Chuột đỗ cao cưới vợ (hay Tiến sĩ chuột vinh quy), Trường học cóc … Tranh “Đánh ghen” chấp nhận cảnh một chồng hai vợ, hai bà có thể nổi cơn tam bành nhưng cách giải quyết êm thấm nhất vẫn là "Thôi thôi vuốt giận làm lành, chi điều sinh sự nhục mình nhục ta". Tranh

Hứng dừa thể hiện trai gái nông thôn tỏ tình một cách nhí nhảnh. Trường học cóc lấy họ hàng nhà cóc để dựng lên một lớp học ở thôn quê với những cá tính khác nhau của từng con vật. "Chuột đỗ cao cưới vợ" tả cảnh vợ chồng tiến sĩ chuột vinh quy linh đình nhưng phải chấp nhận cái giá biếu xén con mèo chút quà để được bình yên.

4. Tranh minh họa văn học - lịch sử

Văn học cổ truyền Việt Nam có nhiều chuyện thơ nôm rất được nhân dân yêu thích, cho dù phần đông nhân dân không biết chữ, họ vẫn hiểu nội dung và thuộc nhiều đoạn lý thú. Những đoạn ấy cũng thường được các nghệ nhân vẽ thành tranh. Có truyện được vẽ liên hoàn nhiều cảnh trong một bức, bốn bức hợp thành một bộ như Truyện Kiều, Thạch Sanh, Phạm Công - Cúc Hoa . . . lại có nhiều truyện được trích đoạn một hoặc vài cảnh để vẽ như truyện Trê - Cóc Bích Câu kỳ ngộ, Nhị độ mai... Một số tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc mà nội dung đã phổ cập trong nhân dân ta cũng được vẽ thành một số hồi, cảnh như Tam quốc chí, Tây du ký, Đông chu liệt quốc ... Nhờ những bức tranh dân gian này mọi người có thêm dịp kể và truyền cho nhau những thành tựu văn học của dân tộc nước bạn.

Đồng thời với mảng đề tài trên, tranh dân gian còn minh họa lịch sử, đi vào những giai thoại anh hùng dân tộc và những chiến thắng chống xâm lược của dân tộc. Trong loạt tranh này, sớm hơn cả có lẽ là mấy tranh giai thoại về vua Đinh Tiên Hòang: “Cờ lau tập trận" và “Rồng cõng qua sông” (bay Chú vái cháu) , rồi tranh về Bà Triệu rực rỡ trên mình voi … Muộn hơn là loạt tranh về Ngô Quyền chiến thắng quân Hán, Trần Hưng Đạo thắng quân Nguyên, Lê Lợi thắng quân Minh, Quang Trung thắng quân Thanh. Thậm chí những sự kiện lịch sử hiện đại cũng được đi vào tranh dân gian mới.

Một phần của tài liệu Lịch sử mỹ thuật Việt Nam (Trang 81 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(84 trang)
w