Một số hình trang trí tiêu biểu

Một phần của tài liệu Lịch sử mỹ thuật Việt Nam (Trang 39 - 43)

I NGHỆ THUẬT KẾN TRÚC 1 Kiến trúc cung đình

b)Một số hình trang trí tiêu biểu

Bên cạnh điêu khắc đình làng là một xu hướng mới, và trọng tâm muốn nói về hoạt cảnh của con người, thì chạm khắc trang trí không chi làm đẹp cho kiến trúc, còn làm tăng giá trị của nhiều vật dụng như là bia đá, bệ tượng, khám thờ và ngay cả chính bản thân pho tượng.

Ở Văn Miếu Hà Nội, 3 tắm bia tiến sĩ thời Mạc hiện còn (dựng năm 1529 và 1536) có hình khối và trang trí giống với 11 tấm bia thời Lê sơ (dựng từ 1484 đến 1521), được xếp chung một loại với đặc điểm: trán bia chưa có hình rồng, đã có hình mặt trời ở giữa với những dải mây bao bọc nhưng còn khá đơn giản, diềm bìa chàm dây leo uốn sóng mà mỗi khúc uốn lại trổ những hoa văn móc câu như tay mướp leo trìa về hai phía. Về sau, trên nhiều bia Mạc ở các nơi khác, hoa văn dây leo ở diềm càng được khẳng định, nó quán xuyến suốt thể kỷ XVI và chừng 20 năm đầu thế kỷ XVII. Riêng về trán bia các nơi có khác với ở Văn Miếu : nhiều nơi đã có cặp rồng hoặc cặp phượng chầu mặt trời, mặt trời có thể đã có tia nhưng thường chỉ là 1 - 2 hoặc 3 vòng tròn đồng tâm; rồng có đầu to, thân nhỏ, vây lưng lớn, vẩy đơn thô, bờm tóc xù, sừng cong như sừng trâu, mặt thuộc loại thú có sừng dáng chung có phần thô và hài hước ; nếu là phượng thì thường xòe đôi cánh rộng cân đối bay, các dải lông đuôi như những tia chớp kéo theo phía sau, tổng thể nhìn ngang nhưng thân với cánh lại như nhìn dưới lên hoặc trên xuống, hình rõ ràng song phờ phạc. Hình phượng kiểu này cũng thấy chạm trong vòng sáng trên vì nóc đình đằng Tây ... Còn ở đình Lỗ Hạnh thì phượng tách ra một con đứng yên, lông đuôi từng dải tỏa ra xung quanh, bay cả về phía trước, mềm như dải lụa. Rồng và Phượng kiểu này còn chạm trên cánh tay cửa khám thờ Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy (Hà Tây). Tất cả đều ở trên nền tia mây, guột lá, cánh hoa trải ra rậm rịt, phồn thịnh. Trên trán bia đôi khi còn có hoa hình hướng dương, (hay hoa cúc, thậm chí gần giống như hoa sen ở mặt tảng đá kê chân cột) với vành cánh nhỏ bao ngoài một hình tròn tựa như bát sen. Hình hoa này nhưng chỉ có nửa bông lại được chạm ở dưới cổ áo tượng Mạc Đăng Dung chùa Thiên Phúc (Trà Phương).

Ngoài ra còn gặp hoa phù dung nhìn ngang tươi tắn, đôi khi cũng nhìn trên xuống giống hoa cúc, nhưng lá khá thống nhất như bướm bay dễ liên tưởng đến lá cúc. Những hoa trên có thể vẫn chỉ lả một thứ hoa, nhưng do góc nhìn khác nhau mà có những dạng hình không giống nhau. Nó là sự thống nhất trong da dạng, và có thể quy về hoa cúc - biểu tượng của mặt trời mà ngay từ thời Mạc đã gặp những đôi rồng chầu vào, cho đến thời Nguyễn thì phổ biến để càng khẳng định.

Một đồ án trang trí điển hình ở thời Mạc, thường gặp trên các bệ tượng phật, bệ tượng Quan âm và bệ tượng Tứ Pháp... nói chung là trên bệ của những tượng thiêng liêng, cao quý là các ở hình biến thể của hình bầu dục hay hình bán nguyệt (bị móp các góc) đặt trên nền ô chữ nhật, bên trong là một hợp thể cặp sừng vắt chéo giữa ba u tròn ở hai bên và ở phía trên, hoặc mỗi sừng được mọc ra từ một phía của rìa lá sen như hình số 3 úp - đôi khi trong một đồ án có tới 3 cặp sừng, nền của nó phía dưới là mấy lớp sóng nước, phía trên là cây san hô hay cây đại mùa đông vươn những cành chạc. Phải chăng đây là biểu trưng vũ trụ với sự phối kết âm - dương,

hút sinh lực từ cõi mênh mang để thế giới tiên cảnh phát triển ? Thật ra từng bộ phận của hợp thể (như sóng nước, cặp sừng, tam sơn) đã từng xuất hiện trong trang trí các thời trước, nhưng phối hợp lại thành chính thể và xuất hiện phổ biến thì phải đến thời Mạc.

IV - NGHỆ THUẬT HỘI HỌA

Thời Mạc chiến tranh Nam - Bắc triều triền miên, nhà Mạc không tự viết sử mả sau đây được sử quán nhà Lê phụ chép, do đó không tránh khỏi sự sơ lược, vì thế rất khó tìm được tư liệu về hội họa đương thời. Tuy nhiên nếu gạn chắt vẫn có thể nhận diện được phần nào.

Nhà thơ Hoàng Sĩ Khải người huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh, đỗ tiễn sĩ khoa Giáp Thìn - 1544, được tiếng là người giỏi thơ nôm ở "trước thời Trung hưng", trong bài thơ dài 336 câu "Tứ thời khúc vịnh", ông đã giành một khổ thơ tả cảnh ngày Tết ở kinh thành các nhà treo tranh để nghênh xuân tống cựu :

Chung Quỳ khéo vẽ nên hình

Bùa đào cầm quỷ, phỗng linh ngăn tà. Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ Dương.

Như vậy hắn đây là tranh Tết thuộc dòng chảy dân gian, ở đó đã phổ biến tranh gà, tranh lợn bình dị, đã phổ cập tục dán tranh ông tướng canh cửa để gia đình yên tâm đón Tết, còn cả tranh Tố nữ với người đẹp Thọ Dương trong vườn hoa. Những tranh này theo thời gian dù có cải biên song tinh thần cơ bản của nó có thể tìm thấy trong tranh Tết Đông Hồ và Hàng Trống - nhất là những tranh cùng tên. Đấy cũng là những tư liệu sớm nhất về sự tồn tại của tranh dân gian Việt Nam.

Tranh với ý nghĩa là hình vẽ tay trực tiếp trên giấy, có thể tìm thấy ở một số tờ sắc phong Thần sớm. Sắc phong được viết giấy dó đặc biệt, khổ rộng, dai, mịn, nhẹ, xốp và do đó nếu được bảo quản tốt khá bền. Hầu hết sắc có hình trang trí được in ván khắc gỗ hàng loạt, nhưng cũng có một số tờ sắc sớm được vẽ tay các hình nền. Có thể lúc đó việc phong sắc cho các vị Thần ở làng quê chưa nhiều, mọi công đoạn đều làm tay. Trong số này có tờ sắc Tử Dương thần từ vốn ở làng Tử Dương (Hà Tây) hiện được bảo quản ở Cục Bảo tồn Bảo tàng - Bộ Văn hoá. Sắc rộng chừng 1m4, có màu vàng đậm, trên nền tờ Sắc được vẽ tay hình rồng mây theo phong cách thời Mạc. Cuối bài văn ghi rõ niên hiệu Sùng Khang 9 (1574) và đóng dấu son với 4 chữ "Sắc Mệnh Chi Bảo" khẳng định đây là bản chính gốc. Hình rồng và mây được vẽ rất phóng túng, chứng tỏ một sự quen tay đến thuần thục. Cĩ thể xem đây là tờ sắc sớm nhất hiện còn, là mẫu của loạt sắc sau đấy.

Gần với hội họa nhiều hơn cả ở thời Mạc vẫn là đồ gốm, mà nổi trội lên là các trung tâm Bát Tràng (Hà Nội) và Chu Đậu (Hải Dương), với nhiều hiện vặt có văn tự là lý lịch cụ thể và những khu phế tích dày đặc. Trên nhiều đồ gốm ghi rõ niên đại tuyệt đối thuộc các niên hiệu Sùng Khang (1566 - 1577) , Diên Thành ( 1578 - 1585) , Đoan Thái (1586 -1587) và Hưng Trị (1588 - 1590) đều thuộc đời Mạc Mậu Hợp. Thời gian này chiến tranh Nam - Bắc triều liên miên, song thủ công và thương nghiệp vẫn phát triển nhiều đồ gốm trở thành hàng hóa xuất khẩu, và do đó vai trò cá nhân nghệ sĩ ở lãnh vực này cũng được khẳng định. Trên gốm Bát Tràng, chúng ta gặp trên một hiện vật có nhiều tác giả cùng được ghi tên, cả nam và nữ : Vũ Ngộ Tiên, Bùi Thị Đỗ, Hoàng Thị Vệ, Bùi Huệ, Trần Thị Ngọ, Nguyễn Phong Lai, Hoàng Ngưu, Đỗ Phủ, Nguyễn Thị Bản, Đỗ Xuân Vi, Đỗ Thị Tuân... Trong khi đó gốm Chu Đậu nổi lên vợ chồng Đặng Huyền Thông, Nguyễn Thị Đỉnh.

Từ niên đại tuyệt đối của một số hiện vật, qua kiểu dáng và hình trang trí, chúng ta nhận ra gốm Mạc có nhiều quan hệ với các giai đoạn trước và sau nó, vì thế không ít hiện vật gốm được định niên đại tương đối thế kỷ XV - XVI và thế kỷ XVI - XVII.

Gốm Mạc có cả gốm xây dựng để mộc, gốm gia dụng và nhất là gốm thờ phần lớn tráng men trắng vẽ hoa lam hoặc cạo men bôi nâu, cũng có các men màu ngà vàng làm nền và men xanh rêu tô lên hoa văn. Ngay cả khi chỉ một màu men xanh cũng có thể tạo các sắc độ khác nhau : chi tiết khắc chìm thì xanh đậm, chi tiết đắp nồi thì xanh nhạt, còn nền thì xanh dịu. Về kỹ thuật được vận dụng tổng hợp như tạo dáng bằng lối chuốt trên bàn xoay, sau đó gia công dán hình đắp nổi hoặc khắc chạm và nhất là vẽ bằng bút lông.

Hiện vật lớn (như chân đèn) để dễ nưng thường làm thành hai phần riêng, khi sử dụng mới lắp ghép. Rất nhiều đồ gốm được làm theo đơn đặt hàng, có ghi rõ tên người đặt - thường là các quý tộc nhà Mạc, và mục đích để cúng vào chùa nào.

Dưới góc độ hội hoạ, chúng ta chú ý đến các hình trang trí. Đề tài phổ biến là hoa, lá và chim, cá. Có hoa dây uốn sóng trổ ra các tay mướp leo (rất phố biến trên bia đá) được vẽ ở vành miệng bát phía ngoài ; có hoa sen với nhiều cánh thành một bông sen bao quanh mặt ngoài bát, đĩa, bình hoa hoặc chân đèn ; có nhiều loại hoa như cúc, mai, lan được ngắt ra từng cành, từng bông được vẽ rải ra ở mặt ngoài của nhiều bát, bình, liễn hoặc trong lòng của đĩa. Chim có nhiều kiểu bay hoặc đậu, thường đơn lẻ nhưng cũng có khi thành nhóm. Cá, tôm tung tăng bơi lội. Thú 4 chân thường gặp ngựa và long mã. Đề tài về người còn ít, song thật vui: có cảnh đoàn người cưỡi ngựa phi như đang đùa, có người chăn trâu, có người đội nón và người trùm khăn đều mặc áo dài như đi hội. Lại có hình một số cảnh được ghép lại thành bức tranh sơn thủy. Những hình trên luôn được vẽ ở những vị trí dễ nhận biết nhất, nó làm tăng giá trị cho đồ gốm không chỉ thực dụng mà vươn lên mức nghệ thuật. Ở đây bố cục cơ bản theo vành/băng bao quanh hiện vật, song ở mặt trong của đĩa thực sự là bức tranh trong hình tròn. Do lối vẽ trên gốm mộc có xương đất vừa khô, hút máu, nên nghệ sĩ phải vẽ rất nhanh, đặt đâu được đấy, hình thuộc làu cứ theo tay bút mà hiện ra có đậm có nhạt rất hoạt. Tất cả đều được cách điệu để vượt tự nhiên chủ nghĩa, song rất hiện thực.

Mỹ thuật thời Mạc thực sự là bước ngoặt của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, tuy vẫn là xã hội phong kiến theo mô hình Nho giáo song do kinh tế hàng hóa phát triển, đồng tiền đã tỏ rõ sức mạnh công phá đạo đức và trật tự cũ, đòi giải phóng con người giải phóng nghệ thuật. Vì thế, một loạt loại hình nghệ thuật mới ra đời và khẳng định theo hướng nhân văn chủ nghĩa : Đình làng, tượng Phật, tượng Quan âm, tranh dân gian, đồ gốm thương mại... Lần đầu tiên trên nhiều tác phẩm ấy, người nghệ sĩ được ký tên (kể cả vợ con) . Cũng lần đầu tiên trên nhiều tác phẩm ấy, khách hàng cũng trở thành "Thượng đế" được ký tên. Ở đó, nhiều người có công phục hưng diện mạo văn hóa dân tộc, văn hóa làng quê đã trở thành đối tượng để nghệ sĩ sáng tác và nhân dân ca ngợi, là các tượng Hậu Phật mang tính chân dung người thật việc thật còn ngự trị ở nhiều chùa làng. Và chủ nhân của các công trình văn hóa ấy là những người lao động trong các làng quê cũng được hóa thân vào nhiều hoạt cảnh trang trí đình làng. Con vật cao sang rồng, phượng giờ đây cũng bình dị, thậm chí hài hước. Bên cạnh đó, tinh thần hòa đồng với thiên nhiên, ca ngợi cảnh trí môi trường, cầu mong sự phồn thịnh từ vũ trụ, cũng được hình tượng hóa để đi vào nghệ thuật trang trí. Tất cả đã biểu hiện thầm mỹ của dân quê gắn với tinh thần nhân bản. Tính chất này của mỹ thuật Mạc sẽ được đẩy lên đỉnh cao ở thời gian cuối của thế kỷ sau.

Chương VIII

MỸ THUẬT THỜI LÊ TRUNG HƯNG (1593 - 1788)I. HOÀN CẢNH XÃ HỘI I. HOÀN CẢNH XÃ HỘI

Năm (1593) nhà Lê dựa vào thể lực của họ Trịnh đã khôi phục lại sự thống trị của mình trên cả nước, nhà Mạc thu vào xứ Cao Bằng nhỏ hẹp, Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa ra Thăng Long lạy mừng. Đất nước vào thời kỳ phát triển trong hòa bình và thống nhất, đời sống nhân dân phần nào được cải thiện. Những năm đầu thế kỷ XVII, trong các niên hiệu Hoằng Định (1601 - 1619) và Vĩnh Tộ (1619 - 1628) ca dao xác nhận có cảnh thái bình thịnh trị "cơm trắng

đầy nồi trẻ chẳng ăn cho". Kinh tế hàng hóa có sự phát triển nhất định là cơ sở cho ngoại thương. Năm 1613 công ty Đông Ấn Hà Lan đến Đàng Trong xin buôn bán. Năm 1613 và 1616 công ty Đông Ấn Anh cũng đến cả Đàng Trong và Đàng Ngoài buôn bán. Người Nhật từ năm 1604 đến 1635 đã có tới 110 "châu ấn thuyền" đến cả Đàng trong và Đàng Ngoài.

Nhưng ngay trong những năm thịnh trị ấy đã chứa chất nguy cơ những cuộc nội chiến. Năm 1594 Mạc Ngọc Liễn trước khi mất đã căn dặn con cháu nhà Mạc : "Nay nhà Mạc khí vận đã hết, họ Lê phục hưng, đó là số trời vậy. Dân ta vô tội mà khiển phải chịu nạn binh đao, ai nơ lòng nào. Chúng ta nên lánh ra ở nước khác, nuôi dưỡng uy lực, chịu khuất đợi thời ; chờ khi nào mệnh trời trở lại mới làm được chứ không thể lấy lực chọi với lực... chớ nên. mời người

Minh vào nước ta, để cho dân phải lầm than, đó là cái tội không gì lớn hơn" (Lê Quý Đôn : Đại việt thông sử). Tuân theo lời di chúc đó, con cháu nhà Mạc yên phận ở Cao

Bằng, không tạo cớ cho nhà Minh xâm lược, song đôi lúc tưởng có thời cơ đã tiến đánh xuống đồng bằng: năm 1600 kéo về "chiếm được kinh sư, có quân đông tới vài vạn", năm 1623 lại "kéo về xâm phạm Gia Lâm đến hơn một tháng". Trái lại, về phía nhà Lê đã nhiều lần hành quân tiền đánh, đến năm 1677 thì chấm dứt hẳn tàn dư nhà Mạc.

Còn đối với phía Nam, Nguyễn Hoàng ngay từ năm 1558 xin vào trấn đất Thuận Hóa đã ngầm mưu dựa vào một dải Hoành Sơn để xây dựng vùng ảnh hưởng riêng cho con cháu muôn đời dung thân. Năm 1593 ra Bắc để nhà Lê khỏi ngờ nhưng năm 1600 lại vượt biển trốn vào Thuận Hóa, năm 1613 trước khi mất đã nói thang với con cháu âm mưu cát cứ : "Đất Thuận Quảng phía bắc có Hoành Sơn và Linh Giang, phía nam có núi Hải Vân và Thạc Bì, địa thế hiểm cố thật là một nơi để cho người anh hùng dụng vô. Nếu biết dạy bảo nhân dân, luyện táp binh sĩ kháng cự lại họ Trịnh thì gây dựng được cơ nghiệp muôn đời" (Đại Nam thực lục, Tiền

biên). Với hướng chỉ đạo của cha, Nguyễn Phúc Nguyên bề ngoài tỏ ra thuần phục nhà Lê -

Trịnh, nhưng bên trong khẩn trương kế hoạch xây dựng một giang sơn riêng, đến những năm 20 đủ mạnh đã công khai tỏ thái độ chống dối, dẫn đến chiến tranh Trịnh - Nguyễn vào các năm 1627, 1630, 1643, 1648, 1655 - 1660, 1661 và 1672, sau 7 lần đánh nhau dữ dội với biết bao thiệt hại về người và của, cuối cùng phải ngưng chiến, lấy sông Gianh làm giới hạn chia đôi đất nước thành Đàng Trong và Đàng Ngoài kéo dài hơn một trăm năm nữa. Đó là hai đàng của một quốc gia, văn hóa vẫn phát triển theo một dòng chảy vốn có chung nguồn mạch. Một điều đáng chú ý là ngay trong chiến tranh cả chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều muốn tranh thủ kỹ thuật nước ngoài, do đó ngoại thương vẫn phát triển và các tập đoàn quý tộc còn tranh thủ cả sức mạnh của Thần quyền nên đã đóng góp nhiều cho sự xây dựng các đền, chùa. Trong và sau chiến tranh, cả hai "Đàng" đều có được sự phồn vinh nhất định. Nếu ở Đàng Trong có Hội An thì ở Đàng Ngoài có Kinh Kỳ và Phố Hiến buôn bán tấp nập thu hút nhiều người nước ngoài.

Một phần của tài liệu Lịch sử mỹ thuật Việt Nam (Trang 39 - 43)