1. Tượng tròn
a) Tượng ở các lăng mộ Lam Kinh
Trừ lăng mộ vua Lê Nhân Tông bị mất tích và lăng mộ vua Lê Túc Tông bị mất tượng, trong 6 lăng còn lại của các vua và hoàng thái hậu ở Lam Kinh, tất cả đều có hai dãy tượng đối nhau ở hai bên đường Thần đạo. Một số lăng tượng có bị gẫy vỡ và xê dịch ít nhiều, song có thể thống kê và xếp tượng theo thứ tự từ trong ra:
TT Lăng vua/Thái hậu Năm dựng Tên tượng
1 Lê Thái Tổ 1433 Người Lân Ngựa Tê Hổ
2 Lê Thái Tông 1442 - Tê - Lân -
3 Lê Thánh Tông 1498 - - - - Voi
4 Ngô Thị Ngọc Dao 1498 - - - - -
5 Lê Hiến Tông 1504 - Ngựa Voi - Tê
6 Nguyễn Thị Ngọc Huyền 1505 - Ngựa - - -
Với niên đại trên có thể nhận ra hai nhóm tượng : nhóm thuộc thập kỷ 30 (gồm cả đầu 40) và nhóm chuyển tiếp thế kỷ XV sang thế kỷ XVI. Trong tất cả các lăng đều có 5 loại tượng, trong đó 4 loại thống nhất là người, lân, ngựa và tê, còn hổ ở nhóm tượng đầu sang nhóm tượng sau thay bằng voi đều tượng trưng cho sức mạnh. Trừ lân là con vật tượng trưng nhưng đã có trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam thời trước, còn lại các con vật khác đều là con vật thực mà nghệ sĩ có điều kiện quan sát và thể hiện. Tượng và bố trí tượng ở các lăng về sau là theo mẫu - kể cả kích thước ở lăng đầu của vua Lê Thái Tổ, vì thế so với các lăng mộ thời sau thì đều là tượng nhỏ : tượng người cao chỉ hơn 1m, tượng thú đứng cũng chỉ cao hơn 0m5, đặt đăng đối nghiêm chỉnh, tư thế tĩnh lặng đến lạnh lùng. Tượng ở lăng mộ vua và Hoàng thái hậu hẳn phải do triều đình trực tiếp chỉ đạo và thuộc dòng chảy nghệ thuật chính thống, song nó đã từ bỏ vẻ đẹp cổ điển của tượng thời Lý và vẻ đẹp khỏe thực cửa tượng thời Trần, chuyển sang một sự miêu tả khái quát với dáng hình ngộ nghĩnh. Ở nhóm tượng trước tạo hình sơ sài và đơn giản, đường nét thô, ngựa cổ to mà chân ngắn cũn chậm chạp, hổ ngồi chồm chỗm như cóc. Sang nhóm tượng sau, đường nét đã trau chuốt hơn và chú ý đến trang trí : con voi đã mập khoẻ và thực, ngựa được thắng yên cương và chân cao dần, lân nhún mình như muốn nhảy, tê giác cũng có vải phủ lưng... Tuy có bước tiến rõ ràng từ nhóm trước sang nhóm sau, song vẫn gần với nghệ thuật dân gian.
b) Tượng rồng thành bậc điện Kính Thiên
Trên nhiều di tích chùa tháp thời Trần chúng ta đã gặp nhưng cặp tượng rồng làm thành bậc cửa. Đôi tượng rồng thành bậc cửa ở trong thành Nhà Hồ là điển hình, nó rõ ràng, không bị mây che ám, uốn khúc đều đặn mạch lạc, các chi tiết bó sát vào thân chặt chê. Từ những mẫu thành bậc thời Trần, nhà nước Lê sơ khi xây dựng diện Kính Thiên (1467) và điện tam Kinh (1433 và 1448) đều làm hệ thống bậc cửa cao rộng. Hệ thống bậc cửa điện Kính Thiên rộng 13m7, sâu vào 4m45 và cao 2m1, có 9 bậc cấp dẫn lên chốn "cửu trùng", chia ra ba khoang bởi 4 thành bậc. Khoang giữa giành cho vua đi lại nên hai thành bậc trong đều làm thành tượng rồng, hai khoang bên giành cho các quan lên chầu vua nên hai thành bậc ngoài chạm mây guột và hoa lá. Hình thức này cũng được thấy ở điện Lam Kinh.
Tượng rồng bậc cửa kích thước lớn, bò suốt từ bậc trên cùng xuống bậc dưới cùng, nếu kéo thang ra phải dài chừng 9 m, uốn thoăn thoắt đều đặn nhỏ dần về đuôi, khối mình tròn trịa, trên thân có một số dải mây ám nhưng vẫn rõ ràng và càng thêm động. Đầu nó hoàn thiện mẫu rồng cuối thời Trần mà các thế kỷ sau nữa sẽ phát triển : bờm tóc uốn mượt phủ sau gáy, đã có sừng chạc, tai còn nhỏ, mũi sư tử, râu mép trên thành sợi dài, trên thân có nhiều dải mây, sống lưng thành gai dài... phần nào đã gần với lòai thú thực, chưa bị ảnh hưởng rồng Trung Quốc, nhưng hơi rối...
c) Tượng Quan âm Nam Hải chùa Hưng Phúc
Chùa Hưng Phúc thuộc thôn Cung Kiệm xã Nhân Hòa huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh có pho tượng đá ngồi thiền trên toà sen do hai con rồng đội qua biển cả. Tượng và bệ là hai khối đá riêng, nhưng lưng tượng và sườn bệ khắc những dòng chữ Hán có cùng nội dung : năm Kỷ Tỵ niên hiệu Thái Hoà 7 (1449) vua thứ 3 triều Lê, các tín chủ (kể tên 6 người) ở xã Kiệm huyện Vũ Ninh trung lộ Bắc Giang (cung tiến). Tượng cao 0m51 được đặt trên bệ cao m37, giữa hai bộ phận có gờ cong trùng khít nhau. Tượng bị gãy đầu đã được chắp lại , cũng bị gãy mất cánh tay phải từ khuỷu trở xuống. Tượng có đầu đội mũ thiên quan trang trí hoa sen, hoa cúc và tia mây, mặt bầu phúc hậu, tai dài, mặc hai lớp áo, ngực đeo dây anh lạc, tay trái cầm chén nước, bàn chân trần để ngửa. Bệ tượng phần trên là tòa sen, giữa
thót lại với hai đầu rồng như đầu rắn nha cao nâng đỡ tòa sen, còn đuôi quấn quýt rồi tỏa về hai phía, dưới là những lớp sóng to nhấp nhô. Với lối cấu tạo trên, đây là tượng Quan âm Nam Hải sớm nhất hiện còn, đến thế kỷ XVI đề tài này khá phát triển. Tượng được tạo hình đơn giản, đường nét phóng túng, ít chú ý trang trí.
Ngoài ra có ít tượng được nghi là thuộc thời Lê sơ như Đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông ở tháp chùa Hoa yên trong dãy núi Yên Tử.
2. Chạm khắc trang trí
a) Thành bậc cửa
Trước những kiến trúc lớn của thời Lê sơ đều có hệ thống bậc cửa đi lên, dù cửa một lối đi hay ba lối đi thì hai thành bậc ngoài đều được chạm nổi trang trí cả hai mặt. Hiện nay còn các thành bậc cửa điện Kính Thiên (Hà Nội - 1467), điện Lam Kinh (Thanh Hóa - 1448 ?), Văn Miếu (Hà Nội - 1484 ?), đàn Nam Giao (Hà Nội - cuối thế kỷ XV, đã đưa về ấp Thái Hà) . Những thành bậc cửa trên dù to nhỏ khác nhau song đề tài trang trí và bố cục lại giống nhau.
Mặt thành bậc gần hình chữ nhật, được chia đôi bởi mặt đường chéo từ góc trong trên xuống góc ngoài dưới, nửa trên cả hai mặt chạm giống nhau gần những cụm mây xoắn ốc hai đầu, không đối xứng, lồng nhau quấn quít, cuồn cuộn trải rộng, lẫn vào là một số dải mây ngọn lửa bay chéo về sau, tất cả gợi hình con thú (sấu, lân) cách diệu cao ; nửa dưới mặt ngoài là tam giác vuông cạnh là băng hoa thị bốn cánh (hoặc một nửa hoa hai cánh), bên trong là những bông sen nở trên sóng nước, có khi còn thêm cá hóa rồng, uyên ương đều rất thực... còn mặt trong gắn với đầu bậc để trơn.
Những thành bậc cửa này được chạm nổi vênh với độ cao thấp khác nhau, đặt ở ngoài trời ánh sáng chan hòa nhưng tiếp nhận đậm nhạt khác nhau, nó "mềm" ra như tấm thảm.
b) Trang trí bia
Bia đá thời Lê sơ có hai loại : Loại bia vua và thái hậu, hoàng hậu tập trung ở Lam Kinh có kích thước rất lớn (cao khoảng 2m8); loại bia công thần, tiến sĩ và cả bia ở chùa thuộc loại trung bình (cao chừng 1m5). Loại bia to được chạm rất cẩn thần, đường nét tinh khéo, hình mượt óng, có thể vì tấm bia ở đây là vật tượng trưng cho chính ông vua hoặc bà hoàng mà đương thời rất tôn thờ.
Dáng bia thời Lê sơ là bia bẹt trán cong vốn quen thuộc từ thời Lý - Trần, song độ cong ở trán có phần bè ra, hầu hết được dựng trên lưng rùa như bia thời Trần, nhưng bia chùa Đại Bi dựng trên đài sen chữ nhật mà đến đầu thế kỷ XVII được phát triển hơn. Bia ma nhai (khắc thẳng lên vách đá) ở chùa Thầy cũng gợi cả hình rùa. Với bia bẹt, hình trang trí ở mặt trước và mặt sau, nhưng một số bia còn trang trí cả mặt bên.
Nếu trán bia thời Lý - Trần thường chạm hai con rồng chầu vào mảng chữ tên bài văn bia, thì sang thời Lê sơ, hình thức này còn vang bóng ở bia chùa Đại Bi với hai con rồng chầu vào chữ Phật, trán các bia ở Lam Kinh lại chạm hai con rồng kiểu truyền thống chầu vào một con rồng mang ảnh hưởng Trung Quốc. Trên loạt bia Tiến sĩ Lê sơ ở Văn Miếu, hình mặt trời chính thức xuất hiện ở giữa trán bia nhưng hai bên xế chỉ có mây. Phải đến bia chùa Phúc Thắng (Thuý Lai - Hà Tây) mới mở ra lối trang trí có bố cục mới là hai con rồng chầu vào hình mặt trời mà ở các thế kỷ sau sẽ rất phổ biến.
Nếu đặt bia chùa Đại Bi (1445) và bia chùa Phúc Thắng (1470) vào giữa hai nhóm bia ở Lam Kinh, chúng ta nhận rõ sự diễn biến của hình rồng trong thời Lê sơ. Trên bia các vua Lê Thái Tổ (1433) và Lê Thái Tông (1443) mới thực nghiệm đưa một con rồng kiểu rồng Minh (Trung Quốc) vào giữa trán, mặt nhìn thẳng hay nhìn nghiêng cũng đều dữ dội, mắt trợn tròn, sừng nhọn chĩa lên, thân vặn vẹo, bàn chân gân guốc xoè ra 5 móng muốn cấu xé... Những con rồng khác vẫn theo kiểu rồng truyền thống, thậm chí còn hồi tưởng lại nhiều nét của rồng rắn thời Ly. Những con rồng ở bia chùa Đại Bi mới chỉ đổi mới ở khúc uốn tự do, đuôi vắt vẻo ; đến bia chùa Phúc Thắng thì rồng đã từ bỏ những chi tiết điển hình Lý - Trần để chuyển sang mũi thú bờm thô, sừng chạc rất dài... nhưng vẫn gần gũi, hồn hậu mà các thế kỷ sau sẽ phổ cập. Trong khi đó rồng Trung Quốc đến các bia ở Lam Kinh cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI đã là duy nhất và phổ cập, chằng những ở trần mà ở cả sườn bia nữa.
Trên trang trí bia, gắn với rồng là mây giống như ở thành bậc cửa. Còn sóng nước cũng dần chuyển sang sóng bạc đầu của Trung Quốc. Hình dây hoa uốn sóng cơ bản đã có từ cuối thời Trần, giờ càng khẳng định, ngoài loại gắn vớt các hoa sen, cúc, phù dung... có thêm loại hoa guột cuộn như dây tay mướp leo mà ở thế kỷ XVI và đầu XVII rất phổ biến. Đặc biệt trên mặt sườn bia vua Lê Thánh Tông và hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao phía dưới hình rồng còn có cảnh Tam sơn với ba ngọn núi nhô lên từ biển cả, gợi ra tiên cảnh bồng lai; và trên xế bia Tiến sĩ dựng năm 1513 có đồ án hai chiếc sừng vắt chéo giữa hai vạt tròn. Đồ án này nhưng doãng ra, còn thấy trên bệ gỗ chùa Thầy (Hà Tây) , để rồi sang thế kỷ XVI gặp trên rất nhiều mảng chạm trang trí bệ tượng bằng gỗ.
Như vậy về chạm khắc trang trí thời Lê sơ được xem là cái bản lề gắn giữa mỹ thuật Phật giáo Lý Trần ở phía trước với mảng mỹ thuật giàu chất dân gian ở thế kỷ XVI - XVII nó cũng bộc lộ xu hướng chính trị Nho giáo muốn tiếp nhận một số mẫu hình trang trí phương Bạc, còn thể nghiệm ở phạm vi công trình chính thống của triều đình, chưa đi vào nhân dân, và do đó sang các thế kỷ tiếp theo đều không tiếp tục nữa.