1. Kiến trúc
Bên cạnh mảng mỹ thuật cung đình ở kinh đô, mỹ thuật thời Nguyễn còn phổ biến ở các làng xã – nhất là trên địa bàn văn hóa truyền thống miền Bắc đã có quy củ, và vẫn được duy trì ngay cả trong thời Pháp thuộc. Ở đây có di tích do chính quyền địa phương chủ trương, nhưng
phần lớn là do nhân dân xây dựng, có một số làm mới, làm lại nhưng phần lớn là làm thêm, làm bổ sung vào công trình cũ.
Trước hết kà những công trình kiến trúc được sự quan tâm của nhà nước. Nhân dân ta với tín ngưỡng thờ Tổ tiên trong gia đình, mở rộng ra cả nước với các anh hùng dựng nước và giữ nước, từ các thời Lý – Trần – Lê đã dựng nhiều đền thờ. Nhưng rồi với những biến động của lịch sử, với những tàn phá của thời gian, đến thời Nguyễn nhiều di tích đã bị hư hỏng nặng, cần phải sửa, thậm chí phải làm lại hoàn toàn. Nếu đền vua Đình và đền vua Lê ở Ninh Bình dựng lại ở nửa sau thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XIX chỉ phải sửa chữa, bổ sung một số đơn nguyên vào các năm 1837 và 1843, thì đền Hùng (Phú Thọ), đền Hai Bà Trưng (Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc), đền Bà Triệu (Thanh Hóa), đền đức thánh Trần Hưng Đạo (Hải Dương) … cả phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh mà điển hình là phủ Giày (Nam Định) đều được xây lại hoàn toàn, có quy mô lớn, lớp lang rõ ràng, chú ý tiểu cảnh, gắn bó mật thiết với môi trường.
Cùng với đền miếu là lăng mộ các bậc đế vương được triều đình Huế cho điều tra, xác minh và sửa sang, đặc biệt là dựng bia mộ. Theo sử cũ thì từ thời Trần về trước chưa có lệ dựng bia ở lăng mộ, do đó qua thời gian dễ bị thất lạc. Trong đống bãi đỗ nát, nhà Nguyễn say khi tìm hiểu đã đắp mộ dựng bia, có khi còn trồng cây xây nhà cho thủy tổ Kinh Dương Vương (Bắc Ninh), cho các đế vương xưa từ Phùng Hưng và Ngô Quyền (Hà Tây), Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành (Ninh Bình) đến tập thể các vua nhà Lý (Bắc Ninh) và từng vua nhà Trần (Quảng Ninh). Từ thời Lê mộ vua được dựng bia cao to, nhưng rồi bị mưa nắng bào mòn như ở lăng Lê Uy Mục (Bắc Ninh) cũng được nhà Nguyễn cho khắc thêm để định vị. Những lăng mộ trên tuy thuộc vào hàng đế vương song rất đơn giản, còn cả sự hoang vu tự nhiên, thực sự là nghệ thuật dân gian.
Làng quê cho đến thời Nguyễn phần nhiều đã ổn định và có diện mại văn hóa rồi, song do các hoạt động cúng tế, hội lễ và cả chè chén nên đình làng được mở rộng mà thường được xây thêm một số đơn nguyên nữa. Trong mặt bằng khuôn viên đình làng, nếu Đại đình (và nhiều nơi cả Hậu cung) đã có từ thế kỷ XVIII về trước, thì ở thời Nguyễn thường được dựng thêm các tòa Tiền tế và Tả – Hữu vu, do đó làm cho quần thể trở nên đông đặc, đăng đối. Một số lăng hoặc chưa có đình, hoặc đình cũ hư hỏng nặng, thời Nguyễn đã làm lại hoàn toàn, như các đình Tam Tảo (Bắc Ninh), đình Mông Phụ (Hà Tây), Đình Yên Đông (Quảng Ninh) … Rất nhiều chùa cũng được sửa chữa còn để lại dấu tích, đặc biệt được làm mới hoàn toàn như chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Nhiều đền Thần như đền Quán Thánh và đền Ngọc Sơn (Hà Nội) đều là thành tựu kiến trúc thời Nguyễn dựng trên nền kiến trúc xưa.
Những kiến trúc được dựng ở thời Nguyễn do thuộc những làng phát đạt, nên quy mô khá lớn và rất lớn như đình Tam Tảo và đình Yên Đông ít nơi sánh kịp. Những kiến trúc ấy nói chung bộ khung thường dùng những bộ phận gỗ thon thả hơn trước, các hoành thường xẻ vuông, hay dùng cốn mê ván mỏng do đó trang trí chủ yếu chạm nổi, các bộ phận muốn nhô cao (như đầu rồng, lân, phượng) đều làm ngoài rồi nối chắp vào vẫn gây ấn tượng như chạm lộng mà không tốn gỗ. Đề tài bây giờ ở cả đình – đền – chùa thường thu vào các bộ Tứ linh (rồng, phượng, lân, rùa), Tứ quý (bốn mùa) hay bát bửu (tám vật quý), đôi khi theo tích truyện như cờ lau tập trận, cầu hiền, trích đoạn Tây du ký … Tất cả được diễn tả bằng những nét mảnh mai với nhiều chi tiết vun, gần với đồ mỹ nghệ, đòi hỏi một sự tinh khéo.
2. Tượng thờ
Nếu các giai đoạn trước, tượng thừ thường chỉ ở các chùa quán, hãn hữu mới có ở đền, thì sang Nguyễn tượng thờ ở các chùa được bổ sung, ở đền được tăng cường và đôi khi có cả ở đình nữa.
Trong chùa thờ Nguyễn, Phật, điện đông đúc hẳn lên. Các đề tài vốnddax ổn định từ trước, nay càng được khẳng định, như các bộ Tam Thế, Di Đà tam tôn, Hoa Nghiêm tam thánh … Hai tượng Tuyết Sơn và Di Lặc thời trước còn rất hiếm thì nay đã trở nên phổ biến và thường được bày thành một hàng ngang (chứ không như ở chùa Tây Phương thời Tây Sơn bày theo hàng dọc). Tượng Thích Ca sơ sinh bây giờ không chỉ làm pho tượng chính, còn làm thêm 9 con rồng chầu quanh để có tên mới là tượng Cửu Long, trên đó lại có rất nhiều tượng nhỏ bày thành một Phật điện hoàn chỉnh nhất nhưng lại cũng mang đậm tính mỹ nghệ hơn là mỹ thuật. Gắn với Thích Ca sơ sinh, ở hai bên có thêm hai tượng lớn Phạm Thiên và Đế Thích là những vị vua
Trời theo sát cuộc đời đức Phật để hoan hỷ và bảo trợ. Tượng Ngọc Hoàng còn thấy đã có từ thời Mạc, nhưng cũng thật hiếm hoi, thì đến thời Nguyễn được làm rất nhiều và có Nam Tào – Bắc Đẩu thành cả bộ đầy đủ. Tượng Quan Am tọa sơn giờ vẫn được làm thêm nhiều, song cải biến một chút thành tượng Quan Am tống tứ (tức Quan Âm Thị Kính) hầu như có ở mọi chùa. Từ bộ tượng Kim Cương các thời trước, thời Nguyễn một vài nơi vẫn tiếp tục , song từ đó gợi ý để các bộ Tứ Trấn và nhất là bộ Hộ Pháp Khuyến thiện – Trừng ác đứng hay ngồi đều rất lớn gần chạm mái nhà. Các tượng Đức Ông và Thánh Tăng cũng ở thời Nguyễn mới phổ biến và rất được coi trọng. Về chất liệu nhiều tượng vẫn làm bằng gỗ, nhưng có một số làm bằng đồng, đặc biệt những tượng lớn thường làm bằng đất (mà ở thời Lê trung hưng bị cấm). Nhiều tượng thời Nguyễn thường có khóa áo ở vai bên trái. Trong các đền xưa, các anh hùng thường chỉ được thờ bằng bài vị, thì nay nhiều nơi đã tạc tượng để thờ. Một loạt tượng ở đền Gióng (gồm đức thánh Gióng, các vũ nữ và các tướng lĩnh), đền Hai Bà Trưng, đền vua Đinh, đền vua Lê, đền đức Thánh Trần … đều được làm thêm ở thời Nguyễn. Với xu hướng hiện thực, các nghệ sĩ thời Nguyễn làm tượng thường lớn bằng người thực, còn gắn mắt kính và cắm râu làm bằng cước hoặc sợi đồng trông như thực. Thêm vào đó là những hình trang trí vụn vặt, những họa tiết rậm rối, những đường nét ẻo lả.
Trong các Phủ và điện Mẫu trong nhiều chùa, đến thời Nguyễn đặc biệt phát triển, có thể trong hoàn cảnh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX phải đề cao tín ngưỡng dân tộc để làm đối trọng với Thiên chúa giáo đang có nguy cơ bành trước, thì các bộ tượng Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ Phủ, rồi cả các bộ tượng Ông Hoàng, bà Chúa, các tượng Cậu, tượng Cô đều không thể thiếu, nhưng thường làm theo công thức, ít sáng tạo.
Tất cả các tượng thờ trên đây, do một lối quan niệm hiện thực là hiện trạng tự nhiên nên tượng ở thời Nguyễn thường “giống như thật”, làm cho tượng cứng theo công thức, rối như tự nhiên. Có chăng chỉ tượng các Tổ chùa ở thời Nguyễn rất phổ biến, xuất phát từ mẫu người thực nên yêu cầu “giống” làm cho tượng mang chất chân dung, có đặc điểm nhân dạng và cá tính nữa, lại khiến cho nhiều tượng rất sinh động.
3. Tranh cổ
Tranh thờ và tranh dân gian đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng do bị thời gian hủy hoại nên ít có bản cổ còn lại. Tranh thờ sớm nhất hiện còn có thể thuộc cuối thế kỷ XVIII, nhưng chắc chắn hơn là ở thế kỷ XIX. Nếu ở đền Độc Lôi (Nghệ An), có 14 bức, trong đó được nhắc nhiều là “Ngoại quốc đồ”, “Học hiệu đồ”m “Văn quan vinh quy đồ”, “Võ quan vinh quy đồ” … là những tranh truyện có nội dung, được diễn tả theo sách vở, gắn nhiều hơn với thời Lê trung hưng, thì các bộ tranh Thập điện Diêm Vương có ở một số chùa, vẽ riêng mỗi điện thành một bức trên giấy, vải, hay vẽ gốp 5 điện vào một bức trên ván gỗ lại có nhiều khả năng thuộc thời Nguyễn, được vẽ theo lối đồng hiện vừa cảnh Diêm Vương cùng phán quan xét công luận tội ở phía trên, vừa cảnh các tội nhân bị quỷ sứ tra tấn dã man ở dưới. Các nhân vật được diễn tả theo quan hệ xã hội chứ không theo khoảng cách xa gần, người có vai vế dược vẽ to và ở chính giữa, ở phía trên, sau đó nhỏ dần, chuyển sang hai bên, các tội nhân ở dưới cùng và bé tí. Một số tranh Phật, tranh Bồ tát cũng được vẽ, có lẽ dùng để thờ thay tượng ở các điện hoặc chùa nhỏ hẹp mang tính tư nhân.
Được vẽ trên ván cũng còn ở đôi nơi, trong đó thường nhắc đến bộ Bát tiên ở đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) gồm 2 bức, mỗi bức 8 cô đang đứng trên mây biểu diễn các nhạc cụ khác nhau, dàn ra hàng ngang, song hành, không che khuất nhau, có thể liên tưởng đến tranh Tố nữ của Hàng Trống.
Mỹ thuật thời Nguyễn là mỹ thuật của giai đoạn cuối mùa quân chủ, từng có lúc bị bỏ qua và bỏ quên. Nhưng nghệ thuật cung đình Việt Nam chỉ đến thời Nguyễn, và chỉ ở Huế mới còn, là tinh hoa sáng tạo của trí tuệ một thời. Là cung đình nhưng không xã dân, có ảnh hưởng phương Bắc nhưng đã dân tộc hóa, lại đi lên từ vốn truyền thống dân gian, để mang vẽ đẹp Việt Nam đích thực. Trong khi đó, ở các làng quê, dòng dân gian đã có sức sống vẫn cứ tồn tại và phát triển, tiếp tục xây dựng diện mạo văn hóa truyền thống, không sắc sảo như giai đoạn trước, nhưng bình dị và do đó càng bình dân.
Chương XI
MỸ THUẬT THỜI PHÁP THUỘC (1885- 1945)I. Hoàn cảnh xã hội I. Hoàn cảnh xã hội
Nhà Nguyễn được thành lập đúng vào lúc chủ nghĩa tư bản phương Tây đang tích cực tìm kiếm thị trường sang phương Đông. Nguyễn Anh trong lúc bộ ba định khôi phục nghiệp Chúa đã bị khởi nghĩa nông dân Tây Sơn quật đổ, đã nhờ giám mục Bá Đa Lộc làm điện diện ký với chính phủ Pháp bản Điều ước xin viện binh và sẽ cắt nhượng một số đất đai. Do chính phủ Pháp đang gặp kho khăn nên Điều uơcs không được thi hành. Bá Đa Lộc bằng con đường cá nhân đã vận động được một tiềm lực quân sự quan trọng giúp Nguyễn Anh. Vì thế sau khi thắng Tây Sơn, Gia Long đã có những ưu đãi nhất định với người Pháp và các giáo sĩ. Năm 1817 Pháp đòi thi hành điều ước Bá Đa Lộc ký năm 1787 nhượng Đà Nẵng và Côn Đảo cho chúng, Gia Long cự tuyệt và cảnh giác với Pháp nhưng ứng xử mềm dẻo, chờ người nối nghiệp sẽ cứng rắn. Do đó khi lâm chung Gia Long không chọn cháu đích tôn thân Pháp, mà chọn con thứ là hoàng tử Đảm kế vị. Minh Mạng lên ngôi bèn cấm đạo Thiên chúa và từ chối buôn bán với Pháp, tạo nên sự ngăn cách dứt khoát với phương Tây. Cho đến những năm cuối đời, do những biến động lớn ở Trung Quốc, Minh Mạng bắt đầu muốn tìm hiểu về phương Tây, cử tàu đi Pháp và Anh giao dịch buôn bán và tìm hiểu tài lực của họ, nhưng bị cả hai chính phủ Pháp và Anh từ chối. Trong khi đó một bộ phận giáo sĩ thừa sai và thương nhân luôn tìm cách thục giục chính phủ Pháp xâm chiếm Việt Nam để họ được tự do truyền đạo và buôn bán. Tiếp theo, Thiệu Trị rồi Tự Đức vẫn kế tiếp nhau trị vì một đất nước đóng kín, vả lại xã hội Việt Nam lúc này chưa có đủ những nhân tố bên trọng để đón nhận những tiến bộ kỹ thuật và văn minh phương Tây nhằm cải cách đất nước. Ngay cả khi có những điều trần của một số người Việt cấp tiến, dù Tự Đức có để mắt đến vẫn cứ bị triều đình bác bỏ, vì triều thần và sĩ phu vẫn tuân thủ đến mức giáo điều học thuyết Khổng Mạnh.
Đến đời Tự Đức thời cơ đổi mới thật ra cũng không còn. Y đồ xúc tiến cuộc can thiệp của thực dân Pháp đã được xác định rõ ràng và cuối năm 1858 chính thức mở màn bằng tiếng súng tấn công vào Đà Nẵng. Năm sau 1859 chúng chuyển vào Nam chiếm Gia ĐỊnh và dần mở rộng ra toàn miền: năm 1862 triều đình phải ký nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Bộ (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường) cho Pháp, thừa nhận Pháp được tự do thông thương, tự do truyền đạo và nhận bồi thường chiến phí. Năm 1867 ba tỉnh miền Tây Nam Bộ mất nốt vào tay giặc, Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử. Năm 1873, thực dân Pháp mở rộng địa bàn xâm lược ra Bắc, chúng chiếm đánh Hà Nội lần thứ nhất, Nguyễn Tri Phương tuyệt thực chết. Năm 1882, Hà Nội lại bị đánh chiếm và thất thủ lần thứ hai, Hoàng Diệu thắt cổ tuẫn tiết. Năm 1885 giặc Pháp chiếm kinh đô Huế, hoàn thành cuộc xâm lược Việt Nam. Triều đình Huế đầu hàng giặc và liên tục ra lệnh giải giáp, nhưng nhiều sĩ phu đã đi với nhân dân nổi dậy, chuyển từ đấu tranh chống phong kiến sang đấu tranh giải phóng dân tộc, cuộc trước bị đàn áp, cuộc sau lại nổ ra, cứ thế cho đến khi cách mạng tháng Tám 1945 lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, cũng kết thúc 60 năm bù nhìn (1885 – 1945) của triều Nguyễn.
Dù thế nào thì sau hơn 25 năm mở rộng diện xâm chiếm ra cả nước và 60 năm thống trị nước ta, thực dân Pháp đã chi phối mọi hoạt động chính trị – kinh tế – văn hóa của xã hội Việt Nam, cuốn nó vào vòng xoát của chủ nghĩa tư bản dưới dạng nửa phong kiến nửa thuộc địa. Nhân danh mang ánh sáng “Văn minh” đến “khai hóa” thực dân Pháp khai thác kiệt quệ về kinh tế, cưỡng bức văn hóa, phá hoại cơ tầng xã hội truyền thống. Từ đây, ở các trung tâm văn hóa chính trị, với sự điều hành của chính quyền thực dân mỹ thuật chuyển sang giai đoạn mới và chịu ảnh hưởng trực tiếp của phương Tây, song ở các làng quê mỹ thuật truyền thống cơ bản vẫn phát triển theo con đường cũ.