IV MẤY DẠNG CÔNG TRÌNH KHÁC CỦA NHÀ NƯỚC VÀ QUÝ TỘC
MỸ THUẬT THỜI TÂY SƠN (1788 1802) I Hoàn cảnh xã hộ
I. Hoàn cảnh xã hội
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra năm 1771, sau khi lật đổ chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, năm 1778 Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thái Đức, chính thức mở ra triều đại mới: Tây Sơn. Năm 1785 Nguyễn Anh đưa 5 vạn quân Xiêm vào xâm lược, bị Nguyễn Huệ một trận quét sạch. Năm 1786 Nguyễn tiến quân ra Bắc đã lật đổ chúa Trịnh nhưng vẫn duy trì chính quyền của vua Lê. Cuối năm 1787, tướng của Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc. Trên thực tế việc điều hành đất nước đã thuộc về nhà Tây Sơn. Cho đến cuối năm 1788 khi quân Thanh tiến vào xâm lược nước ta – để chính danh tổ chức cuộc kháng chiến, Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Quang Trung, chính thức tiến quân ra Bắc, chỉ 5 ngày vào trận đã nhanh chóng tiêu diệt 29 vạn quân Thanh. Sau thắng lợi xuân Kỷ Dậu (1789) ấy, vua Quang Trung trực tiếp điều hành chính quyền từ Quảng Nam ra Bắc, và do đó trong sự nối tiếp của các triều đại Việt Nam, nhà Tây Sơn thường được tính từ năm 1788, kéo dài 14 năm đến giữa năm 1802 thì bị nhà Nguyễn thay thế.
Trong nội tình anh em Tây Sơn thì ngay từ năm 1787 Nguyễn Lữ đã bị đánh bật ra khỏi Gia Định chạy về Quy Nhơn với Nguyễn Nhạc. Vua Thái Đức thì chỉ “ham vui chơi, cầu yên tạm bợ”, “tự giáng mình làm Tây chúa”, năm 1793 bị Nguyễn Anh vây hãm phải nhờ Quang Toản giải vây, nhưng Quang Toản thắng rồi thì chiếm luôn thành trì, Thái Đức uất chết, tất cả nhập vào vùng đất của Quang Toản.
Những biến động của đất nước trong thời kỳ Tây Sơn chính là những biến động trên vùng lãnh thổ của vua Quang Trung và nối tiếp là Quang Toản. Chính quyền của nhà Tây Sơn ngoài những vị tướng đi lên từ cuộc khởi nghĩa và những người thân thuộc của nhà vua, còn có một số sĩ phu Bắc Hà vốn là cực thần nhà Lê, nhưng yêu nước một cách thức thời. Quân đội vốn có truyền thống đánh đâu thắng đấy, giờ được kiện toàn với 5 binh chủng (thủy – bộ – tượng – kỵ – pháo binh), được trang bị đầy đủ. Nhân dân được quản đến từng người.
Những năm 1788 – 1789 từ Nghệ An ra Bắc dân tình đói kém, bị phiêu dạt. Năm 1789 vua Quang Trung ra chiếu Khuyến Nông bắt dân lưu tán phải về quê nhận ruộng canh tác, cấm bỏ đất hoang. Nhờ đó mùa màng trở lại phong đăng, xã hội được thái bình. Nhà nước cũng khuyến khích thủ công nghiệp, tổ chức buôn bán trong nước và với nước ngoài. Các loại thuế khóa được tính lại hợp lý, đúc tiền mới để dân có cái tiêu dùng. Nhà nước tôn sùng Nho giáo, đồng thời cởi mở với các tôn giáo khác. Vua Quang Trung đặc biệt đề cao chữ Nôm, bắt tất cả các văn bản chính thức đều phải viết bằng chữ Nôm, đưa chữ Nôm vào giáo dục và khoa cử. Lệnh cho các xã mở trường, một số chùa cũng là trường học. Lập Viện Sùng chính để dịch các sách của Trung Quốc phục vụ cho giáo dục.
Về đối ngoại, ngay khi tổ chức chiến dịch đánh quân Thanh, vua Quang Trung nghĩ đến việc mau chóng xây dựng quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh. Nguyên tắc tự tôn dân tộc phải giữ vững, song phương pháp ngoại giao rất linh hoạt đã đạt hiệu quả cao, được nhà Thanh trọng nể, mở rộng giao lưu các mặt. Với các nước láng giềng khác cũng có quan hệ tốt.
Trong 4 năm trị vì, vua Quang Trung đã vực dạy được đất nước đang suy thoái đến kiệt quệ. Nhưng cuối năm 1792 vua Quang Trung mất đột ngột, Quang Toản được tiếp nhận những thành quả cải cách xã hội của cha, những năm đầu miền Bắc ở vào buổi “thịnh thời”, nhân dân no đủ, nghệ sĩ phát huy tài khéo đã sáng tạo được những công trình tuyệt vời. Nhưng nội tình Tây Sơn lục đục trở nên suy yếu, trong khi đó Nguyễn Anh ráo riết nắm Nam Bộ, tăng cường quân lực, và cuộc tranh chấp giữa hai tập đoàn quý tộc Quang Toản – Nguyễn Anh đã nhanh chóng kết thúc với sự thắng lợi thuộc về Nguyễn Anh vào năm 1802.
II. Kiến trúc
1. Kinh thành Phú Xuân
Năm 1785 sau khi nhanh chóng thắng 5 vạn quân Xiêm, nghĩa quân Tây Sơn thừa thắng quay ra chiếm Phú Xuân, năm 1786 Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, nhanh chóng ổn định chính
quyền vua Lê ở Thăng Long rồi trở lại Phú Xuân. Từ đây Phú Xuân đã trở thành trung tâm chính trị của Tây Sơn – Nguyễn Huệ, rồi thành kinh đô của vương triều Tây Sơn.
Trước đó, Phú Xuân có hơn mười năm bị quân Trịnh chiếm, nhưng cơ bản vẫn là Phú Xuân – thủ phủ Đàng Trong của chúa Nguyễn được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII. Vì thế về quy hoạch và quy mô của kinh thành Phú Xuân là trên cơ sở dinh trấn Phú Xuân mà Lê Quý Đôn đã xác nhận trong Phủ biên tạp lục: nơi đây thu nước bốn đầm lớn mà nắm bốn cửa biển, có năm lần hồ thủy (nước ở bên hữu) ôm đằng trước, có ba lần long sa (cát ở bên tả) ngăn bên trái, đất bằng rộng hơn 10 dặm, ở trong là Chính dinh đất cao, bốn bề đều thấp, ngôi vị càn (tây bắc) trông hướng tốn (đông nam), dựa ngang sống đất, trông xuống bên sông, đằng trước là quân sơn chầu về la liệt, toàn thu nước ở bên hữu, vật lực thịnh giàu.
Cơ sở địa – văn hóa ấy của Phú Xuân dễ gợi sự xác định vị trí địa linh của thành Đại La để vua Lý Thái Tông xây dựng kinh đô Thăng Long. Ở đó, các chúa Nguyễn đã xây nhiều phủ, điện có “mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ, … chạm khắc vẽ vời, khéo đẹp cùng cực … Vườn sau thì núi giả đá quý, ao vuông quanh hồ, cầu vồng thủy tạ, tường trong tường ngoài được gắn sành sứ thành các hình rồng – phượng – lân – hổ và cỏ hoa”. Mở rộng ra khu dân cư, hai bên sông Phú Xuân và sông Phú Cam là các nhà vườn phố chợ liền nhau, đường đi ở giữa, cây to bóng mát thành hàng, thuyền đồ như mắc cửi. Đan xen có nhiều chùa công là những đại danh lam.
Khi quân Trịnh chiếm Phú Xuân có thu phá những đồ đồng, loại vừa và nhỏ, vẫn giữ nguyên những đồ đồng lớn và các công trình kiến trúc cũ. Thành tựu trên cũng là bộ mặt của kinh thành Phú Xuân thời Tây Sơn, hẳn có xây dựng thêm một số nữa. Những di tích và di vật thời các chùa Nguyễn còn đến nay ở Huế như chùa Thiên Mụ, như 11 chiếc vạc đồng, chứng tỏ đã được triều Tây Sơn tôn trọng và giữ gìn.
Nguyễn Thế Lịch trong khi ra vào cung điện ở Phú Xuân để triều kiến vua Quang Trung, ông thấy có bộ tranh 8 bức liên hoàn vẽ 100 em bé để trang hoàng cung điện, đã vâng mệnh làm 8 bài thơ Nôn để đề vào 8 bức tranh:
- Bức 1: vẽ bầy trẻ vui hát múa điệu rồng bay - Bức 2: vẽ bầy trẻ vui hát múa điệu kỳ lân - Bức 3: vẽ bầy trẻ múa hát và hai em xem sách - Bức 4: vẽ cảnh đào đất đắp tường và lội ao hái sen - Bức 5: vẽ mai, chim, trúc, đá, đánh cờ và xem cá lội - Bức 6: vẽ dưới thông gảy đàn, bên mai đốt pháo
- Bức 7: vẽ trên nhà xem sách, dưới sân cưỡi ngựa bắn cung - Bức 8: vẽ cảnh ngâm thơ đề vách, chọi gà bắn côn
Như vậy, những bức tranh này đều hướng đến cuộc sống hiện thực trong xã hội, là những em bé – chủ nhân tương lai của đất nước, là phong cảnh xứ sở, là những hoạt động thi thư và thượng võ.
Mở rộng ra vùng ngoại vi Huế, chùa làng La Chữ (Hương Trà) còn giữ được quả chuông do vợ chồng Đại Tư đồ Vũ Văn Dũng cùng bố mẹ vợ công đức, đúc năm Tân Hợi – 1791, cao 126cm, dáng giống chuông truyền thống ở ngoài Bắc, song có một số sáng tạo mới. Tên chuông là 4 chữ Xuân – Hạ – Thu – Đông chỉ 4 mùa trong năm, mỗi chữ lại kẹp giữa hai hình trong bộ Bát bảo, quanh bụng chuông đúc nổi các hình hợp thành bát bộ Kim Cương mang vũ khí phần thân gần miệng đúc nổi các con vật trong bộ Tứ Linh văn chuông là bài kệ 4 câu 6 chữ và câu thần chú niệm ba lần.
Rất tiếc khi nhà Nguyễn xây dựng kinh đô Huế đã phá thành Phú Xuân để cải tạo địa thế theo quy hoạch mới, nên ngày nay biết rất ít về kinh đô của triều Tây Sơn. Di vật nghệ thuật của Tây Sơn sáng tạp ở quanh Huế cũng thật hãn hữu.
2. Kiến trúc tôn giáo
Trên đất Bắc hà, cho tới cuối thời Lê Trung Hưng, bộ mặt văn hóa làng quê đã ổn định. Sang thời Tây Sơn chịu sự bổ sung, sửa chữa, nếu cần thì làm mới lại. Nhưng thời gian ổn định để làm văn hóa ở thời Tây Sơn quá ngắn, những năm đầu của thời Quang Trung thì hậu quả của sự suy thoái chưa được khắc phục ngay, những năm cuối của đời Quang Toản thì nhà Tây Sơn
không còn sinh khí, do đó di tích nhân dân ta sáng tạo được trong thời Tây Sơn không nhiều, những thăng trầm xã hội sau đó lại nặng nề nên còn lại không là bao.
Tuy thế, một số di tích có niên đại tuyệt đối Tây Sơn đã được phát hiện cũng cho ta nhận dạng được kiến trúc đương thời: chùa Kim Liên (Hà Nội) – 1792, chùa Tây Phương (Hà Tây) – 1794, đền Vua Bà (Nghệ An) – 1798, đình Niền Xá (Bắc Ninh) – 1800, đình Phong Cốc (Quảng Ninh) – 1800 …
- Điều lý thú là chùa Kim Liên và chùa Tây Phương vốn đã có từ trước, nhưng qua chiến tranh bị hư hỏng nặng, đầu thập niên 90 của thế kỷ XVIII phải dựng lại hoàn toàn, trước sau nhau 2 năm, ở hai nơi cách nhau chừng 40 km nhưng lại rất giống nhau (trừ những sửa chữa, bổ sung và thay đổi ở các thời sau).
Chùa Kim Liên dựng trên một gò nổi ven hồ Tây, chùa Tây Phương lại dựng trên đỉnh núi đất Tây Phương cao chừng 50m, đều không xây tường bao quanh khuôn viên mà dùng vườn cây, vườn cảnh để hòa nhập vào môi trường mà trải ra vô hạn, khác với kiểu chùa “trăm gian” nội Công ngoại Quốc ở giai đoạn trước có sự vây bọc đóng kín.
Chùa Kim Liên còn giữ được Tam quan dựng cùng thời với các tòa chùa của khu Tam bảo, là kiểu kiến trúc độc đáo duy nhất ở Việt Nam: dàn ra ba cửa, cửa giữa cao rộng hơn hai cửa bên, tất cả đều chỉ có một hàng cột, toàn bộ sức nặng truyền xuống đất chỉ thông qua có 4 cột dựng trên một đường thẳng, thế mà ngang nhiên đứng vững trong nhiều cuộc đối đầu với gió bão. Các vì đỡ nóc là những con đường chồng đè xuyên qua cột được trang trí rồng mây, cả tầng trên của cổng giữa và tầng dưới của hai cổng bên đều có bốn mái tỏa về bốn phía, và do đó có tám hoa đai uốn cong bốc lên xum xuê, bay bổng. Đây là một thành công lớn cả trong tính toán kỹ thuật và trong sáng tạo nghệ thuật.
Khu Tam bảo hai chùa đều rất giống nhau, đều gồm ba tòa nhà song hành theo kiểu chữ Tam ( ) là sáng tạo của thời Tây Sơn, nhưng xung quanh xây tường và lắp cảnh cửa bao lại theo chữ Công (I) là kiểu truyền thống vốn đã phổ biến từ thế kỷ XV, do đó cả khi những cánh cửa khép lại, tổng thể đóng kín theo chiều ngang nhưng vẫn mở theo chiều dọc, luôn đón được nắng gió làm cho nội thất được chiếu sáng và thông thoáng. Khoảng sân chùa Kim Liên hẹp, còn ở chùa tây Phương đủ rộng để xây bể nước vừa làm gương hắt sáng, vừa đảm bảo trong chùa luôn có ôn độ cần thiết.
Cả ba tòa chùa đều dựng theo lối chồng diêm với hai tầng mái xòe ra bốn xung quanh, tất cả có 24 lá mái và 24 hoa đao, cứ trùng điệp nhấp nhô, lặp lại mà như đổi mới. Phần cổ diêm lắp ván nên cơ động, nhìn bên ngoài như nhà hai tầng (kiểu gác chuông), song nội thất thống nhất một khối từ nền đến nóc tạo không gian thuận lợi cho việc bày tượng. Phần thân chùa, trừ phía trước ba gian lắp cánh cửa, phần còn lại xây tường gạch Bát Tràng nung già, mạch dày, để mộc như mảng kẻ ngang trang trí, trong đó giữa mỗi mảng tường lại trổ cửa tròn “sắc – không” gồm nhiều vòng tròn đồng tâm nửa đặc nửa rỗng đan xen, tạo mối quan hệ vuông – tròn đối đãi và cũng là cách lưu thông không khí trong ngoài.
Vào bên trong, bộ khung chùa gồm những thành phần vừa phải ưa nhìn, gắn bó nhau bằng mộng mẹo xít xao, chủ yếu bào trơn đóng bén, xoi gờ chạy chỉ, nhưng vẫn dành tỷ lệ cần thiết để trang trí ở các mặt bẩy, đầu giường và nhất là ván nong xà hạ. Hai tòa chùa trước và sau giống nhau về đề tài trang trí chủ yếu là loại lá nhiều thuỳ như lá ngô đồng, đu đủ hay thầu dầu; còn tòa chùa giữa ngắn hơn (1 gian 2 dĩ) nhưng lại rộng hơn và cao hơn thì trang trí cũng khác gồm hổ phù, rồng, phượng. Các đấu kê cột và đội giường đều làm thành đóa sen nở rộ, các dép đỡ hoành đều làm như con thuyền.
Kỹ thuật chạm nổi vừa phải, đường nét uốn lượng tươi mát, hình rõ ràng, nền thoáng … tất cả tạo cảm giác thanh thản, trang nhã khác với sự cứng cỏi trước nó và sự vụn rối ở giai đoạn sau nó.
Bên cạnh chùa còn có đền và đình. Rất tiếc đền vua Bà đã bị bom Mỹ phá sập. Đình Niềm Xá và đình Phong Cốc không phải dựng mới mà sửa ở thời Tây Sơn. Đình Phong Cốc vốn có từ thế kỷ XVII, thời Tây Sơn sửa và kéo dài phần thờ Thành hoàng ở gian giữa thành chuôi vồ làm Hậu cung. Phần Đại đình này ở thời Lê Trung Hưng và thời Tây Sơn còn thông thoáng, nhìn thẳng xuống bãi rộng. Nhưng năm 1806 nhân dân mua thêm ngôi đình to lớn từ nơi khác về, dựng ở phía trước làm Tiền tế đã che chắn mất công trình của thời trước.
III. ĐIÊU KHẮC
Nổi trội lên trong điêu khắc thời Tây Sơn là tượng tròn, tuy không ghi niên đại trực tiếp lên tượng hay bệ, bia cũng không nói thẳng đến việc làm tượng, song về phong cách nó khác hẳn tượng các thời khác có niên đại rõ ràng, phù hợp với đường nét hoa văn trang trí kiến trúc kể trên, và đặc biệt phù hợp với tinh thần xã hội rạng rỡ của thời Tây Sơn.
Bằng các phương pháp so sánh và loại trừ, các nhà nghiên cứu đã xác định được phần lớn các tượng thờ ở chùa tây Phương là thuộc về thời tây Sơn: 18 vị Tổ kế đăng, 8 vị Kim Cương, thái tử Vi Đà, bộ tượng Di Đà tam tôn (A Di Đà và hai Bồ tát Quan Thế Am, Đại thế Chí), Di Lặc tam tôn (Di Lặc và hai Bồ tát Pháp Hoa Lâm, Đại Diệu Tường), Tuyết Sơn. Lấy những tượng trên làm chuẩn, có thể tin bộ tượng 8 vị Kim Cương chùa Ninh Hiệp (Hà Nội), bộ tượng Hộ Pháp và hai Tổ đầu Ca Diệp và A Nan Đà chùa Phúc Khánh (Hà Nội), tượng chân dung đô đốc Đặng Tiến Đông và bốn người nhà của ông ở chùa Trăm gian (Hà Tây), tượng Trấn Vũ ở đền Cự Linh (Hà Nội) … cũng thuộc thời Tây Sơn. Như vậy tượng thờ thời Tây Sơn không quá ít, có đủ các loại tượng Phật, tượng Bồ tát, tượng Tổ kế đăng, tượng Kim Cương, tượng Thánh, tượng chân dung. Về phẩm chất nghệ thuật, nổi trội lên là tượng chùa Tây Phương.
- Tuyết Sơn là thái tử Thích Ca Mầu Ni rời bỏ kinh thành lên núi cao có tuyết phủ để tu hành khổ hạnh, chỉ ăn uống cầm hơi, quên thân mình, tập trung suy tư. Với lối tu ép xác, ngài quên mình, xả thân vì nhân quần xã hội, song không thành đạt. Đến thế kỷ XVII đã có tượng Tuyết Sơn chùa Bút Tháp, nhưng đến chùa Tây Phương, Tuyết Sơn được diễn tả theo lối khác,