1. Kiến trúc
Mô hình đình làng đã hoàn chỉnh ở thời Mạc, nhưng sang thế kỷ XVII ở thời gian trước và trong chiến tranh Trịnh - Nguyễn, trong khi chùa lớn gắn với quý tộc rất phát triển thì đình làng lại vắng bóng. Có thể do tài lực của dân làng bị động viên tối đa nên dân lâng không đủ sức xây dựng đình riêng của mình nữa, thêm vào đó do bị cuốn hút vào chùa nên cũng ít có nhu cầu dựng đình. Nhưng vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, nhất là sau khi đất nước trở lại hòa bình, đời sống nhân dân khấm khá dần, nhiều nơi đã dấy lên phong trào dựng đình. Đình làng hoàn toàn dựng bằng kinh phí của dân làng, thực sự biểu hiện bộ mặt văn hóa nghệ thuật làng quê .
Ngày nay nhiều ngôi đình còn ghi rõ niên đại cuối thế kỷ XVII : đình Công Đình (Hà Nội) - 1669, đình Cổ Mễ (Bắc Ninh) - 1681, đình thôn Hạ (Hà Nội) - 1685, đình Thổ Hà (Bắc Giang) - 1686, đình phù Lão (Bắc Giang) - 1688, đình Diềm (Bắc Ninh) - 1692, đình Thắng (Bắc Giang) - 1694... Lấy tiêu chí kiến trúc và nhất là điêu khắc trang trí ở những đình nảy, chúng ta có thể xác định được niên đại tương đối cuối thế kỷ XVII cho nhiều đình ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, như đình Chu Quyến, đình Liên Hiệp, đình Hoàng Xá đình Phùng, đình Kim Hoàng ở Hà Tây ; đình Xổm ở Phú Thọ ; đình Ngọc Canh ở Vĩnh Phúc ; đình Hương Lộc ở Nam Định ; đình Chảy ở Hà Nam... Những loạt đình của thời gian này về mặt kiến trúc cơ bản vẫn theo như đình thời Mạc. Một số đình mặt bằng vẫn giữ nguyên hình chữ Nhất cho đến nay (như đình Chu Quyển, đình Cổ Mễ...).
Một số khác về sau đã xây thêm hậu cung nối vào phía sau, phần lớn vì chia gian được xác định có 6 cột ngay từ đầu. Càng ngay từ đầu đã có sàn nên mái đình được nâng cao hơn, khoảng cách giữa các cột (cũng tức là các khoảng hoành) có tỷ lệ hợp lý nhìn bằng mắt thường gần với con số “tỷ lệ vàng : 1,618" rất thuận mắt. Sang thế kỷ XVIII đời sống xã hội sa sút nhanh, dân làng ít có khả năng dựng đình, số đình còn lại đến ngày nay khá thưa thớt: đình
Nhân Lý (Hải Dương) - 1709, đình Trung (Ninh Bình) - 1709, đình Hồi Quan (Bắc Ninh) - 1715, đình Ngọc Than (Hà Tây) - 1716 và sau đình Đình Bảng (Bắc Ninh) - 1736 thì ở Bắc Bộ tạm ngưng lại phong trào dựng đình, để sau đó chuyển dần xuống miền Trung với đình Hoành Sơn 1763, đình Trung Cần 1781 đều ở Nghệ An. Những đình giờ đây cơ bản vẫn như ở cuối thế kỷ trước, đôi khi có xu hướng to lớn vượt lên (như đình Đình Bảng), về bộ khung gỗ cũng chắc chắn hơn mà lại gọn gàng, song về nghệ thuật điêu khắc có phần đơn giản hoá, mất dần những hoạt cảnh của người. Ở Bắc Bộ cho đến đình Đình Bảng chỉ còn rồng, phượng, lân, ngựa. Ở xa trung ương thì sự chuyển biến có chậm hơn, đình Hoành Sơn và Trung Cần vẫn còn hoạt cảnh của người, song thường gắn với điển tích hơn là ngẫu hứng.
Đình làng của thời Lê trung hưng là một "sự kiện văn hóa - nghệ thuật", biểu hiện đời sống xung túc và trình độ thẩm mỹ cao của dân làng, cũng thể hiện tính cộng đồng cố kết trên địa bàn quần cư của người nông dân, là niềm tự hào của người dân lảng xã - nhất là khi họ đi xa thì quê hương chính là "cây đa - bến nước - mái đình". Bộ mái ấy đồ sộ như con thuyền hay lưỡi búa khổng lồ chém xuống vì thế dân gian đều kiêng làm nhà tư ở góc ao đao đình. Tuy nhiên nó không nặng nề nhờ những đường cong nhẹ ở mép mái, nhờ những đao hoa ở góc, những con xô, con kìm trên đường giải, đường bờ nóc. Đình luôn có hàng hiên rộng làm không gian đệm cho thời tiết bên ngoài ít ảnh hưởng đến trong lòng đình. Đình có sàn vừa đảm bảo sự khô thoáng, vừa trải chiếu ngồi có phần dân chủ hòa đồng. Đó là không gian thiêng tế lễ, cũng là không gian văn hóa mở hội.
2. Điêu khắc
Điêu khắc đình làng không có những tượng thờ như ở chùa (trừ trường hợp cá biệt có tượng thờ nhưng được đưa vào rất muộn ở thế kỷ XX), cũng rất hiếm tượng độc lập có thể di chuyển mà một số đình thường gắn ở đầu xà nhô ra khỏi cột, mà cơ bản là chạm khắc trang trí nội thất : có thể ở tai cột, ở mặt bên của một số xà và bẩy, nhưng phần nhiều là ở những bức cồn có diện rộng, ở những ván nong dọc theo xà.
Lấy gian giữa làm tâm điểm quan sát ra xung quanh, những diện phầng rộng dễ đập vào mắt người xem thường được nghệ sĩ dựng đình khoác lên bộ cánh điêu khắc với các kỹ thuật chạm khác nhau, trong đó cơ bản là chạm bong kênh tạo độ nổi cao vênh và nhất là chạm lộng luồn lách với nhiều lớp hình trong ngoài ánh sáng tự nhiên phản quang hắt lên hay ánh sáng đèn nền đều thuộc loại ánh sáng nhẹ khi tác động đến mảng chạm đọng lại chỗ đậm chỗ nhạt làm cho cả hình đặc và hình rỗng như âm - dương đối đãi tôn nhau lên. Những hình chạm ở cuối thế kỷ XVII ít khi gọt rũa, thường để nguyên những nhát chạm phạt còn thô nhám với mảng miếng rõ ràng, gân guốc, vừa dứt khoát vừa khoẻ chắc. Các đường hướng chuyển động của hình - nhất là những tia mây lửa song hành, càng làm cho nó trôi chảy, và khi có các đường hướng phụ họa thường vuông góc, tạo cảm giác chắc chắn.
Về đề tài điêu khắc trang trí đình làng cuối thế kỷ XVII được tập trung vào hoạt cảnh con người, đôi khi có đan xen các con thú bình dị, còn rồng phượng chỉ làm nền – thậm chí làm phương tiện cho con người hoạt động. Những hình khác nhau được dàn ra trên cùng một bức cồn, một chiếc kê, một đoạn ván... chúng không che khuất nhau, cùng xuất hiện theo bố cục gọi là "đồng hiện”, có tỷ lệ xấp xỉ nhau không phụ thuộc vào khoảng cách xa gần, phần nào nói lên tinh thần dân chủ làng xã.
Trong nhịp sống đời thường có lao động, có vui chơi. Lao động thì bao giờ cũng vất vả, cuộc sống thực đã thế, cuộc sống nghệ thuật phải hướng vào sự thoải mái, do đó rất hãn hữu mới gặp cảnh lao động vất vả. Nếu ở đình làng Tây Đằng thời Mạc đã có cảnh bổ củi, cày voi, gánh con... thì loạt đình cuối thế kỷ XVII dường như chỉ có cảnh đi cày ở đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc) . Cảnh săn bắt, săn bắn hổ có thể gọi là cảnh lao động của giới thợ săn, nhưng cũng có thể coi là một hoạt động thể thao với tinh thần thượng võ, như câu ca ở vùng xứ Thanh : "Trai Thổ Sơn ăn cơm với củ, mà lên rừng bắt hổ về chơi”. Hoạt cảnh theo chủ đề này gặp ở nhiều đình dưới các dạng : săn bắt hổ, đấu hổ, cưỡi hổ, bắn hổ. Tất cả trước hết nhằm ca ngợi sức mạnh và trí khôn con người, nhờ đó thắng cả mãnh thú.
Hoạt động thể thao mang tinh thần thượng võ thực sự là các cảnh đấu vật đấu võ múa khiên, đua ngựa đấu giáo . . . được thể hiện ở rất nhiều đình khác nhau, cảnh nào cũng quyết liệt võ sĩ luôn đấu hết mình, không hề cay cú ăn thua.
Hoạt động đấu vật được thể hiện ở nhiều giai đoạn khác nhau của trận đấu, cả khi "túc lìa địa” hay "lấm lưng trắng bụng” vẫn cười. Nhẹ nhàng là cảnh thi đá cấu nhưng "trọng tài" lại là con hổ (đình Thổ Tang) . Cảnh chọi gà có khi chỉ cần một vế chủ ôm gà, nhưng con gà cứ muốn nhoài ra lao vào đấu thủ. Thể thao tập thể là cảnh đua thuyền, có cả
chèo đứng và chèo ngồi, trong đó bức đua thuyền ở đình Cam Đà (Hà Tây) dùng kỹ thuật các khối nhám nổi trên nền thủng để nhờ kỹ xảo ánh sáng tạo các mảng đen trắng gây ấn tượng có sự chuyển động vun vút.
Cung nhiều cảnh vui như chuốc rượu, xem chèo, đặc biệt là múa hát có ở nhiều nơi. Các cô gái múa có khi cưỡi rồng, cưỡi phượng như bay trên không trung, cánh tay thon tròn với bàn tay uốn cong hết độ, rất gần với nghệ thuật múa chèo.
Một mảng đề tài có phần đối đầu với lễ giáo phong kiến là quan hệ trai gái. Đơn giản là cảnh ngồi tình tự như ở đình Hương Lộc (Nam Định), vui nhộn hơn là các chàng trai trêu ghẹo các cô gái tắm truồng như ở đình Đông Viên (Hà Tây), và cả cảnh ân ái vụng trộm (đình Nội - Bắc Ninh) hay công khai với nhiều cặp (đình Phù Lão - Bắc Giang), mà càng ở đất Kinh Bắc nho nhã càng được đẩy lên đỉnh cao.