MẤY VÙNG SẢN XUẤT TRANH DÂN GIAN

Một phần của tài liệu Lịch sử mỹ thuật Việt Nam (Trang 79 - 81)

Tranh dân gian thuộc về bình dân nên có trong cả nước, nhưng nó là sản phẩm nghệ thuật nên chỉ có thể ra đời ở những vùng văn hóa phát triển mà quê gốc của nó là một số trung tâm, được tập trung ở miền Bắc quanh kinh thành Thăng Long.

Tranh Đông Hồ được sản xuất lẻ tẻ ở một số tỉnh như Hà Nội , Hà Tây, Vĩnh phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An... nhưng truy về gốc đều do người Đông Hồ di cư mang theo nghề đến nơi mới. Nơi sản xuất tập trung là làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Đây là một làng nhỏ nằm ven sông đóng và trên đường giao thông nối xứ Bắc (Bắc Ninh) với xứ Đông (Hải Dương), chỉ cách Hà Nội chừng 40 km. Vùng đất này trù phú, nông nghiệp phát triển, có nhiều nghề thủ công, đời sống văn hóa cao, văn nhân đông, hội lễ nhiều và đặc sắc... tất cả đã tạo nên cái nôi, là "bà đỡ" cho một dòng tranh chân quê đậm đà chất dân tộc.

Gắn với sinh hoạt Tết có tranh - pháo - mã, người làng Đông Hồ làm cả. Hàng mã Đông Hồ từ nhiều thế kỷ trước đã đi vào sử sách, và mươi năm qua tưởng chừng đã mai một thì giờ đây đang phục hồi và phát triển đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo nhân dân, và cũng là một thứ nghệ thuật tạo hình dân gian, bổ sung và làm hoàn chỉnh thêm cho mảng tranh Tết.

Tranh Tết cổ truyền của Đông Hồ là tranh Điệp, từ giấy đến màu đều nhuần chất dân tộc. Giấy để in tranh là giấy dó được sản xuất ở Đống Cao (Bắc Ninh) và vùng Bưởi (Hà Nội ), nó mỏng mịn và có vân óng ả như lụa, lại dai và co dãn khi ẩm ướt. Để phát huy mặt tốt và khắc phục mặt yếu của giấy dó, nghệ nhân quét lên nó một lớp điệp làm cho tờ giấy dầy nuột, sáng trắng với những thớ sáng tối đan xen song hành và lấp lánh ánh bạc ; có khi còn được lướt thêm nước hoa hòe vàng chanh hay nước gỗ vang đỏ cam, từ nền giấy đã tóat ra vẻ vinh hiển. Trên nền giấy ấy, nghệ nhân lần lượt in ván gỗ các mảng màu cạnh nhau và chồng nhau, những hình quen thuộc nhưng luôn mới. Bảng màu ở đây cũng là những màu nền trắng điệp - vảng hòe - đỏ vang, lại thêm màu xanh chàm - sỏi son - than lá tre, toàn những thứ sẵn có trong thiên nhiên, bền trước ánh sáng và thân thuộc với mọi người. Bảng màu ấy khá đơn giản nhưng do kỹ thuật pha chế "trăm hay không bằng tay quen" và nghệ thuật phối màu, đã tạo ra những hòa sắc phong phú và hài hòa.

Từ dăm chục năm nay, Đông Hồ có thêm tranh hàng in trên giấy báo, chủ yếu in trên nét đen rồi dựa vào nét mà tô phẩm màu hóa học, lúc mới rực rỡ nhưng để ra nắng gió dễ phai.

Tranh Đông Hồ là tranh Tết, do đó được sản xuất tập trung vào mấy tháng cuối năm, bán buôn tại nhà và chợ tranh - đình làng, rồi sau đó theo các lái buôn tranh đến khắp các chợ quê ở nhiều tỉnh gần xa, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của nông dân. Tranh Đông Hồ phổ biến nhất, cũng đặc sắc nhất và do đó đậm sắc dân gian - dân tộc nhất, được nhân dân nhiều nước ưa thích và tuyển vào những bộ sưu tập tranh quý của nhân loại.

2 . Tranh Hàng Trống

Tranh Hàng Trống cũng có rất sớm, cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 được bày bán nhiều ở phố Hàng Trống và các phó lân cận như Hàng Nón - Hàng Hòm - Hàng Quạt của Hà Nội . Tranh Hàng Trồng cũng có một số tranh Tết tiêu biểu như tranh Đông Hồ, nhưng đi sâu vào những bộ Tứ bình về người đẹp (Tố nữ) và cảnh đẹp (Tứ quy), minh họa các tác phẩm văn học lớn, nhưng đặc biệt đi sâu vào mảng tranh thờ ở các điện miếu, nhất là khai thác các nhân vật trong đạo Mẫu của bản địa (Tam tòa, Tứ phủ, ông Hoàng, bà Chúa, Cậu và Cô). Tranh Hàng Trống chủ yếu là tranh thờ, do đó được bày bán quanh năm, và tập trung vào một số dịp lễ tết.

Tranh Hàng Trống in trên giấy xuyến chỉ và sau này là giấy báo khổ rộng, chỉ in nét còn màu tô tay. Màu nhập ngoại là phẩm hóa học tươi. Do kỹ thuật tô bằng tay mà tạo được sự đậm nhạt, vờn để nổi khối. Nét thanh mảnh và cong duyên dáng.

Đối tượng của tranh Hàng Trống là thị dân, là những người khá giả nên bên cạnh tranh thờ dán ở nơi tôn nghiêm "kính nhi viễn chi", thì những tranh sinh hoạt thường được treo ở những phòng khách,tạo một không khí sang trọng.

3 . Tranh Kim Hoàng

Trung gian giữa hai dòng tranh của nông dân và của thị dân kể trên là tranh Kim Hoàng ở vùng ven đô. Kim Hoàng nay thuộc huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây, sát về phía tây thủ đô. Nghề làm tranh ở đây đã mai một dần sau trận vỡ đê Liên Mạc năm 1915 và đến Cách mạng tháng Tám 1945 thì thôi hẳn, nhưng mười năm lại đây lại tìm thấy dòng tranh này vẫn còn một số ván và nhiều người ở đây vẫn kể lại đầy đủ các đề tài của tranh, các kỹ thuật in ấn và việc bán tranh.

Tranh Kim Hoàng chuyên in và vẽ trên giấy hồng điều hoặc giấy Tàu vang nhập của nước ngoài, vì thế nên gọi là tranh đỏ (để phân biệt với các dòng tranh khác gọi là tranh trắng). Tranh Kim Hoàng chỉ có nét và mảng màu đen được in ván gỗ, sau đó dựa vào mảng phân hình mà tô vẽ các màu khác nhau, nếu cần thì sau cùng in lại nét đen cho hình hiện rõ. Trên nền giấy đỏ, các hình trong tranh còn được tô trong số các màu : đen, trắng, xanh lơ, xanh lá cây, chàm, cánh sen, đỏ, vàng thư. Các màu trên trừ chàm phải chế biến lấy còn đều có bán sẵn, trong đó màu trắng là phấn viết bảng, màu đen là mực Tàu.

Tranh Kim Hoàng vẽ tay nên tốn công và số lượng không nhiều , là tranh Tết, đề tài tương tự như oet Đông Hồ, tập trung phục vụ tín ngưỡng và thỏa mãn những ước vọng dầu xuân. Tranh Kim Hoàng được bôi màu thành từng nhát mộc mạc nhưng hoạt bát, chấm phá rất động.

4. Tranh làng Sình

Với Đàng Trong (thời các chúa Nguyễn) và với nhà Nguyễn, Huế trở thành một trung tâm chính trị thì cũng đồng thời là một trung tâm văn hóa. Làng Sình (tên chữ là Lại ân) thuộc huyện Hương Phú cách Huế có 7 km, và tranh Sình cho đến ngày nay vẫn được bán trong các chợ ở Huế.

Tranh Sình đều là tranh thờ được sản xuất quanh năm, gốc ở làng Sình nhưng nay đã chuyển về những người làm đồ mã ở Huế. Trừ bức Tượng Bà được bán trong trang thờ để cả năm mới thay tranh mới, còn các bức khác người ta mua về cúng xong thì đốt ngay. Vì đời sống thực của các tờ tranh làng Sình quá ngắn nên sự gia công để tạo nên một tờ tranh cũng đơn giản : tranh được in nét đen, nhiều bức in xong là hoàn chỉnh, một số bức khi in được điểm thêm vài vạch màu. Mặc dù vẽ thêm nhiều cũng không bao giờ kín hình. Do tô màu bằng tay nên có sự thay đổi theo hứng. Người quanh Huế mỗi khi gặp hạn thường mua tranh tương ứng của làng Sình về cúng để thế mạng mình, sau đó đốt đi do đó tranh Sình chính là một dạng đồ thế, được in và vẽ nhanh nhưng hoạt, trực tiếp mang theo tình cảm của người vẽ .

5 . Tranh Đồ Thế Nam Bộ

Cùng tính chất như tranh làng Sình, nhưng Đồ Thế Nam Bộ là những tranh nhỏ chỉ in nét đen trên nền giấy đỏ, đường nét mộc mạc, tạo hình đơn giản, mỗi tranh có thể gồm một hoặc nhiều hình. Đề tài là các vị Thần, tập trung là các nữ thần , và đồ dùng của Thần, thêm vào là các con vật của một giáp (12 con). Tranh được mua về để cúng giải hạn hoặc cúng cho người bệnh, cúng xong thì đốt.

Như vậy 5 trung tâm làm tranh dân gian Việt Nam được rải ra trong cả nước, nhưng giá trị nghệ thuật nổi trội vẫn thuộc về những trung tâm ở đất Bắc cổ kính, và chúng ta cũng như nước ngoài biết về tranh dân gian Việt Nam chủ yếu qua hai dòng Đông Hồ và Hàng Trống. Chúng ta tập trung tìm hiểu về hai dòng tranh này.

Một phần của tài liệu Lịch sử mỹ thuật Việt Nam (Trang 79 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(84 trang)
w