Những biểu hiện muôn mặt của đời sống vật chất và tinh thần

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 26 - 29)

7. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Những biểu hiện muôn mặt của đời sống vật chất và tinh thần

xưa được phục hiện

Trong hoàn cảnh xã hội có nhiều sự đổi thay, văn học cũng chuyển mình nhanh chóng để thích ứng với thời cuộc. Cảm hứng hướng về các giá trị truyền thống trong văn xuôi tự sự 1930 - 1945 là một mạch nguồn sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ. Những trang văn của họ làm sống dậy những biểu hiện muôn mặt của đời sống vật chất và tinh thần xưa. Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời, Chu Thiên với Bút nghiên, Nhà nho, Ngô Tất Tố với Lều chõng, Trong rừng nho, Nguyễn Triệu Luật với Bốn con yêu và hai ông đồ, những truyện ngắn phong tục của Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân,... thể hiện khá đầy đủ diện mạo cuộc sống văn hóa dân tộc.

Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân đã tự tìm cho mình một cách hành xử riêng trong bối cảnh xã hội đang rơi vào tình trạng ngột ngạt, bế tắc. Ông tìm về những “vẻ đẹp xưa” để phục hiện lại các giá trị văn hóa thuộc lĩnh vực tinh thần và xã hội. Trong Vang bóng một thời, nhà văn đã ca ngợi những phong tục đẹp, những thú ăn chơi tao nhã ngày xưa như thú uống trà, uống rượu, thưởng hoa, chơi đèn kéo quân, nghệ thuật thư pháp, đánh thơ, thả thơ,... Những vẻ đẹp ấy gắn liền với hình ảnh những ông Nghè, ông Cử, ông Tú. Họ là lớp nhà nho cuối mùa trong thời đại nền Hán học đã tàn song vẫn giữ thói quen thanh tao, lịch lãm.Với Vang bóng một thời, nhà văn dựng lại bầu không khí của một thời đại đã qua nay chỉ còn “vang bóng”.

Cùng hướng về quá khứ văn hóa của dân tộc nhưng Ngô Tất Tố với

Lều chõng, Trong rừng nho và Chu Thiên với Bút nghiên, Nhà nho lại viết về nền khoa cử giáo dục phong kiến. Trong các tác phẩm ấy, ngoài việc khảo cứu về những cách học hành, thi cử của cha ông thuở trước, ta còn thấy hiện lên những trang viết thiên về miêu tả nghi lễ và sinh hoạt xưa như lễ thu tế tư văn, một nghi lễ phổ biến ở những làng xã ngày xưa có các nhà khoa bảng thành đạt, lễ mừng thọ, tang lễ của một gia đình khoa bảng (Nhà nho); những tình cảm thầy trò, “phận sự học trò đối với thầy”, tình cảm đáng quý mà ngày nay ít người nghĩ đến; những phong tục như khai bút đầu năm mới của nho sinh, tục sửa lễ (lễ đình, lễ miếu, lễ điện) trước khi học trò xa nhà đi học; các nghi lễ như lễ rước các vị trúng tuyển sang đình lễ thánh, lễ rước long trọng, uy nghi của các quan tiến trường, lễ xướng danh khoa thi, lễ yết bảng, lễ rước quan Nghè,... (Bút nghiên, Nhà nho). Cũng như tác phẩm của Chu Thiên, Lều chõng không chỉ cung cấp đầy đủ những tài liệu về thi cử, cách tổ chức kì thi, cách ra bài thi mà còn làm sống lại cả không khí xã hội Việt Nam thời xưa trong các kì thi cử, làm cho những nhân vật thời xưa như thầy đồ, các nho sinh, cô con gái thầy đồ,... hiện lên trước mắt với những cử chỉ, hành động,

tác phong sinh hoạt của người thời xưa. Nhờ những nhà văn này mà bao thế hệ người đọc có thêm tri thức về văn hóa khoa cử của cha ông ta một thời.

Góp phần làm nên diện mạo văn xuôi Việt Nam hiện đại không thể không kể đến những nhà văn viết truyện ngắn phong tục Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân. Là nhà văn hiện thực nhưng tác phẩm của Tô Hoài không đề cập đến những vấn đề dữ dội trong xã hội lúc bấy giờ như đấu tranh giai cấp, mâu thuẫn giữa tầng lớp thống trị và nhân dân. Ông viết về những cái diễn ra xung quanh mình, trước lũy tre làng. Phong tục làng quê là một trong những chủ đề chính trong sáng tác của ông trước Cách mạng tháng Tám. Tiêu biểu là tiểu thuyết Quê người (1941),tập truyện ngắn O chuột (1942), Giăng thề (1943),

Nhà nghèo (1944), Xóm giềng ngày xưa (1944). Nhà văn rất am hiểu phong tục tập quán của những người dân trong làng quê của mình. Ông cảm nhận phong tục trên mọi phương diện tồn tại của nó gồm những phong tục tốt đẹp và cả những hủ tục. Chẳng hạn như những lễ hội làng đầu xuân như chơi cờ bỏi, đấu vật,thi nấu cơm, gói bánh chưng (truyện ngắn Mùa ăn chơi, tiểu thuyết Quê người), những hủ tục như tục đòi nợ chiều ba mươi Tết (Khách nợ), tục tảo hôn ở nông thôn (Vợ chồng trẻ con), nạn chữa bệnh bằng lối mê tín dị đoan (truyện ngắn Ông Cúm bà Co),... Nhà văn làng Nghĩa Đô này rất có tài trong việc viết về phong tục tập quán của người dân quê trước 1945 và của người dân miền núi Tây Bắc sau 1945.

Nếu Tô Hoài vẽ bức tranh sinh hoạt với cảnh hội hè đình đám thì Kim Lân thường viết về những thú chơi phong lưu gắn với người thôn quê. Tuy viết không nhiều nhưng Kim Lân được đánh giá là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, là nhà văn của nông thôn làng quê. Trước Cách mạng tháng Tám, ông được đánh giá cao khi viết về mảng đề tài sinh hoạt văn hóa và phong tục làng quê. Qua những tác phẩm như Đuổi tà, Đôi chim thánh, Con mã mái, Thổi ống sùy đồng, Đánh vật,... các

trò chơi dân gian của đồng quê như chọi gà, thả chim, đánh vật,... hiện lên là những thú chơi tao nhã, lành mạnh của người nông dân. Vốn là “con đẻ của đồng ruộng”, những thú quê hay những thú “phong lưu đồng ruộng” được ông miêu tả rất cặn kẽ, say sưa, vừa thật thà vừa tinh tế. Cảnh vật, con người và không khí của làng quê Bắc Bộ hiện rõ trong văn ông.

Có thể nói sự góp mặt của các nhà văn viết tiểu thuyết, truyện ngắn phong tục sinh hoạt góp phần làm đa dạng hóa mùa tiểu thuyết, truyện ngắn trước 1945. Những sáng tác của họ thêm một lần nữa khẳng định niềm tin mãnh liệt vào sức sống của văn hóa dân tộc.

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 26 - 29)