7. Cấu trúc luận văn
3.3.3. Trang trọng, u hoài và giễu nhại trong hình thức ngôn ngữ
Với những nhà nho như Ngô Tất Tố, Chu Thiên hay con người “suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật” như Nguyễn Tuân thì viết về nền giáo dục cũ đã qua cũng chính là sự hồi tưởng về một phần đời của họ, tìm lại trong kí ức “những cái của ngày xưa còn vương sót lại” để “làm nơi ẩn dật của tâm hồn khi cảm thấy quá mệt mỏi với hiện tại” (Nguyễn Đăng Mạnh). Bởi vậy, đọc những trang văn của họ, ta có thể nhận ra cái trang trọng, u hoài và giễu nhại trong giọng điệu.
Bút nghiên, Nhà nho của Chu Thiên là những tiểu thuyết thiên về miêu tả cách học hành của cha ông ta cũng như những nghi lễ và sinh hoạt xã hội. Nhà văn tưởng nhớ lại cả một thời vang bóng của nền khoa cử giáo dục phong kiến bằng một tâm trạng hoài cổ da diết. Toát lên trên toàn bộ tác phẩm là cái giọng điệu vừa trang nghiêm vừa thành kính. Ta hãy đọc một đoạn văn miêu tả cảnh ông đồ và ông lý đưa Tâm đến xin học ở trường quan Nghè Phạm Xá, một bậc đại khoa có tiếng ở vùng Nam Định.
“Tên gia nhân thò đầu ra gật; ba người lần lượt bước vào, đều chắp tay vái chào, rồi phủ phục lạy, miệng nói:
- Bẩm lạy cụ lớn ạ ! - Bẩm lạy cụ lớn ạ ! - Bẩm lạy cụ lớn ạ !
Cụ Nghè ngồi trên sập cất tiếng sang sảng truyền xuống: - Thôi! Miễn lễ !
Ba người vừa lễ xong một lễ, nghe cụ truyền đều bình thản đứng ngay người, cúi đầu vái vái.
Ông đồ chạy ra cửa bưng quả vào đặt xuống sập trước mặt cụ Nghè, mở nắp ra, cầm đưa cho ông lý. Ông lý sẽ để dựa xuống kẽ ngạch. Trong phòng im lặng một lúc lâu. Tâm được dịp ngắm nghía cụ Nghè và gian phòng. (...). Tâm đương như lạc vào một triều đường nào, tiếng cụ Nghè truyền bỗng kéo chàng lại, một thứ tiếng đồng nghiêm nghị:
- Các thầy ngồi ! Các thầy đến việc gì? Ông đồ Tri khúm núm chắp tay thưa:
- Bẩm cụ lớn, vãn sinh, Trần Văn Tri, Tam trường ở Mỹ Lý, nhập môn cụ lớn năm Hợi...
- Phải, tôi nhớ! Các thầy ngồi... Ông đồ vẫn khúm núm thưa:
- Bẩm cụ lớn, khoa Tý năm trước, vãn sinh nhờ được cụ lớn tác thành cho, vào được đến Tam trường. Chỉ hiềm gia đình bần bách, ra vào cửa cụ lớn ít quá, vẫn còn khao khát mãi...
Cụ Nghè gật đầu: -Ừ!
- Nhưng thế chưa sao được. Nay gọi là có chút bạc lễ đến cửa cụ lớn, lạy xin cụ lớn cho tên Tâm đây (ông đồ giơ tay chỉ vào Tâm) nhập môn cụ lớn vào lớp Đại tập để kịp thi khoa Mão này.
Cụ Nghè trợn mắt trừng trừng nhìn Tâm:
- Thầy nói tên này à? Nó bé thế này đã chắc học gì được. Ở đây không hẹp gì già trẻ, nhưng chỉ e nó không theo kịp mà cứ ép nó, nó đuối sức đâm ra chán nản thì có hại...” [62, 142-144].
Cuối cùng Tâm cũng được cụ Nghè nhận vào học. Đọc đoạn văn trên ta thấy cái khát vọng học hành của người xưa thật chân thành, tha thiết. Nhắc đến đời sống coi trọng chữ nghĩa, nhắc đến cái danh dự của cả một nền giáo dục Nho học xưa, Chu Thiên đã thể hiện bằng giọng văn hết sức trang trọng, cổ kính xen lẫn sự nuối tiếc. Đặc biệt cái màu sắc cổ được toát lên qua việc sử dụng ngôn ngữ rất phù hợp (qua lời thầy đồ).
Cái giọng văn trang trọng, u hoài ta còn thấy rõ ở tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Cách sử dụng thành công hệ thống từ cổ (đã trình bày ở phần trên), cách dựng người, dựng cảnh tài hoa cùng với văn phong uyển chuyển linh hoạt đã giúp nhà văn tái hiện sống động những “cái đẹp xưa” trong cái nhìn luyến tiếc, thán phục. Giọng văn Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời vừa đôn hậu, trong sáng vừa có cái âm hưởng u hoài, ngân vang trong lòng người đọc. Viết về những thú chơi đẹp, những nhân cách đẹp, những cách ứng xử đẹp đã thuộc về dĩ vãng, tất nhiên nhà văn không dấu nổi sự buồn bã, tiếc nuối.
Là thế hệ nhà văn sống vào buổi giao thời, với cái nhìn Tây học, họ còn nhận ra những cái phản tiến bộ, phản văn hóa của chế độ giáo dục - thi cử phong kiến. Bởi thế, Ngô Tất Tố đã viết về quang cảnh trường ốc với cái nhìn trào lộng xuyên suốt các tác phẩm Lều chõng, Trong rừng nho. Ta hãy xem tác giả miêu tả chân dung quan Chánh chủ khảo: “Bộ dạng quan Chánh chủ khảo mới oai làm sao! Cái bối tử hình con công, cái vành đai đội chỉ vàng, cái gấu áo thêu thủy ba, cái xiêm xanh viền chân chỉ hạt bột, và đôi ủng đen có đôi bướm bạc long lanh, bấy nhiêu thứ đó hợp lại với cây hốt ngà cầm ở trước
ngực và chiếc mũ gấm xòe hai cánh ra ngoài hai tai, đủ làm cho ngài giống hệt những quan phường chèo nếu ngài có bộ râu dài như họ” [68, 98].
Dưới ngòi bút châm biếm sắc sảo, Ngô Tất Tố đã “bi hài hóa” những ông quan trường, họ chẳng khác những “quan phường chèo”, những “ông nghè bằng giấy” múa may quay cuồng trên sân khấu. “Tất cả những quan phường chèo, những ông nghè giấy đó, dưới ngòi bút hiện thực của Ngô Tất Tố đều giống nhau: dáng điệu trịnh trọng, bệ vệ, toàn thân cứng nhắc, ngay đuỗn. Đó là cái vẻ bề ngoài của kiểu người luôn luôn nói đến lễ nghĩa và mọi thứ tôn ti trật tự: kiểu người của Khổng Tử” [43, 163]. Khi châm biếm những kiểu người do giáo lí Khổng, Mạnh đào tạo nên, nhà văn đã viết bằng giọng văn giễu nhại sắc sảo. Ẩn đằng sau những dòng chữ ấy là nỗi đau của một nhà nho yêu nước đã từng là môn đệ của cửa Khổng sân Trình.
Thể hiện đề tài phong tục xưa, các nhà văn đã viết bằng tất cả trái tim của một người dân đất Việt. Họ đã phục dựng sinh động những cảnh cũ, người xưa bằng sự trải nghiệm của chính cuộc đời mình. Và sự đóng góp không nhỏ làm nên thành công của các tác phẩm là vấn đề sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, phương tiện để phản ánh hiện thực thông qua hình tượng.
KẾT LUẬN
1. Văn hóa khoa cử là một bộ phận cấu thành đặc biệt của văn hóa truyền thống. Nhắc đến văn hóa khoa cử là người ta nghĩ đến bề dày của cả một nền học vấn Nho học “đã làm chủ vận mệnh của giang sơn” cả nghìn năm. Bởi thế, nó đã ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống và trong tâm thức của mỗi người dân. Các triều đại xưa đã dùng khoa cử để kén chọn người tài ra giúp vua trị vì đất nước. Bởi thế con người ra sức dùi mài kinh sử mong có ngày được hưởng sự đãi ngộ của triều đình. Họ coi trọng văn chương, chữ nghĩa, đề cao nhân cách cao đẹp của những bậc chính nhân quân tử.
Khám phá về đề tài có ý nghĩa trọng đại đến vận mệnh quốc gia này là niềm đam mê của những nhà sử học, nhà nghiên cứu, biên khảo. Họ đã kiên trì tìm kiếm tài liệu, khảo cứu sách vở, đối chiếu, sắp xếp lại một cách nghiêm túc và công phu mong được góp sức mình vào việc lưu giữ, bảo tồn vốn văn hóa dân tộc. Cũng với thành tâm ấy, các nhà văn Việt Nam giai đoạn 1930- 1945 đã giúp người đọc tìm hiểu về lối sống, cách sinh hoạt và văn hóa ứng xử của Nho gia qua những tư liệu xã hội học, dân tộc học phong phú trong tác phẩm. Bằng kinh nghiệm sống của mình kết hợp với tài năng và tâm huyết của người trí thức yêu nước, họ đã phục hiện sinh động bức tranh lều chõng, đời sống bút nghiên đã từng vang bóng một thời.
2. Văn hóa khoa cử thời trung đại là một đề tài giàu ý nghĩa của văn xuôi tự sự 1930 - 1945. Xét ở phương diện mục tiêu tiếp cận, người ta có thể xem văn hóa khoa cử như một truyền thống tốt đẹp phải giữ gìn; nhìn văn hóa khoa cử như một hệ thống lỗi thời hoặc tiếp cận văn hóa khoa cử để chuyển vị cảm giác thẩm mỹ. Ở mỗi góc độ tiếp cận khác nhau, các nhà văn đều phát hiện ra những mặt tích cực cũng như mặt trái, mặt phản tiến bộ của khoa cử phong kiến. Xuất phát từ quan điểm nghệ thuật và lập trường sáng tác khác
nhau, mỗi nhà văn có một cách tiếp cận riêng về đề tài phong tục xưa. Tuy nhiên, trong kí ức của những nhà nho yêu nước như Ngô Tất Tố, Chu Thiên, Nguyễn Tuân vẫn còn mãi những nét đẹp của đời sống văn hóa Nho gia. Vì nâng niu, trân trọng những nét văn hóa cao đẹp của dân tộc nên họ đã nhận ra những cái lỗi thời, lạc hậu của nền học vấn cũ.
3. Tái hiện cho sống động không gian và thời gian của những ngày đã qua là một việc làm đòi hỏi rất nhiều công phu và tài năng của người nghệ sĩ. Họ phải viết làm sao cho người đọc như nhìn thấy từ khung cảnh cho đến con người của thời xưa, nghe và hiểu được lời ăn, tiếng nói cùng những cách cảm, cách nghĩ của nhân vật. Nghĩa là nhà văn phải dựng lại được cái không khí của thời xưa, thời xã hội làng nho gọi tên con người gắn liền với chức danh của khoa cử như ông đồ, ông cống, bà nghè, bà thám, cố ông, cố bà,... Bằng sự liên tưởng phong phú, nhạy cảm của người nghệ sĩ kết hợp với tinh thần khảo cứu công phu, các nhà văn đã cung cấp cho ta nhiều tài liệu quý về khoa cử, từ những kiến thức về lối học hành, thi cử cho đến những mẫu hình nhân cách nhà nho trong thời đại cũ. Họ đã sử dụng có hiệu quả lớp từ cổ để tạo nên sắc thái cổ điển, trang trọng, phù hợp với nhịp sống của cha ông.
4. Nền giáo dục Nho học đã qua rồi nhưng nó vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho giáo dục ngày nay. Đó là cả một vấn đề xã hội lớn lao mà cả cộng đồng cùng quan tâm thực hiện. Trong phạm vi của luận văn, chúng tôi mong muốn được tìm hiểu về mảng văn hóa có ý nghĩa quan trọng làm nên văn hóa truyền thống Việt Nam, tìm hiểu những góc độ tiếp cận chính cũng như nghệ thuật thể hiện văn hóa khoa cử thời trung đại trong văn xuôi tự sự 1930 - 1945. Tác giả của những cuốn sách về đề tài khoa cử giờ đây đã là “những người muôn năm cũ” nhưng họ là những người có một sứ mệnh lịch sử quan trọng: nối xưa với nay, nối quá khứ và hiện tại để ta hiểu thêm một miền văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với sự sống còn của các triều
đại phong kiến: văn hóa khoa cử. Để kết thúc luận văn này, chúng tôi xin được trích ý kiến của Vương Trí Nhàn về Nguyễn Tuân: “Khi đặt tên cho tác phẩm đầu tay của mình là Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã tự chứng tỏ ông là người có một quan niệm chắc chắn về thời gian: thời gian làm nên những giới hạn cho mỗi đời người, song nếu ai sống hết lòng với cái thời của mình, người đó coi như đã tìm được cách để đến với vĩnh viễn”. Chúng ta cũng có thể mượn ý đó để nói về Ngô Tất Tố và Chu Thiên, rộng ra là nói về tất cả những nhà văn đã thể hiện văn hóa khoa cử thời trung đại trong các sáng tác của mình bằng tất cả sự thấu hiểu và đòi hỏi nghiêm khắc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh (2002), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỉ XIX, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
2. Vũ Tuấn Anh, Bích Thu (chủ biên, 2006), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều Hiến chương loại chí, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (1999), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
7. Nguyễn Tiến Cường (1998), Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử ở Việt Nam thời phong kiến, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
8. Phan Đại Doãn (chủ biên, 1998), Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam,
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
9. Lê Thái Dũng (2008), Giở trang sử Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội
10. Phạm Đức Thành Dũng (2000), Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế.
11. Nguyễn Đức Đàn (1968), Văn học hiện thực phê phán, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
12. Phan Cự Đệ, Nguyễn Đức Đàn (1962), Ngô Tất Tố, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
13. Phan Cự Đệ (1974), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập 1, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
14. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (1999), Văn học Việt Nam (1900 - 1945), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
15. Hà Minh Đức (chủ biên, 2001), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
16. Vu Gia (1995), Nhất Linh trong tiến trình hiện đại văn học, Nxb Văn hóa, Hà Nội
17. Lê Văn Giạng (2003), Lịch sử giản lược hơn 1000 năm nền giáo dục Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội
18. Ninh Viết Giao (1995), Thơ văn nhà Nho xứ Nghệ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
19. Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
20. Dương Quảng Hàm, “Việt Nam văn học sử yếu”,
www.mediafire.com / ?ymznije3zoz
21. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên, 1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
22. Mai Hồng (1989), Các trạng nguyên nước ta, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
23. Mai Hương, Tôn Phương Lan (2001) tuyển chọn và giới thiệu, Ngô Tất Tố - Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
24. Trần Đình Hượu (1995), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
25. Bửu Kế (1999), Từ điển Hán Việt từ nguyên, Nxb Thuận Hóa.
26. Lan Khai (1941), Mực mài nước mắt, Nxb Đời mới, Hà Nội.
27. Vũ Ngọc Khánh (1986), Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam trước 1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội
28. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo (2005), Từ điển Việt Nam văn hóa tín ngưỡng phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
29. Thụy Khuê (2004), “Thi pháp Nguyễn Tuân”, Hợp Lưu, (75), tháng 2,
thuykhue.free.fr.
30. Nguyễn Hoành Khung (1973), Lịch sử văn học Việt Nam 1930 - 1945, tập 5, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
31. Mai Quốc Liên (tuyển chọn, 2003), Văn học Việt Nam thế kỉ XX (Tiểu thuyết trước 1945, quyển 1, tập 11), Nxb Văn học, Hà Nội.
32. Phan Ngọc Liên (2006), Giáo dục và khoa cử Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám 1945), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
33. Nguyễn Thế Long (1995), Nho học ở Việt Nam: Giáo dục và thi cử, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
34. Phương Lựu (chủ biên, 2002), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
35. Nguyễn Công Lý (2011), Giáo dục khoa cử và quan chế ở ViệtNam thời phong kiến, thời Pháp thuộc, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
36. Nguyễn Đăng Mạnh (1999), Giáo trình văn học Việt Nam 1930 -1945, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
37. Nguyễn Đăng Mạnh (2000), Giáo trình lịch sử VHVN 1930-1945, Nxb Văn học, Hà Nội
38. Tôn Thảo Miên (tuyển chọn, 2001), Nguyễn Tuân - Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
39. Lữ Huy Nguyên, Phan Cự Đệ (1996), Ngô Tất Tố toàn tập, tập 5, Nxb Văn học, Hà Nội.
40. Lữ Huy Nguyên (2000), Tuyển tập Nguyễn Tuân, Nxb Văn học, Hà Nội.
41. Vương Trí Nhàn (2005), Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa, tập 1, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
42. Lãng Nhân (1992), Giai thoại làng Nho, Nxb Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh.
43. Nhiều tác giả (2011), Ngô Tất Tố- tác phẩm và lời bình, Nxb Văn học,