7. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Những nhân vật như là hóa thân của tác giả
Bằng trải nghiệm cuộc đời mình kết hợp với vốn hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa dân tộc, khi viết về đề tài phong tục quá khứ, các nhà văn đều kín đáo gửi gắm những suy ngẫm và tâm sự của mình về những giá trị thiêng liêng nhất làm nên “quốc hồn, quốc túy” Việt Nam. Và qua các trang viết của họ, yếu tố tự truyện được thể hiện rõ nét. Đây là kết quả tất yếu của tất cả những gì thuộc về vốn liếng cuộc đời và vốn liếng nghề nghiệp của nhà văn. Yếu tố tự truyện trong tác phẩm văn xuôi nghệ thuật biểu hiện rõ ở nghệ thuật xây dựng nhân vật, ở những trải nghiệm chân thực về đời sống và bản thân tác giả, ở những độ gián cách khác nhau giữa tác giả và thực tại trong tác phẩm.
Bút nghiên, Lều chõng hay Vang bóng một thời ra đời trong buổi giao thời nên các tác phẩm bị thực dân kiểm duyệt gắt gao. Văn chương thời ấy phải viết kín đáo, nhà văn không có điều kiện bộc lộ trực tiếp tình yêu đất nước cũng như những tâm sự của mình trước thời cuộc. Họ đã hóa thân vào các nhân vật để nói được nhiều hơn, thật hơn những gì mình nhìn thấy, nghe thấy và suy ngẫm.
Đọc Vang bóng một thời, ta thấy Nguyễn Tuân hướng cái nhìn của mình vào quá khứ, vào những thú tiêu khiển tao nhã của cha ông. Ông viết văn để khẳng định cái tôi đầy bản ngã của mình trước thời cuộc. Đằng sau những nhân vật mà ông hết lòng yêu quý, ta luôn thấy bóng dáng của một con
người nặng lòng với dân, với nước. Nhà văn đã hóa thân vào nhân vật để bộc lộ quan niệm về cái đẹp cũng như thái độ của mình trước hiện thực. Cụ Kép làng Mọc là người thích uống rượu, ngâm thơ và chơi hoa lan. Cụ thường nói với lớp bạn cũ rằng: “người chơi hoa nhiều khi phải lấy cái chí thành, chí tình ra mà đối đãi với cả cái đẹp không bao giờ lên tiếng nói. Như thế mới phải đạo, đạo của người tài tử”. “Đạo chơi hoa”, “đạo uống trà” của người tài tử đều là những cách di dưỡng tâm thần, nhất là vào độ tuổi nhàn rỗi. Con người ấy có lúc có những suy nghĩ chua chát: “Nhưng nghĩ mình chỉ là một anh nhà nho sống vào giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng làm lạc mất cả quan niệm cũ, làm tiêu mất nhiều giá trị tinh thần; nhưng nghĩ mình chỉ là kẻ chọn nhầm thế kỷ với hai bàn tay không có lợi khí mới, thì riêng cho thân thế, lo cho sự mất còn của mình cũng chưa xong, nói chi đến chuyện chơi hoa” [72, 93]. Tâm sự của cụ Kép trong Hương cuội hay chính là nỗi niềm của Nguyễn Tuân lúc bấy giờ, một nỗi buồn vì không người tri kỉ trong thời đại cơ khí. Có lúc nhà văn lại mượn lời cô Tú (Thả thơ) để nói lên tâm sự bực dọc, chua chát của mình: “Ở đời ăn nhau may rủi, chữ nghĩa tài hoa mà làm gì”... Đó còn là thái độ nhớ tiếc những giá trị văn hóa tinh thần của một thời: “Từ Mậu Ngọ trở về sau, sẽ ở một thời khác, chữ Hán chỉ còn là một thứ xa xỉ phẩm trong cõi học vấn của một lớp người. Từ sau khoa này, cái lều, cái chõng chỉ còn là những vật cổ tích mỗi khi nhắc nhỏm lại gợi lại một chút nhớ tiếc trong lòng một đám người mệt mỏi còn sống thêm một ngày là càng chỉ thêm bỡ ngỡ với phong vận mới” (Báo oán). Ngẫm kĩ những lời tâm sự kín đáo ấy của cụ Nguyễn, ta mới hiểu được nỗi niềm hoài cựu trong văn của ông.
Là nhà văn tài hoa, phóng túng và có cá tính mạnh mẽ, trong Vang bóng một thời, ta thấy Nguyễn Tuân không chỉ có cảm tình với những người như cụ Sáu, cụ Ấm, cụ Kép, ông Đốc học, cụ Phủ, cụ Thượng,... mà còn mến mộ, yêu quý những con người tài hoa mà thất thế hay những lãng tử giang hồ
như ông Huấn Cao (Chữ người tử tù), cụ Hồ Viễn (Ngôi mả cũ), cậu Cử Hai (Một cảnh thu muộn).Vợ chồng Phó sứ và Mộng Liên, “một lứa đôi tài tử” trong truyện Đánh thơ cũng là nhân vật thể hiện một cách sống “nghệ sĩ” thích xê dịch, lang thang khắp nơi. Mỗi tuần trăng, cặp tài tử này ở một tỉnh và “họ đã để dấu giày trên mọi chốn và tha lê đi khắp nơi cái túi thơ và cái túi phách ăn người của họ”. Nhà văn vừa trìu mến vừa thương cảm cho những người có cuộc đời lang thang “chưa bao giờ nghĩ đến một cái tổ ở một chỗ nhất định nào” như vợ chồng Phó sứ. Cuối cùng người chồng tài tử này đã chết khi đi qua Hoành Sơn quan. Viết về kiểu nhân vật này, ta thấy bóng dáng của chính tác giả, một cái tôi nghệ sĩ hoang mang, bế tắc, thèm xê dịch, muốn lẩn trốn cuộc đời mà ông cảm thấy chán ghét.
Với Nguyễn Tuân, cái đẹp thường đi đôi, gắn bó với cái tài, với chất nghệ sỹ, điều này cũng thống nhất với nét tài hoa, nghệ sỹ trong con người ông. Nói đến chất tài hoa tải tử, không thể không nhắc đến Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Con người tài hoa ấy chẳng những có tài bẻ khóa, vượt ngục mà con có tài “viết chữ rất nhanh và đẹp” nổi tiếng cả tỉnh Sơn. Bao nhiêu người trong đó có viên quản ngục đã từng ao ước “có được chữ của Huấn Cao mà treo là một báu vật trên đời”. Huấn Cao là nhân vật lí tưởng, thể hiện quan niệm về cái đẹp của nhà văn. Cái đẹp là sự thống nhất giữa cái tài hoa, khí phách và “thiên lương” trong sáng. Đã từng là một nho sinh tài hoa, một thời “chọc trời khuấy nước”, khi bước vào nhà tù, ông Huấn tỏ thái độ thản nhiên trước cái chết sắp cận kề. Không chỉ là người có tinh thần khinh thế ngạo vật, Huấn Cao còn là một người coi trọng tình bạn tri âm tri kỉ, mến mộ những người có tinh thần biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ. Khi nhận ra tấm lòng “trọng nghĩa, liên tài” của viên quản ngục và thầy thơ lại, ông đã cho chữ. Lời khuyên của ông đối với viên quản ngục ở cuối truyện càng làm sáng ngời nhân cách của kẻ tử tù: “Thầy quản hãy tìm về quê mà ở đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện
chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi” [72, 113]. Lời khuyên của Huấn Cao đã chứng tỏ cái “thiên lương” của nhà văn trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Nguyễn đã hóa thân vào nhân vật để giãi bày tấm lòng yêu nước thiết tha của mình cũng như nỗi niềm tiếc nuối về những cảnh cũ, người xưa đã lùi dần vào dĩ vãng.
Đọc Bút nghiên, Nhà nho hay Lều chõng, độc giả cũng có thể nhận ra bóng dáng của các nhà văn đằng sau mỗi nhân vật. Trong tác phẩm Lều chõng, Ngô Tất Tố đặc biệt có cảm tình với những nhà nho thông minh, tài hoa và phóng túng như Vân Hạc. Nhân vật Vân Hạc là hình ảnh gần gũi với ông Đầu xứ Tố. Đó là loại nhà nho tài hoa, không ham khoa cử, công danh mà thích cuộc sống tự do, phóng khoáng. Là một nho sĩ tài hoa, lỡ vận, Ngô Tất Tố dễ dàng đồng cảm, sẻ chia tâm sự với những người “cùng hội cùng thuyền” với mình. Đọc Trong rừng nho, ta còn thấy nhà văn như hóa thân vào nhân vật Hồ Xuân Hương, một nữ sĩ tài hoa, sắc sảo và đầy bản lĩnh. Nàng đã nói thẳng với ông Chiêu Bảy, một bậc túc nho quan điểm sống của mình: “... Nhưng tôi không thể chịu nổi những thứ đạo đức giả dối, những cái lễ giáo bó buộc, tôi phải sống bằng tư tưởng tự nhiên của trời cho tôi,...” [67, 61]. Câu nói của nữ sĩ cũng chính là tuyên ngôn của nhà văn bênh vực cho nữ giới. Nhà văn luôn cảm thông và ủng hộ những tư tưởng mới lạ của nàng.
Các nhà văn khi xây dựng nhân vật thường muốn gửi gắm tình cảm vào những đứa con tinh thần của mình. Đó là lợi thế của văn chương, một môn nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu và phản ánh cuộc sống qua hình tượng. Viết về đề tài khoa cử, các nhà văn như hóa thân vào nhân vật để kí thác biết bao nhiêu tâm sự kín đáo của mình trước hiện thực.