7. Cấu trúc luận văn
3.1.2. nghĩa của sự kết hợp
Như phần trên chúng tôi đã trình bày, với tâm huyết của những người sống trong hoàn cảnh nhà nho như Ngô Tất Tố, Chu Thiên, Nguyễn Tuân, họ có ý thức ghi chép tỉ mỉ những nét văn hóa khoa cử xưa như việc làm cần thiết của một nhà nghiên cứu, biên khảo nhằm giữ gìn văn hóa Việt. Tuy nhiên, khác với những tài liệu lịch sử và khảo cứu, các sáng tác của họ không chỉ có giá trị tư liệu quý mà còn dựng lại một cách sống động cái không khí của ngày xưa. Chỉ có văn chương mới có khả năng kì diệu này.
Trở lại với cảnh Vân Hạc nhận đề thi ở trên, người đọc không chỉ có kiến thức về bảy đề thi (kì thi Kinh nghĩa) mà còn hiểu rõ những quy định về làm bài của thí sinh. Đối với những người Kiêm trị (Kiêm kinh): làm tất cả mọi đề, chỉ những thí sinh giỏi mới làm. Còn đối với những người chuyên kinh thì chỉ cần làm một bài Kinh, một bài Truyện. Là một người có vốn Nho học sâu sắc, lại có kinh nghiệm thực tế từ gia đình và bản thân cũng đã bao phen lều chõng lên đường ứng thí, Ngô Tất Tố viết về thi cử với tư cách là người trong cuộc. Nhà văn mô tả rất tỉ mỉ về quá trình chấm bài, về quyền hạn và chức trách của quan trường, về lối dạy học của thầy trò, các luật lệ nghiêm khắc của trường quy,.... Nhờ óc quan sát tinh vi của tác giả mà thực tại của những ngày đã qua sống lại trên trang giấy không khô cứng, ngược lại giúp cho người đọc như chứng kiến những điều mắt thấy, tai nghe từ chính ông Đầu xứ Tố. Nội dung khảo cứu ấy không thoát ly những lời nói, cử chỉ, hành động của hình tượng nhân vật, cho nên không làm người ta hiểu méo mó về bản chất của khoa cử.
Bút nghiên, Nhà nho hay Lều chõng là những thiên tiểu thuyết phóng sự về chế độ giáo dục và khoa cử phong kiến, cho nên người đọc dựa vào đó để biết được tường tận những nguồn cứ liệu đáng tin cậy về lối học hành, thi cử của ông cha ta ngày trước. Nhưng sức hấp dẫn của những tác phẩm này là những sự việc, sự kiện được miêu tả một cách sống động để độc giả hiểu những ngày qua tường tận trong sự miêu tả có sự giải thích. Thời đại phong kiến đã lùi xa và nền giáo dục Hán học đã từng ngự trị xã hội nước ta cả ngàn năm cũng đã cùng đường lịch sử nhưng nhờ những pho sử quý giá của dân tộc, những công trình biên khảo công phu của các học giả mà người ta có thể biết đến khoa cử. Với thế mạnh của văn chương, qua những trang viết của mình, các nhà văn đã giúp người đời sau có cơ hội du lịch ngược thời gian để tìm hiểu và khám phá một mảng văn hóa cổ truyền của dân tộc - văn hóa khoa cử.
Ngay trong lời giới thiệu tác phẩm Lều chõng năm 1939, Ngô Tất Tố đã viết: “Ngày nay nghe hai tiếng “Lều”, “Chõng” có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những vật ấy từ biệt chúng ta mà đi đến chỗ mất tích gần ba chục năm nay”. Ngay cái thời ấy, trong đầu óc của tầng lớp trí thức, hình ảnh trường thi với cảnh sĩ tử vác lều chõng đi thi đã phai mờ khá nhiều, huống gì những thế hệ sau đó? Cái tâm huyết cả một đời của nhà nho yêu nước Ngô Tất Tố đã thành hiện thực. Ông là một trong những tấm gương sáng về tinh thần học hỏi không ngừng của một nhà văn làm việc như một người thợ kiên nhẫn, chăm chỉ xây đắp nền văn hóa nước nhà. Với Lều chõng, Trong rừng nho, ông đã giúp người đời sau biết được rất nhiều tư liệu về lối học hành và thi cử từ quang cảnh trường thi, chân dung quan trường cùng cảnh sĩ tử nhập trường, các phong tục liên quan đến thi cử, các quy chế khắt khe của trường quy cho đến các nghi lễ như lễ xướng danh, lễ vinh quy bái tổ của quan nghè,... Nhưng trước khi nhập trường, thí sinh phải tự chuẩn bị lều chõng, bút nghiên và những đồ đựng thức ăn, nước uống để phục vụ cá nhân. Nhà văn đã nhiều lần miêu tả cảnh dựng lều chõng của thí sinh khi vào trường thi. Dẫn chứng sau đây là cảnh Vân Hạc dựng lều khi vào thi kì Đệ nhất thi Hương: “Lúc ấy tất cả học trò vi giáp đóng lều đã xong. Những chỗ gần nhà Thập đạo đã bị những người vào trước chiếm hết. Chàng toan đem lều ra đóng ở phía ngoài cùng. Nhưng khổ quá, cái khu đất ấy còn là một bãi đất bỏ hoang, các ông vào trước đem bã văn chương tuôn cả ra đó, mùi thối theo gió đưa ra ngạt ngào, không thể nào mà chịu cho nổi. Chàng lại lếch thếch vác lều và chõng đi lùng khắp các miếng đất phía trong.
Trong một cái lều gần vi hữu bỗng có tiếng gọi: - Đào Vân Hạc! anh tìm ai mà lật đật thế?
Nghe rõ tiếng Nguyễn Khắc Mẫn, chàng đáp: - Tôi đi kiếm một chỗ đóng lều, chứ không tìm ai !
Khắc Mẫn nói lớn:
- Đến đây! Chỗ này còn rộng! Mau lên!
Vân Hạc mừng quá, chàng vội đeo các đồ đạc lại chỗ gần lều Khắc Mẫn. Nhanh nhảu, Khắc Mẫn đỡ bộ lều chõng trên vai Vân Hạc xuống đất. Cởi hết mấy nuộc dây chằng, thày lấy sáu chiếc gọng lều cắm làm hai hàng, để cho Vân Hạc vít những đầu gọng sâu vào các ống ròng rọc. Rồi một người trải áo lều lợp lên, một người đem đôi áo tơi che kín hai đầu. Bốn phía góc lều đã được Khắc Mẫn đóng bốn cái cọc nho nhỏ và neo bốn chiếc gọng lều vào đó, cho khi có gió, lều khỏi lay chuyển. Vân Hạc liền đem cái chõng kê vào trong lều, rồi chàng sang lều Khắc Mẫn, giở bộ đá lửa, đánh lửa hút thuốc” [68, 103]. Đoạn văn trên giúp ta tưởng tượng ra cảnh sĩ tử dựng lều, chõng như thế nào, cái vất vả của “bao nhiêu ông cống, ông đồ, trước khi bước lên đường công danh, đều phải tập làm anh phu tải” là như thế nào. Với ý thức ghi chép lại một cách tỉ mỉ, càng tỉ mỉ càng tốt, Ngô Tất Tố đã tưởng tượng lại những nét sinh hoạt của nhà nho cùng với bao phong tục, nghi lễ liên quan đến văn hóa khoa cử, làm cho quá khứ hiện về trên từng trang viết. Nếu nhìn những bức ảnh tư liệu quý về cảnh sĩ tử nhập trường hay lễ vinh quy bái tổ, ta chỉ cảm nhận được một phần nào đó mà bức ảnh đưa lại. Còn đọc những trang viết của Ngô Tất Tố hay của Chu Thiên về những cảnh ấy, ta còn tưởng tượng thêm những điều thú vị mà tự ngôn ngữ và hình tượng nhân vật gợi ra. Đành rằng mỗi lĩnh vực nghệ thuật lại có một thế mạnh riêng của nó.
Việc kết hợp sự liên tưởng của nhà văn với tinh thần khảo cứu về đề tài khoa cử đã làm cho thực tại của những ngày qua hiện lên sinh động, cụ thể. Những dẫn chứng về cách học hành, thi cử, những lễ nghi sinh hoạt cổ trong tác phẩm là nguồn tư liệu quý cho các nhà khảo cứu khoa cử.