Vạch trần những tệ lậu của chế độ giáo dục thi cử

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 61 - 68)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.1.Vạch trần những tệ lậu của chế độ giáo dục thi cử

Như phần trên của luận văn đã trình bày, chế độ khoa cử phong kiến đã định ra trường quy hết sức nghiêm khắc, chặt chẽ để sàng lọc, tuyển chọn nhân tài, đào tạo những bậc khoa bảng đủ tài năng, đức độ tham gia công việc triều chính. Tuy nhiên, ngay cả khi trường quy nghiêm ngặt như thế vẫn cứ xẩy ra những tiêu cực như hiện tượng đưa tài liệu vào trường thi, quay cóp lẫn nhau, thậm chí vẫn có trường hợp thi thuê, thi hộ, mua quan bán tước. Lật lại những trang viết về khoa cử, ta càng hiểu rõ hơn điều này, đặc biệt là tác phẩm Lều chõng, Trong rừng nho của Ngô Tất Tố.

Có thể nói các triều đại xưa đã nghĩ ra mọi cách để tạo ra tính nghiêm minh và tránh gian lận trong các khoa thi. Nhưng những tệ lậu của chế độ giáo dục - thi cử thời nào cũng có, đặc biệt dưới triều Nguyễn. Viết Lều chõng, Ngô Tất Tố vẫn xuất phát từ lập trường phê phán để chỉ trích, phê phán những cái “kì quái” của hệ thống giáo dục và khoa cử phong kiến. Những sự việc diễn ra trong Lều chõng là từ giữa thế kỉ XIX, thời kì đất nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, giặc ngoại xâm đang lăm le xâm lược. Thực dân Pháp đang cổ súy cho phong trào phục cổ trên các tạp chí. Vậy mà nhà nước vẫn thực hiện chế độ giáo dục và khoa cử lạc hậu. Như lời giới thiệu của Ngô Tất Tố đăng trên báo

Thời vụ số 109 ra ngày 10/3/1939: “... Lều chõng với nước Việt Nam không khác một ông tạo vật, đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hoặc vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa, rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến cõi diệt vong. Vì nó nước Việt Nam trong một thời kì rất dài đã hiện ra nhiều cảnh tượng kỳ quái, có thể khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rùng rợn hồi hộp”. Nhà văn đã chỉ ra công và tội của khoa cử phong kiến và thể hiện thái độ đoạn tuyệt với nền giáo dục - khoa cử lỗi thời, mục nát ấy. Bằng ngòi bút châm biếm sắc sảo của ông đầu xứ Tố, những mặt trái của chế độ khoa cử ngày xưa được phơi bày từ quang cảnh trường thi cho đến chân dung các quan trường, sĩ tử đi thi với những mẹo thuật lừa dối, các thủ đoạn mua bán văn chương và những thói ăn chơi trác táng bê tha đến thảm hại của đám hủ nho trong thời gian chờ đợi “yết bảng” giữa các kỳ thi.

So với nhiều đồng nghiệp cùng thời, Ngô Tất Tố vượt trội hơn hẳn về nhiều mặt, là người trí thức hội đủ những phẩm chất của một nhà văn tài năng và dũng cảm. Không chỉ với tư cách nhà văn hóa, học giả, ông còn là người nghiên cứu dày dặn và sắc sảo về nền văn hóa dân tộc nói riêng và cả văn hóa

phương Đông. Ông viết sách Lão Tử, Mặc Tử, dịch Kinh dịch, Đường thi,

nghiên cứu văn học Lý, Trần, viết sách Phê bình “Nho giáo” của Trần Trọng Kim,... Ở lĩnh vực nào, từ viết báo đến nghiên cứu, dịch thuật, viết văn, ta đều thấy ở ông một nhà nho yêu nước, tiến bộ, có nhân cách trong sạch.

Tuy là nhà nho đã từng gắn bó với nền học vấn xưa nhưng Ngô Tất Tố là người thức thời, có khả năng thích ứng với thời cuộc. Khi Nho học ngày một đi vào tàn lụi, nhà văn đã nhanh chóng trở thành “cây bút sắt sắc bén” (Vũ Tú Nam). Đứng trên lập trường của một nhà văn hiện thực, Ngô Tất Tố đã dũng cảm phê phán Nho giáo, ở các mặt bảo thủ, lạc hậu và trói buộc của nó. Lều chõng ra đời cùng thời với các tác phẩm Bút nghiên, Nhà nho

Thanh đạm nhưng được viết theo một xu hướng khác.

Dưới ngòi bút châm biếm của Ngô Tất Tố, trường thi hiện lên như một “sân khấu rạp tuồng” với đủ lọng vàng, lọng xanh màu sắc sặc sỡ, ánh đèn lồng, tiếng nhạc ngựa, tiếng trống, tiếng kiểng đồng cùng tiếng loa dẹp trật tự của bọn lính. Cũng như trong tiểu thuyết Trong rừng nho, Lều chõng phục dựng sinh động chân dung sĩ tử đi thi với đủ hạng người: “có người tóc đã bạc phơ. Cũng có người hồng mao còn ngất nghểu trong vành khăn nhiễu, có người không giấu sự nghèo túng, thân hình gầy guộc so với trong mảnh áo đơn. Cũng có người như muốn khoe vẻ phong lưu, quanh mình quấn mấy lần áo bông sù sụ, hai hàm răng còn run cầm cập,...” [68, 96]. Điệu bộ của họ mới lôi thôi làm sao! “Dưới hàng vạn nón chóp lố nhố đứng ở bốn cửa, hàng vạn con người cùng một lối trang sức như nhau: sườn này, cái chõng tre và bộ gọng lều; sườn kia, thì bó áo tơi và cuộn áo lều, hoặc một đôi chiếu cói; trên ngực, quả bầu be và chiếc ống quyển; dưới bụng thì cái yên mộc hay cái tráp sơn. Bấy nhiêu đồ vật, nặng có, nhẹ có, lớn có, bé có, dài có, ngắn có, hết thảy xúm lại và đu lên cái cổ yếu ớt của các ông thư sinh” [68, 96]. Đọc đến đây, ta lại liên tưởng đến câu thơ của Tú Xương:

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa.

(Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu) Chẳng còn đâu chút nho phong sĩ khí của sĩ tử. Họ không khác gì những vai hề, những con rối, chen chúc, xô đẩy nhau giữa trường thi. Còn các quan trường thì oai nghiêm với “các áo thụng lam, các mũ cánh chuồn đồng thời rộn rịp như sân khấu rạp tuồng”.

Vào trường thi, nơi đặt ra nhiều phép tắc trường quy nghiêm ngặt, vẫn xẩy ra nhiều tệ lậu trong thi cử. Nạn đưa tài liệu vào trường vẫn xảy ra. Ta hãy xem cảnh bọn lính thể sát xúm lại lục đồ đạc những thí sinh giấu tài liệu đưa vào: “Các vật cần dùng của người này không khác của mấy người trước. Riêng có thứ đồ đựng nước không phải là quả bầu be, mà là một cái lọ sành rộng miệng. Ngạc nhiên, một người trong bọn liền thò cái que khoắng vào trong lọ, tức thì dưới trôn lọ, có vật tròn tròn bềnh lên mặt nước. Cái gì thế nhỉ ? Người lính đó, nghiêng cái miệng lọ và móc lấy vật ấy ra. Té ra một mớ giấy bản viết chữ nhỏ như con kiến, người ta vo lại và trát sáp ong ở ngoài cho khỏi thấm nước.

Của phi pháp liền bị tịch thu. Và cái tội “mang sách vào trường” liền tống ông học trò ấy ra khỏi cuộc thi cử” [68, 101].

Rồi đến lượt một trường hợp khác. “Thấy người này có vẻ đáng ngờ, bọn lính thể sát càng lục kỹ các thứ đồ đạc. Nhưng không bắt được cái gì gian lận, họ đã toan tính cho đi. Thình lình một người trong bọn họ trông thấy phía trong cái “cái chõng” có một miếng vá, hắn bèn dùng con dao nhọn cậy tung miếng vá ấy ra. Thì ra trong đó có để hai cuốn Hành văn bảo khíp - thứ sách thạch bản, chữ in nhỏ bằng hột cám. Cũng như cái ông vừa rồi, người ấy liền bị trói lại để giải ra dinh tổng đốc với tất cả đồ vật của mình” [68, 101].

Trò gian lận nơi trường thi ngày trước không phải là hiếm. Tác giả Bút nghiên cũng đã viết: “Những người đã vượt qua cổng vi rồi, đi tìm chỗ để

chõng, cắm lều. Những người quen nhau cùng ở một làng, cùng học một trường hay có cả một bọn thầy trò cũng tìm nhau cắm lều liền nhau vào một chỗ để họp nhau bàn bạc. Nhiều những tay lão luyện mà chưa có cái may mắn đeo cái danh ông Tú đều đua nhau mà làm gà để kiếm lợi, khỏi lỗ vốn tiền đi và thừa tiền chè chén ở phố phường, lại có thêm tiền mang về cho vợ, mỗi quyển ba quan, năm quan, chục quan, tùy giá và tùy mặt. Còn quyển của mình làm lạo thảo về sau thế nào chẳng trôi, văn bài của những bậc ấy vốn đúng lề lối mẫu mực rồi kia mà! Cho nên khi đề mục đã niêm yết lên rồi, mọi người đã đi chép về rồi, thì là lắm người chăm chăm viết lấy lệ để đợi bài của người khác đưa cho” [62, 189].

Với tiểu thuyết phóng sự Lều chõng, Ngô Tất Tố đã dựng nên bức tranh vừa bi thảm vừa khôi hài của chế độ giáo dục - thi cử thời Nguyễn. Những nạn thi gian, thi thuê được phơi bày trong tác phẩm. Vào kì Đệ nhất thi Hương, Vân Hạc và Khắc Mẫn ngồi chung một vi. Khắc Mẫn hỏi bài Vân Hạc và chàng đã làm hộ cho bạn một đoạn “hậu cổ của bài kinh Lễ”. Rồi như trường hợp của Đức Chinh, “con nhà gia thế” mà học dốt “chưa chắc đã được bằng lớp trung tập”. Hai kì thi Đệ nhất và Đệ nhị thi Hương hắn đã thuê một người ở Bắc Ninh và Đốc Cung làm bài, mỗi kì giá ba mươi quan. Vào kì Đệ tam, hắn lại thuê Vân Hạc làm bài với giá bốn mươi quan, chỉ mong được vào tam trường vì dù có hỏng nữa cũng “đủ cho thiên hạ phục mình học cứng” vì đã là ông nhị trường rồi. Đốc Cung nói với Vân Hạc: “Vậy thì đến khi vào trường, mày chỉ cốt viết cái quyển mày cho kỹ, còn quyển của nó thì giáp qua loa cho nó chép lại, miễn là khỏi có tội lỗi thì thôi, chứ không cần hay. Nếu làm hay, lỡ ra mà nó được vào phúc hạch tức là mày giết nó đấy” [68, 159]. Và cuối cùng Vân Hạc cũng làm theo lời bạn dặn.

Đọc Lều chõng, ta thấy nhà văn còn chỉ ra cái mục nát trong cách “tuyển chọn người tài” của triều đình. Vân Hạc là người học giỏi, tài hoa nhưng cứ lận đận mãi ở trường ốc. Có lần đáng đỗ thủ khoa nhưng bị hỏng

tuột chỉ vì cái “chỉ” của triều đình: “Đào Vân Hạc quả là tay đại tài, sự học hơn hẳn Nguyễn Chu Văn, đáng được đỗ đầu khoa này. Chỉ hiềm tên ấy hãy còn trẻ tuổi, văn chương không khỏi có chỗ ngông nghênh. Nếu lấy đỗ cao, sợ sẽ nuôi thêm cho y cái bệnh kiêu ngạo, thì khó trở nên một người đại dụng. Triều đình trọng sự tác thành nhân tài, không muốn cho kẻ có tài đến nỗi uổng phí. Vậy khoa này hãy cho tên ấy hỏng tuột, để mài dũa bớt những khách khí thiếu niên của y. Rồi đến khoa sau thì hãy cho đậu Giải nguyên...” [68, 243].

Quyển của Vân Hạc làm tốt, bốn “ưu”, mười hai “bình” mà không đỗ thủ khoa. Đọc lại cuốn Khoa cử Việt Nam - Thi Hội, thi Đình của Nguyễn Thị Chân Quỳnh, ta biết thêm về cách chấm thi của quan trường. Khoa cử kén người trọng đức hơn trọng tài, dù có học giỏi mà đạo đức kém không được trọng dụng. Bởi thế, các khảo quan chấm thi thường tránh lấy đỗ người quá trẻ vì sợ họ kiêu căng, ích kỉ và không đóng góp gì cho xã hội. Trường hợp của Vân Hạc có thể có nhưng hiếm, vì sự đánh hỏng kẻ có tài trẻ tuổi phần nhiều do quan trường hơn là do nhà vua. Theo Vũ trung tùy bút ghi lại, có những vụ án nổi tiếng như vụ Ngô Thì Sĩ, Phạm Vĩ Khiêm bị quan trường thù ghét đánh hỏng oan, vụ Tao Sơn, Lương Nghị tư túi,.. [48].

Nhưng đến khoa sau, lúc vào Huế thi Đình, Vân Hạc vì phạm húy mà bị giam hai ngày, bị hỏng tuột và còn bị cách tuột tất cả, kể cả danh hiệu Giải nguyên thi Hương. Bi kịch cuộc đời thi cử của Vân Hạc phản ánh cái lối học hành và thi cử thời phong kiến với tất cả sự lỗi thời và thối nát của nó.

Đọc Lều chõng, ta còn thấy Ngô Tất Tố còn phê phán lớp trí thức nho học thời phong kiến suy tàn. Nhà văn đã phơi bày thảm cảnh của trường thi cùng với sự sụp đổ thảm hại về mặt tinh thần của một bộ phận trí thức phong kiến. Họ chen lấn, xô đẩy nhau, vác lều chõng đi thi không phải vì mục đích hành đạo mà chỉ cốt mưu cầu danh lợi. Với tư cách là người trong cuộc, tác

giả không ngần ngại vạch trần những cái xấu xa, thấp hèn của họ. Trong thời gian chờ yết bảng, họ tìm đến các cô đào, say sưa với những cuộc rượu, thuốc phiện, đến như Vân Hạc, Đốc Cung cũng nằm suốt bảy ngày đêm ở phố Hàng Lờ, nơi thiên hạ gọi là “rừng son phấn”, đến nỗi hai anh trai phải rình bắt mới về.

Cái tệ lậu của chế độ giáo dục - khoa cử còn được Ngô Tất Tố phản ánh rõ nét trong Trong rừng nho. Bộ dạng sĩ tử đi thi, bi kịch sĩ tử ở trường thi, thói đạo đức giả của các ông nghè, ông cống và bọn hủ nho cũng được phản ánh sinh động trong tiểu thuyết. Ta thấy nhà nho Ngô Tất Tố đã dũng cảm tuyên chiến quyết liệt với sự trì trệ, bảo thủ của Nho học. Có lẽ ai đã từng đọc tác phẩm này đều không quên được cuộc thi Đệ nhị của nho sinh Đặng Như Bích. Đang làm bài, anh này bị một ông học trò cạnh lều đến hỏi về “chữ “tu” ba phảy thế nào”. Như Bích đã viết chữ “tu” là “sửa”, “tu” là “nên”, “tu” là “râu” nhưng người đó vẫn không chịu. Khi ông ta đi rồi, trong lều bốc lên mùi hôi thối. “Té ra ông học trò mót đại tiện, vì ở quanh lều đông quá, không có chỗ nào mà đi, hắn mới chạy đến lều chàng, vờ hỏi chữ “tu” ba phảy, để có thể ngồi vào cuối chõng mà tháo cái bã văn chương ra đó” [67, 92]. Đọc đến đoạn này, chắc không ai nhịn được cười vì sự ê chề, suy đồi Nho giáo, của đám hủ nho cuối mùa. Bằng giọng văn hài hước, hóm hỉnh, Ngô Tất Tố đã công phá mãnh liệt vào nền giáo dục, khoa cử Nho học với tất cả sự thối nát của nó.

Cùng với Lều chõng, Trong rừng nho, Ngô Tất Tố đã vạch trần những mặt trái của chế độ khoa cử ngày xưa và phản ánh tấn bi hài kịch của cả một thế hệ nhà nho phong kiến. Trong bài viết Ngô Tất Tố - tài năng và tấm lòng, Mai Hương viết: “Có thể nói, hiếm có nhà cựu nho nào lại có thể nhạy cảm, lại hiểu sáng suốt, nhìn thấu và mạnh dạn phê phán, luận rõ công tội của chế độ khoa cử phong kiến, của hủ nho như Ngô Tất Tố” [23, 23]. Đặt trong hoàn

cảnh ra đời của tác phẩm, thời kì có những biến động lớn của lịch sử dân tộc, người đọc càng hiểu rõ lập trường, bản lĩnh cứng cỏi của nhà nho chân chính Ngô Tất Tố, một con người suốt đời dùng ngòi bút của mình làm vũ khí trong cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của con người, vì sự công bằng xã hội.

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 61 - 68)