Đi tìm những giá trị tinh thần để đối trọng với xã hội kim tiền

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 84 - 88)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Đi tìm những giá trị tinh thần để đối trọng với xã hội kim tiền

Thất vọng với hiện tại, Nguyễn Tuân quay về với quá khứ. Như một nghệ sĩ phục chế ảnh tài hoa và cần mẫn, ông đã tái hiện sinh động những người, những cảnh không thuộc về thời mình. Khi đọc Vang bóng một thời, Thạch Lam có nhận xét: “Ông yêu mến và than tiếc những cái đã qua, và cố sức làm sống lại cả một thời xưa cũ, một thời gần chúng ta quá, nhưng mà đối với chúng ta như đã xa lạ vì không ai gợi đến vẻ đẹp và những cao quý riêng. Nguyễn Tuân có lẽ là người đầu tiên làm việc ấy” [38, 229]. Ông đi tìm cái đẹp trong những giá trị tinh thần của cha ông để đối trọng với xã hội kim tiền.

Vang bóng một thời là tác phẩm đầu tay và làm nên danh tiếng Nguyễn Tuân. Nhưng từ khi tác phẩm ra đời và cả sau Cách mạng tháng Tám, có nhiều người chưa hiểu đúng nhà văn. Người ta thường chê Nguyễn Tuân là “thi vị hóa cái quá khứ xa xăm với mục đích là hưởng thụ về nghệ thuật, không phải để kích thích tinh thần đấu tranh cho cái thực tại được tốt đẹp hơn, đó là một biểu hiện của xu hướng nghệ thuật vị nghệ thuật, hơn nữa - của tư tưởng thoát ly” [58, 252]. Ra đời trong những năm đầy biến động cách mạng,

Vang bóng một thời lại say sưa nói về những chuyện văn hóa trà tửu của cha ông trong quá khứ, thì những nhận xét trên cũng có cơ sở. Ngày nay, đọc lại tác phẩm, chúng ta thông cảm với nhà văn, một con người có tinh thần dân tộc nhưng chưa có điều kiện tiếp thu tư tưởng cách mạng. Qua những trang văn, Nguyễn Tuân lên tiếng phản đối cái xã hội lúc đó hoặc thực hiện chủ trương xê dịch, giang hồ. Đó cũng là một cách quay lưng lại với thời cuộc nhố nhăng, xô bồ đương thời. Ông luôn khát khao đi tìm cái đẹp và đề cao cái đẹp một cách thuần túy.

Nguyễn Tuân đã viết về quá khứ, dựng lại không khí những câu chuyện ngày xưa như người đã từng sống trong thời đại ấy. Ông say sưa ca ngợi những nét đẹp của văn hóa cổ truyền của dân tộc, say sưa ca ngợi tính cách dân tộc Việt Nam, những con người không chỉ biết hưởng thụ cái đẹp, sáng tạo cái đẹp mà còn có văn hóa ứng xử trong đời sống xã hội. Viết về cái đẹp, ngòi bút Nguyễn Tuân lại tỏ ra rất trịnh trọng, dường như đang làm một công việc thiêng liêng, giống như cách pha trà của cụ Sáu, cách nâng niu từng giò hoa lan của cụ Kép,...

Truyện Những chiếc ấm đất kể về một ông cụ Sáu nghiện uống trà tàu, mà cái tinh túy mang tính chất “trà đạo” này là ở sự kén chọn nước và ấm pha trà. Nước pha trà phải là thứ nước lấy ở cái giếng chùa Đồi Mai, một ngôi chùa ở xa làng mạc và biệt lập trên một khu đồi. Vậy mà cụ Sáu đến xin nước ở chùa đã gần mười năm. Có lần cụ đã nói với sư cụ: “Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước rất ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng chùa nhà đây. Tôi sở dĩ không đi đâu xa được, là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà... Bạch sư cụ, sư cụ nhớ hộ tôi câu thề này: “là giếng chùa nhà mà cạn thì tôi sẽ cho không người nào muốn xin bộ đồ trà rất quý của tôi...” [72, 28]. Lời sư cụ chùa Đồi Mai nói cùng sư bác như sự xác nhận cái đam mê uống trà của cụ Sáu “Danh và lợi, ông ta không màng. Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quí nhãn tiền không bằng một ấm trà tầu” [72, 29]. Cứ nhìn cái cách ông cụ nâng niu những chiếc ấm đất của mình, am hiểu tường tận về từng chiếc kim hỏa của chiếc ấm, mới thấy hết cái thú uống trà tầu ở con người này. Kể cả khi gia đình sa sút, ông cụ Sáu vẫn “quen thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ” [72, 36].

Uống trà như cụ Sáu có lẽ chỉ có một. Bởi thế mà sau khi nghe người khách kể câu chuyện về “một tên ăn mày cổ quái” rất sành trà Tàu, cụ Sáu rất

thích chí, nói với ông khách cũng là một tay nghiện trà tàu: “Giá cái lão ăn mày ấy sinh vào thời này, thì tôi dám mời hắn ta đến ở luôn với tôi để sớm tối có nhau mà thưởng thức trà ngon” [72, 32]. Thế nhưng con người “đam mê cái phong vị trà tàu, đam mê đến nhiều khi lầm lỗi” ấy, khi thất cơ lỡ vận, phải ngồi bán đi những cái ấm đất, những cái “mà ngày trước giá có giồng ngay cọc bạc nén cho trông thấy, chửa chắc cụ đã bán cho một chiếc”. Kết thúc truyện để lại trong ta cái dư vị vừa xót xa vừa nuối tiếc.

Nguyễn Tuân đã tái hiện cái thú uống trà của người xưa rất sống động, từ cái cách đun nước, pha trà cho đến cách nhân vật nhấm nháp chén trà. Họ uống trà như thưởng thức cái hương vị của cuộc đời, đàm đạo những câu chuyện về nhân sinh thế thái và còn làm cho tâm hồn được thanh khiết. Uống trà đã được nâng lên thành một nghệ thuật mà những người bên khay trà là những người am hiểu về trà. Như lời của cụ Ấm (Chén trà trong sương sớm) nói với những bạn nhà nho: “Các cụ cứ suy cái lẽ một bộ đồ trà chỉ có đến bốn chén quân thì các cụ đủ biết cái thú uống trà tàu không có thể ồn ào được. Lối giao du của cổ nhân đạm bạc chứ không huyên náo như bây giờ. Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà” [72, 133]. Cuộc sống của gia đình cụ Ấm vẫn giữ được nề nếp cũ: sáng nào cụ cũng “dậy từ lúc còn tối đất” để quạt than, nhóm bếp, đun nước pha trà. Cụ uống rất ít “chỉ hai chén con là đủ”. Rồi sau đó người con trai dậy cùng uống trà, đàm đạo thơ văn với cha. Đây là nét đẹp trong các gia đình nhà nho ngày trước. Cụ Ấm tin rằng “ngâm thơ lúc yên lặng, lúc mới tỉnh giấc là một cách vận động thần khí kì diệu nhất của một người sống bằng cuộc đời tâm tưởng bên trong. Mỗi buổi ngâm như thế là đủ tiết hết ra ngoài những cái nặng nề trong thân thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất. Âu cũng là một quan niệm về vệ sinh của thời cũ. Và người xưa uống trà là để giữ mình cho lành mạnh” [72, 135].

Một cảnh thu muộn cũng là một truyện thú vị. Truyện tả cái thú làm đèn và chơi đèn kéo quân cho con trẻ vào đêm rằm trung thu, một nghệ thuật làm đèn để diễn lại những tích xưa trong các truyện cổ Trung Quốc. Cụ Thượng là một ông quan có tài “đã từng ngồi nhậm ở dưới Sơn Nam Hạ”, khi về hưu, sống cùng cậu con trai thứ là Cử Hai, một tâm hồn tài hoa, tài tử “lấy cái việc dạy học làm một mưu hồ khẩu mà y như là đi ngoạn cảnh hoặc là đi dâng hương ở các đền chùa cổ tích”. Hai cha con cụ Thượng đã đem cái tài hoa của mình gửi vào trò chơi con trẻ, làm cái đèn xẻ rãnh lấy tên là “Ngô Vương cự gián nạp Tây Thi”, mang lại niềm vui cho cả nhà, đặc biệt là thằng cháu Ngộ Lang lên bảy. Qua truyện này, người đọc càng hiểu hơn về những nhân vật mà Nguyễn Tuân ngợi ca. Họ là những con người tài hoa, có niềm say mê với sinh hoạt văn hóa dân tộc. Phản ánh lịch sử vào chiếc đèn đêm thu quả là người có tài và am hiểu về lịch sử mới làm được.

Vang bóng một thời viết nhiều về những con người tài hoa, tài tử như cha con cụ Thượng. Trong hoàn cảnh nhiễu nhương lúc bấy giờ, Nguyễn Tuân lại đi tìm những giá trị tinh thần để đối trọng với xã hội kim tiền. Thực ra nhà văn không đi theo con đường phục cổ mà giúp ta hiểu “truyền thống của dân tộc ta không phải chỉ là đánh giặc, còn có nhiều truyền thống tốt đẹp khác nữa, trong đó có truyền thống yêu nghệ thuật, yêu những cái làm cho cuộc sống thú vị, phong phú hơn” [38, 242].

Những thú thưởng trà, ngâm thơ, gẩy đàn, chơi hoa, uống rượu hết sức công phu, cầu kì của các bậc tiền bối được nhà văn miêu tả tỉ mỉ trong tập truyện. “Tập truyện này đã cho ta thấy vài đặc tính của người Việt Nam trong thời chưa chịu ảnh hưởng những cái mới do Tây phương đem lại. Trong những truyện Những chiếc ấm đất, Thả thơ, Đánh thơ, Hương cuội, Chén trà trong sương sớm, Một cảnh thu muộn, ta thấy những gì? thấy sự thích yên ổn, ưa nhàn hạ của người Việt Nam, thấy cái sống về đường tinh thần thanh đạm

và đầy tin tưởng ở thần quyền của một dân tộc đã chịu ảnh hưởng rất sâu Khổng giáo và Lão giáo” [45, 430].

Và qua những thú tiêu khiển tao nhã của các bậc tiền bối, ta còn thấy hiện lên một kiểu sống “cao điệu, thanh lãng”, nhân cách cao đẹp của những nhà nho kiểu mẫu. Họ “đã tới cái tuổi được hoàn toàn nhàn rỗi để dưỡng lấy tính tình”, cuộc sống phẳng lặng, an nhàn, sống là để hưởng những thú phong lưu thanh đạm mà họ cảm thấy như đang mất dần và một đi không trở lại. Những con người ấy có cốt cách lịch lãm, biết quan tâm tới cái đẹp, ứng xử tinh tế với hoa thơm cỏ quý và sống trọng kẻ ăn mày. Họ không vì diện mạo bên ngoài mà quan tâm tới cốt cách của con người.

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w