Chia sẻ tâm sự của những nho sinh “nổi loạn”

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 73 - 79)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.3.Chia sẻ tâm sự của những nho sinh “nổi loạn”

Là một cây bút cựu học, nhà nho Ngô Tất Tố đã từng chứng kiến bức tranh vừa bi thảm vừa khôi hài của chế độ giáo dục và khoa cử mục nát dưới triều Nguyễn. Trong khi thời thế đã thay đổi mà triều đình vẫn duy trì cái học kinh viện, giáo điều và một chính sách tuyển chọn hiền tài rất lạc hậu. Trong số những sĩ tử là nạn nhân của kiếp lều chõng, có những nhân vật “nổi loạn”, không chấp nhận cái hệ thống giáo dục, khoa cử lỗi thời và tìm cách thoát ra khỏi những ràng buộc và hệ lụy của chế độ phong kiến. Viết Lều chõng

Trong rừng nho, nhà văn đã nhập thân vào nhân vật để chia sẻ tâm sự của những nho sinh “nổi loạn”.

Trong Lều chõng, Vân Hạc không chỉ tài hoa, có tư chất thông minh mà còn là người có tư tưởng tiến bộ, lối sống phóng túng khác thường. Khi đến nhà Khắc Mẫn chơi, nhìn bọn trẻ con “tay quẹt ngang lỗ mũi chưa sạch” đã phải học những bài thơ trong “Ấu học ngũ ngôn thi”:

Thiên tử trọng hiền hào Văn chương giáo nhĩ tào

Vạn ban giai hạ phẩm Duy hữu độc thư cao

Dịch nghĩa: Nhà vua trọng người có đức có tài, Việc giáo dục con người đều từ văn chương. Muôn nghề đều thấp kém

Chỉ có đọc sách là cao quý [68, 37-38].

Anh nghĩ: “Không hiểu vì sao người ta lại cứ bắt tội trẻ con phải học những sách quái gở? Những đứa độ tám, chín tuổi, mới vỡ lòng được vài bốn tháng còn biết đời “hỗn mang” là cái gì, kẻ “hiền hào” là người thế nào, vậy mà chúng nó cứ phải học cho thuộc lòng, thật là một sự khổ cho con trẻ” [68, 38]. Phản đối lối học nhồi sọ, giáo điều, anh còn ghét cách viết văn sáo rỗng, vô nghĩa theo kiểu cổ nhân để “làm đẹp câu văn” của Khắc Mẫn. Gửi thư mời bạn đến chơi giữa tiết hạ chí mà Khắc Mẫn viết “thấy một giò lan bạch ngọc mới nở... Tôi đương quét lối hoa rụng đợi anh”. Anh đã nói với bạn: “Nhưng tôi không thích kiểu đó. Nếu anh còn chơi với tôi thì phải chừa lối văn sáo bã ấy đi”.

Vân Hạc học giỏi, chữ đẹp “nét sắc như cắt và tươi như hoa”. Anh cũng tự nhận thức được điều đó và tỏ ra kiêu ngạo. Anh đã nói với bạn: “Nếu tao mà hỏng, thì quan trường tất nhiên là những thằng mù”, “có đỗ thủ khoa thì tôi đỗ chơi cho hay, chứ đỗ Á nguyên còn thú gì nữa”. So với những nho sinh cùng trang lứa, Vân Hạc có những cách nghĩ táo bạo, vượt ra ngoài khuôn phép của lối học “tầm chương trích cú”, như lời thầy học của anh nhận xét: “Văn chương anh ta tuy cũng khá đấy, nhưng phải cái tật rất lớn là có nhiều đoạn rắc rối bướng bỉnh, không chịu theo đúng khuôn phép. Đó là một điều tối kỵ trong các lối văn cử nghiệp, nhất là thể văn tứ lục” [68, 67]. Khi nhìn “tập phóng” anh viết cho học trò bắt chước viết theo, Khắc Mẫn cũng nói: “Văn hay chữ tốt như anh, thế mà thi cứ hỏng mãi, có lẽ chỉ tại cái tội láo quá. Nếu anh chừa được cái láo, tôi chắc là sẽ đỗ ngay” [68, 40].

Anh cũng không ham khoa cử mà vì chiều lòng vợ, bao phen khăn gói lều chõng lên đường ứng thí. Vào kì Đệ nhị (thi Hương), mưa to, gió lớn, sấm sét ù ù, rét như cắt da cắt thịt, Vân Hạc phải chịu biết bao nhiêu khổ cực: “Vân Hạc cũng như hết thảy mọi người tuy ngồi trên chõng vẫn không khác gì ngồi dưới đáy ao, đít áo, đũng quần, nước bùn thấm vào bê bết. Gió bấc như có thù riêng luôn luôn quạt cho giọt mưa hắt vào các khe lều. Vì sợ nước bắn vào quyển thi sẽ bị tỳ ố, chàng phải quay lưng ra phía ngọn gió để lưng làm cái bình phong chắn cho hạt nước tàn ác khỏi bay vào đến quyển văn. Nhưng cái lưng chàng không phải là vật kỵ gió, kỵ mưa, nước mưa theo gió hắt vào, nó đã thấm qua mấy lần áo bông, áo kép, lọt tới da thịt. Cái nước lúc ấy mới độc làm sao, nó vào đến đâu, chàng thấy ở đấy cứ buốt thon thót như bị tên độc bắn phải; miệng thít tha, tay run lẩy bẩy, chàng không thể nào cầm bút mà viết...” [68, 141]. Nghĩ đến cảnh thi cử mưa gió khổ cực thế này, Vân Hạc đã nguyền rủa: “Thà bỏ mẹ nó mà ra cho rảnh. Thi với cử thế này thật là nhục hơn con chó. Dù có đỗ đến ông gì, làm đến ông gì, cũng không bõ công” [68, 141]. Ngao ngán cho thi cử nhưng chàng nghĩ “nếu mình không đỗ, thật là một kẻ đại tội với gia đình” nên càng quyết tâm học hành và lại tiếp tục đi thi. Chàng phải vất vả trèo đèo lội suối hết một tháng mười ngày mới vào Huế để dự thi đình. Nhưng rốt cục trở về với hai bàn tay trắng, suýt bị tù tội vì phạm húy. Anh đã nhận ra cái phù phiếm, vô nghĩa của con đường cử nghiệp, thích sống một cuộc đời tự do, phóng túng như ước mơ của cụ Nguyễn Công Trứ “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Tuy mức độ “nổi loạn” của Vân Hạc chỉ mới dừng lại ở trong ý nghĩ và lời nói nhưng giữa những kẻ chỉ biết sống yên phận và cúi đầu phục tùng, anh là một con người thức tỉnh, bướng bỉnh, ngông ngạo, muốn bứt phá để thoát khỏi những “xiềng xích của văn chương cử nghiệp” (Ngô Tất Tố). Đặt bên cạnh những nho sinh Khắc Mẫn, Đốc Cung, Đoàn Bằng, Tiêm Hồng hay Đức Chinh, hình tượng nhân vật Vân

Hạc nổi bật hơn hẳn. “Ở Đào Vân Hạc như cô đúc tập trung mọi nét tài hoa mà những người xuất thân chốn cửa Khổng sân Trình thường ngấm ngầm tự hào. Sự khuôn phép của thi cử được miêu tả trong Lều chõng như một cái gì cực kì vô lý. Song dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, nhân vật Đào Vân Hạc vẫn phóng túng trong ăn nói, cư xử, vẫn đùa rỡn hồn nhiên với đám cô đầu Hà Nội, nói chung là vẫn thanh thoát tự do trong cách sống” [23, 177].

Cũng là nạn nhân của chế độ khoa cử nhưng Hồ Xuân Hương trong tiểu thuyết dã sử Trong rừng nho lại có cá tính mạnh mẽ hơn Đào Vân Hạc. Vốn được sinh ra trong một gia đình dòng dõi “trâm anh thế phiệt” ở làng Quỳnh Đôi, lại thông minh,có chí hơn người, có tài thơ văn “không kém nàng Ban ả Tạ”, Hồ Xuân Hương đã mười năm đèn sách, quyết chí sôi kinh nấu sử giật lấy miếng “ông đồ ông cống cho thiên hạ biết tay và để họ khỏi khinh đàn bà con gái”. Nàng cải trang thành nam nhi, đổi tên họ và nộp quyển dự thi. Trước mặt mọi người là một “chàng” thư sinh có “bộ mặt tuấn tú cố chọi vẻ kiều diễm với ánh nắng buổi mai. Đôi mắt long lanh như muốn hút cả sơn hà thành quách” [67, 14]. Nhưng bọn lính thể sát đã phát hiện ra nàng chỉ vì “cái ngực sao lại nở nang mẩy lớn, hơi khác với ngực người thường” và nàng bị tống giam. May nhờ một người quen, nàng được thả về. Nàng muốn được thi thố với cánh đàn ông, muốn thể hiện cái quyền bình đẳng của mình nhưng chế độ khoa cử phong kiến đã không chấp nhận nàng. Sau khi được thả về, nàng càng bực tức. Nàng nghĩ: “Ô hay! Thánh hiền vua chúa thù gì đàn bà con gái mà lại không cho người ta đi thi? Nếu không gặp được ông Tổng đốc Hà Nội là bạn cha ta, và những ông ngự sử, chủ khảo là học trò ông ta, thì cái tội “cải trang ứng thí” có lẽ phải đến xử tử. Cứ tình thế này, đàn bà con gái không còn kiếp nào mở mặt lên được. Đời đã chó má như vậy, thân thế của ta sau này sẽ đi ra con đường nào?” [67, 21].

Cái ý nghĩ chua chát của nàng phản ánh cái bất công của xã hội trọng nam khinh nữ cấm con gái thi cử của chế độ phong kiến. Các chương tiếp

theo của tiểu thuyết là chuỗi hành động công phá vào thành lũy nho giáo, đả kích những ông nghè, ông cống dốt nát và đạo đức giả, dùng sức mạnh của thơ văn chế giễu bọn nho sinh dốt nát lại hay chơi chữ, chế nhạo nhà sư đi tu lại còn ghẹo gái của Hồ Xuân Hương. Thơ văn của nàng khiến bọn chúng khiếp sợ, làm cho nàng nổi tiếng nhưng cũng phải chịu tiếng xấu của dư luận: “chua ngoa đĩ lộng và lộn chồng”. Nàng luôn khát khao gặp được người “tâm đầu ý hợp” và “cùng họ hưởng cái phúc tiêu dao ngâm vịnh như những đôi giai nhân tài tử ngày xưa...” và nữ sĩ đã gặp Đờm Thận Trung, một nhà nho “khoáng đạt, hào hoa, không câu nệ giả dối như những ông nho khác”. Họ cùng nhau đàm đạo thơ văn, sẻ chia tâm sự và ngoạn cảnh khắp nơi. Nàng bất chấp dư luận xã hội, công khai sống với người yêu là Đờm Thận Trung, một người luôn trân trọng và cảm thông với nàng.

Với tiểu thuyết Trong rừng nho, Ngô Tất Tố đã tái hiện sinh động những tư tưởng mới lạ cùng chuỗi hành động “nổi loạn” của nữ sĩ họ Hồ đối với cái bản chất lạc hậu của nho giáo và những nhà nho giả hiệu “chỉ làm nhục nhà nho”. Với một cá tính độc đáo, đầy bản lĩnh, Hồ Xuân Hương đã tuyên chiến quyết liệt vào cái hủ bại của Nho giáo, vạch trần những thói hư tật xấu của bọn nhà nho giả hiệu. Nàng dám gửi một bài văn dài đến trường học cụ nghè Hoàng, vạch trần cái thói đặt điều vu chuyện của lão (vu cho nàng cái tiếng ái nam). Rồi cũng chính nàng cải trang nam nhi đến chơi xỏ nghè Hoàng, vạch trần thói đạo đức giả của hắn. Khi Xuân Hương đóng vai một nho sinh “hỏng ngay từ kỳ Đệ nhị, nghe tiếng cụ đến xin “chỉ đường dẫn lối”. Cụ nghè mới giảng: “Làm người học trò, ai ai cũng mong thi đỗ, nhưng theo ý ta, đỗ hay không đỗ, cái đó chưa quan hệ lắm. Cần nhất phải giữ cho phẩm hạnh đoan chính cái đã, Nếu như phẩm hạnh không ra gì, thì càng đỗ to bao nhiêu, lại càng làm hại dân nước bấy nhiêu. Vương An Thạch, Lã Di Đản đều đỗ trạng nguyên cả đấy, thế mà chỉ vì phẩm hạnh bất chính, làm càn làm bậy, muôn đời mang tiếng là kẻ gian thần, các thầy đọc sử, chắc cũng biết cả” [67, 164].

Khi đang nói chuyện với Xuân Hương và Thận Trung về cách lập thân xử thế thì anh nhà bếp chạy vào báo có “con mẹ hàng gà nó vẫn ngồi ở nhà dưới”. Hắn nói thêm: “Bẩm cụ con gà hôm nọ cụ sai con đem dốt vào chuồng, bây giờ thả ra, nó nhận là gà của nó” [67, 168]. Xuân Hương “ngứa miệng”, bảo tên nhà bếp: “Anh không cần cãi vã với kẻ tiểu nhân vô lễ làm gì, cứ bắt mụ ấy đem con gà ấy thả ra ngoài cổng, hễ nó chạy về nhà kia thì là gà của nhà kia, mà nếu nó lại chạy về nhà này, thì là gà của nhà này” [67, 169]. Quả nhiên khi thả gà ra cổng, “nó đã chạy tọt vào nhà con mụ hàng gà”. Một ông nghè luôn dạy trò phải giữ gìn phẩm hạnh, phải “chính tâm thành ý” như thế mà lại là kẻ lừa trộm gà hàng xóm. Hồ Xuân Hương đã cho hắn một bài học nhớ đời! Đọc cuốn tiểu thuyết Trong rừng nho, nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng độc giả chính là nữ sĩ Hồ Xuân Hương. “Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo của Việt Nam và, có lẽ, của cả thế giới. Độc đáo đến mức có lúc, có người coi đó là một ngoại lệ. Một hạt giống lạ do loài chim từ phương trời nào ngậm bay qua lỡ đánh rơi xuống mảnh đất này. Trước, cùng và cả sau người nữ sĩ ấy, dòng văn chương Việt hẳn khó còn một ai như thế” [65, 17].

Trong rừng nho, ta thấy nhà văn không chỉ đồng cảm với những hành động “nổi loạn” của Hồ Xuân Hương mà còn chia sẻ tâm sự của những nhà nho chân chính như Đờm Thận Trung, cụ chiêu Tám, đặc biệt cụ chiêu Bảy, người luôn cảm thông với Hồ Xuân Hương, căm ghét và không ngần ngại lên án thói đạo đức giả của bọn hủ nho như nghè Hoàng, nghè Đặng. Kết thúc tác phẩm là lời mắng của hai ông Chiêu vào mặt hai cụ Nghè: “Các anh chỉ làm nhục nhà nho”. Đây cũng là một chủ đề mà Ngô Tất Tố muốn thể hiện trong tiểu thuyết.

Cũng như tiểu thuyết phóng sự Lều chõng, Trong rừng nho viết về văn hóa khoa cử bằng một ngòi bút châm biếm sắc sảo của một nhà văn có vốn

hiểu biết sâu sắc về Nho học. Xét từ góc độ tiếp cận “nhìn văn hóa khoa cử như một hệ thống lỗi thời”, Ngô Tất Tố dễ dàng chia sẻ, tán đồng với tâm sự của những nho sinh “nổi loạn”. Mức độ nổi loạn của các nhân vật khác nhau, có thể trong ý nghĩ, trong lời nói hoặc trong hành động nhưng họ đều là những nhân vật tài hoa, phóng túng, có tư tưởng tiến bộ khác hẳn đám hủ nho trí thức đương thời. Họ vẫy vùng muốn thoát khỏi những ràng buộc của luật lệ phong kiến để đấu tranh cho lẽ phải, bảo vệ chính kiến của mình.

Một phần của tài liệu Văn hóa khoa cử thời trung đại qua một số tác phẩm văn xuôi tự sự việt nam giai đoạn 1930 1945 (Trang 73 - 79)